Thuốc nam phòng và chữa bệnh trẻ em
Mùa hè thời tiết thường nắng nóng là nguyên nhân dẫn đến những bệnh thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi.
Trẻ nhỏ do cơ thể chưa phát triển đầy đủ, chức năng điều tiết thân nhiệt chưa hoàn thiện, chưa đủ sức thích nghi với thời tiết nóng bức trong mùa hè nên trẻ rất dễ bị sốt, cảm mạo, ho hen, bị rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy và các bệnh truyền nhiễm khác. Để phòng chống các bệnh ở trẻ em trong mùa hè, chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh cho tre em bằng y học cổ truyền.
Cảm mạo
Trẻ em cơ thể còn yếu, mỗi khi thời tiết thay đổi dễ bị cảm, ho, da khô, không có mồ hôi, ngủ hay giật mình.
Cách chữa: tử tô 8g, gừng tươi 1 lát, vỏ quýt 4g, cam thảo 2 g, củ gấu tươi 6g sắc uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa con.
Hoặc nước trúc lịch 3-4 chén con, nước củ sắn dây 3-4 chén con, gừng tươi 3 lát, sắc nóng, mỗi lần 1 thìa con.
Nếu thấy trẻ có triệu chứng sốt, không sợ lạnh, ngạt mũi, ho, nhức đầu, có mồ hôi, miệng khô, thì điều trị theo bài thuốc sau:
Kim ngân 6g, rễ cây lau 8g, bạc hà 5 ngọn, kinh giới 4 ngọn, lá tre ngà 8g, cam thảo 2g, cúc hoa 6g, đậu xỵ 9g.
Các vị trên sắc uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa con.
Ho nóng
Trẻ bị ho từng cơn dài, mình nóng, khát nước, chân tay lạnh, không có mồ hôi.
Cách chữa: Vỏ quýt 10g ( sao nước tiểu) củ sắn dây 10g, hoa tử tô 10g, bách bộ 10g.
Cách dùng: Tất cả các vị thuốc trên cho vào nồi đổ ngập nước, sắc lấy từ 80ml đến 100ml cho trẻ uống từ từ, uống từ 2-3 thang trẻ sẽ khỏi.
Video đang HOT
- Ho đối với trẻ ít tháng: lấy 3-4 hạt mướp đắng mài với sữa mẹ, cho trẻ uống ngày vài ba lần.
- Ho đối với trẻ nhiều tháng: ho có đờm vướng ở cổ, ho từng hồi, ho có nôn ọe ra nước dãi nhớt.
Cách chữa: vỏ rễ dâu 1 nắm (cạo vỏ ngoài sao vàng) rễ chanh 1 nắm (thái nhỏ sao vàng), vỏ quýt 2 vỏ (sao vàng), lá cây cà gai leo 5-8g (sao vàng). Sắc các vị thuốc trên với 500ml nước, sắc kỹ còn lại 150ml, cho thêm 30g đường rồi đun sôi cho trẻ uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
Rối loạn tiêu hóa kéo dài, tây y gọi là loạn khuẩn, đông y gọi là tì vị hư.
Triệu chứng: trẻ bị ỉa lỏng kéo dài, ban đầu do viêm ruột, hay bị đi lỵ, đã dùng nhiều đợt kháng sinh không khỏi, thậm chí dẫn đến suy dinh dưỡng.
Cách chữa: hoàng cầm 8g, ý dĩ 12g, sơn tra 6g, tô mộc 6g, mạch nha 12g, nam mộc hương 10g.
Sắc cho trẻ uống ngày 2-3 lần, uống từ 5-7 thang (2 ngày 1 thang).
Hoặc gạo tẻ 30g (nướng cháy hoặc sao vàng) cùng gừng tươi nướng cháy. Hai vị trên sắc rồi cho trẻ uống ngày 4-5 lần trong ngày.
Nôn trớ ở trẻ em.
Trẻ bị nôn trớ do ăn uống hoặc do thời tiết hoặc các nguyên nhân khác. Trẻ bị nôn trớ sắc mặt xanh, tiểu khó, ngón chân tay hơi nóng.
Tinh tre (vỏ xanh cây tre) 10g, tổ tò vò nướng đỏ để nguội 1 tổ, gừng tươi 2 lát. Các thứ trên sắc với 300ml nước còn 100ml cho trẻ uống ngày 2-3 lần, mỗi lần 1-2 thìa con.
Hoặc hoàng liên (tẩm gừng sao khô) 8g, bán hạ (giã nát tẩm nước gừng nướng khô) 6g, trần bì 4g, thổ phục linh 10g, cam thảo 4g, hoắc hương 12g, sa nhân 10g. Các vị trên sắc cùng 500ml nước, sắc còn 150ml cho trẻ uống mỗi lần 1 thìa cà phê, cho uống nhiều lần trong ngày.
Bài thuốc: Cám gạo tẻ 30g, gừng tươi 3 lát, hương nhu 20g, hẹ tươi 50g, cỏ hắc hương 20g. Các thứ trên sắc kỹ cho trẻ uống mỗi lần 1 thìa con, ngày uống 2-3 lần.
Nếu thấy trẻ nôn trớ, sắc mặt xanh nhợt, đi ỉa ra phân xanh, miệng nhiều nước dãi, đầu ngón chân, ngón tay lạnh.
Cách chữa: Gừng tươi 30g nướng cháy xém vỏ ngoài, giã nát cho vào giữa lòng mía, rồi nướng mía trên lửa 20-30 phút, sau vắt lấy nước cho uống.
Hoặc đinh hương 1 nụ hấp vào nồi cơm sắp cạn, lấy ra mài với nước chín cho uống cũng có hiệu quả.
Bài thuốc: thương truật 10g, trần bì 4g, cam thảo 2g, mạch nha (rang nổ) 4g, sa nhân (nghiền nát) 4g, gừng tươi giã nát 25g ngâm với nước sôi 15 phút, gạn lấy nước cho vào các vị thuốc trên sắc cho trẻ uống ngày 3 lần, mỗi lần một thìa con.
Theo SKDS
Những điều nên làm khi thời tiết nắng nóng
Thời tiết đang nóng bức, nhiều người chỉ nghĩ đến việc dùng quạt, đi bơi hoặc sử dụng điều hòa nhiệt độ nhưng lại không biết hay ít chú ý đến những biện pháp cần thiết khác.
Uống nhiều nước
Trong tiết trời nóng bức, cơ thể cần được bổ sung chất lỏng liên tục, bất kể mức độ vận động của bạn là như thế nào. Đừng đợi cho tới khi cơ thể cảm thấy khát mới uống nước.
Nếu là lao động chân tay nặng nhọc trong thời tiết nắng nóng thì cần phải uống 4 cốc nước mát mỗi giờ. Đừng uống các loại chất lỏng có chứa cồn hay quá nhiều chất đường, bởi chúng chỉ làm cơ thể thêm mất nước. Tránh các loại đồ uống lạnh vì nó có thể gây co dạ dày ("chuột rút").
Bổ sung muối và khoáng chất
Mồ hôi túa ra mang theo muối và các khoáng chất trong cơ thể. Đây đều là những chất rất cần thiết và phải được bổ sung ngay. Có thể uống các loại nước uống dành cho tập luyện thể thao để bổ sung muối và khoáng chất cho cơ thể.
Đeo kính râm và chọn quần áo thích hợp
Cần đặc biệt lưu ý về trang phục khi ra khỏi nhà. Chọn loại quần áo làm từ chất liệu vải nhẹ, sáng màu và không bó sát. Nắng gay gắt sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng tự làm mát của cơ thể và gây mất nước. Nó cũng là "thủ phạm" gây ra các nguy hại cho làn da.
Nếu phải ra ngoài, nhớ đội mũ rộng vành, đeo kính râm và bôi kem chống nắng có độ SPF từ 15 trở lên trước khi ra khỏi nhà khoảng 30 phút.
Chú ý giờ làm việc
Nếu làm việc ngoài trời, lưu ý không làm việc từ 11h trưa đến 14h chiều. Nghỉ ngơi trong bóng mát thời điểm này sẽ giúp cơ thể tự điều chỉnh nhiệt độ để thích ứng.
Cường độ làm việc vừa phải
Nên bắt đầu công việc với cường độ chậm rồi tăng dần. Nếu ráng sức dưới cái nóng, sẽ làm tăng gánh nặng cho tim. Và khi có cảm giác thở hổn hển thì cần phải ngừng ngay mọi hoạt động. Đi vào chỗ râm mát và nghỉ ngơi ngay.
Chọn chỗ mát
Ở trong nhà và nếu có thể thì nên ở trong môi trường có điều hòa. Nếu ở nhà không có điều kiện thì nên đi tới các trung tâm thương mại hay thư viện công cộng. Chỉ cần vài giờ trong môi trường này là đủ giúp cơ thể điều hòa thân nhiệt trước khi quay trở lại với cái nóng khó chịu. Quạt điện có thể giúp xua bớt cái nóng nhưng khi nhiệt độ vượt quá 400C thì quạt không giúp ngăn được các bệnh liên quan đến nóng bức. Nên đi tắm hay ngâm mình trong nước mát hoặc tới nơi có điều hòa nhiệt độ thì sẽ tốt hơn.
Những người có nguy cơ cao
Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị đổ bệnh do nắng nóng nhưng một số nhóm người sau có nguy cơ cao hơn hẳn so với các nhóm khác:
- Trẻ dưới 4 tuổi vốn rất nhạy với thời tiết, đặc biệt là khi nhiệt độ tăng cao. Vì thế, trẻ cần được người khác giúp điều chỉnh nhiệt độ môi trường và cho uống nước thường xuyên.
- Những người từ 65 tuổi trở lên, cơ thể phản ứng chậm với sự thay đổi nhiệt độ.
- Những người thừa cân do tim luôn phải làm việc quá tải.
- Những người lao động nặng nhọc, tập luyện quá sức... dễ bị khử nước và đổ bệnh.
- Những người đang có bệnh, đặc biệt là bệnh tim, huyết áp cao hay những người đang dùng các loại thuốc trầm cảm, trị mất ngủ hay tuần hoàn máu kém.
Những người này cần được kiểm tra ít nhất 2 lần/ngày và chú ý tới các dấu hiệu có thể bị khử nước hay đột quỵ. Với trẻ nhỏ thì cần phải để mắt thường xuyên hơn nữa.
Những lưu ý quan trọng khác
Tránh các thực phẩm nóng và các bữa ăn nhiều dầu mỡ - chúng chỉ làm cơ thể thêm nóng bức.
Trẻ nhỏ cần mặc trang phục thoáng mát; đi ra ngoài cần đội mũ, che ô.
Hạn chế tối đa ra nắng vào khoảng thời gian buổi trưa và tránh những nơi quá nhiều nắng như bãi biển.
Không để trẻ một mình trong ô tô.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Tuỳ tiện dùng thuốc nam: Luôn xảy ra tai biến Nhiều người cho rằng sử dụng thuốc Đông y là vô hại vì thuốc chế biến từ cây cỏ, hoa trái hoặc động vật... nhưng đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Quan niệm "không bổ âm cũng bổ dương" Nghĩ như thế, hiểu thế thật sai lầm và nguy hiểm, vì thuốc Đông y cũng là thuốc và tai biến...