Tôm hùm, cá mú giảm giá sốc vẫn ế, người nuôi “méo mặt” bỏ nghề hàng loạt
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kể từ đầu quý 2 đến nay cá mú và tôm hùm đồng loạt rớt giá thảm hại.
Hiện, giá cá mú và tôm hùm bán ra thị trường giảm một nửa so với trước đây nhưng mức tiêu thụ vẫn chậm khiến nhiều người nuôi “méo mặt”.
Không tiêu thụ được, cá mú bị bỏ đói
Anh Trần Đức Văn, một người nuôi cá mú thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa cho biết, vài tháng nay việc tiêu thụ cá mú lai và cá mú trân châu diễn ra rất chậm. Thương lái thu mua với số lượng có hạn, chỉ vài trăm kg cho đến 1 tấn trở lại khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn.
Cá mú rớt giá còn một nửa so với trước khi có dịch
Theo anh Văn, những năm trước chưa ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cá mú được thu mua ổn định, dao động từ 160-240 ngàn đ/kg, tuy nhiên hiện giảm xuống chỉ còn 90 – 119 ngàn đ/kg (tùy loại). Với giá này, khi nuôi cá mú thường hao hụt khoảng 50% thì người nuôi lỗ khoảng 30 – 40 ngàn đ/kg.
“Do cá mú rớt giá thê thảm lại tiêu thụ chậm nên gia đình tôi tồn đọng khoảng 60 tấn cá thịt, chưa xuất bán được. Để giảm bớt chi phí đầu tư, gia đình tôi đành hạn chế cho cá ăn. Cụ thể, nếu như trước đây cá được cho ăn ngày ăn, ngày nghỉ, nay bỏ đói 4-5 ngày, thậm chí đến 1 tuần mới cho ăn lại”, anh Văn giọng buồn buồn nói hiện gia đình có 10 ao nuôi cá mú, mỗi ao chi phí đã lên đến khoảng 700 triệu.
Tương tự, gia đình ông Hồ Văn Hiệp, người cùng thôn Hiệp Thanh cũng lo lắng vì đang tồn trên 100 tấn cá mú các loại chưa xuất được. Trong đó 2/3 sản lượng là cá mú lai đã nuôi được trên 1 năm, trung bình mỗi con đạt trọng lượng từ 1 – 2 kg.
Ông Hiệp than vãn: “Từ đầu năm do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên giá cá mú liên tục giảm. Có thời điểm giá cá chỉ còn 100 ngàn đ/kg. Trong tháng 7, giá cá nhích lên được 125 ngàn đ/kg, nhưng sau đó lại rớt xuống, hiện chỉ còn 117-119 ngàn đ/kg (loại 1). Mặc dù giá cá trên bán là thua lỗ nhưng ngay bây giờ gia đình tôi muốn bán tỉa bớt cũng không có ai mua. Còn có mua chẳng qua mua lẻ được vài tạ là cùng. Do đó, gia đình tôi cũng như các hộ nuôi khác xung quành đành “bấm bụng” cho cá ăn hạn chế, 4-5 ngày mới cho cá ăn trở lại”.
Theo Phòng Kinh tế TP Cam Ranh, hiện toàn thành phố đang nuôi trên 200ha cá mú. Trong đó xã Cam Thịnh Đông là vùng nuôi lớn nhất với trên 100ha, chủ yếu là cá mú lai và sản lượng cá thịt của xã đang tồn đọng ít nhất khoảng 30 tấn.
Ông Lê Minh Hải – trưởng Phòng kinh tế TP Cam Ranh – cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cá mú Cam Ranh.
Video đang HOT
“Trước mắt sẽ triển khai các chương trình tiêu thụ trong nước, “giải cứu cá mú”, đồng thời kiến nghị các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giảm lãi cho người nuôi”- ông Hải nói.
Tôm hùm rẻ bằng nửa, người nuôi tôm bỏ nghề hàng loạt
Ngoài cá mú, người nuôi tôm hùm ở Bình Định cũng gặp nhiều khó khăn do giá tôm xuống thấp thê thảm.
Người nuôi tôm hùm tại Bình Định đang méo mặt do giá giảm quá nhiều do xuất khẩu gặp khó khăn
Thời điểm này dù đang là chính vụ thu hoạch tôm hùm thương phẩm (tôm thịt) của ngư dân nuôi tôm ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), nhưng nhiều người nuôi tôm ở đây méo mặt do giá giảm thê thảm.
Cụ thể, hiện tôm hùm bông (tôm sao) được thương lái thu mua gom theo kiểu đồng giá 800.000 đồng/kg đối với tôm các loại, gồm loại 1 (1 kg trở lên), loại 2 (từ 8 lạng đến dưới 1 kg) và loại 3 (từ 6 lạng đến dưới 8 lạng). So với 5 tháng trước, tôm loại 1 giảm khoảng 700.000 đồng/kg, loại 2 giảm khoảng 550.000 đồng/kg, loại 3 giảm khoảng 350.000 đồng/kg.
So với 3 tháng trước, giá tôm hùm bông loại 1 giảm 600 – 650 nghìn đồng/kg, giá tôm hùm bông loại 2 giảm 450 – 500 nghìn đồng/kg, giá tôm hùm bông loại 3 giảm 300 nghìn đồng/kg.
Theo Hội Nông dân xã Nhơn Hải, vụ nuôi 2019 – 2020, xã Nhơn Hải có 27 hộ thả nuôi 46.000 con tôm thịt trên 12 bè; giảm 36 hộ, 24 bè so vụ nuôi 2018 – 2019. Đến nay, người nuôi tôm trong xã thu hoạch hơn 2,6 tấn tôm.
Tuy nhiên, do thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc bị siết chặt, cộng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến thị trường tiêu thụ trong nước nên việc xuất khẩu tôm hùm gặp khó, dẫn đến tôm hùm rớt giá thê thảm. Bên cạnh đó, năm nay dịch bệnh tôm phát sinh nhiều nên người nuôi tôm lỗ nặng, khiến nhiều người đã phải bỏ nghề.
Ông Nguyễn Văn Bé, một người dân nuôi tôm ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết: Sau thời gian giá tôm hùm giảm sâu do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến xuất khẩu tôm hùm gặp khó thì nay tôm hùm được “mua xô”.
“Năm nay, tôm hùm rớt giá mạnh, dịch bệnh tôm phát sinh nhiều, bà con nuôi tôm hùm bị lỗ nặng, nhiều hộ đã bỏ nghề” – ông Bé cho hay.
Tôm hùm xanh rớt giá thê thảm, rẻ chưa từng có nhưng người mua vẫn thờ ơ
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người nuôi tôm hùm chấp nhận bán lỗ để lấy tiền mua thức ăn cho tôm.
Tại Sông Cầu (Phú Yên) nơi có khoảng 70.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, trong đó gần 10.000 lồng nuôi tôm đã đến lúc xuất bán nhưng không có thương lái đến mua. Một số hộ nuôi tôm đành bán bớt để lấy tiền mua thức ăn cho tôm, tiếp tục nuôi đàn tôm quá lứa chờ giá lên.
Nuôi tôm hùm nhiều năm tại Sông Cầu (Phú Yên), anh Nguyễn Quốc Huy cho biết nhà anh vừa nuôi tôm hùm vừa cung cấp các loại hải sản cho các đầu mối khắp cả nước. "Tôm hùm trước đây 80% là để phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, 20% còn lại "xuất khẩu tại chỗ", tức là phục vụ nhà hàng và khách du lịch nhưng nay do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nên tôm hùm không thể tiêu thụ được, người nuôi đang rất khó khăn", anh Huy nói.
Không xuất khẩu được do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tôm hùm hiện nay chủ yếu được tiêu thụ bởi thị trường trong nước.
"Vào khoảng giữa tháng 2, khi tôm không xuất khẩu như trước nên được bán buôn cho các vựa hải sản. Khi ấy, tôm hùm trở thành trào lưu, nhà nhà ăn tôm hùm. Nhưng tôm hùm là món ăn xa xỉ và không thể ăn thường xuyên được nên càng ngày sức mua càng giảm vì tiền để mua 1kg tôm hùm người ta có thể mua được mấy kg thực phẩm khác", anh Huy chia sẻ.
Theo anh Huy, vì tiêu thụ khó nên người nuôi chủ động giảm số lượng lồng bè, trước nuôi 10 lồng thì giảm xuống còn 5-6 lồng. "Nhà tôi có 10 lồng nuôi tôm hùm, riêng tiền đầu tư mỗi lồng bè hết 10 triệu, tiền tôm giống khoảng 10 triệu đồng. Giờ tôm lớn, ăn nhiều nên mỗi ngày chi phí thức ăn cho mỗi lồng khoảng 500.000 đồng. Để có tiền mua thức ăn, những người nuôi tôm như tôi phải cất tôm lên bán ít một, mỗi ngày 5-10kg mặc dù giá bán giảm 30%", anh Huy nói.
Nhiều hộ nuôi tôm hùm phải bán với giá lỗ để lấy tiền mua thức ăn duy trì đàn tôm.
"Thương lái trả giá rất rẻ, họ thu mua cả lồng khoảng 200kg với giá 480.000 đồng/kg. Như vậy, nếu bán với giá đó, mỗi cân tôm hùm xanh lỗ 150.000 đồng nên chúng tôi không bán. Những người nuôi tôm như tôi hiện đang trông ngóng từng ngày, mong dịch bệnh hết để người nuôi tôm có thể tiêu thụ được mà không bị lỗ như hiện nay", anh Huy thở dài.
Anh Thịnh Quốc, một người nuôi tôm tại Phan Rang (Ninh Thuận) ngán ngẩm vì cả khối tài sản đổ vào tôm mà đến khi tôm được bán lại không tiêu thụ được, thương lái thì ép giá. "Phải cầm cố sổ đỏ cho ngân hàng để lấy tiền đầu tư nuôi tôm và duy trì lồng bè mà giờ thương lái ép giá, trả giá 500.000 đồng/kg khi mua cả lồng nên tôi không bán buôn mà tách ra bán lẻ mỗi ngày vài cân.
Nhà tôi hiện có khoảng 1 tấn tôm hùm, cả khối tài sản đổ vào con tôm mà giờ dịch bệnh thế này khiến tôm không thể xuất khẩu được, nhà hàng đóng cửa, xe khách liên tỉnh không hoạt động, tôi muốn bán lẻ cũng không biết bán kiểu gì. Vì tôm càng lớn càng ăn nhiều thức ăn, người nuôi muốn có tiền duy trì nuôi tôm nên đành bán lẻ, được đồng nào hay đồng đó", anh Quốc nói.
Với giá bán hiện nay, người nuôi tôm hùm đang phải chịu lỗ 150.000 đồng/kg.
Để hòa vốn, theo anh Quốc, mỗi cân tôm hùm xanh phải bán với giá trên 600.000đ/kg. "Giá đó nếu tôm đạt thì hòa vốn, vì nào tiền giống, tiền công làm lồng nuôi, chưa kể tiền lãi ngân hàng, tiền công lặn trên nắng dưới nước cả năm trời. Nếu rủi ro hơn, tôm hao không đạt thì bán giá trên vẫn còn lỗ nặng".
Là thương lái thu mua tôm, chị Cao Nguyện (trú tại Cam Ranh, Khánh Hòa) cho biết mấy hôm nay tôm bắt đầu lên 30.000 đồng/kg tại bè, tức là giá 480.000 đồng/kg nhưng người dân vẫn không muốn bán.
"Thu mua với giá như vậy nhưng chúng tôi phải mất thêm 4,5 triệu đồng tiền thuê thuyền ra thu hoạch tôm, thuê thêm 9-10 người thợ đi lấy tôm, nhặt tôm, rồi thuê xe chở nước về làm hồ đe rộng cho tôm nghỉ ngơi, tiền công đóng hàng, tiền bao bì, tiền cước máy bay, cước xe ... Bên bán thì muốn mua rẻ, bên nuôi thì muốn tăng giá, thương lái cũng chỉ là người ở giữa. Không nên nói thương lái ép giá dân vì đó là thuận mua vừa bán. Mọi năm tôm xuất khẩu với giá cao, lúc đó cũng nhờ thương lái mà nông dân tiêu thụ tôm được giá. Năm nay dịch bệnh, không chỉ riêng tôm mà rất nhiều thứ trượt giá, thương lái cũng đã giúp bà con tiêu thụ phần nào rồi", chị Nguyện chia sẻ.
Do tôm hùm không phải mặt hàng thực phẩm thiết yếu, mọi người chỉ ăn một lần cho biết nên sức mua thời gian gần đây giảm rõ rệt.
Ghi nhận tại cửa hàng chuyên bán hải sản tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), dù giá tôm hùm xanh size 3-4 con/kg chỉ còn 600.000 đồng/kg nhưng rất ít khách mua.
Chị Hằng, chủ cửa hàng hải sản, cho biết: "Dạo cuối tháng 2, dân mình đổ xô đi giải cứu tôm hùm vì từ trước đến nay, tôm hùm luôn được coi là mặt hàng cao cấp, xa xỉ với giá thành đắt đỏ, giờ được bán tràn lan khắp nơi với giá rẻ. Có ngày tôi bán sỉ cho các mối cả tấn tôm các loại, hiện giờ thì giá rẻ hơn cả đợt giải cứu nhưng khách mua thưa thớt lắm.
Mỗi ngày, tôi bán không nổi 10kg vì tôm hùm dù rẻ nhưng giá vẫn cao hơn các loại hải sản khác, chỉ để ăn chơi thôi chứ không phải thực phẩm thiết yếu. Khách chỉ mua ăn một lần ăn cho biết chứ tiền đâu mà ăn suốt, giỏi lắm ăn 2-3 lần là chán chứ không như cá hay mực".
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), dịch Covid 19 lây lan mạnh trên toàn cầu khiến cho sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề. Diễn biến dịch bệnh Covid còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình xuất khẩu chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm. Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi, sẽ có không ít doanh nghiệp không thể trụ vững vì thiếu vốn để duy trì, để quay vòng kinh
Khánh An
Tôm hùm rớt giá chưa từng có, nông dân gác lồng bỏ không vì thua lỗ quá nhiều Chưa năm nào giá tôm hùm giảm mạnh như hiện tại, hàng loạt hộ dân đã gác hàng chục chiếc lồng nuôi tôm hùm lên bờ hoặc để lồng không dưới biển vì phải gồng mình bù lỗ trong thời gian quá dài. Được mệnh danh là thủ phủ nuôi tôm hùm của tỉnh Phú Yên, đến TX. Sông Cầu những ngày này...