Trả lại tiền xã hội hóa, Hiệu trưởng Tiểu học Vĩnh Phong 4 chỉ mắc lỗi văn bản?
Hiệu trưởng lập tờ trình căn cứ trên công văn đã hết hiệu lực để trình ủy ban ký nhằm thu tiền “ xã hội hóa giáo dục” trái quy định chỉ sai về thể thức văn bản?
Trường trả lại tiền “ xã hội hóa giáo dục” thu trái quy định
Ngày 07/9, Trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) có cuộc họp với đại diện các cơ quan chức năng và giáo viên.
Cuộc họp đề cập đến vấn đề huy động nguồn “xã hội hóa giáo dục năm học 2019-2020″.
Liên quan đến vụ việc, ngày 15/08, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đề cập vấn đề Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 đã dùng văn bản hết hiệu lực trình Ủy ban thông qua việc thu tiền phụ huynh.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 nói văn bản này chỉ sai về mặt thể thức. (Ảnh: H.L)
Cụ thể, ngày 12/08, cô Trịnh Ngọc Thùy Mai – Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Phong 4 đã lập tờ trình số 03/TTr-THVP4 trình Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Phong về việc huy động nguồn “xã hội hóa giáo dục năm học 2019-2020″.
Để lập tờ trình xin huy động nguồn xã hội hóa giáo dục năm học 2019-2020, cô Trịnh Ngọc Thùy Mai đã căn cứ vào 03 cơ sở pháp lý, gồm: “Căn cứ Điều lệ trường Tiểu học; Căn cứ công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sử dụng, quản lý các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục- đào tạo”.
“Căn cứ các hội nghị họp Ban chi ủy, Hội đồng nhà trường, hội nghị họp phụ huynh các lớp đầu năm học 2019-2020″, tờ trình thể hiện rõ.
Video đang HOT
Nội dung của tờ trình đề nghị, xin phép Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Phong cho chủ trương để nhà trường được huy động từ cha mẹ học sinh 120 ngàn đồng/học sinh lấy kinh phí làm mái che.
Cô Thùy Mai có đề nghị, giảm (không thu) đối với học sinh nghèo, cận nghèo.
Riêng các gia đình có 3 con theo học tại trường thì chỉ phải thực hiện đóng góp 1 em.
Tờ trình số 03/ TTr-THVP4 ngày 12/08/2019 đã được Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Phong phê duyệt và cho phép thực hiện.
Toàn bộ tờ trình được cung cấp rộng rãi đến toàn trường và được giáo viên chủ nhiệm thực hiện thu ngay.
Tuy nhiên, cô Thùy Mai dựa trên công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lập tờ trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo bãi bỏ kể từ ngày 27/10/2017.
Chưa từng tổ chức cuộc họp đầu năm nhưng vẫn biết nhận được sự đồng tình?
Theo phản ánh của giáo viên nhà trường, căn cứ pháp lý được hiệu trưởng Thùy Mai trích dẫn để trình như : “Căn cứ các hội nghị họp Ban chi ủy, Hội đồng nhà trường” hoàn toàn không đúng vì trong thực tế, nhà trường chưa hề có các cuộc họp như đã dẫn làm căn cứ nói trên.
Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh thông tin về việc làm nói trên của Hiệu trưởng trường tiểu học Vĩnh Phong 4, các tổ chức có liên quan của địa phương đã xác nhận vấn đề và cho biết sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý.
Nhưng, trong diễn biến mới nhất tại phiên họp ngày 07/09/2019, cô Thùy Mai – Hiệu trưởng nhà trường đã khẳng định trong cuộc họp:
Bà Thùy Mai nói: “Nếu thu từ học sinh không đủ thì vận động trong tập thể giáo viên và xin mạnh thường quân”.”Ban đại diện cha mẹ học sinh họp, tính thu mỗi em 100 ngàn đồng, nhưng sau khi tính toán phải trừ những gia đình em nghèo, cận nghèo hoặc gia đình có 2 đến 3 em học chung một trường chỉ thu 1 em thì không đủ đâu vào đâu. Ban đại diện đã bàn bạc và thống nhất chung là 120 ngàn/học sinh.”
