‘Thuê’ con làm việc nhà, lợi hay hại?
Trẻ nhỏ vốn thích bắt chước bố mẹ làm việc nhà, nhưng nhiều gia đình đã bỏ qua giai đoạn vàng, phải dùng tiền như phần thưởng để “dụ dỗ”.
Bài viết của tác giả Joe Pinsker trên The Atlantic cung cấp góc nhìn quanh phương pháp dạy con phổ biến.
Thói quen trả cho con một khoản tiền nhất định để làm việc nhà đã tồn tại trong các gia đình Mỹ khoảng 100 năm. “Động lực thúc đẩy chúng sẽ tăng lên gấp đôi”, Steven Mintz, nhà sử học thuộc Đại học Texas ở Austin nhận định. Đầu tiên, việc đó giúp trẻ có khả năng tự tham gia vào hoạt động mua bán, chẳng hạn có thể dễ dàng đi mua kẹo, đồ chơi hay các sản phẩm ít tiền mà không phải hỏi xin bố mẹ. Thứ hai, phụ huynh đang dạy trẻ về giá trị của đồng tiền thông qua lao động.
Hiện nay, trẻ em Mỹ nhận được trung bình 800 USD tiền tiêu vặt mỗi năm, theo Viện Kế toán Công chứng Mỹ. Dù vậy, chúng thường không nhận được tiền mà không có lý do nhất định. Đại đa số phụ huynh gán số tiền đó như khoản “lương” dành cho những việc vặt trong nhà.
Từ nhu cầu phổ biến, nhiều ứng dụng di động đã ra đời, trong đó có Homey. Được 100.000 gia đình sử dụng, ứng dụng này cung cấp biểu đồ giúp phụ huynh dễ dàng quản lý việc chi tiền trợ cấp sau khi xác nhận trực quan rằng việc nhà đã hoàn thành. Ứng dụng tương tự có tên BusyKid, ra mắt đầu năm 2018 và được 25.000 gia đình sử dụng, cho phép trẻ đầu tư vào thị trường chứng khoán bằng tiền của mình. Mục đích chính của nó là dạy trẻ về quản lý tài chính cá nhân.
Ảnh: Getty Images
Một tác giả trên tờ Washington Post từng có bài viết “Tôi trả tiền để con tự mặc quần áo, làm bài tập và nhiều việc khác nữa. Đó là quyết định tốt nhất của tôi từ trước tới nay”. Bà mẹ có hai con bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) đã nhận thấy hiệu quả vượt trội của cơ chế thưởng tiền và gợi ý phụ huynh khác áp dụng. Vì những đồng xu được treo thưởng, con cô sẽ cố gắng nhiều hơn bình thường để hoàn thành một số việc vặt. “Trong tâm lý học, điều này được gọi là tăng cường hành vi theo cách tích cực”, cô viết.
Có thật như vậy không? Nhiều chuyên gia mà tôi tham khảo ý kiến đã bày tỏ mối lo ngại rằng việc “thuê” trẻ làm việc nhà chỉ có hiệu quả ngắn hạn. Họ tin nó có thể gửi cho trẻ những thông điệp sai lệch về trách nhiệm cá nhân trong gia đình và cộng đồng.
Thực tế, nhiều nền văn hóa trên thế giới không khuyến khích thưởng tiền cho trẻ làm việc nhà. Một số trẻ giúp đỡ gia đình từ rất sớm, cảm thấy hạnh phúc vì những đóng góp của mình và không cần bố mẹ dùng tiền để “dụ dỗ”.
Video đang HOT
Suniya Luthar, nhà tâm lý học tại Đại học bang Arizone, đặt câu hỏi đáng suy ngẫm: “Bạn thấy việc trả cho trẻ một đồng xu mỗi lần nhặt quần áo mà nó vứt vương vãi ra sàn có tác dụng lâu dài hay không? Bạn có nợ bản thân khoản tiền nào khi tự dọn dẹp thứ mình bày bừa?”.
Luthar không phản đối việc cho con khoản phụ cấp, nhưng bà cho rằng điều quan trọng là phụ huynh phải làm rõ với trẻ rằng một số công việc trẻ phải làm không phải để được trả công mà là đó yêu cầu bắt buộc để giữ cho nhà cửa gọn gàng. “Trong một gia đình, không ai trả tiền cho bạn để tự buộc giày hay cất quần áo”, bà nói. Dù vậy, bà cũng thừa nhận nuôi dạy con cái là công việc khó khăn, khiến đôi khi người lớn buộc phải “hối lộ” trẻ theo cách nào đó.
Luthar đề xuất phương án mà chuyên gia tài chính cá nhân Ron Lieber của tờ New York Times đã chỉ ra khi viết sách hướng dẫn phụ huynh dạy trẻ về tiền bạc. Theo ông, tiền tiêu vặt chỉ nên được xem là công cụ để trẻ học cách tiết kiệm, cho đi và chi tiêu vào những thứ mình thực sự quan tâm.
“Trẻ nên làm việc nhà với cùng lý do người lớn làm việc nhà. Đó là vì việc nhà cần được hoàn thành, không đi kèm với mong đợi được trả công”, ông viết.
Lập luận này gây ra một số tranh cãi, nhiều phụ huynh phản đối việc đưa tiền tiêu vặt cho trẻ mà không nhấn mạnh chúng đã làm gì để nhận được số tiền đó. Lieber cũng đề cập đến quan điểm này trong cuốn sách, gợi ý rằng phụ huynh có thể xem xét trả tiền cho trẻ với một số công việc chỉ xảy ra một lần định kỳ như rửa ôtô hay sơn phòng.
Heather Beth Johnson, nhà xã hội học tại Đại học Lehigh, người nghiên cứu về bất bình đẳng giàu nghèo, tin rằng khi người lớn trả tiền cho trẻ để làm những việc dĩ nhiên phải làm với tư cách thành viên của gia đình hay cộng đồng, trẻ sẽ thấy bản thân có quyền đổi chác, hoặc có thể không nhận nhiệm vụ.
“Đây là vấn đề không xảy ra ở các gia đình nghèo. Họ sẽ không nói với con những câu như: Nếu con trông em thì mẹ sẽ trả tiền. Họ khiến trẻ biết rằng trách nhiệm của trẻ là trông em, vì em cần được coi sóc”, Johnson nói.
Các con của cô, một cặp sinh đôi 14 tuổi và một đứa trẻ 10 tuổi, không được nhận tiền tiêu vặt. Nhưng chúng được mẹ đưa tiền khi cần và thường xuyên được chia sẻ về những công việc cần thiết trong gia đình.
“Có thể điều này hơi kỳ cục. Tuy nhiên, tôi không phải nhắc câu gì hai lần. Khi tôi nói Đổ rác đi con, chúng sẽ làm ngay”, cô cho biết.
Khi xem xét ở phạm vi rộng hơn, trên toàn thế giới chứ không chỉ trong nước Mỹ, có lẽ việc thưởng tiền để làm việc nhà mới bị đánh giá là “kỳ cục”. David Lancy, cựu giáo sư nhân chủng học tại Đại học bang Utah, đã nghiên cứu cách điều phối việc nhà của nhiều gia đình ở các quốc gia và nhận ra trẻ lớn lên ở những cộng đồng kém phát triển về kinh tế có trách nhiệm cao hơn trẻ em Mỹ.
Sau khoảng 18 tháng vòng quanh trái đất, Lancy giải thích, trẻ ở nhiều nơi thường hào hứng khi giúp đỡ bố mẹ. Chúng học rất nhanh thông qua quan sát và bắt chước. “Lời khen ngợi rất hiếm hoi. Phần thưởng chính dành cho chúng là được tham gia vào dòng chảy hoạt động của gia đình”, ông nói.
Một cách tự nhiên, trách nhiệm của trẻ tăng dần theo khả năng và sức khỏe. Chúng có thể bắt đầu bằng cách xách hộ mẹ những túi nhẹ, sau một thời gian đã có thể nấu ăn hoặc chăm em.
Trẻ được giao việc mà không cảm giác bị sai bảo, nhờ đó chúng tự giác làm mà không cần phải quát nạt. Và tất nhiên, chúng không nghĩ sẽ được trả tiền cho những việc vặt đó.
Lancy nhận xét, điều này trái ngược hoàn toàn với phương pháp dạy con ở Mỹ và những quốc gia phát triển khác. “Chúng ta đã khước từ sự giúp đỡ của trẻ. Chúng ta tranh thủ làm việc vặt khi trẻ ngủ trưa, chúng ta vô tình truyền thông điệp rằng giúp đỡ bố mẹ là một gánh nặng. Do vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi bản năng của trẻ bị dập tắt. Đến khi con khoảng 6-7 tuổi, chúng ta bắt đầu nghĩ giờ con đã sẵn sàng để làm việc vặt hay ít nhất là tự chăm sóc bản thân, thì chúng đã mất hết mong muốn giúp đỡ bố mẹ rồi”, ông nói.
Thùy Linh
Theo VNE
Công thức 'tình yêu và logic' Bill Gates áp dụng để dạy con
Vợ chồng Bill Gates hạn chế những phản ứng tiêu cực như quát tháo, đặt ra nhiều câu hỏi và khuyến khích con tự tìm câu trả lời.
Khi nói đến việc nuôi dạy con, tỷ phú Bill Gates sẵn sàng thừa nhận vợ ông, bà Melinda góp công nhiều hơn, theo Business Insider. "Vợ tôi làm hết 80%", nhà sáng lập Microsoft nói trước đông đảo sinh viên ở Đại học Harvard trong một cuộc giao lưu vào năm ngoái.
Ông đã dành hai năm để học tập ở ngôi trường này nhưng chưa bao giờ hoàn thành chương trình. Tuy trở thành người bỏ học nổi tiếng nhất thế giới và được đại học danh giá thuộc khối Ivy League trao bằng danh dự hơn 30 năm sau đó, ông chưa bao giờ mong các con đi theo vết xe đổ của mình.
Tỷ phú Mỹ và vợ đã cân nhắc kỹ lưỡng cách nuôi dạy các con, hiện đã 15, 18 và 22 tuổi. Cả hai áp dụng công thức "tình yêu và logic", phương pháp được tạo ra từ những năm 1970 bởi nhóm chuyên gia gồm nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần và cựu quản lý trường học. Họ tập trung vào hiệu quả của việc kiểm soát cảm xúc, giảm thiểu những phản ứng tiêu cực như quát tháo hoặc quở trách trẻ em.
Bill Gates và con gái Phoebe. Ảnh: Time
"Một trong những lợi ích lớn nhất khi áp dụng công thức tình yêu và logic là chúng ta sẽ học được cách uốn lưỡi trước khi nói và tiết chế cảm xúc tốt hơn", Charles Fay, đồng sáng lập phương pháp dạy con viết trên blog.
Gates cho rằng mình và vợ chưa thể thực hiện phương pháp đó một cách hoàn hảo, bởi việc điều chỉnh cảm xúc rất khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh kiểm soát sự nóng nảy của những ông bố bà mẹ, công thức "tình yêu và logic" còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện tình yêu vô điều kiện thay vì ra điều kiện để trao thưởng cho trẻ. Bố mẹ nên yêu quý trẻ vì bản thân chúng thay vì khen ngợi khi con đạt điểm cao và trách mắng khi con đạt điểm thấp.
Theo quan niệm của những người tạo ra công thức "tình yêu và logic", rất nhiều nhân vật thành công từng là những đứa trẻ đạt điểm kém. Điều quan trọng nhất quyết định thành công của một người là tính cách tốt, tinh thần ham học hỏi và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Công thức này khá giống phương pháp Socratic ở điểm gợi ý bố mẹ tập trung vào việc đặt câu hỏi cho trẻ, tạo điều kiện để chúng suy nghĩ thay vì đưa sẵn câu trả lời. Gates chia sẻ, công thức "tình yêu và logic" khác xa với cách nuôi dạy thời ông còn bé. Ông muốn giúp con có trải nghiệm tốt hơn mình.
Ngoài phương pháp cốt lõi, tỷ phú công nghệ còn đặt ra những quy định nghiêm ngặt trong gia đình, bao gồm cấm con dùng điện thoại di động trước 14 tuổi. Vợ chồng ông thường dẫn các con đi nhà thờ Công giáo. Tuy sở hữu khối tài sản khổng lồ 90 tỷ USD, Bill Gates chỉ cho mỗi con thừa hưởng khoảng 10 triệu USD.
"Chúng tôi muốn giúp con có khả năng tự do làm những gì mình muốn, nhưng không đổ quá nhiều tiền lên đầu chúng, khiến chúng chỉ chơi bời mà không làm gì", Gates từng chia sẻ.
Thùy Linh
Theo VNE
Tám cách đơn giản dạy trẻ về lòng biết ơn Phụ huynh nên để con làm việc nhà và giúp đỡ cộng đồng từ nhỏ để chúng hiểu được giá trị của mọi thứ và trở nên biết ơn. Nếu không muốn con lớn lên trở thành người vô ơn, hãy khéo léo trong việc nuôi dạy chúng từ nhỏ. Dưới đây là một số lời khuyên được Motherly đưa ra. 1. Chia...