TP.HCM: Phó Hiệu trưởng “xin” con không đủ điểm về trường mình
Không đủ điểm nguyện vọng 1 trong kỳ thi vào lớp 10, Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TPHCM) nhưng một nữ sinh là con phó hiệu trưởng trường này vẫn có “suất” học tại đây với cách thức chuyển trường “bỏ thấp nhảy cao”.
Được biết, trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 TPHCM năm học 2018-2019, nữ sinh này có điểm thi tổng cộng là 27,5 điểm, rớt nguyện vọng (NV) 1 vào Trường THPT Hùng Vương. Nữ sinh này đủ điểm đậu NV2 vào Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10 và NV 3 vào Trường THPT Trần Hữu Trang, Q.5.
Trường THPT Hùnng Vương (quận 5, TPHCM).
Theo công bố điểm chuẩn năm học 2018-2019 của TPHCM thì điểm chuẩn NV1 vào Trường THPT Hùng Vương là 30 điểm.
Tuy nhiên, chỉ sau lễ khai giảng một thời gian, nữ sinh này đã trở thành học sinh Trường THPT Hùng Vương – nơi em đã thi trượt. Nữ sinh này cũng chính là con của phó hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương.
Đơn chuyển trường của em học sinh có xác nhận của nơi chuyển đi – chuyển đến.
Theo quy định của TPHCM, việc chuyển trường chỉ được thực hiện khi kết thúc học kỳ 1 của năm học hoặc thời gian hè trước khi khai giảng.
Trường hợp em nữ sinh này vừa thi lớp 10 xong, không đủ điểm vào trường nhưng ngay sau đó đã được chuyển trường là sai quy định.
“Tôi vì thương con mà quá nóng ruột”
Video đang HOT
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Vân Yên (bố của nữ sinh trên, hiện là hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương) xác nhận thông tin này, cho biết con mình trúng tuyển NV2 và học tại Trường THPT Nguyễn An Ninh.
Nhưng chỉ học một thời gian, sau đó ông đã xin cho con chuyển về trường THPT Hùng Vương, nơi ông đang công tác với lý do để thuận tiện đưa đón. Thời điểm đó, ông Yên là Phó hiệu trưởng nhà trường.
Ông Yên cho hay, dù bất cứ lý do, việc này là bản thân ông làm đã làm sai và ông xin nhận trách nhiệm.
Vợ ông làm trong ngành Công an, bộ phận tiếp dân đi làm suốt ngày. Nhà ông ở Bình Tân, đi làm khá xa, thường lịch làm việc của ông từ 6h30 sáng đến 8h tối. Ông mong muốn chuyển con về trường nơi mình công tác để tiện đưa đón, quản lý và quan tâm, giao tiếp với con nhiều hơn.
Con học ở trường, buổi trưa hai cha con ăn uống cùng nhau, chiều con đi học thêm rồi chờ bố đi làm xong việc thì cùng về.
“Cái này là do tôi quá nóng ruột muốn xin cho con chuyển về trường. Tôi sang gặp hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn An Ninh năn nỉ rất nhiều lần thì họ mới chấp nhận cho chuyển vì tình cảm”, ông Yên cho hay.
Theo ông Yên, ông làm sai quy định, ông nhận sai và xin chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, điều này ông áy náy nhất là việc làm sai, vì thương con mà có thể ảnh hưởng đến tâm lý con gái và những người đã giúp đỡ mình có thể bị liên lụy.
Sự việc hiện tại, ông Yên cho biết, ông chờ theo quyết định xử lý của Sở GD-ĐT TPHCM.
Theo dantri.com.vn
Chuyện chiếc điện thoại iPhone bị đánh cắp trong lớp học
Em là học sinh giỏi, từng là liên chi đội trưởng nhưng vì bố mẹ vừa li hôn, em sống với mẹ và bố dượng nên tâm lý chưa ổn định. Vì túng thiếu, em liều trộm điện thoại iPhone của bạn. Khi chuyện vỡ lở, em nhất quyết muốn chuyển trường vì sợ xấu hổ. Cô giáo chủ nhiệm đã đi chuộc chiếc điện thoại bị đánh cắp và cho em một cơ hội sửa sai...
Câu chuyện theo lời kể của một cô giáo trường THPT Yên Hòa, Hà Nội:
Trải qua mấy chục năm trong nghề với biết bao thăng hoa và cả những thăng trầm, với biết bao lớp học trò đến rồi lại đi. Nhưng có lẽ, câu chuyện về cô học trò bé nhỏ T.T. năm nào vẫn luôn là kỉ niệm khó quên trong sự nghiệp trồng người của tôi.