Để chứng minh việc làm của mình có sự đồng thuận của tập thể giáo viên nhà trường, hiệu trưởng Thùy Mai cho biết thêm: “Thậm chí, trong phiên họp hội đồng, giáo viên cho là các mảng đóng góp khác của học sinh không đủ xài nên xin tui cho thu thêm nữa” .
Cô Thùy Mai phân tích: “Thu như vậy là được phụ huynh học sinh đồng tình cao, không có ai phản ứng gì hết vì làm mái che là làm cho cái chung”.
Đối với vấn đề lập tờ trình số 03/TTr-THVP4 để trình Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phong về việc huy động nguồn “xã hội hóa giáo dục năm học 2019-2020″, hiệu trưởng Thùy Mai cho rằng: “Tôi nhận đây là tôi sai về thể thức văn bản, còn việc chỉ đạo trả lại tiền là chỉ đạo của cấp trên”.
Mặc dù sự việc đã quá rõ ràng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm nên đã tạo ra nhiều sự bức xúc ngay trong nội bộ lãnh đạo nhà trường.
Cách phát ngôn của cô Thùy Mai trong buổi họp ngày 07/9 đã khiến nhiều giáo viên tỏ ra bất bình.
Hưng Long
Theo giaoduc.net
Phân hóa giàu nghèo len vào trường công lập
Truyền thông đưa tin TP.HCM có 35 trường học công lập thực hiện mô hình "trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế", học phí của các trường này được thu đến 1,5 triệu đồng/tháng.
Ảnh minh họa
Tại Hà Nội, ngoài các trường công lập hoạt động theo mô hình "chất lượng cao" từ vài năm nay với học phí 3-4 triệu đồng/tháng sẽ có một trường THPT thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - chứng chỉ A Level; học phí gồm học phí của chương trình THPT quốc gia Việt Nam và 7,5 triệu đồng/tháng/học sinh của chương trình Anh quốc.
Xem vậy, sự phân hóa giàu nghèo đã tác động vào hệ thống giáo dục công lập.
Trong khi Luật Giáo dục ghi rõ: "Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập... Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục" (Điều 10).
Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên ngoài sự đầu tư của Nhà nước còn khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để huy động sự đóng góp của mọi tầng lớp xã hội vào việc mở mang hệ thống trường lớp, nhất là các trường ngoài công lập. Và thời gian qua, phải ghi nhận các mô hình hoạt động giáo dục trên cả nước ngày càng phong phú và khởi sắc. Nhưng kèm theo đó, các nhà giáo dục cũng bày tỏ lo ngại nguyên tắc bình đẳng về cơ hội học tập trong nhà trường công lập đang bị đe dọa. Những mô hình trường "tiên tiến", "chất lượng cao" thực chất là lấy các cơ sở công lập tốt được xây dựng từ thuế của dân để phục vụ cho một số ít con em các gia đình khá giả, đồng thời đẩy con em các gia đình không có điều kiện vào những nơi cơ sở không tốt bằng, phải học trong những lớp đông đúc với phương tiện thiếu thốn hơn.
Vấn đề đặt ra là các mô hình nói trên không hướng đến phục vụ cho số đông học sinh mà chỉ cho một bộ phận con em giàu có. Như vậy, chúng ta đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng về cơ hội học tập, đồng thời không loại trừ là mảnh đất để phục vụ cho các nhóm lợi ích. Các nhà giáo dục khuyến nghị việc phát triển các trường như vậy nên để hệ thống giáo dục ngoài công lập đảm nhiệm.
Xin trích ý kiến của GS Ngô Bảo Châu trả lời trên truyền thông để kết thúc bài viết này: Trong hệ thống công lập, vai trò chính của Nhà nước là dựa trên tiền thuế của dân để đảm bảo cho tất cả trẻ em có được cơ hội học hành tương đương nhau. Nếu lấy tiêu chuẩn thu nhập cao của cha mẹ để làm ra trường "chất lượng cao" là đi ngược lại nhiệm vụ cơ bản đã được nêu ở trên.
TỪ NGUYÊN THẠCH
Theo PLO
Sốc với những chiêu trò 'dạy chui' của Đại học Đông Đô Đại học Đông Đô - một trong những trường ĐH ngoài công lập đầu tiên được thành lập theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, trường này đã vướng đủ các loại bê bối về đào tạo "chui' văn bằng 2. LINH ANH - ĐỖ HỢP Theo Tiền phong