Tiến sĩ giáo dục Mỹ nói về “khủng hoảng giấc ngủ” ở học sinh
Buổi nói chuyện “Giúp con học hiệu quả” với Tiến sĩ Giáo dục Kevin Mattingly – Giám đốc học thuật của trường Riverdale (New York, Mĩ), giảng viên Đại học Sư phạm, ĐH Tổng hợp Columbia được diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Có lẽ ai cũng hiểu tầm quan trọng của giấc ngủ. Giấc ngủ giúp não bộ thải độc, tăng cường trí nhớ ngắn hạn và nâng cao chức năng lưu trữ các kỳ ức dài hạn. Nhưng không phải tất cả mọi người kể cả trẻ em thực hiện được ngủ đủ giấc.
Buổi nói chuyện “Giúp con học hiệu quả” với Tiến sĩ Giáo dục Hoa Kỳ.
“Khủng hoảng giấc ngủ” ở học sinh
Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ 3 người Mỹ trưởng thành sẽ có một người không ngủ đủ tối thiểu 7 giờ/ngày.
Theo tiến sĩ Kevin, vấn đề học sinh không ngủ đủ giấc xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Ông đã từng đọc một kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố, 765 trường trung học trên cả nước với hơn 82.000 học sinh đang trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng. Số ý kiến cho biết thời gian ngủ một ngày của mình chưa đến 6 giờ chiếm 43,9%, cấp phổ thông cơ sở chiếm 12% và tiểu học là 3%.
Giảng viên Đại học Sư phạm, ĐH Tổng hợp Columbia Kevin nói: “Trước kia, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa việc thiếu ngủ và quá trình lão hóa ở cấp độ tế bào, đồng thời nói về tác hại của thiếu ngủ. Và nghiên cứu của các chuyên gia từ ĐH Princeton mới đây còn chỉ ra rằng ảnh hưởng của việc thiếu ngủ không chỉ xuất hiện ở người lớn mà còn trên trẻ em nữa.
Ở độ tuổi còn quá nhỏ, ảnh hưởng từ quá trình lão hóa không để lại dấu hiệu nghiêm trọng, nhưng nhiều khả năng các em có nguy cơ mắc các loại bệnh liên quan đến tuổi già sớm hơn bình thường. Tác hại biểu hiện ngay là trí nhớ bị giảm đi một nửa và thiếu tập trung”.
Tiến sĩ Kevin đã kể lại một câu chuyện rằng có một học viên của ông làm bài rất chăm chỉ, hầu hết hôm nào đến lớp cũng hoàn thành bài đầy đủ. Đó là một điều tốt. Ngày đầu tuần, em ấy nhớ khoảng 70% bài tập em làm nhưng đến cuối tuần thì chỉ có 20% lượng kiến thức học viên đó ghi nhớ. Đến thời điểm thi cử, áp lực nặng nề và mất ngủ triền miên, em ấy đã có ý định nộp đơn nghỉ học.
Vì thế, ông hay nói với học viên rằng nếu các em thiếu ngủ và phải thức khuya thì các em đừng cố làm hết bài tập về nhà những môn mà ông dạy.
Video đang HOT
Giám đốc học thuật của trường Riverdale (New York, Mĩ) Kevin Mattingly đang chia sẻ về thực trạng thiếu ngủ.
“Chữa bệnh” thiếu ngủ ở học sinh
“Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), số lượng thời gian con người cần ngủ thay đổi tùy vào độ tuổi.
Theo đó, trẻ em từ 6-12 tuổi cần ngủ 9-12 tiếng một ngày, trẻ trong độ tuổi mới lớn (từ 13-18 tuổi) cần ngủ 8-10 tiếng một ngày. Người từ 18 tuổi trở lên cần ngủ ít nhất 7 tiếng một ngày.
Số giờ ngủ ít hơn mức này được coi là thiếu ngủ”, tiến sĩ Kevin cho biết.
Nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu ngủ trầm trọng là áp lực học tập. Lượng kiến thức khổng lồ, các bài tập, bài học quá nhiều, các kỳ thi dồn dập để có thể giải quyết được thì thường mất nhiều thời gian.
Áp lực hơn khi các kỳ thi lớn đến, học sinh tập trung toàn bộ thời gian để ôn tập không có thời gian nghỉ ngơi. Ngoài ra, chưa biết cách phân bổ thời gian sinh hoạt hợp lý cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu ngủ hiện nay.
Tuy nhiên, thiếu ngủ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học của học sinh. Nó không đơn giản là thiếu ngủ là ngủ bù.
Phụ huynh N.V.Hương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con hiện theo học năm cuối bậc THCS, chia sẻ: “Con nhà tôi đang ôn luyện để tham dự kì thi Học sinh giỏi thành phố nên áp lực học tập cao, ngày nào cũng học ba ca từ sáng tới tối, nhất là trước ngày thi mấy hôm hay bị mất ngủ. Biết con thiếu ngủ nhưng tôi cũng không biết làm gì ngoài động viên con và cho con ăn uống đủ chất”.
Giám đốc học thuật của trường Riverdale (New York, Mĩ) cho rằng, để học tập mỗi ngày hiệu quả và không phải thức khuya dậy quá sớm, việc quản lý thời gian rất quan trọng.
Ông Kevin đã chỉ ra các cách giúp giấc ngủ của trẻ tốt hơn chính là tập thể dục, ăn uống đủ chất và dành thời gian tham gia hoạt động xã hội.
Hồng Vân
Theo Dân trí
Tiến sĩ giáo dục ĐH Mỹ: "Học cách học là kĩ năng quan trọng nhất trong cuộc đời"
Buổi nói chuyện "Giúp con học hiệu quả" với Tiến sĩ Giáo dục Kevin Mattingly - Giám đốc học thuật của trường Riverdale (New York, Mĩ), giảng viên Đại học Sư phạm, ĐH Tổng hợp Columbia được diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Sự kiện đã giúp các bậc phụ huynh giải tỏa được nỗi băn khoăn của mình bằng việc áp dụng những phương pháp có thể giúp các con học hiệu quả mà không tốn thời gian.
"Nghiên cứu khoa học đã chứng minh, phần lớn học sinh kể cả những sinh viên cao học không biết cách học tốt. Nhiều khi học sinh bỏ rất nhiều thời gian vào học nhưng không đạt được kết quả cao. Các bạn mệt mỏi, thiếu ngủ và học không hiệu quả. Vì thế, học cách học mới là kĩ năng quan trọng nhất trong cuộc đời", ông Kevin nói.
Chiến lược học tập hiệu quả sẽ giúp các em học sinh thành công.
Những lầm tưởng của việc học
Nhiều phụ huynh luôn muốn con em mình ngoan ngoãn và thuận lợi trong học hành.
Nhưng theo tiến sĩ Kevin, trẻ em phải đấu tranh, phải mắc lỗi thì các em mới học được. Khi mà trẻ em không gặp quá nhiều khó khăn cho việc học, không mắc lỗi thì các em chưa học được nhiều.
Thói quen của mọi người thường viết những gợi ý người khác đang nói hoặc gạch các dòng mình thích khi đọc.
"Sau khi học ở trường hoặc trước bài kiểm tra thì các em học sinh sẽ mở quyển sổ mà mình đã ghi chép, những quyển sách mà mình đã đánh dấu và đọc.
Tôi nghĩ là không nên làm điều đó. Cách hiệu quả hơn là trước khi vào học thì gập sách vở và ngồi nhớ lại những gì mình đã học, mình đã ghi. Lúc đó, não bộ của mình được hoạt động. Thường là rất khó vì một ngày sau chúng ta sẽ quên mất kiến thức mình đã học.
Nhưng chính lúc các em cố nhớ lại như thế thì tức là các em đang tập thể dục cho não bộ và trí nhớ được rèn luyện tốt hơn", giảng viên Đại học Sư phạm, ĐH Tổng hợp Columbia chia sẻ.
Ông Kevin Mattingly đang chia sẻ về những lầm tưởng trong việc học.
Chiến lược học hiệu quả
Để có chiến lược học hiệu quả, ông Kevin chỉ ra 7 phương pháp: thực hành ghi nhớ những gì bạn học, học mỗi ngày một chút, quản lý thời gian, nghĩ về những suy nghĩ của bạn, học cách hỏi những câu hỏi tốt, tham gia buổi thảo luận trong lớp và gặp gỡ giáo viên.
Với phương pháp học cách hỏi những câu hỏi tốt, ông Kevin đưa ra một ví dụ về việc học sinh làm bài tập về nhà. Trong trường hợp như thế, những câu hỏi tốt nên đặt ra trong đầu như: "Bài hôm nay liên quan đến kiến thức gì?", "Tại sao tôi lại phải làm việc này?", "Môi trường này đã phù hợp chưa?", sau khi học xong bài cần nghĩ về mình đã làm những gì.
Giám đốc học thuật của trường Riverdale cho biết, các trường ở Mỹ đều áp dụng phương pháp ngồi bàn tròn thảo luận. Phương pháp này không hẳn dễ với nhiều học sinh vì khi học sinh ngồi như thế này thì các giáo viên hầu hết yêu cầu học sinh phải có những câu hỏi và đóng góp ý kiến. Nó rất khó cho học sinh quốc tế để thích nghi với môi trường học tập này. Học sinh nên chuẩn bị trước một số câu hỏi liên quan đến chủ đề thảo luận và giơ tay trước vì hỏi đầu sẽ chưa có ai hỏi.
Ngoài ra, ông cũng chia sẻ rằng các giảng viên rất thích trao đổi với học viên nhưng tâm lý chung của học sinh, sinh viên đặc biệt là sinh viên quốc tế là ngại gặp thầy cô. Theo vị tiến sĩ này, học viên nên loại bỏ cảm giác làm phiền thầy cô vì thầy cô rất thích gặp sinh viên ham học hỏi.
Tiến sĩ Giáo dục Kevin Mattingly kết luận, khi các bạn trẻ muốn thành công trong lĩnh vực học thuật thì chăm chỉ thôi chưa đủ mà phải chăm chỉ một cách hiệu quả. Bí quyết hoàn thành mọi công việc là ở "hiệu quả". Hiệu quả đằng sau sự nỗ lực của mình mới là điều quan trọng. Hiệu suất của công việc phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của sự nỗ lực, không phải từ năng lực nào đặc biệt.
Hồng Vân
Theo Dân trí
Giảng viên Đại học Sư phạm Huế bị cảnh cáo vì nâng điểm cho em trai Em trai của giảng viên bị đình chỉ học một năm, hủy bỏ kết quả các học phần có gian lận và rút tên khỏi danh sách khen thưởng. Đại học Sư phạm (Đại học Huế) vừa cảnh cáo giảng viên Huỳnh Quang Nhật Minh, cho thôi làm nhiệm vụ trợ lý giáo vụ vì đã giúp em trai là Huỳnh Quang Nhật...