Tiếng Việt gần gũi hay xa cách?
Môn học gần gũi nhất với người Việt – Tiếng Việt 1 năm nào cũng nhận được lời than từ phụ huynh rằng con học vất vả. Với lứa học sinh 2014 năm nay, thách thức có lẽ còn nặng nề hơn nhiều lần.
Ảnh minh họa
Mới sang tuần học thứ 3 mà cô giáo đã đọc để học sinh viết chính tả. Chữ viết chưa kịp tròn nét đã phải luận trong đầu chữ này ghép với âm nào, viết ra sao… Đó là chia sẻ của một phụ huynh có con năm nay học lớp 1 tại một trường công lập ở Hà Nội. Chị bảo, cảm giác cầm quyển sách Tiếng Việt lớp 1 của anh con đầu sinh năm 2013 với quyển Tiếng Việt của cô con gái sinh năm 2014 như thấy đã là 2 thế hệ.
Đối diện nhà tôi, một cháu bé bắt đầu vào lớp 1. Tối nào ăn cơm xong, cả nhà cũng cửa đóng then cài luyện chữ cùng con. Bố cháu bảo, bài cô giao về nhà 1 ngày, bằng anh giao cả nửa tháng cho cháu. Trung bình hai mặt giấy luyện chữ, một phiếu bài tập toán, đọc – quay clip lại bài học theo hướng ngược xuôi, chỉ chữ bất kỳ để tránh học vẹt gửi cô giáo mỗi ngày.
Cuối tuần được nghỉ thì nhân lên gấp 3, 4 lần như thế. Trong lớp có phụ huynh ý kiến là học quá nặng, cô giáo nói luôn: Buổi trưa cô thức không ngủ để viết mẫu chữ cho hơn 50 học sinh, gia đình nào cảm thấy không cần viết thì có thể không viết.
Video đang HOT
Điều đáng nói là mới sang tuần học thứ 4, các học sinh lớp 1 đã viết chữ hoa với rất nhiều chi tiết khó mà cô con gái học lớp 2 của tôi đến giờ vẫn chưa thành thạo. Cô giáo lớp 2 vẫn yêu cầu phụ huynh cả lớp mua thêm sách rèn chữ hoa về để các con tập viết trên lớp.
Chị Oanh ở quận Ba Đình, Hà Nội, một phụ huynh tự nhận là hiếm hoi trong số các ông bố bà mẹ thời nay khi đến giờ này, con trai học lớp 1 còn chưa thuộc hết mặt chữ được cô giáo thông báo rằng nếu gia đình không tích cực cùng cô kèm con thì chỉ vài tuần nữa là sẽ kết thúc phần này, sang ghép vần, đến tháng 11 học viết bút mực, tháng 12 hạ cỡ chữ từ 2 ly xuống 1 ly…
Với tiến độ nhanh như vũ bão của chương trình mới như thế, con đuối như cá chuối là điều chị có thể lường trước… Cũng muốn con không căng thẳng, vất vả, đi học bán trú cả ngày trên lớp rồi, tối về nghỉ ngơi, giao lưu với bố mẹ, vận động tay chân một chút… nhưng với những cảnh báo như trên của cô chủ nhiệm, có ông bố, bà mẹ nào dám để con đi chơi?
Nhưng ngay cả khi “bò ra học”, không phải trẻ nào cũng có thể ngay lập tức tiếp thu được hết ngần ấy kiến thức, kỹ năng, nhất là với những gia đình bố mẹ không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc bài vở của con. Gánh nặng đặt lên vai người thầy với hàng trăm vấn đề của lứa tuổi vừa tốt nghiệp trường mầm non, bước lên tiểu học, hẳn cũng là quá tải với thầy cô!
Sách Tiếng Việt 1 'nặng' là do chỉ đạo?
Nhiều phụ huynh, giáo viên nhận định, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 thiết kế bài học quá nặng, gây áp lực cho học sinh. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói rằng, nặng hay nhẹ phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có chỉ đạo của các nhà quản lý.
Nhiều phụ huynh, giáo viên cho rằng, các bài học trong SGK Tiếng Việt 1 năm nay quá nặng
Không nên tập trung dạy viết
Trước ý kiến cho rằng, ngày xưa học sinh học nhẹ nhàng vì học hết bảng chữ cái rồi học ghép vần, tập đọc; còn sách mới nội dung chương trình nặng vì học đến chữ nào thì ghép vần, tập đọc với chữ, vần ấy ngay. GS Thuyết phân tích, sẽ vô ích khi buộc học sinh ghi nhớ máy móc bằng cách chỉ dạy rời từng chữ, từng vần. Học sinh nhớ chữ, nhớ vần đều nhằm đọc được, viết được. Muốn vậy, phải đặt những chữ, những vần ấy vào từ, vào câu, vào đoạn văn, dù chỉ là những đoạn văn ngắn.
"Người viết sách phải đảm bảo một nguyên lí rất cơ bản của việc dạy ngôn ngữ. Đó là, dựa vào vốn chữ rất ít ỏi của học sinh lúc ban đầu, soạn ra các bài đọc, trong đó những chữ, những vần mới học được lặp đi lặp lại nhiều lần, để học sinh không cần học thuộc lòng mà cũng không quên mặt chữ", ông nói.
Về SGK, theo GS Thuyết, nêu mục đích chung, mỗi sách có cách lựa chọn, phân bổ chương trình khung khác nhau. Hiện tại có 5 bộ sách, có thể có sách sắp xếp dạy xong hết các chữ, các vần Tiếng Việt trong học kỳ 1, có sách dạy đến gần hết năm học. "Theo kinh nghiệm của tôi, mỗi một bài, giáo viên chỉ dạy tối đa 2 chữ hoặc 2 vần mới thong thả", ông nói. Theo ông, chương trình chỉ có 1 nhưng có 5 bộ SGK, quá trình dạy, học nặng hay không tuỳ thuộc nhiều yếu tố; một trong những yếu tố tác động không nhỏ là cách chỉ đạo của nhà quản lý.
Hiện nay, nhiều trường quá tập trung vào dạy viết trong khi chương trình quy định dạy viết chỉ chiếm khoảng 25% thời lượng. Thời lượng còn lại được phân bổ khoảng 60% dạy đọc, 10% dạy nói, nghe và 5% cho kiểm tra, đánh giá. Nhiều trường còn đưa yêu cầu "vở sạch chữ đẹp" vào tiêu chuẩn thi đua, khiến giáo viên phải ép học sinh luyện viết quá nhiều. Hầu hết giáo viên dạy SGK cũ trước đây phải tranh thủ mọi thời gian, thậm chí cắt cả giờ dạy môn khác để cho học sinh tập viết.
GS Thuyết cho rằng, nên xem xét lại tiêu chí thi đua "vở sạch chữ đẹp". Không nên tổ chức quá nhiều cuộc thi chữ đẹp, nếu có thi thì nên để ở những lớp học sau. Phương pháp của giáo viên là yếu tố tác động chính đến quá trình dạy học. Từ thực tế hướng dẫn cho giáo viên một số nơi soạn giáo án để tổ chức các hội nghị chuyên đề về dạy học Tiếng Việt 1, GS Thuyết nhận định, giáo viên thường nâng cao yêu cầu so với chương trình, như yêu cầu học sinh tự xác định số câu trong bài tập đọc, đọc diễn cảm...
Như vậy là không cần thiết, ông nói. Thực tế có học sinh đã học trước khi vào lớp 1, tạo thành áp lực cho những em chưa học gì. Do đó, giáo viên phải đánh giá công bằng, không so sánh giữa các học sinh với nhau mà căn cứ theo chuẩn cũng như tiến bộ của từng em, ông nói.
Hi vọng có sự điều chỉnh trong năm học tới
Tuy nhiên, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội) nói rằng, so với chương trình cũ, bài học trong SGK mới được thiết kế nặng, tốc độ ghép chữ, vần nhanh khiến giáo viên, học sinh gặp khó khăn trong dạy và học. Đặc biệt, ở độ tuổi lớp 1, những tuần đầu, các em rất cần có thời gian để làm quen với việc cầm bút, tô nét chữ, mặt chữ cái sau đó mới đến ghép vần. Năm nay, mỗi ngày học sinh phải học 3-4 âm vần trong một bài. Ngoài phần đọc, học sinh còn được yêu cầu viết, luyện chữ... Lớp học có xấp xỉ 50 em, nên giáo viên có kinh nghiệm đứng lớp 1 vẫn rất vất vả.
Theo vị hiệu trưởng này, khi có trong tay 5 bộ sách, trường giao cho giáo viên lớp 1 phải đọc kỹ, sau đó mới có ý kiến chọn bộ sách nào. Chương trình cũ nặng nên giáo viên đều có chung ý kiến chọn bộ sách giảm tải nhất nhưng vẫn không được như kỳ vọng. "Hi vọng, sang năm học 2021-2022, khi đó mỗi địa phương chỉ chọn một bộ SGK duy nhất, các nhà xuất bản sẽ lắng nghe ý kiến và có sự điều chỉnh", hiệu trưởng này nói.
Trong khi Bộ GD&ĐT cho rằng, phải sau một thời gian thực hiện mới đánh giá được chương trình nặng, nhẹ. Mới đây, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận, sau khi đi kiểm tra tình hình dạy học ở các trường về việc thực hiện chương trình lớp 1 mới, ông nhận thấy, đúng như dư luận phản ánh, thầy cô, học sinh đang gặp khó khăn với môn Tiếng Việt.
Vì thế, sắp tới, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ điều chỉnh, giao quyền cho giáo viên chủ động dạy học phù hợp, không bắt buộc phải chạy theo thời lượng số tiết học một cách cứng nhắc. "Nếu giáo viên thấy học sinh lớp mình tiếp thu bài chưa tốt thì chủ động giãn tiến độ thực hiện chương trình. Bài học này có thể dạy 1 tiết nhưng nếu thấy học sinh khó tiếp thu thì giáo viên có quyền chủ động tăng thời lượng giảng dạy lên 2 hay 3 tiết", ông Hiếu nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết nói rằng, để học sinh biết đọc, biết viết, bất cứ chương trình nào cũng phải yêu cầu dạy đủ 29 chữ cái và khoảng 140 vần. Mục đích cuối cùng của lớp 1 là học sinh biết đọc, biết viết. Năm nay, SGK mới Tiếng Việt lớp 1 được kéo giãn ra, thêm 2 tiết/tuần so với chương trình cũ (trước 10 tiết/tuần, nay tăng lên 12 tiết/tuần).
Học sinh lớp 1 'còng lưng' học chữ: Sức ép từ kiến thức hay giáo viên? Chuyên gia cho rằng, năm học mới vừa bắt đầu, không nên ép học sinh lớp 1 đọc thông viết thạo Tiếng Việt sớm mà cần có quá trình và thời gian rèn luyện. Dù năm học mới 2020-2021 bắt đầu được gần một tháng nhưng nhiều giáo viên, phụ huynh than phiền về kiến thức sách giáo khoa Tiếng Việt 1 quá...