Tiết học đặc biệt nơi cột mốc biên giới
Tại cột mốc biên giới 591, các em học sinh trường Tiểu học và THCS Hướng Việt (huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) có một tiết học đặc biệt – “ tiết học biên giới”.
Vùng biên ải sáng sớm tháng 4 nắng đã oi nồng nhưng không làm các em xao lãng bài giảng từ thầy giáo quân hàm xanh…
Tại cột mốc biên giới 591, các em học sinh trường Tiểu học và THCS Hướng Việt (huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) có một tiết học đặc biệt – “tiết học biên giới”. Vùng biên ải sáng sớm tháng 4 nắng đã oi nồng nhưng không làm các em xao lãng bài giảng từ thầy giáo quân hàm xanh…
Thiếu tá Phạm Quang Lưu, Phó trưởng đồn Biên phòng Hướng Lập (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị) hôm nay trực tiếp giảng dạy ngay tại thực địa – cột mốc 591.
Ông cho biết, có rất nhiều hoạt động khi triển khai mô hình tiết học biên giới để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Thầy giáo giảng bài ở lớp học thông qua phương tiện thông tin trực tuyến và trực tiếp; đưa học sinh đi tham quan cột mốc, thậm chí bố trí cho các em đi tuần tra cùng với bộ đội trên những đoạn đường biên giới thuận lợi.
“Khi có tiết học biên giới ngoài thực địa cột mốc, cán bộ biên phòng thường chuẩn bị chương trình, giáo án kỹ càng. Với những nội dung liên quan đến vấn đề pháp lý, chúng tôi phải trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật cần thiết để giảng giải cho các em với nội dung chính xác theo các quy định của pháp luật.
Cách thức của chúng tôi là làm sao vận dụng kiến thức pháp luật, truyền đạt cho các em một cách nhẹ nhàng và dễ dàng tiếp thu. Anh em phải chuẩn bị rất công phu thông qua những bài giảng thực tế, giáo án điện tử, hình ảnh trực quan sinh động…”, Thiếu tá Lưu nói.
“Các em có biết đây là gì không nào?”, thầy giáo Lưu cất tiếng hỏi. “Dạ, là cột mốc biên giới ạ!”, tiếng trả lời của các em học sinh làm xôn xao một góc rừng già.
Tiến lại gần cột mốc biên giới, Thiếu tá Phạm Quang Lưu giới thiệu: “Đúng rồi! Đây là cột mốc biên giới số 591 trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào do đồn Biên phòng Hướng Lập quản lý. Từ giữa tâm mốc về phía mặt có chữ Việt Nam là đất nước thân yêu của chúng ta; mặt có chữ Lào là phía nước bạn. Chúng ta chỉ bước nửa bước chân qua bên đó là đã vi phạm chủ quyền biên giới”.
Đồn phó Lưu chia sẻ, trong những năm qua, cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Hướng Lập luôn đổi mới hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn.
“Qua công tác tuyên truyền đó, chúng tôi thấy được các em học sinh trên địa bàn đơn vị phụ trách còn thiếu những kiến thức cơ bản liên quan đến đường biên, cột mốc”, ông cho biết.
Đơn vị đã phối hợp với các trường học triển khai hoạt động ngoại khóa “tiết học biên giới” nhằm giới thiệu về công tác bảo vệ biên giới quốc gia, truyền đạt các kiến thức về biên giới, lãnh thổ, như: Nghị định số 34/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Thủ tướng về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam; phổ biến các tác hại của ma túy và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; một số nội dung cơ bản trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới; quy chế, hiệp định biên giới; luật Biên giới quốc gia; nạn mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.
Những tiết học đặc biệt này giúp các em hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhân dân vùng biên, các quy định của pháp luật khi ra vào khu vực biên giới. Với kiến thức có được, học sinh sẽ nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, tích cực tham gia phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội… Các em cũng hiểu biết thêm về công việc của cán bộ, chiến sĩ biên phòng.
Đứng bên cột mốc 591, vừa nghe thầy giáo biên phòng giới thiệu về cột mốc/đường biên, em Hồ Trà My (dân tộc Vân Kiều) nói: “Chúng em được các chú bộ đội biên phòng dạy cho cách nhận biết đường biên giới; quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu; thăm nơi ăn, ở, sinh hoạt của các chú ở chốt kiểm soát phòng chống dịch.
Hôm nay, chúng em biết được đâu là ranh giới của nước bạn Lào, đâu là của Việt Nam; hiểu được những hy sinh, vất vả của các chú bộ đội biên phòng đang ngày đêm canh giữ lãnh thổ, biên giới của Tổ quốc; rằng không nên tuỳ tiện qua lại hai bên, không kết hôn phạm pháp, không đi lạc đường. Chúng em hiểu việc bảo vệ cột mốc là nhiệm vụ của mọi người, kể cả học sinh, thầy cô giáo, các chú bộ đội và mọi người dân Việt Nam”.
Có mặt cùng các em học sinh trong chương trình ngoại khóa “Tiết học biên giới”, cô Nguyễn Thị Thuý Phụng – Phó hiệu trưởng cho hay, mô hình này được nhà trường cùng đồn biên phòng triển khai từ hơn 3 năm nay. Tiết học biên giới giúp cho giáo viên hiểu rõ thực tiễn sinh động và tích cực tạo hứng thú cho học sinh học tập về lịch sử, địa lý. Bản thân các em tham gia chương trình rất hào hứng.
“Không chỉ đưa các em đến thực địa tìm hiểu về cột mốc, cán bộ chiến sĩ còn thường xuyên đến trường giảng dạy thêm cho học sinh kiến thức pháp luật, chủ quyền biên giới quốc gia, đấu tranh và phòng chống các tệ nạn xã hội; phòng, chống tội phạm ma túy, nạn mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới…”, cô Phụng nhấn mạnh.
Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn – Chính uỷ Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị – đánh giá, trong số các hoạt động phối hợp giữa BĐBP với nhiều ban ngành, chương trình cùng ngành giáo dục đạt kết quả rất tốt, tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, như nâng bước em đến trường, con nuôi đồn biên phòng.
Đặc biệt từ tháng 12/2016, bắt đầu từ sáng kiến của đồn Biên phòng La Lay, mô hình “Tiết học biên giới” được nhân rộng. Ban đầu là giảng dạy tại các lớp để học sinh hiểu về luật Biên giới cũng như các kiến thức về đường biên, cột mốc, sau đó mô hình phát triển hơn, đồn biên phòng cùng các thầy cô tổ chức cho học sinh lên thực địa để hình dung, dễ tiếp thu và chứng kiến ngay các hoạt động của BĐBP.
Các tiết học biên giới chủ yếu cung cấp thông tin về lịch sử cũng như mục đích, ý nghĩa của hệ thống đường biên, cột mốc trên địa bàn mà đơn vị quản lý; trách nhiệm và vai trò của quần chúng nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
“Các em học sinh chính là những tuyên truyền viên ngay trong gia đình cũng như bản làng thông qua kiến thức đã được giảng dạy ở thực địa, sau này trở thành những công dân tốt, có ích và cùng với BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Hiện nay tất cả các đồn biên phòng của tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình này”, ông Toàn nhấn mạnh.
Những bài học từ thực địa không chỉ giúp học sinh nắm bắt kiến thức về lịch sử mà còn góp phần hình thành lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giúp các em hiểu được giá trị thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ để từ đó tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển.
Thiết kế: Phạm Luyện
Hồ sơ, giáo án giấy vẫn là "cái roi" mà nhiều cán bộ quản lý không muốn bỏ
Đồng phục khuôn mẫu giáo án cũng đang góp phần làm tăng sức ép lên giáo viên, trang bị "roi" cho cán bộ quản lý.
Chuyện hồ sơ, giáo án của giáo viên có thể nói là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" của dư luận giáo giới trong thời gian vừa qua.
Nếu bạn gõ cụm từ "hồ sơ giáo án của giáo viên" vào Google sẽ có ngay 70.300.000 kết quả trong 0.45 giây.
Thế mới biết, dẫu dư luận đã lên tiếng rất nhiều thế nhưng bức tường "bảo thủ cố hữu" vẫn không lay chuyển; vẫn mặc nhiên tồn tại giáo án in hay viết tay ngay giữa thời đại 4.0 này.
"Trên đã thay đổi, dưới không nhúc nhích"
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường tiểu học, Khoản 4 Điều 21 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT có ghi rõ: Hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục ghi rõ:
Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy. [1]
Như vậy, từ năm học 2020 - 2021 giáo viên Tiểu học không cần phải in hồ sơ giáo án (Kế hoạch bài dạy) nộp cho lãnh đạo nhà trường khi được yêu cầu, chỉ cần nộp bản giáo án điện tử (Kế hoạch bài dạy điện tử) là được.
Khoản 4 Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có ghi rõ:
Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.
Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. [2]
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cởi trói gánh nặng hồ sơ, giáo án cho giáo viên nhưng các cơ sở giáo dục vẫn chưa thực hiện. (Ảnh minh họa: Thủy Nguyên/Vietnamnet.vn)
Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xóa bỏ nỗi khổ hồ sơ, giáo án giấy cho giáo viên; khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ giấy, thế nhưng khi các sở giáo dục và đào tạo chưa có hướng dẫn cụ thể, các trường vẫn "trung thành" với hồ sơ giấy.
Trong rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trên mở, dưới đóng đã được dư luận chỉ ra trước đây, có thêm nguyên nhân "Gánh nặng hồ sơ sổ sách đè lên giáo viên một phần do sở, phòng vẫn muốn ôm". [3]
Ai cũng biết "ôm rơm nặng bụng", chả nhẽ cán bộ quản lý không biết? Thực chất phía sau đó mới là vấn đề, hồ sơ giáo án vẫn được xem như là "cái roi" của cán bộ quản lý!
Hồ sơ, giáo án giấy vẫn là công cụ để quản giáo viên
Người viết từng được tham gia làm công tác thanh tra trường học, từng được cán bộ quản lý nhà trường "gửi gắm": "Chị kiểm tra hồ sơ giáo viên X. thật kỹ giúp em, có gì sai sót chị ghi cụ thể vào biên bản cá nhân, đừng ghi vào biên bản tổng hợp của đoàn. Nếu có sai sót, khi trao đổi cá nhân X. nhớ mời em cùng tham dự nhé".
Tôi biết X. là giáo viên có năng lực, trực ngôn, không được lòng hiệu trưởng, nên hiệu trưởng muốn nhờ tôi "vạch lá tìm sâu" tìm điểm yếu để "giáo dục" X.
Không ít cán bộ khi kiểm tra giáo án của giáo viên "cá biệt" đã "chẻ tư sợi tóc", tìm cách moi móc, bắt lỗi; chỉ cần một lỗi nhỏ cũng quy chụp, nâng quan điểm đánh giá.
Có người phải đỏ mắt tìm một lỗi nhỏ trong 800 trang giáo án vì được thông báo "giáo án có sai sót".
Một thực tế đang hiện hữu trong ngành giáo dục, đó là giáo án đã trở thành thị trường mua bán, xin cho.
Đặc biệt sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, thị trường giáo án theo Công văn 5512 trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Dù có giáo án, thế nhưng giáo viên cũng phải chỉnh sửa để phù hợp với phân phối chương trình và quy định riêng của trường mình; dù chỉnh sửa kĩ thế nào cũng dễ để lại khiếm khuyết.
Nếu không được lòng cán bộ quản lý, chỉ cần một lỗi nhỏ, "án tại hồ sơ", coi như công lao cả năm học đổ xuống sông, xuống biển.
Vì thế, có những đồng nghiệp chia sẻ với người viết rằng, trường họ dạy đã hình thành một "chuẩn mực mới", đó là hiệu trưởng luôn luôn đúng, giáo viên đành "trăm sự nhịn cho một sự lành".
Giáo dục là không đồng phục, chính sự đồng phục đang và đã bóp chết sự sáng tạo và dân chủ thật sự trong trường học.
Đồng phục khuôn mẫu giáo án cũng đang góp phần làm tăng sức ép lên giáo viên, trang bị "roi" cho cán bộ quản lý, "kẹp thêm chì" cho giáo viên.
Dẫu vậy, nếu hồ sơ giáo án do mình soạn, dạy thật tốt, dạy bằng trách nhiệm lương tâm của nhà giáo, giáo án in hay điện tử cũng chẳng làm khó được giáo viên.
Còn sử dụng giáo án giấy là minh chứng cho "trên rải thảm, dưới rải đinh", "trên đã thông, dưới không thoáng" trong lĩnh vực giáo dục.
Còn sử dụng giáo án giấy là minh chứng cho sự trì trệ của cán bộ quản lý, cần phải kịp thời xóa bỏ những cán bộ quản lý lạc hậu ra khỏi vị trí quản lý của ngành giáo dục càng sớm càng tốt.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-28-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-tieu-hoc-190610-d1.html
[2]https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html
[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ganh-nang-ho-so-so-sach-de-len-giao-vien-mot-phan-do-so-phong-van-muon-om-post213389.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Tuyên truyền pháp luật ATGT, tặng quà cho học sinh khó khăn tại Quảng Trị Đội 3 đường sắt thuộc Cục CSGT phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT, trao tặng quà cho các em học sinh nghèo vượt khó tại Quảng Trị. Cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật về ATGT đường bộ, đường sắt cho các em học sinh Sáng 21/1, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa...