Tiếng Hàn, Đức là ngoại ngữ 1: Hướng đi nào cho học sinh chọn ngoại ngữ ‘hiếm’?
Học sinh khi chọn ngôn ngữ như tiếng Nhật, Hàn, Đức là ngoại ngữ 1 từ cấp học nhỏ thì sẽ tiếp tục học lên cao như thế nào? Đây là băn khoăn của không ít phụ huynh.
Giáo viên dạy tiếng Hàn tại Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức, TP.HCM) – NGỌC DƯƠNG
Cả Hà Nội và TP.HCM đều có hệ thống từ tiểu học đến mầm non cho những học sinh (HS) theo hướng lựa chọn này.
Chẳng hạn tại TP.HCM, tiếng Anh là ngoại ngữ thông dụng nhất và được tổ chức giảng dạy ở hầu hết các trường từ tiểu học cho đến THPT. Bên cạnh đó, tùy điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu phát triển của từng khu vực dân cư, các quận, huyện tổ chức giảng dạy ngoại ngữ phù hợp.
Theo đó, tùy vào bậc học, HS có thể lựa chọn theo học các ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Đức và tiếng Hàn.
Video đang HOT
Chương trình tăng cường tiếng Pháp đang thực hiện tại các quận 1, 3, 5, 8, Tân Bình, với mô hình mỗi quận một trường và tiếp nhận HS đã hoàn thành chương trình từ các trường tiểu học lên trường THCS.
Những HS đã hoàn thành chương trình tiếng Pháp của Trường tiểu học Kết Đoàn (Q.1), Lương Định Của (Q.3), Minh Đạo (Q.5), Bông Sao (Q.8), Trần Quốc Toản (Q.Tân Bình) sẽ được Ban tuyển sinh các quận, huyện phân tuyến vào lần lượt những trường THCS thực hiện chương trình là Trần Văn Ơn, Colette, Trung học Thực hành Sài Gòn, Chánh Hưng, Ngô Sĩ Liên. Đến bậc THPT, theo quy định của Sở, những HS học tăng cường tiếng Pháp sau khi kết thúc bậc THCS và tùy theo kết quả tuyển sinh lớp 10 sẽ được ưu tiên bố trí vào học những trường THPT như chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Marie Curie.
Đối với tiếng Trung, ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD Q.6, cho biết ngoại ngữ này chủ yếu thực hiện ở những khu vực có nhiều người Hoa sinh sống như quận 5, 6, 11, và những HS có nhu cầu đăng ký theo học tại các trường tiểu học. Sau khi hoàn thành bậc tiểu học thì được phân tuyến vào những trường THCS có tổ chức giảng dạy. Theo lộ trình các trường THPT dạy tiếng Trung là Hùng Vương, Trần Khai Nguyên (Q.5) và Trần Quang Khải, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.11).
Riêng về tiếng Nhật và tiếng Đức, bà Nguyễn Xuân An, Hiệu phó Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), cho biết hiện tại TP có 2 trường là Võ Trường Toản (Q.1) và Lê Quý Đôn (Q.3) tổ chức dạy 2 ngoại ngữ trên theo hướng ngôn ngữ giao tiếp. Tùy vào kết quả tuyển sinh lớp 10, những HS này sẽ tiếp tục lộ trình tiếng Nhật ở các trường THPT Lê Quý Đôn, Marie Curie (Q.3), Trưng Vương (Q.1).
Theo bà Xuân An, tiếng Nhật được tổ chức giảng dạy từ cách đây khoảng hơn 10 năm, còn tiếng Đức thì muộn hơn, vào khoảng 6 năm. Tuy nhiên, nhu cầu học tiếng Nhật của HS có tính ổn định, trung bình mỗi năm trường tuyển một lớp tiếng Nhật trong số HS lớp 6 vào trường. Còn lại tiếng Đức thì hiện nay nhà trường chỉ còn tổ chức cho HS lớp 8 và lớp 9 học cuốn chiếu. Vì một vài năm trở lại đây, số HS lựa chọn môn học này không đáng kể nên không thể tổ chức lớp học.
Một ngoại ngữ “non trẻ” được tổ chức tại 2 trường THCS Hoa Lư và Bình Thọ (TP.Thủ Đức) từ năm học 2016 – 2017 đến nay là tiếng Hàn. HS sẽ tiếp nối học tiếng Hàn ở bậc THPT tại Trường THPT Thủ Đức.
Ông Nguyễn Văn Quí, Phó phòng GD TP.Thủ Đức, cho hay sở dĩ TP lựa chọn 2 trường nói trên để tổ chức dạy tiếng Hàn là do khu vực này có các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đặt nhà máy sản xuất. Vì vậy, việc chuẩn bị nguồn nhân lực là điều vô cùng quan trọng. Ngoài ra, khu vực này cũng có nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con em theo học. Ông Quí cho hay, trung bình hằng năm mỗi trường, mỗi khối có 2 lớp học tiếng Hàn.
Chia sẻ về việc đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào dạy trong trường phổ thông, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết chủ trương của Bộ rất hay vì hiện tại Đức là nước có tầm ảnh hưởng lớn ở khối EU, Hàn Quốc cũng là một quốc gia đang có nền kinh tế phát triển mạnh ở châu Á. Sau bậc phổ thông, hiện nay có rất nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành tiếng Nhật, Hàn và cả tiếng Đức đón nhận các HS mong muốn theo đuổi nghề nghiệp với các ngôn ngữ này.
Chỉ thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức ở nơi có nhu cầu, đủ điều kiện
Môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông.
A 4: Học sinh Trường THCS Hoa Lư (Q.9, TP.HCM), một trong số những trường THCS có dạy tiếng Hàn - BẢO CHI
Ngày 9.2, Bộ GD-ĐT có Quyết định số 712 về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn và tiếng Đức - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm.
Theo đó, môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông. Thông tin này thu hút sự quan tâm của dư luận, nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành quyết định này sẽ đưa tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành môn học "bắt buộc"?
Ngày 4.3, Bộ GD-ĐT cho biết, việc dạy học các môn ngoại ngữ trong trường phổ thông đã được triển khai từ nhiều năm qua. Theo đó, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc (gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, sau đó bổ sung môn tiếng Nhật); ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn (trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn).
Sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương và đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng chọn môn học này là ngoại ngữ 1.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, từ các nhu cầu thực tế nói trên, đồng thời để giảm áp lực cho học sinh khi chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác, Bộ GD-ĐT quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 để học sinh chọn theo nhu cầu. Đây cũng là nội dung thoả thuận khung giữa VN với Hàn Quốc, Đức về việc dạy tiếng Hàn, tiếng Đức ở trường phổ thông VN.
Bộ GD-ĐT khẳng định: "Việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT sẽ giám sát quá trình thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả và quyền lợi cho người học".
Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa 2 môn học tiếng Hàn, tiếng Đức chính thức trở thành ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác
Bộ GD-ĐT giải thích thông tin tiếng Hàn thành môn học 'bắt buộc' Đại diện Bộ GD-ĐT vừa lý giải về nghĩa của từ "bắt buộc" trong quyết định thí điểm đưa môn Tiếng Hàn trở thành một trong các môn Ngoại ngữ 1. Cụ thể, theo quyết định số 712/QĐ- BGDĐT về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí...