Tinh vi tội phạm trốn thuế
Theo báo cáo của cơ quan thuế, tình trạng mua, bán hoá đơn bất hợp pháp, lập hoá đơn khống diễn biến phức tạp. Đồng thời, việc các doanh nghiệp mua hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng hóa đơn này để tính chi phí, kê khai, khấu trừ giảm số thuế phải nộp cũng như để hoàn thuế ngày càng gia tăng.
Ảnh minh họa
Tội phạm thuế diễn biến phức tạp
Đặc biệt, lợi dụng việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh với thủ tục đơn giản nên một số doanh nghiệp thành lập nhưng không sản xuất kinh doanh mà chỉ mua, bán hoá đơn để kiếm lời rồi bỏ trốn… Những vi phạm trên đã gây hậu quả nghiêm trọng làm thất thoát nhiều tỷ đồng cho Ngân sách Nhà nước (NSNN), ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh và quá trình phát triển, uy tín của cộng đồng doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp làm ăn không chân chính, cần hóa đơn để hợp thức hóa các khoản chi không có trên thực tế tạo ra một lực cầu lớn về hóa đơn bất hợp pháp, chính vì vậy để không ít đối tượng bất chấp pháp luật thành lập các công ty ma chỉ để chuyên mua bán hóa đơn. Nhiều vụ án mua bán hóa đơn với số lượng lớn, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện. Cùng với đó, những đối tượng cố tình lợi dụng các chính sách về thuế thông qua các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép đã phải đứng trước vành móng ngựa, tuy nhiên vì những khoản lợi không nhỏ vẫn có nhiều đối tượng bất chấp hậu quả để tham gia vào hoạt động này.
Đánh giá về tình hình tội phạm trong lĩnh vực thuế, tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp phòng chống các hành vi tội phạm trong lĩnh vực thuế, ông Phi Vân Tuấn – Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội chỉ ra rằng: “Trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, tình hình vi phạm về thuế ngày càng phức tạp, phát sinh nhiều hình thức mới, nhiều thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt hơn như trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, hoạt động ngân hàng, hoạt động chuyển giá, mua bán hóa đơn bất hợp pháp…”
Cũng tại hội nghị này, Thiếu tướng Trần Thùy – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị: “Ngành thuế đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế. Nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm phải thiết lập hồ sơ chặt chẽ chuyển cho cơ quan điều tra”.
Răn đe
Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm soát nhân dân Tối cao và Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính – kế toán và chứng khoán có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-8-2013 sẽ có rất nhiều hành vi vi phạm về hóa đơn sẽ bị xử lý hình sự.
Theo đó, hành vi như mua, bán hoá đơn chưa ghi nội dung hoặc ghi nội dung không đầy đủ, không chính xác theo qui định; Mua, bán hoá đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hoá, dịch vụ kèm theo; Mua, bán hoá đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn đã hết giá trị sử dụng, hóa đơn của cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc cấp cho khách hàng khi bán hàng hóa dịch vụ; Mua, bán, sử dụng hoá đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hoá, dịch vụ giữa các liên của hoá đơn bị khép vào tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN.
Video đang HOT
Thông tư cũng nêu rõ, với trường hợp vi phạm trên nếu số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN ở dạng phôi (chưa ghi giá trị) từ 50 số đến dưới 100 số được coi là lớn; từ 100 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn. Với số lượng hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN đã ghi nội dung để nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn; từ 30 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn. Thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên. Hoặc gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại cho NSNN có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc cụ thể hóa các hành vi cũng như mức độ vi phạm sẽ giúp cho công tác xét xử diễn ra thuận lợi hơn, qua đó áp dụng các biện pháp xử lý đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.
Ứng dụng công nghệ thông tin chống thất thu thuế
Cục thuế TP Hà Nội cho biết, việc thực hiện đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn của người nộp thuế và tổ chức thực hiện đối chiếu hóa đơn qua mạng trên địa bàn bước đầu mang lại những kết quả tích cực, góp phần ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Qua rà soát, đối chiếu dữ liệu kê khai trên hệ thống quản lý của cơ quan thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã đưa ra danh sách 7.451 doanh nghiệp sử dụng 60.031 hóa đơn có dấu hiệu bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và hạch toán chi phí, trong đó tổng doanh thu chưa thuế là 1.443 tỷ đồng, thuế GTGT khấu trừ là 141 tỷ đồng.
Cục Thuế đã gửi danh sách các doanh nghiệp, danh mục các hóa đơn có dấu hiệu bất hợp pháp tới các phòng, chi cục thuế, yêu cầu doanh nghiệp rà soát, kê khai và điều chỉnh lại. Đã có 6.514/7.451 doanh nghiệp điều chỉnh kê khai theo đúng thực tế với số thuế GTGT đầu vào điều chỉnh giảm là 73 tỷ đồng.
Hùng Anh
Theo ANTD
Hệ luỵ doanh nghiệp "ma": Rao bán hóa đơn đỏ nhan nhản trên mạng
Thời gian gần đây, tội phạm mua bán hóa đơn đỏ đang xuất hiện trở lại một cách ngang nhiên. Có thể mua bán loại hóa đơn này ở bất kỳ đâu, nhà ga, bến tàu, đặc biệt là ở trên mạng người ta rao bán nhan nhản.
Sự bùng nổ các công ty ma chuyên mua bán hóa đơn đã cho thấy loại tội phạm này đang diễn biến hết sức phức tạp gây thất thu thuế, thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nhưng công tác quản lý thì lại không hiệu quả, có quá nhiều kẽ hở để các đối tượng phạm tội lợi dụng chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.
Một số đối tượng trước phiên tòa xét xử vụ án mua bán hóa đơn
Lách luật
Nếu bạn có nhu cầu mua hóa đơn giá trị gia tăng mà người ta vẫn gọi là hóa đơn đỏ, rất đơn giản, có thể dễ dàng mua tại các bến tàu, xe hoặc đặt mua thông qua Internet.
Trên các trang mua bán rao vặt online, có hàng trăm tin rao bán hóa đơn GTGT, dịch vụ với mức phí từ 2-10% tổng số tiền ghi trên hóa đơn. Với những khoản tiền lớn, khách hàng có thể gọi điện trực tiếp đặt vấn đề về giá cả, cách thức giao dịch. Đặc biệt, các đối tượng buôn bán hóa đơn còn xây dựng các điểm giao dịch, xây dựng mạng lưới chân rết tại các nhà ga, bến xe. Những chân rết này sẽ bán mỗi hóa đơn với giá 200.000 đồng cho các hóa đơn ghi khống vài triệu đồng. Những chân rết này cũng không quên quảng cáo có thể "xử lý" cả hóa đơn hàng tỉ đồng chỉ với mức chiết khấu từ 2 đến 10% tùy ngành nghề.
Không ít lao động nhàn rỗi thời gian qua đã lao mình như con thiêu thân vào làm cho các đường dây buôn bán hóa đơn này. Lân la hỏi chuyện một chị bán hóa đơn thuê tại khu vực trước cửa ga Hà Nội, chị này cho biết: "Tôi bán mấy tờ hóa đơn chứ có nhiều đâu mà lo bị bắt. Mới lại, mình chỉ ăn non thôi, giá ghi khống chỉ vài triệu, mình chỉ bán thuê thôi, cùng lắm phạt hành chính. Nếu khách hàng cần ghi số tiền lớn, mình chuyển cho mối to hơn. Làm thế này an toàn chẳng lo bị bắt".
Tại điều 164a - Bộ luật Hình sự về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước có quy định: Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Hóa đơn, chứng từ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn; đ) Thu lợi bất chính lớn; e) Tái phạm nguy hiểm; g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
Chính những quy định như vậy, nên các đối tượng thường tìm mọi cách lách luật. Các đối tượng tổ chức cầm đầu việc mua bán hóa đơn không bao giờ xuất hiện thường giao cho các chân rết đi bán lẻ tại các nhà ga, bến xe, hoặc qua rao bán trên mạng, các đối tượng bán thuê này sẽ mang đến bán cho khách hàng. Đặc biệt, các đối tượng thường không bán với số lượng lớn mà xé lẻ số lượng hóa đơn để tránh bị xử phạt hình sự. Và đây cũng là lý do vì sao mà loại tội phạm này xuất hiện càng nhiều và càng gia tăng.
Thả nổi
Có thể khẳng định, công tác quản lý hóa đơn, chứng từ đang bị thả nổi nhất là từ khi Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính thực hiện việc giao quyền tự chủ cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp về việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Theo quy định tại Khoản 1c, Điều 6, Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28-9-2010 của Bộ Tài chính thì: doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tự xác định các điều kiện để tự in hóa đơn và chỉ cần ra quyết định áp dụng hóa đơn tự in gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm về quyết định này. Như vậy để được in và in hóa đơn GTGT vô cùng đơn giản. Đặc biệt khi thời gian qua, thủ tục xin phép thành lập doanh nghiệp cũng thông thoáng hơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng phạm tội lợi dụng xin phép thành lập công ty. Nhưng thực chất là không hề hoạt động kinh doanh theo giấy phép mà chỉ để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng.
Mới đây, TAND TP.HCM đã xét xử 11 bị cáo trong đường dây mua bán hóa đơn, trốn thuế quy mô lớn. Theo cáo trạng, từ tháng 8-2007 đến 10-2010, Nguyễn Văn Nhi (SN 1971, trú tại quận Gò Vấp, TP.HCM) đã thành lập và mua lại hàng chục công ty TNHH tại TP.HCM. Sau đó, Nhi không tổ chức kinh doanh như giấy phép mà dùng các công ty này thực hiện hành vi mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), ghi khống nội dung trị giá hàng hóa cho những người có nhu cầu.
Trong hơn 3 năm, tổng cộng Nhi và đồng phạm đã bán hơn 11.000 hóa đơn GTGT, với giá trị hàng hóa là 3.160 tỉ đồng. Bản thân Nhi thu lợi bất chính 5,8 tỉ đồng. Là chủ mưu trong vụ án gây thất thu cho Nhà nước hàng tỉ đồng nhưng Nguyễn Văn Nhi chỉ phải nhận mức án 2 năm 6 tháng tù. Các bị cáo khác nhận mức án từ 1 năm cải tạo không giam giữ đến 2 năm tù cho tội danh in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và tội trốn thuế.
Diễn biến phức tạp
Thời gian gần đây, các công ty mua bán hóa đơn có dấu hiệu xuất hiện trở lại. Đáng chú ý, cùng lúc xuất hiện nhiều công ty buôn bán hóa đơn số lượng lớn, rồi lại cùng lúc biến mất một cách bí ẩn với hàng nghìn hóa đơn giá trị gia tăng có tổng số tiền ghi khống lên tới hàng nghìn tỉ.
Mỗi đường dây được phân thành nhiều nhóm. Trong đó, có nhóm chuyên đứng ra tổ chức hoặc thuê người thành lập doanh nghiệp ảo, nhóm khác đảm nhận việc tìm kiếm địa bàn, đầu mối để tiêu thụ hóa đơn, cung cấp hóa đơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hóa nguồn gốc hàng trôi nổi trên thị trường, hàng hóa nhập lậu, sau đó các bên chia lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm rồi ghi khống.
Theo đánh giá của Cục CSĐT tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15), thủ đoạn mới đang được nhiều đối tượng lợi dụng là hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ đầu vào để tham nhũng và trốn thuế, nhiều vụ gây thiệt hại, thất thu thuế hàng tỉ đồng.
Theo ông Hoàng Công Dũng - Viện Nghiên cứu pháp lý, Bộ Tư pháp thì các đối tượng mua bán hóa đơn thường là các đối tượng kiếm tiền trực tiếp từ việc mua bán hóa đơn, chứng từ, hoặc sử dụng hóa đơn, chứng từ mua được để thực hiện việc trốn thuế. Bên cạnh đó, đã từng có những đối tượng bị xử lý về hành vi chiếm đoạt thuế bằng cách sử dụng các hóa đơn, chứng từ viết khống để xin hoàn thuế.
Tuy nhiên thực tiễn công tác xét xử về loại tội phạm này trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như theo quy định của điều 164a - BLHS thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về thế nào là "số lượng lớn", "số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn" và "Thu lợi bất chính lớn".
Ngay đến ngành tòa án cũng đang còn gặp lúng túng trong việc áp dụng quy định pháp luật đối với hành vi này dẫn đến mức phạt chưa đủ sức răn đe. Đó là chưa kể, các đối tượng khi bị bắt đã kịp tẩu tán hết tài sản. Việc thu hồi các khoản thuế bị thất thu, tài sản do phạm pháp mà có trở nên không khả thi. Mức hình phạt đối với loại tội phạm này chủ yếu là mang tính răn đe, mục đích của hình phạt là yêu cầu đối tượng khắc phục hậu quả khiến cho các đối tượng phạm tội bất chấp pháp luật.
Tội phạm mua bán hóa đơn, chứng từ và tội phạm trốn thuế đã móc nối thành đường dây "ăn cắp" tiền của Nhà nước. Đây là loại tội phạm không mới nhưng hậu quả để lại nghiêm trọng gây thất thu thuế và thiệt hại cho nền kinh tế. Khi công tác kiểm tra của ngành thuế không còn đạt hiệu quả, các mức xử phạt theo quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, loại tội phạm này đang diễn biến phức tạp và trở nên khó kiểm soát.
Các vụ việc chỉ bị phát hiện khi đã gây hậu quả quá lớn, đặc biệt nghiêm trọng. Đã đến lúc cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hóa đơn chứng từ, không để các doanh nghiệp tự chủ in ấn phát hành sử dụng hóa đơn GTGT. Đồng thời Luật pháp cần có những quy định cụ thể rõ ràng đối với những hành vi mua bán hóa đơn cũng như chế tài tương ứng, không để các đối tượng lợi dụng lách luật buôn bán hóa đơn công khai như hiện nay.
Theo ANTD
Tân dược giả trà trộn hàng thật bán công khai Kết quả giám định đối với hai loại thực phẩm chức năng là Cốm vi sinh TralyBio và sản phẩm Men vi sinh ZinciBio Plus cho thấy, tiêu chuẩn thực tế không đúng với tiêu chuẩn ghi trên bao bì sản phẩm và chỉ đạt dưới 70% chất lượng chuẩn. Vừa qua, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản...