Tp.HCM ngăn ngừa vi phạm trong quản lý, sử dụng đất công
UBND Tp.HCM giao cho Sở Tài chính, Sở TN-MT phối hợp thống kê toàn bộ nhà đất công sản đã được bán, giao đất, cho thuê không thông qua đấu giá trên địa bàn Tp.HCM giai đoạn 2016 – 2019 để xử lý, khắc phục những vi phạm.
Theo thông tin phát đi từ cổng thông tin UBND TP.HCM, nhằm ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi công vụ, cơ quan này đã giao Sở TN-MT đánh giá thực trạng, nguyên nhân khi xảy ra trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP, giai đoạn từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành; báo cáo kết quả trong quý 1/2020.
Sở Tư pháp được UBND TP.HCM giao tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ công chức thực thi công vụ trên các lĩnh vực nói chung, đặc biệt là lĩnh vực nhà đất công sản.
Các đơn vị có liên quan cần tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong quản lý để tự rà soát, kiểm kê, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót, đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà đất công sản; tăng cường các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà đất công sản.
Tình trạng quản lý, sử dụng đất công bừa bãi, gây lãng phí công sản không chỉ xảy ra tại các doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn… mà còn xảy ra ở cấp chính quyền địa phương.
Chẳng hạn, Thanh tra Tp.HCM đã phát hiện tại quận Bình Thạnh còn đến 270 khu đất có diện tích nhỏ được giao cho UBND các phường tạm quản lý nhưng mới chỉ có 39 khu đất được UBND quận rà soát, đề xuất phương án quản lý; còn lại 231 khu chưa được quận đề cập đến. Thanh tra cũng phát hiện tại địa bàn quận Bình Thạnh hiện còn đến 48 đơn vị nợ ngân sách gần 4,3 tỉ đồng tiền thuê mặt bằng.
Quận 4 được xác định còn 35 thửa đất công do UBND quận quản lý chưa được đo đạc, sử dụng sai mục đích. Trong đó có 8 thửa đất được giao cho HTX TMDV Kênh Tẻ quản lý, sử dụng nhưng HTX này đã đem cho thuê lại sai quy định. Ngoài ra, UBND quận 4 còn cho phép Công ty Dịch vụ công ích quận được cho thuê, khai thác dự án công viên hồ Khánh Hội là không phù hợp với quy hoạch…
Video đang HOT
Theo UBND Tp.HCM, việc thẩm định, bán đấu giá nhà, đất công cũng được thực hiện khá chậm. Kết quả rà soát của thanh tra cho thấy, có những địa chỉ nhà đất thuộc khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chỉ được sử dụng một phần diện tích làm trụ sở, phần còn lại đem cho thuê. Nhiều địa chỉ nhà đất chờ bán đấu giá do UBND quận quản lý bị bỏ trống nhiều năm gây tình trạng lãng phí không nhỏ.
Hạ Vy
Theo Nhịp Sống Việt
Thị trường địa ốc 2020: Nhiều thách thức khi tăng khung giá đất
Khung giá đất, bảng giá đất dự kiến sẽ tăng cao đồng loạt ở các địa phương sau khi Chính phủ ban hành khung giá đất mới. Giá nhà đất có nguy cơ sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho người mua mà nhiều chủ đầu tư mới cũng khó tiếp cận quỹ đất để triển khai dự án.
Các địa phương đã ban hành bảng giá đất mới với mức tăng đến 70% so với năm 2019. Chính phủ cũng vừa ban hành khung giá đất mới cao hơn 20% so với khung giá đất cũ. Trước động thái này, giá nhà đất được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm tới và những năm tiếp theo. Dự kiến, bảng giá đất áp dụng cho năm 2020-2024 tại Hà Nội và TP.HCM sẽ tăng bình quân 15-20% so với giá cũ.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giá nhà đất bao gồm nhiều thành tố, trong đó có chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước. Chẳng hạn, trong giá bán căn hộ chung cư, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10%. Con số này là khoảng 30% đối với nhà phố và khoảng 50% đối với biệt thự.
Do vậy, khung giá đất, bảng giá đất tăng tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà đất tăng. Khi đó, những người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp tại đô thị sẽ khó sở hữu nhà ở hơn.
Cũng theo ông Châu, khung giá đất, bảng giá đất quá cao sẽ đẩy giá trên thị trường bất động sản lên rất cao, đặc biệt là đẩy giá đất của các dự án (trên thị trường sơ cấp), đồng thời tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI.
Giá đất tăng cao trong thời gian tới sẽ đẩy giá bán nhà lên cao, đồng thời doanh nghiệp cũng càng khó tiếp cận đất đai và càng khó giải phóng mặt bằng. Nhìn chung, thị trường 2020 sẽ khắc nghiệt hơn và các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Đồng quan điểm trên, ông Ngô Quang Phúc - TGĐ Phú Đông Group cho rằng, với các dự án bất động sản nhà ở, tiền đất thường chiếm 10-14% giá thành. Do đó, khi giá đất tăng, giá bán nhà đất chắc chắn phải tăng. Không những thế, chi phí về đất tăng còn kéo theo tất cả các sản phẩm liên quan đến ngành xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch... cũng sẽ tăng giá theo, từ đó đẩy giá thành nhà đất lên cao.
Nếu giá đất tăng cao, doanh nghiệp mới khó gia nhập thị trường sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm. Sức mua bất động sản nhà ở rất mạnh nhưng không có hàng để bán kéo theo hệ luỵ là đẩy giá nhà đất lên cao. Người dân, nhất là những người có thu nhập trung bình trở xuống càng khó có cơ hội sở hữu nhà ở. Đồng thời, doanh nghiệp cũng khốn đốn vì chi phí vốn đội lên nhiều lần, lãi vay ngân hàng tăng và đặc biệt là bị mất cơ hội kinh doanh.
Nhìn nhận về sự tác động của khung giá đất đến giao dịch thị trường 2020, ông Phúc cho hay, thị trường sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn. Mặc dù có các yếu tố thuận lợi như lượng cầu ở thực vẫn trong xu hướng tăng trưởng, sự ổn định về kinh tế vĩ mô... nhưng sự khó khăn và thách thức vẫn chiếm ưu thế. Khó khăn đến từ lượng tiền cung ứng vào bất động sản đang có xu hướng giảm, lượng cung sản phẩm bất động sản dành cho người có nhu cầu ở thực tiếp tục khó khăn.
Nhu cầu đầu tư, đầu cơ bất động sản trở nên thận trọng hơn, hàng tồn kho bất động sản cao cấp chưa hấp thụ hết. Đặc biệt, nếu bảng giá đất mới điều chỉnh tăng với biên độ gần 20% thì sẽ khiến giá bất động sản có xu hướng tăng mạnh, làm tăng chi phí đầu vào của các chủ đầu tư.
Tất các những điều trên sẽ ảnh hưởng đến mức thanh khoản của thị trường trong năm 2020. Giá bán sẽ có sự điều chỉnh và lực cầu có thể sẽ giảm.
Tương tự, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cao cấp CBRE cho rằng, giá đất tăng sẽ gây khó khăn lớn đến việc phát triển dòng sản phẩm nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Khung giá đất tăng thì tất yếu chi phí vốn sẽ bị đội lên rất cao. Từ đó, giá bán sản phẩm cũng sẽ bị đẩy lên. Tại các khu vực như quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9, giá đất đang tăng mạnh, đây là một thách thức lớn và khó giải quyết trong bối cảnh giá đất đang ngày càng tăng và cơ sở hạ tầng không được cải thiện.
Cũng theo nhận định của bà Dung, muốn phát triển nhà cho người có thu nhập thấp cần có quỹ đất với giá vừa phải. Muốn làm được như vậy, nhiều doanh nghiệp phải đi ngày càng xa thành phố, ở những vùng ven nơi có quỹ đất rẻ phù hợp triển khai. Tuy nhiên vấn đề của các khu vực mới là cơ sở hạ tầng hiện tại chưa có sự phát triển mạnh. Khó đáp ứng được các điều kiện sống thiết yếu nên rất khó để người mua nhà lựa chọn.
Về giải pháp cho việc khung giá đất, nhiều chuyên gia hiến kế có thể tăng thuế với bất động sản. Nếu thuế tăng thì về lâu dài, giá sẽ giảm. Hơn nữa, khi thuế cao, lượng người đầu cơ sẽ giảm, giá sẽ thấp do quan hệ cung cầu quyết định.
Theo Phương Uyên
Diễn đàn doanh nghiệp
Thưởng Tết Canh Tý 2020: Hà Nội cao nhất 420 triệu, TP.HCM cao nhất 800 triệu Mức thưởng Tết Âm lịch năm 2020 tại Hà Nội được xác định cao nhất là 420 triệu đồng/người. Còn tại TP.HCM, cao nhất là 800 triệu đồng/người. Sáng 27/12, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã chính thức có thông tin về tình hình tiền lương năm 2019 và kế hoạch thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch năm 2020. Trên cơ sở báo cáo...