TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội: Mong được đi cắt tóc, cạo râu…
Những câu chuyện bi hài, cười ra nước mắt khi người trẻ nghĩ tới việc tiếp tục phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 thêm 14 ngày.
Nhiều người than tóc, râu mọc dài nhưng không thể đến tiệm hớt tóc, cạo râu . Ảnh P.X
Thay vì kết thúc giãn cách xã hội vào 0 giờ ngày 15.6, TP.HCM tiếp tục giãn cách 2 tuần cho đến 0 giờ ngày 30.6.
Rầu rĩ, buồn bã vì dịch…
Dù ủng hộ quyết định này, thế nhưng Lê Trần Vũ, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ‘nói mà như mếu: “Không biết khi nào mới đi cắt tóc được. Tóc đã dài lắm rồi. Mấy nay trời nóng nực nữa. Rất là khó chịu”.
Vũ kể dù muốn về quê nhưng cũng không thể. Bởi lẽ Vũ quê ở Đà Nẵng, là địa phương có quyết định cách ly tập trung 21 ngày toàn bộ người về từ TP.HCM. “Mong sao dịch bệnh sớp chấm dứt, để cuộc sống trở lại như trước. Mà nhất là được… đi cắt tóc”, Vũ buồn bã nói.
Nhiều cơ sở kinh doanh tiếp tục phải đóng cửa
Chuyện của Vũ không ngoại lệ. Khi có nhiều người trẻ lên mạng ta thán việc râu đã dài, tóc đã bờm xờm nhưng chẳng biết phải làm sao. “Râu thì tự cạo được. Nhưng tóc không thể tự hết. Mà đang dịch giã, quán nào cũng nghỉ hết. Chắc chắn sau giãn cách xã hội thì việc đầu tiên mà mình làm sẽ là ra tiệm cắt tóc”, Lê Thành Danh (công nhân cơ sở nước uống đóng chai trên đường Dương Đình Cúc, H.Bình Chánh), cho biết.
Ngoài chuyện tóc, người trẻ còn rầu rĩ trước việc TP.HCM phải tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 trong 14 ngày nữa. Theo đó, họ cho biết đã nửa tháng thòm thèm cảm giác lê la quán xá, uống một ly cà phê, nghe nhạc… Nhưng bây giờ phải tiếp tục trì hoãn ước mơ đơn giản đó.
“Uống cà phê, ngồi tán gẫu với bạn bè ngay tại quán thú vị hơn nhiều so với việc mua mang đi hay tự chế uống ở nhà. Đành đợi thêm ít nhất 14 ngày nữa”, Lê Trung Dũng, nhân viên công ty du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, kể với giọng rầu rầu.
Nhiều người trẻ khác những tưởng lệnh giãn cách xã hội sẽ được gỡ bỏ sau 0 giờ ngày 15.6 nên lập những kế hoạch: rủ nhau đi ăn, cùng nhau đi uống trà sữa… “Nhưng giờ thì bao nhiêu cái hẹn tiếp tục phải… hẹn tiếp. Mong là được nhanh chóng thực hiện những lời hẹn ấy với bạn bè”, Lê Thị Phương Dung (26 tuổi, nhà ở đường Bình Long, Q.Bình Tân), chia sẻ.
Việc TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội, đồng nghĩa những dịch vụ không thiết yếu, trong đó có các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà, phải tạm dừng hoạt động. Điều này khiến những tín đồ của gym, fitness, yoga…) cảm thấy buồn. “Lúc trước, đều đặn hàng ngày, sau giờ làm là mình đi tập gym. Nửa tháng nay, phòng tập ngừng hoạt động, dù tự tập ở nhà nhưng không thể bằng việc có người hướng dẫn, nên cơ nhão nhoẹt. Mong lắm ngày phòng gym được mở trở lại”, Huỳnh Hoài Phong (32 tuổi, nhà ở đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú), nói.
Ngán ngẩm với… ‘đắp mộ cuộc tình’
Với những người khởi sự kinh doanh, dù cho biết rất đồng tình với việc TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội. Thế nhưng họ cũng không giấu được những buồn lo.
Sáng 14.6, chị Phan Phương Phương (30 tuổi, ở đường số 5, Q.Bình Tân) đến Spa để dọn dẹp, sửa soạn với hy vọng ngày mai (15.6) sẽ được mở quán kinh doanh lại. “Nhưng đến trưa thì biết thông tin thành phố chưa gỡ bỏ giãn cách xã hội nên hơi buồn. Và mình phải viết bảng thông báo tiếp tục nghỉ”, Phương nói.
Cũng theo Phương, việc kinh doanh đình trệ khiến cuộc sống chao đảo. “Mỗi tháng mình phải bù lỗ hơn 15 triệu đồng để lo chi phí tiền thuê mặt bằng và trả lương nhằm giữ nhân viên”, Phương nói.
Karaoke tại gia khiến nhiều người ta thán, ngán ngẩm
Tình cảnh của Phương cũng là nỗi niềm chung của những người trẻ đang kinh doanh. Họ cảm thấy điêu đứng khi công việc kinh doanh thoi thóp và chưa biết đến khi nào mới trở lại bình thường. Anh Đỗ Đức Mạnh (chủ tiệm internet trên đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Bình Tân), nói: “Sáng nay tôi cũng đến lau chùi máy móc vì cứ tưởng ngày mai được mở lại quán. Đâu ngờ lại tiếp tục giãn cách xã hội phải đóng cửa thêm 14 ngày. Mong dịch Covid-19 mau được kiểm soát để kinh doanh lại bình thường”.
Trong khi đó, có người lại tỏ ra ngán ngẩm khi trong 14 ngày tới có thể sẽ lại phải tiếp tục chịu đựng việc bị tra tấn bởi nạn karaoke tại gia.
Trần Thị Thùy Mai (27 tuổi, nhân viên PR một công ty trên đường Âu Cơ, Q.Tân Bình) cho biết từ khi TP.HCM giãn cách xã hội đã phải làm việc trực tuyến. “Nhưng bằng đó thời gian, ngày nào tôi cũng mất tập trung vì không thể làm việc được bởi nhà bên cạnh cứ hát hò. Sáng cũng hát mà chiều cũng hát. Nghĩ tới 14 ngày tới có thể sẽ tiếp tục chịu đựng nghe họ hát mà thấy… mệt mỏi vô cùng”, chị Mai than vãn.
TP.HCM giãn cách chống dịch Covid-19: Karaoke xóm 'đắp mộ cuộc tình, đắp suốt mấy ngày mộ chưa xong'
TP.HCM đang giãn cách xã hội, nhiều người ở nhà phòng dịch Covid-19 nhức đầu vì karaoke xóm. Hát không hay, mở loa to inh ỏi suốt cả ngày như tra tấn hàng xóm nhưng không phải ai cũng dám góp ý vì sợ đụng chạm.
Karaoke xóm là nỗi ám ảnh của nhiều người . ẢNH MINH HỌA: NGỌC DƯƠNG
Hạn chế đi lại, làm việc tại nhà trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 cũng là lúc nhiều hộ gia đình bị tra tấn bởi tiếng karaoke xóm văng vẳng bên tai. Từ sáng đến tối chỉ "Đắp mộ cuộc tình", "Lâu đài tình ái", rồi ca cổ lặp đi lặp lại khiến nhiều người ức chế phải thốt lên: "Đắp có ngôi mộ mà suốt mấy ngày cũng chưa xong".
Bản tin Covid-19 ngày 8.6: Nỗi lo bùng dịch vùng giáp ranh TP.HCM
"Hát dở mà hát hoài"
Chuyển đến chung cư tái định cư tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) chưa lâu, nhưng chị gia đình chị Hoa Xuân (35 tuổi) nói cảm thấy sợ hãi trước tiếng karaoke của hàng xóm. Chị kể, chung cư chỉ có hơn 30 hộ nhưng 2 hộ liên tục hát hò, trở thành nỗi ám ảnh của những nhà xung quanh.
"Thông thường cứ tối là hàng xóm mở karaoke hát, giọng phô, lệch tông nhưng cứ hát choe chóe, từ người già đến con nít cứ vậy thay phiên nhau hát đủ thể loại nhạc. Hát đến 22 giờ chưa nghỉ, hàng xóm nhắn lên nhóm chung cư, họ chỉ xem không nói gì. Nhờ đại diện ban quản trị nhắc nhở thì họ nói vừa mới mở. Trẻ con không ngủ được, người lớn cũng không được phút nghỉ ngơi sau cả ngày đi làm", chị Xuân bức xúc.
Dù cảm thấy phiền phức, đau đầu nhưng không phải ai cũng sẵn sàng góp ý hàng xóm vì karaoke . ẢNH: TN
Nhưng đó mới chỉ là ngày thường, vào dịp cuối tuần, hàng xóm của chị lên nhạc từ trưa. Vẫn là "Đắp mộ cuộc tình", "Thà rằng như thế" cho đến những bài nhạc trẻ đang thịnh hành, chuyển sang ca cổ rồi quay lại nhạc vàng...
Chị Xuân thở dài: "Được hàng xóm góp ý, họ đóng cửa vào hát, nhưng chung cư cách âm không tốt nên đóng cửa cũng không khác gì với mở cửa. Tiếng hát cứ như đấm ở bên tai. Hát dở mà hát hoài. Gia đình có nhiều người "phức tạp" nên hàng xóm không ai muốn gây gổ, đành chịu!".
Tương tự, anh Hưng Duy (30 tuổi) thuê nhà trọ gần đó cũng cho biết, không chỉ khi giãn cách xã hội mà trước đó, hàng xóm anh cũng hát karaoke liên tục. "Giờ ai cũng xài điện thoại kết nối wifi, sắm thêm loa kẹo kéo và chiếc mic là thành ca sĩ tại gia hết. Có lúc hai ba nhà cùng hát, nhà ai thì người đó nghe, còn hàng xóm nghe âm thanh hỗn tạp luôn. Cũng có khi nhà này hát vừa tắt thì nhà khác lại mở hát tiếp như chạy tiếp sức, chỉ khổ hàng xóm", anh Duy chia sẻ.
Sáng 9.6: Thêm 64 ca Covid-19 tại 5 tỉnh, thành phố
Ngại góp ý, sợ đụng chạm
Anh T.L (ngụ H.Nhà Bè) cho hay, anh từng qua nói chuyện thẳng thắn với hàng xóm về chuyện hát karaoke ồn ào, ảnh hưởng tới hàng xóm nhưng đâu cũng vào đó. Anh phải báo công an khu vực đến làm việc, hàng xóm lập tức tắt máy, nghỉ hết 2 ngày.
Karaoke vào từng ngõ hẻm . ẢNH: NGỌC THẮNG
"Có lẽ vì đam mê, sau đó hàng xóm tiếp tục hát, mà mỗi lần hát thì cứ phải mở loa hết công suất, phải hát như một liveshow dài mấy tiếng đồng hồ. Tôi lại báo công an xuống, lần đó hàng xóm vẫn bị công an nhắc, nhưng cả xóm tôi không bị karaoke tra tấn nữa", anh nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thẳng thắn sang góp ý hàng xóm như anh L.. Trên mạng xã hội, nhiều người vẫn than phiền về karaoke xóm, nhất là trong những ngày giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường. Dân mạng ví đây như một cách thức tra tấn của những người nhà bên, nhưng ngại góp ý vì lo sẽ đụng chạm tay chân, hoặc nhẹ thì hàng xóm cũng ngại nhìn mặt nhau lần sau.
Gần đây có một số vụ gây thương tích do góp ý hàng xóm hát karaoke nên nhiều người càng ngại lên tiếng . ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Anh Nguyễn Văn Nguy (37 tuổi, ngụ H.Nhà Bè) kể, gần nhà anh có gia đình ngày nào cũng hát karaoke 4 - 5 tiếng. "Hàng xóm tôi về đến nhà là mở hát, vừa hát vừa nhâm nhi vài lon bia hay xị rượu. Nhìn thấy người ta ngà ngà vậy nên chẳng ai muốn góp ý làm gì, nhỡ có gì không kiểm soát được thì mệt thêm, nhưng đã có bia vào thì giọng lè nhè như hét vậy không chịu được", anh bộc bạch.
Hai bệnh viện nỗ lực cứu chữa chiến sĩ công an mắc Covid-19
Ông Phan Đình An (Chủ tịch UBND P.6, Q.Gò Vấp) cho biết, nhiều người dân ngại không nhắc nhở hàng xóm hát karaoke ồn ào vì ngại đụng chạm, xảy ra mâu thuẫn, mất lòng nhau.
Riêng tại P.6, ông An cho biết, đa số người dân hát karaoke ồn ào đều chấp hành khi có phường xuống nhắc nhở, người dân báo tin về hàng xóm hát karaoke ồn cũng được bảo mật thông tin cá nhân.
Theo ông An, người dân có thể phản ánh tiếng ồn như karaoke xóm qua tổng đài 1022, các thông tin sẽ được chuyển về địa phương xử lý nhanh chóng hoặc báo trực tiếp đến UBND, Công an phường.
Giãn cách xã hội thêm 2 tuần, TP.HCM có kiểm soát được dịch Covid-19 ? Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM nhấn mạnh 2 tuần giãn cách xã hội có kiểm soát được dịch Covid-19 hay không phụ thuộc vào mức độ lây lan của dịch bệnh và sự tuân thủ của người dân. Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM . ẢNH: SỸ ĐÔNG Tại buổi họp báo...