Tiềm năng của tâm lý học tích cực trong lớp học
Theo một chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam, cảm xúc tích cực được nuôi dưỡng từ tâm lý học tích cực có thể cải thiện những gì học sinh, sinh viên thể hiện trong lớp học.
Tâm lý học tích cực được biết đến là một hướng tiếp cận khoa học đối với sức khoẻ trong học tập. Lĩnh vực tâm lý này tìm hiểu về những điểm mạnh của mỗi cá nhân cũng như những yếu tố như sự lạc quan, hài lòng, biết ơn, trắc ẩn, tự trọng và hy vọng.
Cô Jamila Ahmed, Điều phối viên của bộ phận Thành công trong học tập tại RMIT Việt Nam, là một người đã dành nhiều năm nghiên cứu và phổ biến tâm lý học tích cực đến cộng đồng dạy và học. Cô chia sẻ rằng “nói một cách khái quát, tâm lý học tích cực có thể cải thiện cuộc sống con người bằng cách tăng cảm giác khoẻ mạnh và hài lòng, khiến con người trở nên bền bỉ hơn, đồng thời giảm căng thẳng và lo âu”.
Theo cô Jamila Ahmed, Điều phối viên bộ phận Thành công trong học tập tại RMIT Việt Nam, ứng dụng tâm lý học tích cực có thể cải thiện những gì học sinh, sinh viên thể hiện trong lớp học.
Cô Ahmed từng đưa nội dung này vào chính lớp học của mình trong thời gian là giáo viên tiếng Anh tại Khoa tiếng Anh và Chuyển tiếp đại học thuộc Đại học RMIT, trước khi nhận công tác tại bộ phận Thành công trong học tập. Cô tin rằng áp dụng tâm lý học tích cực có thể giúp thay đổi rõ nét sự tham gia của người học trong lớp học.
“Ứng dụng tâm lý học tích cực trong lớp học nuôi dưỡng cảm xúc tích cực và giúp người học khám phá ra điểm mạnh cá nhân. Điều này khuyến khích họ nhận ra mục đích và ý nghĩa của việc học tập, và tích cực học hành hơn”, cô Ahmed cho hay.
“Người học tích cực tham gia vào các hoạt động trong lớp sẽ chăm chú và tập trung hơn, có động lực học và tham gia vào các hoạt động trên lớp hơn, qua đó trải nghiệm học tập cũng trở nên ý nghĩa hơn. Và điều này còn chuyển thành kết quả học tập tốt hơn và ý thức đến lớp đều đặn hơn”.
Cô Ahmed lấy ví dụ từ Geelong Grammar School, một trường trung học độc lập và có nhiều ý tưởng tiến bộ ở Úc: “Thông qua việc hợp tác với một trong những ‘cha đẻ’ của tâm lý học tích cực – ông Martin Seligman, trường đã thay đổi giáo án và cho ra mắt chương trình Tâm lý học tích cực”.
“Kết quả thực hiện chương trình này cho thấy học sinh tích cực tham gia trong lớp và sáng tạo hơn, thành tích học tập cao hơn và có kỹ năng tư duy phản biện tốt hơn. Chương trình còn tác động tích cực lên những học sinh bị lo âu, căng thẳng hay rối loạn điều chỉnh”, cô Ahmed cho biết.
Đây là những kết quả đáng chú ý mà mọi giáo viên vẫn luôn tìm kiếm.
Video đang HOT
Cô Ahmed nhấn mạnh rằng tâm lý học tích cực không chỉ tốt cho người học mà còn đối với những người làm công tác giáo dục.
“Chẳng hạn, việc các thầy cô biết về thế mạnh tính cách của người học và đưa hiểu biết đó vào công việc có thể có ý nghĩa to lớn đối với người học, đặc biệt trong những khoảng thời gian khó khăn. Nhiều người trong số chúng ta đã trải qua các mức độ căng thẳng, đau buồn, lo lắng và sợ hãi đáng kể do đại dịch. Điều này nhấn mạnh rằng chúng ta phải phát triển kỹ năng liên quan tới tính bền bỉ, hy vọng, lòng biết ơn, sự lạc quan thông qua rèn luyện và biết dùng thế mạnh tích cách của chúng ta”.
Cô Ahmed cho biết tâm lý học tích cực có thể tóm gọn lại trong cụm từ PERMA được viết tắt từ các chữ – Positive emotion (cảm xúc tích cực), Engagement (tham gia), Relationships (mối quan hệ), Meaning (ý nghĩa) và Achievement (thành quả). Đây là khung quan trọng trong tâm lý học tích cực, và là phương cách khích lệ học sinh, sinh viên học hành tốt hơn và tận hưởng trải nghiệm học.
