Thuốc bổ làm con bị ‘điên’ sát ngày thi
Phát điên vì áp lực học thi. (Ảnh minh họa).
Chỉ hơn một tháng sau, chị bắt đầu thấy 2 con cứ mệt mỏi, dần dà mất ăn, mất ngủ. Quá lo lắng chị càng cho con dùng thuốc bổ.
Em Nguyễn Thu Hà (Hải Dương) đã phải nhập viện Viện Sức khỏe Tâm thần – BV Bạch Mai 2 ngày trước kỳ thi Đại học năm 2009 với triệu chứng hoảng loạn tâm thần.
Chị em đua nhau uống thuốc bổ, thi nhau nhập viện.
Chị Hoàng Ngân nức nở kể với bác sĩ CK II Nguyễn Văn Dũng – trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe Tâm thần – BV Bạch Mai, người trực tiếp điều trị cho con gái chị: Nhà chị có hai con gái, ngày này năm ngoái, đứa lớn đang ôn thi tốt nghiệp lớp 12 và thi đại học, còn đứa út cũng đang mải miết với cuộc đua vào lớp 10 của trường chuyên trong tỉnh.
Thấy các con đang từng ngày, từng giờ chiến đấu với số lượng bài tập khổng lồ, có đêm các cháu thức đến 4 giờ sáng mà vẫn chưa xong, chị Ngân thương các con lắm nhưng không biết giúp chúng bằng cách nào.
Khi đến cơ quan, chị nghe mấy đồng nghiệp cũng có con ôn thi truyền tai nhau về một loại thuốc tăng tuần hoàn não, tăng trí nhớ. Mừng quá, chị mua về cho các con mình uống với mong muốn giảm áp lực lên các cháu.
Một em học sinh vào viện khám vì bị mất ngủ, hay quên.
Cháu Hà, con gái lớn của chị Ngân học ban xã hội nên việc tăng cường trí nhớ là hết sức cần thiết. Cô con gái út thấy chị gái uống cũng uống theo. Theo quy định, mỗi ngày uống 2 viên, nhưng hai chị em dùng 4 viên/ngày vì cho rằng càng uống nhiều, càng tăng trí nhớ!
Chị kể, thuốc có tác dụng nhanh rõ rệt, trước thấy các cháu luôn ngáp ngủ, uể oải, từ khi dùng thuốc cháu nào cũng học không biết mệt mỏi, tinh thần thì phấn khởi, ăn khỏe, ngủ cũng khỏe.
Thi văn nhưng lại ôn bằng… sách toán
Video đang HOT
Tuy nhiên, thời gian hai con gái của chị phấn chấn không kéo dài được bao lâu. Chỉ hơn một tháng sau, chị bắt đầu thấy 2 con cứ mệt mỏi, dần dà mất ăn, mất ngủ. Quá lo lắng chị càng cho con dùng thuốc bổ.
Con út đã thi xong nhưng cháu lớn chưa thi nên chị cũng rối trí theo con. Đến gần ngày thi, con gái càng chán ăn, mất ngủ, mặt mũi ngơ ngơ như người mất hồn, đêm ngủ hay giật mình, nói nhảm, mắc chứng lú lẫn, hay quên.
Đã thi xong tốt nghiệp phổ thông, chỉ còn phải ôn 3 môn Văn – Sử – Địa để chuẩn bị cho kỳ thi Đại học khối C, thế nhưng, Hà cứ nhớ nhớ, quên quên, toàn cầm nhầm sách toán để học bài. Khi mẹ hỏi thì em bảo: Con đang ôn thi tốt nghiệp phổ thông mà!
Rồi khi nhớ lại là mình đang ôn thi đại học, em vùng vằng tức giận, cáu gắt và ném sách vở ra khắp phòng.
“Sát đến ngày thi, thấy con ngồi khóc một mình và lơ đơ như người mất hồn, phòng học như một ma trận, thuốc và sách cháu rải khắp nơi. Cuối cùng, vợ chồng tôi đành đưa con lên bệnh viện. Vậy là bỏ lỡ kỳ thi” – chị Ngân kể trong nước mắt.
Hà vừa nhập viện thì đến lượt cô em út cũng có những triệu chứng tương tự.
Bác sĩ Dũng cho biết, trường hợp hai cháu nhà chị Ngân bị rối loạn cảm xúc là do dùng quá nhiều thuốc bổ tuần hoàn não. Bản chất của thuốc bổ não là một loại thuốc kích thích, khi uống thuốc cơ thể sẽ không thấy mệt mỏi, học trong nhiều giờ mà không thấy oải.
Một số loại thuốc bổ não có tác dụng tăng lưu lượng máu lên các vùng và giảm tình trạng thiếu oxy não, làm giảm một số biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não.
Thuốc bổ não chỉ có khả năng phục hồi lại sự suy giảm trí nhớ do rối loạn tuần hoàn não đến mức bình thường, chứ không làm vượt quá mức bình thường trước đó. Một số người dùng các thuốc này khi không bị bệnh, hay tăng liều để tăng cường trí tuệ là không có hiệu quả thực tế. Việc dùng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ.
10% bệnh nhân nhập viện Tâm thần do sức ép học hành Theo thống kê của Viên Sức khỏe Tâm thần, riêng tháng 7/2009, 10% số bệnh nhân nhập viện có liên quan đến sức ép học hành, trong đó có tới gần 10 trường hợp nhập viện vì dùng thuốc bổ não. Bản chất của thuốc bổ não là một loại thuốc kích thích, khi uống thuốc cơ thể sẽ không thấy mệt mỏi, học trong nhiều giờ mà không thấy oải. Bác sĩ Dũng cảnh báo không có một loại thuốc nào là thuốc tăng trí nhớ, trí thông minh. Dùng các loại thuốc tăng tuần hoàn não lâu ngày có thể dẫn đến rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc… để lâu có thể bị tâm thần. Bác sĩ Dũng khuyên các bậc phụ huynh không nên tạo sức ép cho con cái và dùng các loại thuốc kích thích vì một ngày bị bệnh tâm thần, điều trị lâu ngày. Khi phát hiện con có biểu hiện khác thường nên đưa đến bệnh viện ngay. Nếu bệnh của các cháu để lâu ngày có thể dẫn đến hội chứng tự kỷ, khi đó điều trị khó khăn hơn và khó có thể khỏi về mọi mặt.
Theo Bee
Bi kịch thiếu nữ phát điên vì bị bán vào 'động quỷ'
Bị lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm, khi được giải cứu, cô gái phát điên vì bị hành hạ về mặt thể xác, tinh thần ở nhiều ổ chứa trong suốt mấy tháng ròng.
Ngày 6/5, Công an Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Ngô Thị Hoa (39 tuổi), Dương Thị Thắm (39 tuổi) cùng ở quận Hà Đông và Nguyễn Văn Hùng (34 tuổi, ở huyện Phú Xuyên) về hành vi buôn bán người.
Một trong số các nạn nhân trong vụ án là em Nguyễn Thị (SN 1988 ở Chương Mỹ, Hà Nội). Em được phòng PC14, Công an Hà Nội phối hợp với Công an Lào Cai và Công an Trung Quốc giải cứu về Việt Nam đầu tháng 5. Về được tới nhà, cô gái đã không còn là người bình thường. Những tổn thương về mặt tinh thần, thể xác đã khiến cô gái mới 22 tuổi phát điên.
Thoát khỏi động quỷ nhưng không thể tự về nhà
Anh Trần Đức Thành, Trưởng công an xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội là một trong số những người đã trực tiếp lên Lào Cai đưa Thị về nhà. Anh kể, sáng 30/4, anh nhận được tin báo Thị đã được cảnh sát giải cứu thành công nhưng họ không thể đưa được cô bé về nhà như các nạn nhân khác. Thị bị hoảng loạn, nhìn thấy đàn ông là sợ, gào thét, đập phá đồ nên anh Thành cùng các chiến sĩ Đội 12, PC14, Công an Hà Nội quyết định phải đưa người thân lên đón cô gái trở về. Cô gái đang được Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Lào Cai chăm sóc.
"Khi chúng tôi đến, đang ngồi chơi, nhác thấy đồng chí Đội 12 mặc áo kiểu cổ tàu, nghĩ là người Trung Quốc, Thị liền nhảy bổ ra chỉ tay vào đồng chí đó mà chửi khiến các nhân viên của Trung tâm phải chạy vội ra giữ lại". Một lúc sau, thấy Thị đã bình tĩnh, anh Thành lại gần và hỏi: "Thị, có nhận ra chú không?". Vừa ngước mặt lên, Thị liền hô to: "A! chú Trần Đức Thành, trưởng công an xã Phụng Châu, chồng cô giáo Bảy..." - anh Thành kể.
Lên đón Thị cùng với công an có bà Nguyễn Thị Vân, bác của Thị. Ngồi nói chuyện với anh Thành một lúc, Thị tỉnh táo, lại cười nói hoạt bát, nói chuyện ngoan, lễ phép với anh và bà Vân. "Tôi buột miệng hỏi: "Thị thích ăn gì để chú bảo bác Vân đi mua?". Tôi đọc tên mấy loại bánh, khi nghe thấy tôi bảo bánh bao, cô bé bảo không ăn đồ Tầu rồi lại chửi bới, đập phá. Tôi và bà Vân giữ Thị một lúc, con bé bảo "chú bắt con Thắm bỏ tù đi chú, con Thắm làm hại đời cháu"".
Hoa là đầu mối bán Thị sang Trung Quốc.
"Sau khi ăn bánh, uống sữa xong, tôi gợi chuyện: "Bây giờ chú với bác Vân đưa cháu về nhà, cháu có thích không? Cháu thích đi bằng gì nào? Máy bay? Ô tô? Hay tàu nhỉ?". Nghe thấy "tàu", Thị lại chửi bới, đập phá. Phải mất hơn 2 tiếng thuyết phục, Thị mới đồng ý về Hà Nội" - anh Thành kể.
Được sự giúp đỡ của giám đốc Trung tâm cứu trợ 115, một chiếc xe cứu thương đã sẵn sàng để đưa Thị về Hà Nội. Cẩn thận hơn, Giám đốc trung tâm còn cử một nữ y tá đi theo để chăm sóc, giúp đỡ Thị trên suốt chặng đường về. Để chặng đường về được an toàn, các bác sĩ thống nhất nên tiêm thuốc ngủ cho cô bé. Thế nhưng, để tiêm được thuốc cho Thị không phải dễ. Thấy cô gái luôn miệng khen "chú Thành là người tốt" nên một lần nữa mọi người nhờ trưởng công an xã tiêm thuốc cho cô bé.
21h xe xuất phát. Tiêm lần thứ nhất, xe chạy được 40km thì cô bé tỉnh lại, đập phá, gào thét. Mọi người vội lao đến giữ cô bé và giục lái xe tắt đèn. Anh Thành vỗ về: "Trời tối rồi, Thị nằm xuống ngủ đi nào". Tiêm lần thứ 2, đi tiếp được 140km nữa thì Thị lại tỉnh lại. 2h sáng ngày 2/5, xe chạy về đến Hà Nội. Lúc này, thuốc ngủ mới ngấm, Thị ngủ li bì, mọi người khiêng cô bé vào nhà rồi vội vã trở về, kết thúc một chuyến đi đầy căng thẳng.
Anh Thành cho biết thêm, với thủ đoạn rủ đi chơi, ngày 17/1/2010, Thắm hẹn Thị: "Ngày mai, đến đầu làng rồi Thắm đưa đi cắt tóc rồi chở đi chơi". Không chút nghi ngờ, đến giờ hẹn, cô thôn nữ 22 tuổi liền đi theo Thắm. Đi được một đoạn, cả hai lên xe máy chạy ra Hà Nội do kẻ đồng bọn tên là Hoa chờ sẵn.
Nhận được tin báo của gia đình, anh Thành báo cáo lên Công an Hà Nội và được biết, công an Hà Nội cũng đang lập chuyên án để phá đường dây buôn bán người qua biên giới này. Xác định người đưa Thị là Thắm, cảnh sát lập kế hoạch mật phục. Thắm rất xảo quyệt, không ở cố định một chỗ, chủ nhà lại không khai báo tạm trú tạm vắng nên rất khó khăn cho việc xác định đối tượng. Thắm thay số điện thoại liên tục, nên rất khó xác định chỗ ở. Phải mất rất nhiều công sức cảnh sát mới "cất vó" được 3 kẻ buôn người là Thắm, Hoa và Hùng.
Gia cảnh éo le của cô gái đáng thương
Kể chuyện phá án xong, giọng anh Thành như trầm hẳn khi nói về gia cảnh của Thị. Sau khi Thị mất tích, người bố đang mắc bệnh tim, người gầy yếu chưa đầy 40kg vẫn lóc cóc đạp xe đạp từ sáng sớm đến đêm khuya để tìm cô con gái đầu lòng. Ngày 22/2 vừa rồi, tức mùng 9 Tết Canh Dần, sau hơn một tháng con gái mất tích, bố Thị đã kiệt sức trên đường đi tìm con.
Trong khi chờ đợi để gia đình bác ruột xin cho vào viện tâm thần, Thị phải chịu xích thế này mới mong không đập phá đồ trong nhà.
Chồng chết, con mất tích, mẹ Thắm cũng suy nghĩ nhiều nên bị suy nhược tinh thần. Chưa đầy một tuần sau cái chết của chồng, ngày 28/2, trong lúc đi tìm con, mẹ cô bị ngã xuống ao ở làng bên và đi theo chồng.
Cha mẹ thiệt mạng vì đau khổ, vì mất con, đi tìm con, chính những người hàng xóm láng giềng, công an xã cũng mong tìm được Thị về an toàn.
Thế nhưng, nửa tháng sau khi được giải cứu khỏi động mại dâm ở Trung Quốc, Thị vẫn trong trạng thái hoảng loạn, tinh thần chưa ổn định.
Tiếp chuyện chúng tôi, bà Vân chỉ vào chiếc xích bên chân Thị giãi bày: "Càng nhìn con bé càng đau lòng. Những tháng ngày lưu lạc bị giày vò thân xác, bị chủ chứa đánh đập ép bán dâm triền miên khiến nó điên loạn như thế đấy. Không xích thì con bé lại gào thét, chạy lung tung, đập phá đồ đạc", nói rồi bà vội quay mặt đi lau nước mắt.
Khi Thị được đưa về nhà, không thấy bố mẹ liền hỏi thì mọi người bảo bố mẹ đang ra ngoài đồng. Từ đó, không ai nhắc đến bố mẹ Thị trước mặt cô bé nữa. "Nó vẫn cứ nghĩ bố mẹ nó đang đi làm cỏ ngoài đồng đấy. Nó mà biết bố mẹ nó đã mất chắc phát điên lên, bệnh còn nặng hơn nữa", bà Vân buồn bã nói.
Là lao động chính trong nhà nhưng giờ Thị đã phát điên. Hai cậu em của Thị người bị bệnh, người phải cho đi ở nhờ một ngôi chùa ở huyện Thanh Trì để được đi học.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Nhật Mai
Theo Bưu Điện Việt Nam
Sĩ tử đua nhau đi mua thuốc làm tăng trí nhớ Càng gần đến kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học, qua quảng cáo "rỉ tai" của các tiệm thuốc, nhiều phụ huynh, sĩ tử đua nhau mua thuốc "tăng trí nhớ" để củng cố trí thông minh của mình. Thế nhưng ... Thuốc nhanh học thuộc bài Trong vai một phụ huynh tìm mua thuốc tăng trí nhớ cho con, chúng tôi đã...