Tôi đã chọn học nghề ở quê hương
Đa số phụ huynh đều mong con đậu vào các trường đại học danh tiếng bởi nhiều người vẫn nghĩ đại học sẽ mở ra tương lai tươi sáng hơn cao đẳng hay trung cấp. Tuy nhiên, quan điểm này còn hạn chế, câu chuyện của tôi là một minh chứng.
Cô Thư (giữa) cùng học trò nhận giải thưởng tại cuộc thi Éureka 2018 – Ảnh: HIỀN TRƯƠNG
Tôi sinh ra ở Đồng Tháp, nơi có mùa nước nổi mang phù sa bồi đắp đồng lúa mênh mông, những ao sen thơm ngát và vườn trái cây trĩu quả. Cách đây 19 năm, khi đang học lớp 12, như bao học sinh khác, tôi háo hức cho kỳ thi cuối cấp và thi tuyển vào ĐH.
Dự định của tôi là thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chuyên ngành nữ công gia chánh và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM theo ý nguyện nối nghiệp gia đình của mẹ.
Tưởng chừng phải dừng lại
Biến cố gia đình ập đến, ba tôi trở bệnh nặng, tốn nhiều chi phí chữa trị và cần người thân bên cạnh. Mẹ tôi phải vừa đi dạy vừa chăm sóc ba và bà ngoại.
Gia đình tôi không đủ điều kiện để tôi có thể hoàn thành ĐH với những khoản chi phí lớn trong 4 năm học. Nhưng ba và ngoại đều muốn tôi tiếp tục việc học.
Tôi cân nhắc những ngôi trường vừa gần nhà, thời gian học ngắn, học phí không cao, ra trường dễ tìm việc làm và đặc biệt là phải có chuyên ngành phù hợp. Sau bao đắn đo, tôi theo ngành công nghệ thực phẩm Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp.
Video đang HOT
Tôi dần nhận ra mình hoàn toàn phù hợp với công nghệ thực phẩm vì có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về những loại thực phẩm tôi yêu thích, hiểu về nguyên nhân và cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm, thực hiện nhiều chuyến tham quan, thực tập tại các doanh nghiệp sản xuất thực tiễn… Niềm đam mê này làm tôi cố gắng nhiều hơn và được đền đáp xứng đáng.
Tôi tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại trường làm giảng viên vào năm 2005. Cũng nhờ trường, tôi được trao cơ hội học liên thông lên ĐH, tốt nghiệp loại giỏi vào năm 2009, rồi tiếp tục tốt nghiệp loại xuất sắc chương trình thạc sĩ tại Trường ĐH Cần Thơ năm 2016.
Tiếp đam mê cho người sau
Giờ đây, tôi là một trong những giảng viên cơ hữu chuyên ngành công nghệ thực phẩm của Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp.
Khi đứng lớp giảng dạy, tôi nhận ra đứng trên bục giảng cũng rất thú vị, khi tôi có cơ hội truyền đạt cho sinh viên nhiều kiến thức về nhu cầu dinh dưỡng, thực phẩm gắn liền với sáng tạo trong màu sắc, mùi vị, cấu trúc đến cách trình bày như một nghệ thuật.
Ngoài giảng dạy, tôi cũng muốn “truyền lửa” cho sinh viên, giúp các em dù ở chương trình học nào cũng có thể tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy niềm đam mê khám phá tri thức mới.
Thầy trò chúng tôi nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp dựa trên các nguồn nguyên liệu đặc trưng địa phương và chuyển giao cho doanh nghiệp.
Nghiên cứu này được nhiều ghi nhận, như giải ba Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học 2018 (Éureka 2018), giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp năm 2018-2019…
Nghĩ lại, tôi vẫn thấy học nghề tại quê hương là lựa chọn đúng đắn cho nghề nghiệp của tôi. Tôi hoàn thành ước mơ có bằng ĐH, thậm chí là bằng thạc sĩ với chuyên ngành mà mình yêu thích, có công việc quá tốt với mức lương ổn định, tự lập về kinh tế như mong ước của bà ngoại tôi ngày xưa.
Tôi đã không phụ sự kỳ vọng của ba tôi và đặc biệt là làm cho mẹ tôi rất vui vì tiếp nối sự nghiệp trồng người của bà.
Tôi nhận ra rằng mình thực sự yêu nghề giáo vì được truyền đạt kiến thức cho sinh viên đúng chuyên ngành công nghệ thực phẩm mà tôi đam mê. Tôi tự nhủ sẽ không ngừng truyền lửa cho các thế hệ sinh viên của trường, từng bước dẫn dắt các bạn trẻ thực hiện ước mơ.
Tôi vẫn tin không phải chỉ có con đường đi thẳng vào đại học mới giúp ta thành công trong cuộc sống, mà sự thành công là sự phấn đấu của bản thân, trường học chỉ là môi trường, là điều kiện để chúng ta rèn luyện. Dù là trường trung cấp, cao đẳng hay đại học, khi có lòng nhiệt huyết và phấn đấu, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Tiếp tục kéo dài thời gian nhận bài
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa có thông báo kéo dài thời gian nhận bài dự thi “Tôi chọn nghề” đến 30-6-2020.
Bài thi không quá 1.500 chữ và phải để tên thật, địa chỉ của nhân vật, số điện thoại để ban tổ chức liên lạc khi cần thiết, kèm số tài khoản ngân hàng để tiện chuyển khoản nếu có nhuận bút.
Gửi bài qua địa chỉ email toichonnghe@tuoitre.com.vn hoặc địa chỉ: Ban giáo dục – khoa học báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ dự thi “Tôi chọn nghề”.
Giải thưởng cuộc thi hấp dẫn, bao gồm giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng, giải ba 10 triệu đồng và 5 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.
Theo tuoitre.vn
Giáo viên tâm sự: Áp lực duy trì sĩ số học sinh trong mùa dịch Covid-19
Trong đợt nghỉ dài để phòng, tránh dịch bệnh Covid-19, bên cạnh áp lực chậm trễ chương trình, giáo viên chúng tôi còn canh cánh nỗi lo về áp lực duy trì sĩ số học sinh.
Ảnh minh họa
Một người bạn của tôi chủ nhiệm lớp 9 than thở về cậu học trò nghịch ngợm nhất lớp mới vừa nhắn tin cho cô giáo với lời lẽ chán nản về việc muốn bỏ học đi học nghề. Bạn bảo đọc tin nhắn của trò mà giật thót và lo lắng bất an suốt buổi. Hết gọi điện trao đổi với phụ huynh, bạn lại loay hoay liên lạc tìm hiểu nhóm bạn cùng lớp về tình trạng hiện tại của trò. Và cả buổi tối chuyện trò khuyên nhủ qua mạng xã hội, bạn vẫn chưa thể yên tâm về nguy cơ trò bỏ học.
Không chỉ một vài người bất an mà có lẽ đa phần nhà giáo hiện nay cũng đang nơm nớp lo lớp học giảm sĩ số sau thời gian dài nghỉ tết Nguyên đán rồi nghỉ phòng tránh dịch bệnh. Lâu nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, chúng tôi lại quay cuồng vận động học sinh đến lớp bởi nhiều gia đình quyết định cho con cái nghỉ học sau Tết.
Khi bà con láng giềng, anh em họ hàng đi làm ăn phương xa trở về địa phương đem theo ít tiền bạc buông lời rủ rê, nhiều em học sinh vốn lười học nhanh chóng bị dụ dỗ bỏ học kiếm việc làm. Một số gia đình cũng dễ dàng buông xuôi với ý định học nghề, tìm việc của con cái nếu lâu nay đã chán ngán với thành tích học tập của con. Vậy nên trong khá nhiều trường hợp vận động học sinh trở lại trường sau Tết, dù cố gắng thế nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng đã nhiều lần "nếm" mùi thất bại.
Năm nay, kỳ nghỉ Tết vừa dứt thì kỳ nghỉ phòng tránh dịch bệnh kéo dài lại ập đến. Nguy cơ học sinh lười học, buông bỏ sách vở và nhen nhóm ý định học nghề, tìm việc sẽ cao hơn hẳn. Nói vậy để thấy rằng bên cạnh nhiệm vụ bổ trợ kiến thức, ôn luyện bài vở cho học sinh trong kỳ nghỉ thì việc quan tâm duy trì sĩ số lớp cũng không kém phần quan trọng.
Nếu giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát sao tình hình học sinh trong lớp, thường xuyên liên hệ trao đổi thông tin bài vở thì sẽ dễ dàng phát hiện em nào có nguy cơ bỏ học để vận động, khuyên nhủ. Còn ngược lại, viễn cảnh giảm sĩ số lớp sau khi trường học mở cửa trở lại có thể sẽ hiện hữu.
Bởi vậy, thời điểm này cần lắm vai trò của người giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình hiện tại của học sinh thông qua nhiều kênh thông tin liên lạc trong thời đại công nghệ số. Khi được "người mẹ thứ hai" giàu lòng yêu thương và kiên nhẫn quan tâm, hẳn là bọn trẻ sẽ thổ lộ nhiều điều về áp lực học hành, nỗi lo về các kỳ thi sắp tới, kể cả những vướng bận muộn phiền trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch bệnh.
Lắng nghe tiếng lòng của con trẻ, chúng ta sẽ kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các con để có thể kịp thời động viên, san sẻ áp lực và uốn nắn những ý định còn non nớt, đầy nông nổi, trong đó có nguy cơ bỏ học đi tìm việc.
Nguyễn Thùy (dantri.com.vn)
Nên tổ chức nhiều đợt thi THPT quốc gia? Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cũng là dịp để nhìn lại việc tổ chức thi THPT quốc gia, nên chăng tổ chức thành nhiều đợt trong năm? Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2020 tại Đắk Lắk - Ảnh: TRUNG TÂN Kỳ thi THPT quốc gia hằng năm thu hút gần 1 triệu thí sinh cả nước tham dự để xét...