Tổ chức học 2 buổi để dạy thêm, giáo viên môn phụ ấm ức vì thiệt đơn thiệt kép
Dạy thêm trong trường, giữ nguyên biên chế lớp chính khóa, lồng thời khóa biểu chính khóa trong buổi dạy thêm, chẳng khác ép học sinh “học thêm chính khóa”.
Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Như vậy, năm học 2022-2023 sẽ không còn dạy thêm ngoài nhà trường do:
- Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường không còn hiệu lực.
- Giấy phép cấp hoạt động cho các trung tâm dạy thêm, học thêm của các địa phương đã hết hiệu lực, không còn các trung tâm bồi dưỡng văn hóa.
Vì thế, hoạt động dạy thêm, học thêm “danh chính, ngôn thuận” chỉ còn được phép tổ chức trong nhà trường.
Trong trường tiểu học đã cấm tuyệt đối dạy thêm, nên hoạt động dạy thêm, học thêm chỉ còn được phép tổ chức trong trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Với trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đã và đang áp dụng chương trình 2018 ở lớp 6, 7, 10.
Theo chương trình mới, cấp trung cấp cơ sở và trung học phổ thông “mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học”; khuyến khích các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày trong chương trình 2018 nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá – nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh;
Hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.[1]
Trước mặt trái của hoạt động dạy thêm học thêm, có địa phương như Đồng Nai đã ban hành công văn dừng tổ chức dạy thêm trong nhà trường.[2]
Nhà trường tổ chức học 2 buổi để dạy thêm, giáo viên môn phụ thiệt đơn, thiệt kép
Cô giáo Phan Anh (tên giáo viên đã được thay đổi) đang là giáo viên trung học cơ sở chia sẻ: “Tôi dạy Lịch sử, Địa lý chưa biết dạy thêm là gì, cuộc sống trông chờ vào đồng lương ba cọc ba đồng không đủ trang trải, nên cũng phải tranh thủ làm thêm nuôi nghề giáo.
Trước đây, nhà trường chỉ dạy 1 buổi/ngày, buổi chiều chỉ dành cho giáo viên Toán, Văn, Anh dạy thêm, nên 1 tuần chỉ lên trường 4 hoặc 5 buổi.
Nay nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày để tăng tiết Toán, Văn, Anh, buổi chiều cũng đồng thời dạy cả môn chính khóa, vì thế nay mỗi tuần phải đi trường 6 buổi/tuần, thay vì 5 buổi/tuần như trước đây.
Tôi còn đỡ, có giáo viên môn phụ khác phải đi 7, 8 buổi/tuần, dạy hai buổi như thế này giáo viên môn phụ phải đi lên trường nhiều hơn mà không có chế độ gì, đúng là thiệt đơn, thiệt kép”.
Ảnh minh họa: Độc giả cung cấp
Video đang HOT
Thực tế, cuộc sống của không ít giáo viên “môn phụ” rất khó khăn, không ít giáo viên phải làm thêm nghề tay trái nuôi nghề giáo, nếu như số buổi/tuần đi đến trường tăng lên, đồng nghĩa với không có thời gian làm nghề “tay trái”, cuộc sống càng khó khăn hơn, lo lắng của giáo viên “môn phụ” khi học 2 buổi/ngày là điều dễ hiểu.
Thực hiện dạy thêm, học thêm trong nhà trường hiện nay sao cho đúng pháp luật?
Ngày 3/10/2022 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có Công văn 3248/SGDĐT-GDTrHTX hướng dẫn dạy thêm, học thêm Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quy định các trường hợp không được dạy thêm: Thực hiện đúng các quy định tại Điều 4 Thông tư 17/2012TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nguyên tắc tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường được quy định như sau:
Thực hiện đúng theo Quy định tại Điều 3 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt lưu ý:
Chỉ thực hiện dạy thêm khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được sự đồng ý của phụ huynh học sinh; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau. Chỉ tổ chức dạy thêm đối với các lớp học đã được sắp xếp học sinh có cùng học lực theo môn học.
Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
Thời gian học thêm: căn cứ nguyện vọng của học sinh và phụ huynh học sinh; mục tiêu giáo dục của từng khối, lớp; điều kiện về cơ sở vật chất và nhiệm vụ được phân công của giáo viên để bố trí số tiết, số buổi học thêm theo hướng:
Không dạy thêm tất cả các buổi trong tuần để học sinh có thời gian tự học, tự nghiên cứu, tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp và các hoạt động khác của nhà trường.
Tổng số tiết học thêm và số tiết học chính khóa/ngày không vượt quá số tiết định mức/ngày theo quy định về dạy 02 buổi/ngày.
Không tổ chức dạy thêm học thêm các bộ môn văn hóa trong nhà trường vào các buổi tối, ngày chủ nhật và các ngày nghỉ lễ theo quy định.
Không xếp thời khóa biểu dạy thêm học thêm cùng với các buổi học chính khóa của nhà trường.[3]
Người viết thấy thực hiện đúng theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ không có chuyện giáo viên môn phụ bức xúc và cũng không diễn ra tình trạng dạy thêm “chính khóa” trong nhà trường.
Tuy nhiên, để các cơ sở thực hiện đúng cần kiểm tra, xử lý vi phạm dạy thêm trong nhà trường, các cơ sở giáo dục cần tránh tuyệt đối tình trạng dạy nguyên lớp chính khóa, lồng ghép thời khóa biểu chính khóa trong buổi dạy thêm.
Dạy thêm trong trường, giữ nguyên biên chế lớp chính khóa, lồng ghép thời khóa biểu chính khóa trong buổi dạy thêm, chẳng khác ép học sinh “học thêm chính khóa”.
Dạy thêm, học thêm đã tồn tại mấy chục năm ở nước ta, đây vừa là vấn nạn vừa là nhu cầu, không thể nói bỏ là bỏ được.
Thế nhưng với chương trình 2018, người viết đề nghị Bộ có văn bản cấm dạy thêm tuyệt đối, có như thế mới mong phát huy bồi dưỡng phẩm chất năng lực học trò.
Bên cạnh các giải pháp quản lý dạy thêm phù hợp, cần có giải pháp đồng bộ, phải đảm bảo cuộc sống cho giáo viên nói chung và giáo viên môn phụ không dạy thêm nói riêng.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://rgep.moet.gov.vn/tin-tuc/chuyen-de-mot-so-van-de-chung-ve-gdpt-moi-day-hoc-2-buoi-ngay-o-cap-tieu-hoc-4784.html
[2] https://giaoduc.net.vn/cac-dia-phuong-tren-ca-nuoc-nen-dung-day-them-nhu-dong-nai-post229948.gd
[3]http://bariavungtau.edu.vn/Default.aspx?sname=SoGDDT&sid=4&pageid=3048&p_steering=34854
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Vì sao hiện nay nhiều giáo viên không được dạy thêm học sinh chính khóa?
Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những quy định cụ thể về dạy thêm học thêm trong thời gian tới.
Bài viết "Thời điểm này tạm dừng việc dạy thêm là vô cùng hợp lý" được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự quan tâm rất lớn của đội ngũ giáo viên cả nước.
Một số bạn đọc bày tỏ thắc mắc rằng hiện nay giáo viên có được dạy thêm học sinh chính khóa không? Người viết xin được làm rõ vấn đề trên.
Ảnh minh họa: Thùy Linh
Hiệu trưởng không còn ký vào đơn xin dạy thêm của giáo viên?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT công bố hết hiệu lực hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Trước đây, việc cấp giấy phép dạy thêm được thực hiện theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm học thêm.
Theo đó, để được dạy thêm ngoài nhà trường thì giáo viên phải làm đơn xin được dạy thêm, hiệu trưởng ký xác nhận đồng ý vào đơn và gửi phòng/sở giáo dục thẩm định và cấp phép.
Nhưng hiện nay một số điều trong Thông tư đã hết hiệu lực, hiệu trưởng đã không còn ký vào đơn xin cấp phép của giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường.
Vì, theo Điều 1 Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT năm 2019 đã đưa ra lý do hết hiệu lực 8 điều tại Thông tư 17 là điều chỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014.
Từ 01/7/2016, Luật Đầu tư 2014 quy định việc dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên từ 01/01/2021 cho đến hiện nay, Luật Đầu tư 2020 không còn quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nữa nên các doanh nghiệp chỉ cần đăng ký mã ngành nghề kinh doanh giáo dục để có thể dạy thêm.
Giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường không cần phải gửi đơn cho hiệu trưởng và phòng/sở Kế hoạch và đầu tư sẽ là đơn vị cấp giấy phép kinh doanh dạy thêm.
Chính vì lý do trên, hiệu trưởng không còn ký xác nhận đồng ý hay không đồng ý cho giáo viên dạy thêm nên việc kiểm soát dạy thêm cũng gặp nhiều khó khăn.
Vì sao hiện nay hầu hết giáo viên không được dạy thêm học sinh chính khóa?
Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công bố 8 điều trong Thông tư 17 hết hiệu lực, gồm các quy định về tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; các yêu cầu với người tổ chức, cơ sở vật chất dạy thêm và những thủ tục, thẩm quyền cấp phép hoạt động này.
Tuy nhiên, giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường theo giấy phép kinh doanh dạy thêm vẫn phải đảm bảo các quy định của Thông tư 17 về dạy thêm học thêm.
Theo đó tại Điều 4 Thông tư 17 quy định các trường hợp không được dạy thêm như sau:
"1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó."
Do đó, giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường để dạy thêm được học sinh chính khóa ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chuẩn, nguyên tắc về dạy thêm còn phải được sự đồng ý của thủ trưởng (hiệu trưởng) các trường.
Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, Luật Đầu tư 2020 không còn quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nữa nên các cá nhân, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký mã ngành nghề kinh doanh giáo dục thì có thể tổ chức dạy thêm và giáo viên không cần làm đơn xin dạy thêm do hiệu trưởng cấp, nên hiệu trưởng không còn xác nhận vào đơn xin dạy thêm của giáo viên ngoài nhà trường.
Hiệu trưởng không còn ký xác nhận vào đơn xin dạy thêm của giáo viên, đồng nghĩa cũng không ký đồng ý cho giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa ngoài nhà trường, nếu giáo viên dạy là sai sẽ bị xử phạt theo quy định về dạy thêm, theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục và bị kỷ luật theo Luật Viên chức.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đang triển khai theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, dạy 2 buổi/ngày nên rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những quy định cụ thể về dạy thêm học thêm trong thời gian tới, hạn chế dạy thêm học thêm tràn lan.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nguyên tố H ở sách KHTN 7 bộ Chân trời sáng tạo lúc in màu hồng, lúc màu xanh Sách giáo khoa trong chương trình mới chỉ là tài liệu tham khảo nhưng kiến thức, thông tin phải chính xác, dễ hiểu, dễ học, là học liệu chính xác. Môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở trong chương trình 2018 được coi là môn "tích hợp" của Vật lý, Sinh học, Hóa học đã và đang thu hút...