Tổng Cục GDNN: Tuyển sinh cao đẳng phải có bằng cấp 3 hoặc tương đương
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, các trường cao đẳng tuyển sinh trình độ cao đẳng thì phải tuyển thí sinh học hết Cấp 3 hoặc tốt nghiệp trung cấp.
Trong bài Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội nói gì về thông báo tuyển sinh song bằng?,ông Nguyễn Công Tân – Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Công thương Hà Nội đã trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông báo tuyển sinh của trường ghi rõ ” Vào lớp 10 hệ song bằng; Học sinh vừa học văn hóa THPT vừa học nghề; Học sinh học 2 chương trình đào tạo (THPT và Cao đẳng); Sau 4 năm học, tốt nghiệp nhận nhận 2 bằng (THPT, Cao đẳng chính quy)”.
Để đảm bảo tính khách quan về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) để có thêm thông tin từ cơ quan quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp liên quan đến việc tuyển sinh đào tạo song bằng (THPT, Cao đẳng chính quy) của Trường Cao đẳng công thương Hà Nội.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có gửi kèm link bài viết phản ánh việc năm 2019, Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội từng được phản ánh đã tuyển sinh học sinh khối 10, học song song 2 chương trình “giáo dục trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp” trong 4 năm. Sau khi tốt nghiệp học sinh được cấp 2 văn bằng (Trung học phổ thông và Cao đẳng chính quy).
Ngày 22/7 vừa qua, Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã có câu trả lời gửi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Văn bản nêu, qua thanh tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đưa ra một phần Kết luận thanh tra số 11/KL-TCGDNN ngày 17/1/2020. Trong đó yêu cầu trường Cao đẳng Công thương Hà Nội:
- Khi thông báo tuyển sinh người học các ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, Nhà trường phải thông báo đối tượng tuyển sinh đầu vào phải là có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương theo quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH, thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp, Quyết định số 1982/QĐ-TTg, điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH, Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH và chương trình đào tạo trình độ cao đẳng do Hiệu trưởng nhà trường ban hành.
Văn bản trả lời của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
- Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu Nhà trường nghiêm túc chấn chỉnh trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, ban hành thông báo tuyển sinh trình độ cao đẳng không đúng quy định nêu trên (tuyển sinh học sinh khối 10, học song song 2 chương trình “giáo dục trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp” trong 4 năm. Sau khi tốt nghiệp học sinh được cấp 2 văn bằng THPT và cao đẳng chính quy – PV) để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Đồng thời, gỡ bỏ thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng có thời gian đào tạo 4 năm hệ 2 văn bằng trên trang thông tin điện tử của Nhà trường, thu hồi, gỡ bỏ băng rôn, áp phích, tờ rơi… có nội dung thông báo tuyển sinh nêu trên (nếu có).
Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã thông tin tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về kết quả Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội thực hiện kiến nghị theo kết luận thanh tra của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp.
Video đang HOT
Theo đó: “Ngày 12/3/2021, Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội có công văn số102/BC/CĐCT báo cáo thực hiện kết luận thanh tra của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cụ thể: Nhà trường đã ban hành Quyết định số 558/QĐ-CĐCT ngày 25/12/2020 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội thu hồi, hủy bỏ Công văn số 33c/TBTS-CĐCT ngày 6/3/2017 về việc thông báo tuyển sinh vào lớp 10 hệ 2 văn bằng để đảm bảo đúng đối tượng tuyển sinh đầu vào phải có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tương đương theo quy định số tại Thông tư số 05/017/TT/BLĐ_TBXH và Thông tư số 07/2019/TT-BLĐ-TBXH; ban hành Quyết định số 558a/QĐ-CĐCT ngày 25/12/2020 của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội về thu hồi, gỡ băng rôn, áp phích… có nội dung thông báo tuyển sinh nêu trên tại trường.
Kết quả thực hiện Kết luận thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Trước đề nghị cung cấp thông tin giải thích quy chế và công tác quản lý hoạt động tuyển sinh, đào tạo giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay:
“Hiện nay, pháp luật về giáo dục và pháp luật về giáo dục nghề nghiệp không quy định thuật ngữ đào tạo “song bằng”, không quy định việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo “song bằng”.
Theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các trường cao đẳng được đào tạo trình độ trung cấp kết hợp với đào tạo văn hóa cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo chương trình giáo dục thường xuyên, để lấy bằng tốt nghiệp của hệ thống văn bằng giáo dục quốc dân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 43 Luật Giáo dục.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở có thể vào học trung cấp, sau khi tốt nghiệp trung cấp nếu đủ kiến thức văn hóa Trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được học lên trình độ cao đẳng.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo đủ điều kiện và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Người học đáp ứng đủ các quy định về đào tạo nếu không tuân thủ quy chế đào tạo thì không đủ điều kiện tốt nghiệp.
Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH, khoản 2 Điều 2 Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH đã quy định rõ về đối tượng tuyển sinh trình độ cao đẳng và đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ cao đẳng” .
Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BLĐTBXH có quy định về đối tượng tuyển sinh cao đẳng như sau:
- Học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương;
- Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng phải học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp.”
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp: Triển khai ngay còn kịp!
Ngày 20/7, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Bộ LĐTB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.
Nhiều vướng mắc trong công tác GDNN được các đại biểu đề cập về tuyển sinh, đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Giải pháp chuyển đổi số được đặt ra cấp thiết hơn lúc nào hết.
Ảnh minh họa
Lúng túng trong tuyển sinh
Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông (TPHCM) cho biết, hiện nhà trường đang rất lúng túng trong vấn đề tuyển sinh. Bởi phần lớn sinh viên đến từ các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Với tình hình giãn cách như hiện nay, tâm lý phụ huynh học sinh rất lo lắng và không muốn ly hương. Ông Hải đề xuất cần có biện pháp quyết liệt hơn trong tuyển sinh từ nay đến cuối năm mới có thể đảm bảo được kế hoạch tuyển sinh năm 2021.
Hiệu trưởng Trường CĐ Lào Cai, ông Hoàng Quang Đạt thông tin, năm nay, trường tuyển sinh được 1.300 em sau THCS và và xấp xỉ 1.000 sinh viên CĐ. Với mức độ tuyển sinh này, nhà trường vẫn chưa tự chủ được. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương.
Mô hình của Lào Cai là sáp nhập trung tâm Giáo dục thường xuyên - GDNN của thị xã Sapa về trường CĐ Lào Cai, UBND tỉnh ra quyết định. Bất cập của trường trong quá trình đấu tranh pháp lý với các ngành, đó là trong điều lệ của trường CĐ không có loại hình trung tâm này. Vì vậy, đại diện trường CĐ Lào Cai đề nghị điều chỉnh Điều lệ của trường CĐ, trong đó đề cập đến loại hình trung tâm này.
Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng đánh giá thời gian qua trường CĐ Lào Cai đã làm tốt, nhất là sau khi sáp nhập các trường lại. Đây là mô hình để nhiều nơi học tập kinh nghiệm sau khi sáp nhập. "Tới đây, sẽ đưa vào Điều lệ về cơ cấu trường CĐ, hiện chúng tôi đã trình lãnh đạo Bộ. Nếu tới đây chúng ta xây dựng được chiến lược phát triển GDNN của trường, của tỉnh thì sẽ có điều kiện để phát triển mạnh lĩnh vực này", ông Dũng nhấn mạnh.
Quyết liệt chuyển đổi số
Theo ông Trần Thanh Hải- Hiệu trưởng trường CĐ Viễn Đông hiện nay Bộ GDĐT đã có Thông tư 09 quy định việc học và thi trực tuyến, trong đó có đề cập nội dung thi online 30%. Nhưng bên GDNN chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.
Vì vậy, trong thời gian tới cần thể chế hóa đặc biệt những môn lý thuyết và lý thuyết kết hợp thực hành. Theo đó, cho phép phần lý thuyết đi vào kiểm tra online trước, sau đó đi thực hành, thực tập lấy điểm sau tại các doanh nghiệp.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cơ điện Hà Nội cho biết vừa qua trường đã phải tập trung 400 sinh viên chất lượng cao để giảng dạy, đồng thời lên kế hoạch chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp cho gần 1.000 sinh viên hệ CĐ của trường.
Phương châm của nhà trường là làm đúng đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ": đào tạo tại trường, ăn ở tại chỗ và phòng, chống dịch để an toàn, trường nào có đủ điều kiện về đào tạo tại chỗ thì hoàn toàn có thể tổ chức được.
Nhà trường yêu cầu sinh viên đến từ các tỉnh thành phải có giấy xét nghiệm âm tính tối đa 3 ngày trước khi về Hà Nội. Nếu em nào chưa kịp làm, nhà trường phối hợp với một cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm tại chỗ.
Trong điều kiện sắp tới, nhà trường cũng đã lên các kịch bản khác nhau để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ kép đó là chuẩn bị các cuộc thi, sơ kết tổng kết tổ chức mọi hoạt động... trong điều kiện an toàn dịch bệnh và khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Ngọc cho rằng nếu trong tháng 8 và 9 tới đây, các cơ sở GDNN không đạt được mục tiêu tuyển sinh là thất bại. "Giải pháp là tiếp cận chuyển đổi số ngay. Bởi sẽ rất khó tuyển sinh trực tiếp. Đề nghị Tổng cục GDNN hỗ trợ các trường tăng cường kết nối với thí sinh, gia đình", ông Ngọc đề xuất.
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng cho rằng cách làm của Trường CĐ Cơ điện Hà Nội rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi vừa đảm bảo an toàn cho sinh viên và nhà trường, vừa thực hiện giảng dạy được. Tuy nhiên, đó là với quy mô không lớn, lớp chất lượng cao ít học viên.
Còn với số lượng sinh viên lớn hơn, cần tiếp tục cân nhắc. Việc hoàn thiện thể chế trong đào tạo trực tuyến đang được Tổng cục xem xét bởi đặc thù của GDNN là bên cạnh đào tạo lý thuyết, thực hành chiếm một khối lượng lớn.
Vậy kiểm soát chất lượng đào tạo thế nào, làm sao để xóa nhòa ranh giới giữa trực tiếp và trực tuyến... Tất cả điều đó cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và đưa vào chính sách.
"Chính sách sẽ phải đi trước 1 bước. Tuy nhiên, với các trường có năng lực, điều kiện, các trường xin thí điểm thì chúng tôi sẵn sàng đề xuất với Bộ để cùng làm và rút kinh nghiệm", ông Trương Anh Dũng khẳng định.
GS Nguyễn Thanh Phương: đại học tự chủ hoàn toàn không nên đặt trần học phí Khi đã tự chủ hoàn toàn, trường nào cũng sẽ tính toán thu ở mức nào để đảm bảo hoạt động nhất là tuyển sinh, chứ không phải lúc nào cũng thu cao. Từ năm 2015 đến nay các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ...