Tìm hiểu vai trò thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp
Trong các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc ức chế men chuyển rất thường được sử dụng.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp như thế nào cho đúng, hiệu quả và an toàn thì lại là điều mà rất nhiều bệnh nhân còn chưa có cái nhìn thật sự đầy đủ và cụ thể.
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị tăng (cao) huyết áp cơ bản và hiệu quả cao. Một hoặc nhiều nhóm thuốc khác nhau có thể được sử dụng trong quá trình này để điều trị bệnh cho bệnh nhân. Trong đó, thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp là nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp hiệu quả cao, được sử dụng rất phổ biến trên thực tế.
1. Cơ chế tác dụng của thuốc hạ ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp
Để hiểu hơn về cơ chế tác dụng của thuốc ức chế men chuyển, ta cần hiểu rõ về đích tác động của thuốc là hệ Renin-Angiotensin-Aldosterol (thường được gọi tắt là hệ RAA).
Renin là một chất được tiết ra bởi các tế bào cạnh cầu thận khi huyết áp giảm xuống hoặc có sự thay đổi thành phần ion Natri trong máu. Sau khi được tiết ra thì Renin sẽ theo máu di chuyển đến gan, tại đây nó xúc tác cho quá trình chuyển angiotensinogen tại gan chuyển thành Angiotensin I.
Angitensin I sẽ được chuyển thành Angiotensin II nhờ một enzym ở phổi là Angiotensin-converting enzym. Angiotensin II được tạo ra là một chất có tác dụng co mạch mạnh, từ đó làm tăng huyết áp. Ngoài ra, sự co mạch dưới tác dụng của Angiotensin II cũng tác động lên tuyến thượng thận, kích thích nó sản xuất Aldossterol là chất có tác dụng giữ muối, nước nên lại càng làm gia tăng thể tích trong lòng mạch và khiến huyết áp trở nên cao hơn.
Thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp bằng cách tác dụng vào Angiotensin-converting enzym khiến cho enzym này không thể chuyển Angiotensin I thành Angiotensin II. Vì vậy nó làm gián đoạn quá trình sản sinh Angiotensin II, giảm yếu tố gây co mạch nên giúp hạ huyết áp cho người bệnh khi sử dụng.
Tuy nhiên, không chỉ có duy nhất một quá trình từ Angiotensin I chuyển thành Angiotensin II thông qua Angiotensin – converting enzym. Một số chuỗi phản ứng khác cũng có kết quả tương tự và có thể tạo thành Angiotensin II, tuy nhiên hiệu quả của chúng so với thông qua Angiotensin-converting enzym thấp hơn rất nhiều. Do đó, việc sử dụng thuốc ức chế men chuyển không phải là cách để loại bỏ hoàn toàn việc tạo thành Angiotensin II của cơ thể mà nó chỉ làm cho số lượng Angiotensin II được sản sinh ra giảm đi đáng kể.
Thuốc ức chế men chuyển rất thường được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp (Ảnh: Internet)
2. Sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp như thế nào?
Trong điều trị tăng huyết áp, thuốc ức chế men chuyển được chỉ định rất phổ biến, có thể được sử dụng cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Đối với các bệnh nhân tăng huyết áp mức độ 1 (huyết áp ở mức 140-159/90-99mmHg) và có nguy cơ tim mạch thấp, độ tuổi dưới 60 tuổi thì thuốc ức chế men chuyển có thể được sử dụng làm lựa chọn đầu tay để điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân. Còn đối với các bệnh nhân cao tuổi, loại thuốc này không phải lựa chọn được ưu tiên mà thay vào đó nên sử dụng thuốc chẹn kênh calci, hoặc lợi tiểu thiazid hoặc giống thiazid để điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân.
Đối với các bệnh nhân bị tăng huyết áp mức độ 2 trở lên (tức từ 160/100mmHg trở lên) hoặc tăng huyết áp mức độ 1 kèm theo nguy cơ tim mạch cao trở lên thì thuốc ức chế men chuyển nên được sử dụng phối hợp với cùng một thuốc khác để làm tăng hiệu quả điều trị.
Có thể phối hợp sử dụng thuốc ức chế men chuyển với một thuốc hạ huyết áp thuộc nhóm thuốc khác để gia tăng hiệu quả. Nên phối hợp thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp với thuốc lợi tiểu hoặc thuốc chẹn kênh calci.
Các thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp không nên phối hợp sử dụng cùng lúc với thuốc ức chế thụ thể angiotensin. Bởi nghiên cứu cho thấy rằng, sử dụng cùng lúc hai loại thuốc này không làm gia tăng tác dụng điều trị khi phối hợp thuốc nhưng lại làm gia tăng đáng kể nguy cơ tác dụng phụ ở bệnh nhân.
Ngoài ra, đối với những bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường thì thuốc ức chế men chuyển cũng nên được sử dụng để điều trị tăng huyết áp. Bởi các nghiên cứu thực tế cho thấy rằng, nhóm thuốc này có hiệu quả bảo vệ thận ở bệnh nhân đái tháo đường.
Chỉ định sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp có thể khác biệt giữa các bệnh nhân cụ thể (Ảnh: Internet)
3. Thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp chống chỉ định với những đối tượng nào?
Mặc dù có hiệu quả cao và giúp hạ huyết áp nhanh chóng, tuy nhiên thuốc ức chế men chuyển bị chống chỉ định sử dụng ở một số nhóm bệnh nhân nhất định. Vì vậy trước khi sử dụng thuốc thì tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cần được đánh giá kỹ để tránh rơi vào các trường hợp chống chỉ định, có thể gây nguy hiểm khi điều trị.
Các trường hợp chống chỉ định sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp bao gồm:
- Chống chỉ định sử dụng trong suốt thai kỳ: Thuốc ức chế men chuyển có khả năng làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi khi sử dụng trong ba tháng đầu thai kỳ. Và có thể gây sảy thai, bất thường dịch ối, bất thường phát triển thai nhi trong tử cung,… khi sử dụng ở các tháng sau của thai kỳ. Do đó, thuốc bị chống chỉ định tuyệt đối trong suốt quá trình mang thai.
Bên cạnh đó, Phụ nữ mang thai cũng có những lưu ý khi sử dụng bất kì một loại thuốc nào đều cần tới chỉ định của bác sĩ.
- Người có tiền sử phù mạch do sử dụng thuốc: Một tác dụng phụ đáng lưu ý của thuốc ức chế men chuyển là có thể gây phù mạch, đây là một tác dụng phụ có thể gây đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy tuyệt đối không sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân có tiền sử phù mạch do sử dụng thuốc ức chế men chuyển vì trong trường hợp này tác dụng phụ phù mạch có thể xảy ra dễ dàng và nghiêm trọng hơn.
Video đang HOT
- Người tăng kali máu: Đối với các bệnh nhân có mức kali máu cao trên 5,5mmol/l thì cũng bị chống chỉ định sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp bởi thuốc có thể khiến kali máu tiếp tục tăng cao, dẫn đến gây rối loạn nhịp tim rất nguy hiểm.
- Bệnh nhân suy giảm chức năng thận, hoặc các bệnh lý liên quan đến thận: Bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận, hẹp động mạch thận một bên hoặc chỉ có một thận duy nhất cũng là các chống chỉ định với sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp.
Ngoài ra, thuốc còn bị chống chỉ định sử dụng cho một số nhóm đối tượng khác chẳng hạn như bệnh nhân bị bệnh cơ tim phì đại, viêm màng ngoài tim co thắt, người thiếu máu nặng hoặc bệnh nhân bị sỏi urat,…
Một số nhóm bệnh nhân tuy không bị chống chỉ định sử dụng với thuốc nhưng cần thận trọng khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp chẳng hạn như phụ nữ có ý định mang thai, bệnh nhân có mức kali máu từ 5,0-5,5mmol/l,…
Chống chỉ định sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ mang thai (Ảnh: Internet)
4. Một số thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp thường dùng hiện nay
Có khá nhiều các thuốc khác nhau thuộc nhóm thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp. Nhưng được sử dụng phổ biến nhất trên thực tế điều trị thì ta có thể kể đến một số đại diện tiêu biểu như:
- Captopril: Liều khởi đầu sử dụng trong điều trị tăng huyết áp là 12,5mg, sau đó tăng dần liều lên đến 25-100mg để đạt hiệu quả kiểm soát huyết áp. Mỗi ngày cần sử dụng thuốc từ 2-3 lần do thời gian bán hủy ngắn.
- Enalapril: Liều khởi đầu sử dụng thuốc Enalapril là 2,5mg, sau đó có thể tăng liều lên 5-40mg đối với liều dùng hằng ngày. Do thời gian bán hủy dài hơn captopril nên chỉ cần dùng thuốc 1-2 lần/ngày.
- Lisinopril: Khởi đầu điều trị với liều 5mg, sau đó sử dụng liều hằng ngày ở mức 10-40mg, dùng một lần mỗi ngày.
- Peridopril: Liều khởi đầu khi dùng thuốc được khuyến cáo là 5mg, sử dụng liều hàng ngày ở mức 5-10mg, dùng thuốc một lần/ngày.
- Imidapril: Khởi đầu điều trị liều 5-10mg, và duy trì liều hàng ngày ở mức 5-10mg, dùng một lần duy nhất mỗi ngày.
Bên cạnh các đại diện thuốc thuộc nhóm thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp như đã kể trên thì còn có một số thuốc khác cũng có thể được sử dụng như benazepril, ramipril,…
5. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp
Cũng giống với việc sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác, khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp thì bệnh nhân cũng phải đối mặt với một số các nguy cơ tác dụng phụ khác nhau. Vì vậy, người bệnh cần theo dõi tình trạng bản thân sau khi dùng thuốc nếu có bất kỳ bất thường nào xảy ra để phát hiện các tác dụng phụ và báo ngay với bác sĩ để có hướng xử lý thích hợp.
Những tác dụng phụ thường gặp của thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp:
- Hạ huyết áp quá mức khi dùng liều đầu tiên: Khi sử dụng liều thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp đầu tiên thì bệnh nhân có thể gặp tình trạng hạ huyết áp quá mức, khiến cho bệnh nhân bị xây xẩm, ngã hoặc bị ngất đi. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do dùng liều cao thuốc lợi tiểu, bệnh nhân bị suy thận, bệnh nhân đang áp dụng chế độ ăn nhạt,…
- Phù mạch: Phù mạch là một tác dụng phụ tương đối hiếm gặp trong sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên nó có thể gây đe dọa tính mạng bệnh nhân nên cần phải dừng thuốc ngay nếu phát hiện có tình trạng này và báo ngay cho bác sĩ.
- Ho khan: Ho khan là một tác dụng phụ rất khó chịu khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển. Nguyên nhân của tình trạng này là do ức chế quá trình giáng hóa bradikynin gây nên. Nếu bệnh nhân bị ho khan quá nhiều khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển thì có thể xem xét chuyển sang sử dụng thuốc ức chế thụ thể để điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân.
Ho khan là tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp (Ảnh: Internet)
- Phát ban: Khi có các biểu hiện phát ban, hồng ban trên da sau khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp thì cần phải ngưng thuốc ngay và đổi sang thuốc điều trị tăng huyết áp khác.
Tham khảo thêm
Chớ coi thường phát ban ở bàn chân, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim
- Hạ đường huyết: Thuốc làm cơ thể tăng nhạy cảm với insulin nên có thể làm hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.
- Tăng kali máu: Khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển, áp lực máu đến thận giảm do đó cũng làm giảm tiết aldosterol vì thế có thể làm tăng kali máu. Tăng kali máu khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển dễ xảy ra hơn ở bệnh nhân cao tuổi, đái tháo đường, có tổn thương thận, đang dùng các thuốc tác động lên quá trình bài tiết kali hoặc sử dụng các chất bổ sung kali,…
Qua đây có thể thấy rằng, thuốc ức chế men chuyển là một lựa chọn tuyệt vời trong điều trị tăng huyết áp với nhiều ưu điểm khác nhau. Tuy nhiên quá trình sử dụng thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp cần diễn ra thận trọng để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của thuốc và hạn chế nguy cơ tác dụng phụ có thể xảy ra.
Phương pháp điều trị tăng huyết áp độ 3 (nặng): Cao huyết áp độ 3 có nguy hiểm không?
Tăng huyết áp độ 3 là mức độ trầm trọng nhất của tăng huyết áp, có nguy cơ gây biến chứng rất cao. Do đó, điều trị tăng huyết áp độ 3 cần phải được tiến hành sớm để kiểm soát huyết áp và dự phòng các biến chứng xảy ra.
Theo định nghĩa, bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp độ 3 khi có huyết áp tâm thu trên 180mmHg và huyết áp tâm trương trên 110mmHg. Đây là mức độ nặng nhất của bệnh tăng huyết áp, có nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp. Chính vì thế, điều trị tăng huyết áp độ 3 cần phải tiến hành khẩn trương, tích cực và đúng phương pháp ngay khi người bệnh được chẩn đoán xác định.
1. Chiến lược, phác đồ điều trị tăng huyết áp độ 3
Như đã nói, ngay khi bệnh nhân được xác định bị mắc tăng huyết áp độ 3 thì vấn đề điều trị cho bệnh nhân cần phải được đặt ra ngay lập tức nhằm mục đích kiểm soát huyết áp và phòng tránh hoặc điều trị các biến chứng do tăng huyết áp gây nên.
Các bác sĩ đã chỉ ra Những biến chứng thường gặp do bệnh cao huyết áp.
Điều trị tăng huyết áp độ 3 gồm hai nội dung chính gồm có điều trị dùng thuốc và điều trị không sử dụng thuốc (các biện pháp thay đổi lối sống).
Nếu như ở các bệnh nhân tăng huyết áp mức độ nhẹ, vấn đề điều trị thuốc thường chỉ được đặt ra nếu các biện pháp thay đổi lối sống được áp dụng tích cực và đúng cách trong từ 3-6 tháng nhưng không có hiệu quả. Thì hiện nay đối với điều trị tăng huyết áp độ 3, các khuyến cáo đều cho rằng vấn đề sử dụng thuốc hạ huyết áp nên được sử dụng đồng thời ngay lập tức với các biện pháp thay đổi lối sống ngay khi xác nhận chẩn đoán.
Bên cạnh đó, bệnh nhân tăng huyết áp độ 3 thường có các biến chứng do tăng huyết áp nặng gây nên, chẳng hạn suy tim, suy thận,... Những biến chứng này đôi khi có thể lại chính là yếu tố làm cho tăng huyết áp trở nên nặng nề hơn.
Vì thế, ngoài việc áp dụng các biện pháp kiểm soát huyết áp thì vấn đề điều trị biến chứng cho bệnh nhân, các biện pháp điều trị biến chứng cũng cần phải được áp dụng phù hợp.
Điều trị tăng huyết áp độ 3 cần phải được tiến hành đúng cách (Ảnh: Internet)
2. Điều trị tăng huyết áp độ 3 cụ thể
2.1. Thay đổi lối sống điều trị tăng huyết áp độ 3
Thay đổi lối sống luôn là một nội dung bắt buộc trong điều trị tăng huyết áp nói chung và tăng huyết áp độ 3 nói riêng. Người ta thấy rằng, các biện pháp thay đổi lối sống có thể đem lại hiệu quả hạ huyết áp tích cực, nó có thể giúp giảm chỉ số huyết áp lên đến hơn 10mmHg là hiệu quả tương đương với việc sử dụng một loại thuốc hạ huyết áp để điều trị.
Ngoài ra, các biện pháp thay đổi lối sống lại không hề gây ra tác dụng phụ như việc sử dụng thuốc và còn có thể giúp giảm nguy cơ tim mạch tổng thể của bệnh nhân một cách rất rõ ràng.
Các biện pháp thay đổi lối sống trong điều trị tăng huyết áp độ 3 bao gồm:
- Chế độ ăn giảm muối (nhỏ hơn 6g/ngày), ăn nhiều chất xơ, ít chất béo bão hòa và tăng cường các vitamin, muối khoáng,...
Trong đó, Chế độ ăn DASH - chế độ ăn kiêng giúp kiểm soát bệnh cao huyết áp được nhiều người tìm hiểu và áp dụng.
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày và 150 phút mỗi tuần.
- Giảm cân về mức cân nặng hợp lý.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, bỏ hút thuốc lá, thuốc lào,...
- Giữ tinh thần ổn định, tránh lo âu, căng thẳng,...
Thay đổi lối sống có vai trò tích cực trong điều trị tăng huyết áp độ 3 (Ảnh: Internet)
2.2. Thuốc điều trị tăng huyết áp độ 3
2.2.1. Khởi đầu sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp độ 3 như thế nào?
Khi khởi đầu sử dụng thuốc để điều trị tăng huyết áp độ 3, người bệnh nên được sử dụng hai loại thuốc thuộc hai nhóm thuốc hạ huyết áp khác nhau. Người ta thấy rằng, sự phối hợp hai thuốc hạ huyết áp ở hai nhóm khác nhau dù ở liều thấp chẳng những đem lại hiệu quả hạ huyết áp tốt hơn so với việc chỉ sử dụng một thuốc hạ huyết áp ở liều cao mà còn làm giảm đáng kể các tác dụng phụ do thuốc gây nên.
Tuy nhiên, nhóm thuốc ức chế men chuyển và nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin 2 không nên được sử dụng chung với nhau, bởi việc phối hợp hai loại thuốc này không làm tăng hiệu quả hạ huyết áp nhưng lại làm gia tăng đáng kể các tác dụng phụ do thuốc gây nên.
Nếu sau thời gian đã áp dụng tích cực phác đồ điều trị tăng huyết áp độ 3 với hai thuốc nhưng huyết áp của bệnh nhân vẫn không được kiểm soát thì người bệnh có thể được cho sử dụng 3 loại thuốc hạ huyết áp cùng lúc để kiểm soát huyết áp.
2.2.2. Các nhóm thuốc hạ huyết áp trong điều trị tăng huyết áp độ 3
Hiện nay, có nhiều nhóm thuốc khác nhau có thể được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp độ 3. Tuy nhiên, một số nhóm thuốc hạ huyết áp hay được sử dụng trên lâm sàng điều trị tăng huyết áp độ 3 bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu tác động vào cơ chế tái hấp thu ở thận, làm tăng đào thải nước tiểu, giảm thể tích tuần hoàn nên gây hạ huyết áp. Nhóm lợi tiểu thường được sử dụng để kiểm soát huyết áp hằng ngày cho bệnh nhân là lợi tiểu Thiazid. Lợi tiểu quai thường hay được sử dụng hơn trong các trường hợp tăng huyết áp khẩn cấp hoặc tăng huyết áp cấp cứu.
- Thuốc tác động lên hệ Renin- Angiotensin- Aldosterol: Hệ Renin- Angiotensin- Aldosterol là một hệ nội tiết quan trọng tham gia vào cơ chế làm tăng huyết áp. Các thuốc tác động vào hệ này bao gồm thuốc ức chế men chuyển (ức chế Angiotensin Converting-Enzym ngăn tạo Angiotesin 2 - là chất gây co mạch mạnh) và các thuốc ức chế thụ thể (gây bất hoạt thụ thể cảm nhân Agiotensin 2 khiến Angiotensin 2 dù được tạo nên nhưng không thể tác động).
- Thuốc chẹn kênh Calci: Trên hệ tim mạch, thuốc gây ức chế hoạt động của các kênh Calci ở mạch máu, tim,... nên khiến mạch máu giãn ra, giảm sức co bóp cơ tim và làm giảm nhịp tim,... từ đó gây hạ huyết áp cho bệnh nhân. Thuốc chẹn kênh Calci hay được dùng để hạ huyết áp cho bệnh nhân thường thuộc nhóm Dyhidropyridin (Amlodipin, Nifedipin, Nicardipin,...) bởi chúng có tác dụng chủ yếu trên mạch máu nên giảm bớt các tác dụng phụ do thuốc so với các thuốc chẹn kênh Calci tác dụng lên tim.
- Thuốc chẹn Beta giao cảm: Thuốc tác động lên hệ thần kinh giao cảm, ức chế các thụ thể Beta nên làm giãn mạch máu, giảm co bóp cơ tim và giảm nhịp tim. Tuy nhiên thuốc chỉ thường được chỉ định điều trị tăng huyết áp độ 3 kèm khi có kèm theo các bệnh lý đặc biệt như suy tim,...
Ngoài ra, một số nhóm thuốc khác cũng có thể được vận dụng để điều trị tăng huyết áp độ 3 cho bệnh nhân như thuốc tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, thuốc kháng Aldosterol, thuốc giãn mạch trực tiếp,...
Nhiều nhóm thuốc khác nhau có thể được sử dụng để điều trị tăng huyết áp độ 3 (Ảnh: Internet)
2.3. Điều trị biến chứng tăng huyết áp
Với nhiều khả năng gây biến chứng, do đó khi điều trị tăng huyết áp độ 3 cần quan tâm đặc biệt đến các biến chứng của tăng huyết áp như biến chứng tim, biến chứng thận,...
Tuy nhiên, khó có thể đưa ra công thức chung để điều trị cho các biến chứng mà tăng huyết áp gây nên. Tùy thuộc vào biến chứng do tăng huyết áp mà bệnh nhân đã mắc phải là gì mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp nhất cho bệnh nhân, ngăn không cho biến chứng trở nên nặng nề hơn.
3. Các lưu ý khi điều trị tăng huyết áp độ 3
Để quá trình điều trị tăng huyết áp độ 3 trở nên hiệu quả và an toàn hơn, bệnh nhân nên lưu ý một số điều sau đây:
- Tăng huyết áp là bệnh lý mãn tính, chưa có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, người bệnh cần xác định điều trị tăng huyết áp là điều trị suốt đời.
- Quá trình điều trị tăng huyết áp độ 3 cần phải có sự phối hợp cả hai phương pháp sử dụng thuốc và không sử dụng thuốc.
- Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc hạ huyết áp nào nếu chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
- Đảm bảo sử dụng thuốc hạ huyết áp theo nguyên tắc đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng và đúng thời gian sử dụng.
- Không tự ý ngưng thuốc khi huyết áp đã trở về mức ổn định, ngưng thuốc đột ngột làm gia tăng nguy cơ bùng phát các cơn tăng huyết áp cấp cứu.
- Trong quá trình điều trị, luôn theo dõi sát các phản ứng của cơ thể nhằm phát hiện các dấu hiệu tác dụng phụ do điều trị gây nên.
- Theo dõi huyết áp tại nhà và ghi chú huyết áp hằng ngày để đánh giá hiệu quả điều trị và diễn tiến của tăng huyết áp. Thực hiện tốt lịch thăm khám định kỳ mà bác sĩ đã đề ra.
Có thể thấy rằng, tăng huyết áp độ 3 là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm, nguy cơ biến chứng cao. Do đó, người bệnh cần tiến hành điều trị tăng huyết áp độ 3 sớm bằng các biện pháp thích hợp để kiểm soát huyết áp và tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Mách bạn 5 bài thuốc từ cần tây hỗ trợ chữa tăng huyết áp hiệu quả Từ lâu, việc sử dụng các loại thảo dược để chữa tăng huyết áp đã không còn xa lạ. Trong đó, các bài thuốc từ cần tây hỗ trợ chữa tăng huyết áp được đánh giá cao về sự hiệu quả và tính an toàn trong quá trình điều trị. Bệnh tăng huyết áp là căn bệnh mãn tính, việc điều trị cần...