Tổng thống Putin mang quyết tâm giải quyết tranh chấp lãnh thổ tới Nhật Bản
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông muốn giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Kuril trong chuyến công du tới Nhật Bản hôm nay 15/12, trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khẳng định quyết tâm chấm dứt những bất đồng tồn đọng hàng chục năm qua giữa hai nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Sochi, Nga hồi tháng 5 (Ảnh: AFP)
Hôm nay 15/12, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tiếp đón Tổng thống Vladimir Putin tại thành phố Nagato khi nhà lãnh đạo Nga bắt đầu chuyến công du kéo dài 2 ngày tới Nhật Bản, với hy vọng có thể đạt được bước đột phá trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài suốt 7 thập niên qua giữa hai nước, liên quan đến 4 đảo thuộc quần đảo Nam Kuril (Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc). Những bất đồng này đã khiến hai nước không thể ký kết hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Mặc dù cả Moscow và Tokyo đều tích cực chuẩn bị cho cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo với mong muốn có thể đạt được tiến triển trong thời gian tới, nhưng cả hai bên đều thừa nhận rằng đây không phải việc dễ dàng.
“Tôi muốn bước vào cuộc hội đàm (với Tổng thống Putin) với quyết tâm chấm dứt các vấn đề này trong thế hệ của tôi”, Thủ tướng Abe nói hồi đầu tuần này, song cũng cho biết thêm rằng một thỏa thuận về chủ quyền lãnh thổ với Nga hiện “vẫn xa tầm với”.
Trong khi đó, Tổng thống Putin, người sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản trong hơn 10 năm qua, cũng bày tỏ mong muốn chấm dứt những bất đồng khiến hai nước không thể ký kết hiệp ước hòa bình từ nhiều năm qua. “Tuy nhiên, làm thế nào để chấm dứt lại là một câu hỏi khó”, ông chủ Điện Kremlin nói trong cuộc phỏng vấn với một kênh truyền hình Nhật Bản.
Video đang HOT
Đối với Thủ tướng Abe, việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nga còn là di sản từ đời người cha quá cố của ông – cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Shintaro Abe. Ông Shintaro là người dẫn đầu phái đoàn Nhật Bản tham gia các cuộc đàm phán với Nga trước đây.
Tổng thống Putin ngày 13/12 cho biết Moscow sẵn sàng thảo luận về việc duy trì hoạt động kinh tế chung với Nhật Bản trên các đảo tranh chấp, song các hoạt động này phải được thực hiện trong phạm vi chủ quyền của Nga. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh Nga và Nhật Bản cần phải thống nhất một số điều khoản để hướng tới việc ký kết hiệp ước hòa bình dựa trên lòng tin lẫn nhau.
Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Abe và ông Putin dự kiến sẽ tập trung vào các vấn đề tranh chấp lãnh thổ và ký kết hiệp ước hòa bình trong cuộc hội đàm tại Nagato hôm nay. Hai nhà lãnh đạo sau đó sẽ tới thủ đô Tokyo vào ngày 16/12 để tiếp tục tham gia vào cuộc hội đàm và tiếp xúc báo chí.
Thành Đạt
Theo Guardian
Mỹ, ASEAN thảo luận về căng thẳng Biển Đông
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, ông và các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đã thảo luận về sự cần thiết phải "hạ nhiệt" căng thẳng ở Biển Đông.
Theo trang tin IBTimes, thông tin trên được ông Obama công bố hôm qua, 16/2, tại một cuộc họp báo. Ông cho biết, các nước đều đã nhất trí quan điểm rằng, bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào cũng cần được giải quyết một cách hòa bình và thông qua các biện pháp pháp lý.
Nhưng một tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại California, Mỹ, đã không đề cập đến những lưu ý cụ thể mà Washington đang tìm kiếm, liên quan đến Trung Quốc và quan điểm lãnh thổ của nước này trên Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Obama cho biết, các nhà lãnh đạo tại Hội nghị đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về trật tự khu vực, trong đó, luật pháp và các chuẩn mực quốc tế cùng quyền của tất cả các quốc gia, dù lớn, dù nhỏ, đều được tôn trọng.
"Chúng tôi đã thảo luận về nhu cầu phải có các bước đi hữu hình ở Biển Đông nhằm giảm căng thẳng, trong đó có việc ngừng cải tạo thêm cũng như xây mới và quân sự hóa các khu vực tranh chấp... Khi ASEAN lên tiếng một cách rõ ràng và thống nhất, nó có thể giúp thúc đẩy an ninh, cơ hội và phẩm giá con người", ông Obama nói.
Tổng thống Mỹ Obama
Sau ngày đầu tiên thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại với 10 nước ASEAN, các quan chức Mỹ đã hi vọng đạt được một quan điểm chung về vấn đề Biển Đông, nơi Trung Quốc và một số nước ASEAN đang có tranh chấp.
Tuy nhiên, không phải mọi thành viên ASEAN đều nhất trí về cách thức xử lý các tranh chấp. Do đó, thay vì tập trung vào Trung Quốc, tuyên bố chung khẳng định lại các nguyên tắc chính về hợp tác Mỹ-ASEAN, trong đó có tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và độc lập chính trị của tất cả các quốc gia và một cam kết chung về giải quyết hòa bình tranh chấp, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, bao gồm cả quyền tự do hàng hải và hàng không.
Trung Quốc tuyên bố phần lớn chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng các thành viên ASEAN, trong đó có Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Hôm qua, Fox News dẫn các hình ảnh ghi được từ vệ tinh dân sự cho biết, quân đội Trung Quốc đã triển khai một hệ thống tên lửa tiên tiến đất đối không tới một trong những hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở trên vùng biển Đông có tranh chấp và đã cử tàu chiến đến gần các vùng lãnh thổ tranh chấp này để khẳng định quyền tự do hàng hải.
Mỹ cho biết, Washington sẽ tiếp tục giúp đỡ các đồng minh và các nước đối tác ASEAN tăng cường khả năng hàng hải của họ.
Vân An
Theo_Hà Nội Mới
Tuần duyên Trung Quốc lần đầu cứu ngư dân Philippines ở Biển Đông sau 4 năm Lực lượng tuần duyên Trung Quốc hôm nay 2/12 đã cứu các ngư dân Philippines gặp nạn khi thuyền của họ bị lật ở gần bãi cạn Scarborough, nơi tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông. Đây là lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua, Manila và Bắc Kinh hợp tác với nhau trong một hoạt động cứu trợ tại khu...