Nhớ lại, tôi vẫn rất ấn tượng vẻ bề ngoài tự tin và xinh tươi của em từ cái lần em giới thiệu về bản thân mình trước lớp. Em là một trong những học sinh khóa thứ hai tôi chủ nhiệm kể từ khi tôi bắt đầu bước chân vào nghề. Sau khi tìm hiểu thêm, tôi còn biết em là một học sinh khá nổi tiếng trong trường cấp 2, từng làm MC cho các chương trình văn nghệ, tham gia đóng các bộ phim ngắn trên truyền hình và còn múa rất đẹp.
Ngoài những năng khiếu đó, bảng thành tích học tập của em cũng rất xuất sắc. Cấp 2 em là liên đội trưởng của trường và có tiếng là một người học trò ngoan ngoãn, đa tài. Với những thành tích vượt trội như thế, em đã khiến tôi không thể không cân nhắc đưa vào đội ngũ cán bộ lớp.
Em là một học sinh giỏi, xinh tươi và tự tin (Ảnh minh hoạ)
Nhưng trong thời gian đó, tôi lại bắt đầu nghe các bạn trong lớp bàn tán một số thông tin không hay về em. Ban đầu tôi nghĩ rằng mình không nên nghe những tin đồn vô căn cứ ấy. Mặc dù nghĩ thế nhưng tôi vẫn thường xuyên âm thầm theo dõi em mỗi khi em tan trường. Và có một hôm, tôi bắt gặp em đứng nói chuyện với một số thanh niên lạ ngoài trường học. Dần dần lực học của em sa sút hẳn và đặc biệt là môn của tôi. Đó là một trong những điều khiến tôi lo lắng nhất. Tôi cũng đã thử gặp riêng để nói chuyện với em nhưng em luôn giải thích rằng: " Vừa chuyển cấp nên con chưa thích nghi kịp với chương trình mới và cách dạy mới." Vì thế tôi đã xin phép gặp phụ huynh để trao đổi về tình hình của em và tôi rất ngỡ ngàng khi biết rằng em có một hoàn cảnh kém may mắn hơn những người bạn khác. Bố mẹ em vừa li hôn nên em đang sống cùng mẹ và bố dượng. Chỉ vì quá thương em nên mẹ rất khắt khe và hay cấm đoán.
Đối với tâm lí của những đứa trẻ, chúng ta càng cấm đoán thì các em càng tò mò. Hơn nữa, ở lứa tuổi ẩm ương, nửa trẻ con, nửa người lớn, các em sẽ khó chấp nhận việc bị kiểm soát quá nhiều. Chính vì thế mà em với mẹ không thể hòa hợp với nhau. Còn về phần bố dượng, vì mải lo công việc nên cũng không quan tâm tới em nhiều. Hiểu hoàn cảnh đặc biệt của em, tôi lại càng cảm thấy cần có trách nhiệm với em hơn. Tôi vẫn thường xuyên đi theo em mỗi khi em tan trường và chỉ yên tâm khi em đã về đến tận nhà. Được một thời gian, tôi khá yên tâm vì kết quả học tập của em đã có nhiều tiến bộ.
Nhưng đến một hôm, lớp chủ nhiệm của tôi xảy ra mất trộm. H.A. đã bị mất một chiếc điện thoại iPhone ở giờ học thể dục. Hồi đó điện thoại iPhone còn rất hiếm. Ngay bản thân tôi cũng chưa sử dụng bao giờ. Trong lớp chỉ có hai bạn sử dụng là H.A. và T.T. Vì thế, việc mất điện thoại làm cả lớp xáo trộn. Tôi buộc phải yêu cầu các em ngồi lại cùng bàn bạc. Các em đưa ra phương án kiểm tra và khám xét lẫn nhau. Không còn cách nào khác, tôi đành chấp nhận.
Trong khi học trò tự kiểm tra và kiểm tra giúp bạn, tôi âm thầm theo dõi thái độ của từng em. Lúc đó, T.T. biểu lộ vẻ lo lắng và bối rối. Tuy nhiên, ngày hôm đó vẫn chưa tìm ra chiếc điện thoại bị mất. Các bạn trong lớp và cả T.T. đều ở lại an ủi bạn bị mất. Vì cùng sử dụng iPhone nên T.T. bày cách cho H.A. tìm điện thoại bằng cách bật định vị. Sau khi về nhà, H.A. bật định vị lên kiểm tra thì phát hiện chiếc điện thoại đó đang ở khu vực một tòa chung cư, xem trên danh sách lớp, đó là địa chỉ nhà T.T. Nghe tin, tôi rất buồn và xen lẫn một chút thất vọng về học sinh của mình.
Ảnh minh hoạ
Trưa hôm sau, tan học, tôi đã hẹn T.T. và em học sinh bị mất điện thoại ở lại để nói chuyện. Mặc dù có bằng chứng xác thực như thế nhưng T.T. vẫn không nhận lỗi. Em khóc rất nhiều, đổ lỗi cho cô và H.A. đã vu oan cho em. Sau đó, tôi đã cùng các em về nhà để làm việc với phụ huynh. Sau nhiều giờ căng thẳng và khuyên nhủ, cuối cùng T.T. đã nhận lỗi và nói em đã bán điện thoại để trả nợ.
Tối hôm đó, tôi có nói chuyện qua tin nhắn với em rất nhiều, tôi khuyên em nếu thực sự đang có khó khăn gì thì hãy nói với tôi và tôi sẽ luôn giúp đỡ em đồng thời cũng hỏi em về địa chỉ em bán điện thoại để tôi đến chuộc lại. Sau khi sự việc kết thúc, điện thoại được chuộc lại và trả cho người đã mất, T.T. nhất định xin gia đình chuyển trường vì nếu cả lớp biết chuyện thì em sẽ rất xấu hổ.
Thật ra, ngay cả chúng ta, không ai có thể tránh khỏi những sai lầm trong cuộc sống, huống hồ những đứa trẻ. Điều quan trọng hơn hết là chúng ta biết sai và cố gắng để sửa những cái sai đó. Vì thế, tôi đã cho em thêm một cơ hội. Tôi đã cùng em và mẹ đến nhà em học sinh bị mất điện thoại để trả lại, nói lời xin lỗi và xin gia đình em đó cho T.T. cơ hội sửa sai. Còn về phần lớp, tôi tiến hành tổ chức họp và thông báo tới các em đã tìm được điện thoại bằng một lí do khác, đó là có một em học sinh khác lớp nhặt được và trả lại.
Khi biết rằng mình vẫn có cơ hội tự sửa sai, T.T. đã tự giác viết bản tường trình kể lại đầu đuôi sự việc cho tôi. Chỉ vì lòng tham nhất thời, thiếu suy nghĩ, vì những món nợ do mua sắm quá đà..., em đã dại dột làm liều. Em đã tâm sự với tôi rất nhiều về cuộc sống của em và những trang viết đẫm nước mắt của em đến bây giờ tôi vẫn giữ. Em hứa với tôi cuối học kì em sẽ cố gắng để đạt học sinh giỏi. Và vốn dĩ thông minh, nhanh nhẹn nên em đã tự tin trở lại.
Cuối học kì, mặc dù đạt học lực Giỏi, nhưng trước lớp, em kiên quyết đứng lên nhận hạnh kiểm Khá, vì em cảm thấy mình không xứng đáng. Các bạn đều ngơ ngác không hiểu, chỉ tôi, em và H.A. hiểu. Nhưng với những gì em đã cố gắng, với những hoạt động em đóng góp cho lớp và hơn hết là thái độ sống tích cực của em để vượt qua sai lầm, tôi vẫn quyết định xếp cho em hạnh kiểm Tốt. Như thế không có nghĩa là bao che mà tôi nhận thấy đó là trách nhiệm, trách nhiệm của một người thầy giúp học sinh của mình cảm thấy có niềm tin đối với cuộc sống, có niềm tin rằng nếu mình biết nhận ra sai lầm thì mình vẫn có thể sửa đổi được.
Giờ đây, đối với tôi, em không chỉ là một người học trò mà còn là một người bạn. Một người bạn khiến tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn với nghề, một người bạn khiến tôi nhận ra rằng nghề dạy học ngoài cái tầm, ngoài kiến thức chuyên môn thì chúng ta cần có cái tâm. Chúng ta phải dùng nhân cách để giáo dục nhân cách và đặc biệt phải dạy trẻ bằng cả trái tim của mình.
Nhiều năm trôi qua, T.T. đã vào đại học nhưng em vẫn hay đến thăm tôi vào cuối tuần và mỗi lần như vậy T.T. vẫn rất buồn mỗi khi nhắc lại với tôi sự việc ngày hôm đó. Còn tôi thì chỉ nhìn em và nở một nụ cười thật tươi. Bởi vì tôi biết, em hiểu nụ cười ấy muốn nói với em những điều gì.
Mai Châm (ghi)
Theo Dân trí
Ôn thi lớp 10 THPT, học sinh Hà Tĩnh bước vào chặng nước rút Ngay sau những ngày công bố môn thi thứ 3 kỳ thi vào lớp 10 THPT, việc học tập và ôn luyện kiến thức cho học sinh ở các trường THCS ở Hà Tĩnh chính thức bước vào chặng nước rút. Năm nay, lịch thi vào lớp 10 THPT sớm hơn so với những năm trước nhằm tránh tình trạng học thêm, giảm...