“Gần đây, tôi đã giới thiệu cách dùng thế mạnh tính cách, PERMA và nhiều phương thức can thiệp tâm lý học tích cực khác nhau với một nhóm những người làm công tác giáo dục”, cô Ahmed chia sẻ về phần trình bày đã được đông đảo người dự khán đón nhận tại hội nghị quốc tế về giảng dạy tiếng Anh CamTESOL 2021.
“Tâm lý học tích cực đã là một phần của giáo dục nhưng vẫn còn dư địa để phát triển mảng này nhằm tăng động lực và tham gia của người học. Lĩnh vực này đã phát triển mạnh mẽ trong mười năm qua nhưng tác động mà khái niệm này có thể mang lại cho giáo dục vẫn còn được hiểu rất sơ sài, nên đây vẫn được coi là lĩnh vực khá mới”.
Thủ khoa Đại học RMIT đạt điểm tuyệt đối 4.0/4.0 đam mê cống hiến cho cộng đồng
Nhận học bổng toàn phần vào RMIT và tốt nghiệp thủ khoa ngành với số điểm tuyệt đối 4.0/4.0, Vũ Hoàng Trung tin rằng đóng góp tích cực cho xã hội là kim chỉ nam giúp các bạn trẻ tìm ra hướng thành công cho riêng mình.
Trong số 947 tân khoa tốt nghiệp từ cơ sở Nam Sài Gòn của Đại học RMIT năm nay, Vũ Hoàng Trung là gương mặt duy nhất nhận giải Sinh viên tiêu biểu - danh hiệu danh giá hằng năm nhà trường trao cho cá nhân xuất sắc thể hiện được những phẩm chất đáng mong đợi của sinh viên tốt nghiệp từ RMIT: thành tích học tập vượt trội, thể hiện trách nhiệm với xã hội và tham gia tích cực các hoạt động trong cộng đồng trường.
Cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từng học hành rất "xịn sò" từ trước khi vào RMIT học Kinh doanh (Kinh tế và Tài chính) bằng học bổng toàn phần. Song phải đến những năm tháng đại học, Trung mới thực sự bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
"Trải nghiệm thời đại học giúp tôi trở thành người rất khác - một người tốt hơn trên nhiều khía cạnh. Tôi trở nên chín chắn và hòa đồng hơn bởi môi trường RMIT khuyến khích sinh viên gắn kết nhiều với cộng đồng thông qua các câu lạc bộ, các sự kiện của trường, cũng như đóng góp cho xã hội thay vì chỉ theo đuổi thành tích học tập", Trung chia sẻ.
Cậu bạn từng đảm nhiệm vị trí Phó chủ nhiệm CLB Kế toán và đại diện RMIT tại nhiều cuộc thi ở cả Việt Nam và Úc. Trong số đó có Khám phá Khoa học dữ liệu ASEAN (ADSE) năm 2019 - cuộc thi được tổ chức với phương châm ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra tác động xã hội trong khu vực ASEAN.
Trung và đồng đội đã đề xuất ý tưởng hỗ trợ phát triển cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua giáo dục trực tuyến. Ý tưởng này đã đem lại cho nhóm chiến thắng vòng thi khu vực.
Trung sau đó được mời làm việc tại SAP Việt Nam với tư cách là thực tập sinh và Trưởng nhóm Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Tại đây, cậu đã đưa ý tưởng từ cuộc thi ADSE vào một sáng kiến lớn hơn với sự đồng hành của SAP và UNICEF, để đem đến cơ hội học tập trực tuyến qua máy tính bảng cho các bạn trẻ trên toàn quốc.
"Tôi vẫn nhớ cảm giác khi trình bày ý tưởng này với hơn 30 giám đốc điều hành doanh nghiệp tại một sự kiện kêu gọi ủng hộ cho chương trình. Dường như tất cả kiến thức và kinh nghiệm tích lũy nhiều năm đã hội tụ lại trong giây phút đó và giúp tôi thu thập đủ sự đồng thuận từ đối tác để kích hoạt sáng kiến", Trung nhớ lại.
Suốt thời gian sang Úc với tư cách Đại sứ sinh viên trao đổi toàn cầu của RMIT, Trung có được cơ hội lớn khác để tạo ra tác động xã hội. Qua Thử thách đổi mới sáng tạo của RMIT, cậu bạn đã hợp tác cùng Ngân hàng Quốc gia Úc để thiết kế một sản phẩm ngân hàng mới giúp cải thiện sức khỏe tài chính cho các hộ gia đình tại nước này, qua đó đóng góp cho chính cộng đồng mà cậu đang tìm hiểu.
"Tôi tin rằng mục đích thật sự mà chúng ta nên hướng tới - bên cạnh các mục tiêu cá nhân và gia đình - là giúp giải quyết những vấn đề lớn trong xã hội và cải thiện cuộc sống của mọi người xung quanh. Thật ra có rất nhiều cơ hội để làm điều này nếu chúng ta chủ ý tìm kiếm. Điều quan trọng là hãy để tâm và chủ động đóng góp bất cứ khi nào có cơ hội", Trung tâm sự.
Khi được hỏi về bí quyết đạt điểm trung bình tuyệt đối 4.0/4.0, Trung chia sẻ rằng trái với suy nghĩ của nhiều người, cậu chưa từng đặt nặng vấn đề điểm số hoàn hảo.
"Tôi chỉ tình cờ thực sự quan tâm đến những gì tôi làm và học, và chính tinh thần hứng khởi đó giúp tôi học hỏi nhanh hơn và làm việc hiệu quả hơn", Trung cho biết. "Chẳng hạn, tự thân tôi đã thích và đọc các sách về kinh tế từ trước khi vào đại học. Tôi đăng ký tham gia cuộc thi ADSE đơn thuần vì muốn thử sức với khoa học dữ liệu. Mỗi người đều có đam mê và khả năng khác nhau, thật may mắn khi đam mê và khả năng của tôi đã giúp tôi đạt được kết quả tốt trong ngành mình học".
"Gia đình và bạn bè thân thiết đều biết rằng thực ra tôi dành nhiều thời gian chơi điện tử, tập thể thao và đi chơi nhiều hơn là học. Vì vậy, 'bí quyết' ở đây chắc chắn không phải là 'dùi mài kinh sử', mà nằm ở nỗ lực cân bằng cuộc sống và biết cách nghỉ ngơi khi cần thiết".
Hiện đang giữ vị trí nhân viên tư vấn quản trị tại tập đoàn tư vấn toàn cầu Boston Consulting Group - công việc đáng mơ ước với nhiều tân khoa, Trung chưa từng tự mãn với những thành tựu mình đã đạt được.
"Có một quy tắc bất thành văn, đó là chúng ta phải luôn tiếp tục học hỏi và làm việc chăm chỉ sau khi tốt nghiệp thì mới có thể đạt được thành công thật sự. Xét cho cùng, điểm tổng kết đại học mà tôi đạt được không có giá trị nhiều đối với cách tôi đảm đương công việc hiện tại - chính tư duy, năng lực và kỹ năng của tôi mới là điều đáng để tâm. Trường học cho chúng ta kiến thức và kỹ năng mềm, nhưng đó chỉ là nền tảng mà chúng ta cần tiếp tục bồi đắp thêm", Trung kết lời.
Các thành tích nổi bật của Vũ Hoàng Trung:
2017: Nhận Học bổng Hiệu trưởng - học bổng danh giá nhất của Đại học RMIT
2018: Phó chủ nhiệm CLB Kế toán - 'CLB Học thuật tốt nhất của năm' tại RMIT
2018: Đạt danh hiệu 'Lãnh đạo CLB xuất sắc nhất của học kỳ' tại RMIT
2019-2020: Đại sứ sinh viên trao đổi toàn cầu của RMIT tại Melbourne, Úc
2019: Vô địch quốc gia (Úc) tại cuộc thi quốc tế về tài chính định lượng 'International Quant Championship'
2019: Vô địch khu vực cuộc thi Khám phá Khoa học Dữ liệu ASEAN
2020: Trưởng nhóm Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, thực tập sinh tại SAP Việt Nam
2021: Nhân viên tư vấn quản trị tại Boston Consulting Group
2021: Được vinh danh là Sinh viên tiêu biểu của khóa tốt nghiệp năm 2021, Đại học RMIT (cơ sở Nam Sài Gòn)
RMIT Việt Nam sẽ trao hơn 100 suất học bổng với tổng trị giá 37 tỷ đồng Đại học RMIT Việt Nam sẽ trao 103 suất học bổng với tổng trị giá 37 tỷ đồng cho sinh viên đại học và cao học trong khuôn khổ chương trình học bổng năm 2021 của nhà trường. RMIT Việt Nam sẽ dành hơn 100 suất học bổng với các mức hỗ trợ từ 25% đến 100% học phí trong năm học 2021...