Tìm được tiếng nói chung trong việc dạy và học môn Lịch sử
Như vậy, những tranh luận quyết liệt về môn Lịch sử thời gian vừa qua bước đầu đã tìm được tiếng nói chung, khi ngày 7-12, Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có buổi họp bàn về môn học này.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) cho biết, sau cuộc họp, Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đều thống nhất phải coi trọng giáo dục lịch sử nói chung, môn học Lịch sử nói riêng; coi trọng giáo dục tích hợp và đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, khiến học sinh yêu môn học này, đảm bảo yêu cầu giáo dục nhân cách công dân từ lịch sử.
Vụ trưởng Vũ Đình Chuẩn cho biết thêm: Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch sử đã thống nhất dạy học Lịch sử ở tiểu học như trong dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể. Ở cấp THCS thì đã hình dung rõ hơn cách thức tích hợp ở mức thấp đối với 2 môn Lịch sử và Địa lý, nhưng không lấy tên gọi là môn Khoa học xã hội như dự thảo. Việc này sẽ được thảo luận tiếp để có tên môn học phù hợp nhất.
Cụ thể: Sẽ có môn Lịch sử riêng, môn Địa lý riêng và phần kiến thức chung liên quan chặt chẽ giữa 2 môn thì thiết kế thành các chuyên đề tích hợp (tương tự như việc có hai hình tròn riêng là biểu tượng cho 2 môn, hai hình tròn đó có phần trùng nhau là phần của các chuyên đề tích hợp). Sẽ có 2 phương án để đặt tên môn học: nếu để riêng rẽ thì phải có 3 tên là Lịch sử, Địa lý và 1 tên mới cho phần trùng nhau (Bộ đang nghiên cứu hướng đặt tên cho phần trùng nhau) và phải có 3 quyển sách giáo khoa tương ứng.
Ở cấp THPT, tất cả học sinh đều phải học Lịch sử bắt buộc, sẽ không tích hợp Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc, Bộ sẽ xem xét để có môn học Giáo dục công dân. Nhưng cũng có một hướng mà Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu. Đó là có thể phân hoá môn Lịch sử thành 2 nhóm để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng nghề nghiệp và giáo dục cơ bản: Sẽ có môn Sử 1 (tạm đặt tên như vậy – PV) dành cho những học sinh định hướng về khoa học xã hội và nhân văn. Môn này phải có yêu cầu cao để đáp ứng yêu cầu học lên và nghề nghiệp sau này.
Môn Sử 2 (cũng tạm đặt tên) dành cho những học sinh còn lại, có yêu cầu nhẹ hơn môn Sử 1, nhằm phù hợp với yêu cầu học lên và nghề nghiệp sau này không làm việc trực tiếp về khoa học xã hội. Mặt khác cũng cần xử lý môn Sử 2 trong mối quan hệ với môn Địa lý tương tự như ở cấp THCS. Cả môn Sử 1 và môn Sử 2 đều phải xây dựng nội dung nâng cao trên cơ sở học sinh đã học kiến thức nền tảng về lịch sử ở THCS.
Dù dạy tích hợp hay độc lập thì chất lượng dạy và học môn Lịch sử mới là cái đích của đổi mới giáo dục.
Trên cơ sở các vấn đề đã thống nhất, Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi để có phương án tốt nhất cho môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông, góp phần thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về đổi mới giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông.
Mới đây, tại Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn có nội dung: Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình SGK mới. Tuy nhiên, Nghị quyết không đề cập giữ môn học Lịch sử theo hướng độc lập hay tích hợp, nên đã có nhiều cách hiểu khác nhau.
Về vấn đề này, GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã khẳng định, phải hiểu rõ bối cảnh Quốc hội ra Nghị quyết với nội dung như vậy. Trong phiên chất vấn ở kỳ họp vừa rồi có một số đại biểu phản ánh dư luận chung của xã hội, cho rằng chương trình tổng thể đổi mới chương trình SGK của Bộ GD&ĐT vừa công bố đã bỏ môn Lịch sử, “khai tử” môn Lịch sử.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các quan chức Bộ GD&ĐT lại khẳng định không bỏ môn Lịch sử. Họ còn muốn dạy môn Lịch sử cẩn thận hơn, chu đáo hơn. Trong bối cảnh đó, Quốc hội ra Nghị quyết tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình phổ thông. Nghị quyết không có chữ “bắt buộc”, không có chữ “độc lập”, không có chữ “tích hợp”. Vì việc ấy quá sâu vào phần chuyên môn của Bộ GD&ĐT và Quốc hội thì không thể can thiệp sâu như vậy. Nhưng Nghị quyết của Quốc hội giải tỏa băn khoăn của dư luận là không bỏ môn Lịch sử, chúng ta vẫn giữ môn Lịch sử. Còn môn Lịch sử tích hợp đến mức độ nào, nó độc lập đến mức độ nào, nó bắt buộc đến mức độ nào thì cần phải nghiên cứu chọn ra phương án tốt nhất.
Đường hướng cho môn Lịch sử đã rõ nét hơn, bước đầu tạo được sự đồng thuận giữa Ban Xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Nhưng phương án đồng thuận này (hay phương án mới hơn) sẽ không phải là một sự trung hòa quan điểm, mà điều quan trọng nhất, được dư luận kỳ vọng nhất là phải hướng đến học sinh, vì quyền lợi học sinh, phải làm sao để các em yêu, thích học Lịch sử và gắn bó với lịch sử nước nhà.
Theo CAND