Tôn trọng nghề nghiệp của mình góp phần nâng cao vị thế nhà giáo
Hơn 20 năm cống hiến trong nghề, đã là NGƯT, đạt nhiều thành tích cao trong dạy học, nhưng mỗi ngày đến trường của cô Lê Thị Thu Hà đều là một ngày không ngừng cố gắng, làm mới chính mình.
Nhà giáo ưu tú Lê Thị Thu Hà ( Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An).
Bởi cô quan niệm, muốn được học sinh yêu quý, đồng nghiệp tin tưởng thì trước tiên phải tôn trọng bản thân, tôn trọng nghề nghiệp của mình. Có như vậy, mới giữ cho giá trị nghề giáo đúng như những gì được xã hội công nhận, tôn vinh.
Dù ở đâu cũng luôn cố gắng như ngày đầu
Cô giáo Lê Thị Thu Hà đến với nghề giáo như một lựa chọn không thể nào khác. Sinh ra ở huyện miền núi Anh Sơn, mẹ làm nông, bố là bộ đội vắng nhà thường xuyên. Nữ sinh vùng trung du lớn lên chỉ có ước mơ nghề giáo, dù lúc đó chưa hình dung đầy đủ công việc của người thầy, người cô như thế nào.
Tốt nghiệp sư phạm, cô nhận công tác ở quê nhà, tại Trường THPT Anh Sơn 2, dạy môn Giáo dục công dân. Cô vẫn nhớ mãi mùa tựu trường năm ấy, cùng vào dịp mưa bão. Trận lũ cùng sạt lở tràn qua qua khiến dãy ký túc xá của cô và đồng nghiệp ngập trong bùn đất, trường lớp tan hoang. Nhưng ngay sau đó, học sinh, phụ huynh, bà con xung quanh có mặt cùng thầy cô dọn dẹp, vệ sinh, tu sửa để các thầy cô có nơi ăn ở ổn định, yên tâm dạy học.
Ngày ấy, gọi là trường THPT Anh Sơn 2 nhưng lại dạy liên cấp từ lớp 6 đến lớp 12. Nhờ vậy, giáo trẻ có nhiều trải nghiệm, gần gũi với nhiều lứa tuổi học trò khác nhau. Những tình cảm bồi đắp qua mỗi tiết dạy, giờ sinh hoạt, lao động khiến cô thấy gắn bó, yêu thương học trò, đồng nghiệp và ngôi trường khó khăn miền núi.
Sau đó, cô được chuyển tới Trường THPT Anh Sơn 1 công tác. Tại đây, có có nhiều năm chủ nhiệm những lớp được xếp vào diện “quậy phá” nhất trường.
“Làm giáo viên không thể tránh khỏi việc gặp học sinh cá biệt. Nhưng “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, và giáo viên phải có cách để quan tâm, chia sẻ, hiểu được các em. Trong hơn 20 năm dạy, không phải trường hợp cá biệt nào tôi cũng thành công như mong muốn. Nhưng tôi chọn đồng hành với các em, để học trò tin mình, đó cũng là niềm vui của nghề dạy học”, cô Thu Hà chia sẻ.
Cô Hà cũng cho rằng, nghề giáo không đơn điệu và đòi hỏi chuyên môn phải vững vàng và phải có sự đam mê, yêu thích và có cả kỹ năng đứng lớp. Vì thế, trong mỗi một buổi lên lớp, với từng đối tượng học sinh, giáo viên phải có giáo án riêng phải có một kỹ năng xử lý riêng để phù hợp.
Cho đến giờ, sau hơn 20 năm đứng lớp, chuyển đơn vị công tác từ miền núi về Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh), mỗi ngày đến lớp cô đều cố gắng làm mới bản thân, giờ dạy của mình.
Video đang HOT
Cô Lê Thị Thu Hà luôn cố gắng để tiết học của mình hứng thú, hấp dẫn với học sinh. Ảnh tư liệu
Với đặc thù của bộ môn GDCD, cô cũng luôn kết hợp giữa giáo dục và thực tiễn. Điều thuận lợi là học sinh hiện nay năng động, sáng tạo, có rất nhiều nguồn thông tin. Vì thế, nếu giáo viên không bổ sung, cập nhật vốn kiến thức, thông tin của mình, thì sẽ không đáp ứng được nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhu cầu của học sinh.
Tôn trọng nghề nghiệp của mình
Cô Lê Thị Thu Hà tâm sự, nhiều học sinh và cả phụ huynh đến nay vẫn cho rằng Giáo dục công dân là môn phụ. Và cũng không ít người hỏi cô có cảm thấy thiệt thòi so với đồng nghiệp khi mình chỉ là giáo viên dạy Giáo dục công dân. Nhưng cô không bao giờ xem đó là môn phụ. Ngược lại, cô còn cảm ơn chính mình vì đã chọn bộ môn này đã cho bản thân thêm bản lĩnh, vững vàng vượt qua khó khăn và nhất là định kiến môn chính – môn phụ.
“Với riêng tôi, một giáo viên ngoài vững chuyên môn thì phải làm học sinh yêu thích môn học của mình. Cho đến giờ tôi vẫn cố gắng từng ngày để học sinh không nhàm chán và hào hứng đến với mình, giúp ích cho các em từ kiến thức mình cung cấp, định hướng, khơi gợi. Có như vậy, bản thân giáo viên cũng mới thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, cô Thu Hà nói.
Trong quá trình công tác của mình, cô Thu Hà 2 lần tham gia, đạt giải cuộc thi giáo viên dạy giỏi tỉnh 2. Sau đó, trở thành giáo viên cốt cán tham gia chấm thi giáo viên dạy giỏi. Qua các kỳ thi, cô cũng tự rút kinh nghiệm cho mình để có được một giờ dạy vừa “chuẩn” vừa vượt ra ngoài khuôn khổ để khuyến khích sự tìm tòi kiến thức của học sinh.
Cô cũng thường xuyên viết sáng kiến kinh nghiệm cũng là để rèn luyện bản thân, đúc rút những điều mình đã làm được. Quan trọng hơn, từ trải nghiệm thực tế cô đã có thêm phương pháp dạy học được học trò đón nhận.
Giáo dục đang thực hiện đổi mới, và giáo viên chịu nhiều áp lực hơn từ chính yêu cầu chuyên môn nghề nghiệp, từ chính học sinh, phụ huynh. Cô Thu Hà tâm sự, thực tế xảy ra sự việc hi hữu, hành vi sai phạm nào đó của 1 vài cá nhân không đại diện cho cả ngành giáo dục, làm ảnh hướng đến hình ảnh nhà giáo, khiến xã hội hiểu sai về giáo viên.
“Mỗi người khi đã chọn nghề giáo thì họ đã xác định được đây là một công việc đòi hỏi cả kiến thức, kỹ năng và tâm huyết. Con đường này không dễ dàng, cũng có người, trong 1 thời điểm nhất định cư xử không phù hợp. Nhưng theo tôi, cái sai thì phải phê phán nhưng không quy chụp, nhìn nhận nghề giáo một cách méo mó”, cô Thu Hà chia sẻ.
Về phía mình, sau hơn 20 năm dạy học, cống hiến trong nghề, cô Lê Thị Thu Hà bày tỏ, nghề giáo đã đem đến cho bản thân nhiều niềm vui, hạnh phúc. Mức thu nhập có thể không cao, nhưng đảm bảo cuộc sống. Điều quý giá nhất là nghề giáo cho mình rất nhiều những thế hệ học sinh, thế hệ trước, thế hệ sau, lớp lớp học sinh ra trường, trưởng thành. Bởi vậy mà giá trị nghề giáo theo đó cũng được tiếp nối, không bao giờ mất đi.
Nhà giáo ưu tú của học trò vùng cao
Nhà giáo Bùi Thị Kim Chi là một trong 3 gương điển hình của ngành Giáo dục Lào Cai vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2021.
NGƯT Bùi Thị Kim Chi luôn trăn trở tìm cách nâng cao hiệu quả giáo dục vì học sinh. Ảnh: NVCC
Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến, nỗ lực đổi mới sáng tạo thời gian dài và trên nhiều cương vị công tác.
Hành trình lên vùng cao
Nhà giáo Bùi Thị Kim Chi sinh ra, lớn lên tại huyện Giao Thủy, Nam Định. Trước khi gắn bó với giáo dục Lào Cai, chị là giáo viên Trường cấp 1, 2 xã Giao Hương (Giao Thủy).
Năm 1993, chị quyết định lên Lào Cai công tác để đoàn tụ gia đình. Khi chuyển vùng, cô giáo trẻ không được gia đình 2 bên nội ngoại, bạn bè ủng hộ với lý do "Ở Nam Định đã là giáo viên được nhà trường, đồng nghiệp đánh giá tốt, có cơ hội phát triển. Lên Lào Cai phải làm lại từ đầu. Ở lại quê hương sẽ ổn định, thuận tiện cho cuộc sống, công việc... ".
Mặt khác khi ấy, Lào Cai thuộc tỉnh miền núi nghèo mới tái lập, kinh tế xã hội khó khăn, nên bạn bè chị càng lo lắng can ngăn "Lên đó chẳng có nổi chai nước mắm mà ăn...". Người thân cũng ôm chị khóc, khuyên đừng chuyển... Với cá tính mạnh mẽ, kiên định và suy nghĩ "mọi người sống được thì mình sống được; mọi người làm được mình cũng làm được" chị không ngần ngại lên đường. Với chị, quan trọng nhất khi chuyển vùng là không chuyển nghề. Chị đặt quyết tâm, dù ở đâu vẫn phải làm cô giáo.
"Tôi lên Lào Cai khi chưa kịp rút hồ sơ công tác vì gia đình giữ. 2 tháng sau thấy tôi không thay đổi quyết định, bố tối mới rút và gửi lên để tôi xin việc. Ở nơi hoàn toàn xa lạ, không người thân, bạn bè... dù khó khăn chồng chất nhưng chưa khi nào tôi nản trí hoặc có ý định quay về. Được làm cô giáo thì ở đâu với tôi cũng là hạnh phúc...", nhà giáo Bùi Thị Kim Chi bày tỏ.
Năm 1993, nơi đầu tiên cô Chi nhận công tác là Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thị xã Lào Cai) vừa được xây dựng. Trường hoàn thành nhưng đường chưa làm, thầy và trò người đi ủng, người lội bùn đất tới trường. Từ nhà tới trường, từ trường tới phòng GD&ĐT chỉ vài ba cây số nhưng đi lại vất vả vô cùng, hơn thế cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy cũng thiếu thốn.
Tuy nhiên, điều khiến cô giáo trẻ Bùi Thị Kim Chi thấy may mắn, hạnh phúc là đa số HS thuộc con em cán bộ, công chức... lên Lào Cai lập nghiệp, ý thức, và nền tảng tốt. Điều đó giúp cô có thể áp dụng ngay những đổi mới phương pháp giảng dạy, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến được tích lũy từ vùng xuôi. Và với sự nỗ lực của mình, khóa học sinh đầu tiên khi cô chuyển công tác lên Lào Cai đã có em đạt học sinh giỏi cấp Quốc gia...
Từ năm 1993 - 2002, nhà giáo Bùi Thị Kim Chi giảng dạy tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Sau đó, với chuyên môn vững vàng, nhiều sáng tạo đổi mới, cô được điều động làm chuyên viên phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai tới năm 2008. Trải qua nhiều đơn vị, vị trí khác nhau, năm 2020, chị được điều động làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám.
Hành trình gần 30 năm cống hiến, đổi mới, sáng tạo của nhà giáo Bùi Thị Kim Chi đã được thử thách trên nhiều cương vị, từ giáo viên, chuyên viên, Phó Hiệu trưởng tới Hiệu trưởng. Và ở cương vị nào chị cũng tích cực đổi mới, sáng tạo, hết lòng vì học trò vùng cao...
NGƯT Bùi Thị Kim Chi nhận được sự tin yêu của học trò. Ảnh: NVCC
Nhà giáo mẫu mực, sáng tạo
Nhà giáo Bùi Thị Kim Chi được đồng nghiệp, học trò nhắc tới với sự say mê trong giảng dạy, tích cực tự học, bồi dưỡng, luôn tiên phong đi đầu trong đổi mới tại các nhà trường đã công tác.
Cô Nguyễn Thị Hải - Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ được nhà giáo Bùi Thị Kim Chi bồi dưỡng trở thành giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia năm học 2012 - 2013 chia sẻ: "Nhà giáo Bùi Thị Kim Chi là người "giàu" và say chuyên môn. Chị trực tiếp bồi dưỡng tôi trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Luôn tận tình "cầm tay chỉ việc" từ phương pháp giảng dạy, xây dựng nội dung, dạy mẫu trên lớp".
Đặc biệt, nói tới nhà giáo Kim Chi là nói tới tấm gương, tinh thần tự học. Các báo cáo, thống kê trên máy tính, bài giảng điện tử... cô đều tự học, nghiên cứu và tự làm. Dù là lãnh đạo nhưng cô luôn lắng nghe, cầu thị ý kiến đồng nghiệp cấp dưới. Từ chuyên môn tới công việc nhà trường với nhà giáo Bùi Thị Kim Chi đều xuất phát từ quan điểm "Lấy học sinh làm trung tâm, chất lượng học sinh đặt lên hàng đầu...".
"Chúng tôi khâm phục nhà giáo Bùi Thị Kim Chi. Được chị hướng dẫn, kèm cặp..., giáo viên nhanh trưởng thành trong chuyên môn, cuộc sống; Mặt khác cũng tự tin với tất cả cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, tỉnh...", cô Hải chia sẻ.
Nhà giáo Kim Chi chia sẻ: "Hành trình từ giáo viên tới chuyên viên phòng GD&ĐT, Phó Hiệu trưởng và giờ đây là Hiệu trưởng đã giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm, quyết tâm đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng quản lý trường học. Tôi luôn muốn tìm ra hướng đi riêng để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường".
Bà Trần Thị Thùy Dung - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai (Lào Cai) khẳng định: Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú dành cho nhà giáo Bùi Thị Kim Chi hoàn toàn xứng đáng bởi những đóng góp, đổi mới cho giáo dục tiểu học tỉnh Lào Cai.
"Trên hành trình giáo dục của mình, nhà giáo Bùi Thị Kim Chi nhận được tín nhiệm cao từ đội ngũ cán bộ quản lý các trường tiểu học toàn tỉnh, được các cấp quản lý giáo dục tin tưởng. Nhiều hiệu trưởng của ngành Giáo dục Lào Cai coi nhà giáo Bùi Thị Kim Chi như tấm gương và mục tiêu phấn đấu trên lộ trình giáo dục bản thân...", bà Dung trao đổi.
Ấn tượng trong tôi tới nay vẫn là một giáo viên dịu dàng, quan tâm sâu sát tới học trò. Cô Chi có phương pháp dạy học dễ hiểu, luôn tìm ra cách động viên, khuyến khích học sinh trong học tập. Các tiết học của cô chúng tôi luôn cảm thấy vui vẻ, cuốn hút và thích học. Cô đã tạo cho chúng tôi "nền móng" vững chắc để tiếp bước vào các cấp học tiếp theo và cuộc sống sau này... - Anh Lương Đức Hải Thương (Học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám năm 1993 - 1995)
32 nhà giáo Nghệ An được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú Danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú" là danh hiệu cao quý nhằm tôn vinh những người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Chủ tịch nước vừa có Quyết định số 455/QĐ - CTN phong tặng Danh hiệu "Nhà giáo Ưu tú" cho 971 cá nhân vì đã có công trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân...