Thực thi nghiêm pháp luật để giảm bạo lực học đường
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội), nếu chúng ta không xử lý bằng pháp luật thì tình trạng bạo lực học đường sẽ gia tăng.
Liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, bên hành lang Quốc hội, phóng viên đã phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội), Chủ nhiệm đoàn Luật sư Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy viên Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương.
- Thưa ông, tình hình bạo lực gia tăng nhất là bạo lực lứa tuổi học đường xuất phát từ đâu?
- Theo tôi, nó bắt nguồn từ văn hóa ứng xử. Truyền thống của người Việt Nam ta từ xưa đến nay vẫn coi trọng “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội).
Chúng ta muốn học văn hóa để có kiến thức sau này trở thành người có ích cho xã hội thì đầu tiên phải học lễ nghĩa, phép tắc, đạo đức, văn hóa ứng xử.
Giữa con người với con người phải có cái tình; trong gia đình phải có trên, có dưới; đồng nghiệp phải hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong công việc, trong đời sống xã hội.
Thực tế, có rất nhiều tấm gương “lá lành đùm lá rách”. Chẳng hạn như ở miền Trung vừa qua, khi đồng bào gặp lũ lụt đã có nhiều tổ chức và cá nhân đứng ra hỗ trợ cho đồng bào vượt qua khó khăn; có nhiều tấm gương các bạn học sinh giúp đỡ nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống thường ngày để cùng nhau vượt khó.
Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn có rất nhiều vụ việc không hay của các em trong cách đối xử với nhau. Nhiều vụ việc còn tàn nhẫn hơn cả những tội phạm thực hiện.
- Vậy chúng ta phải làm gì để dạy cho các em hiểu và ứng xử văn hóa để tránh xảy ra tình trạng này, thưa ông?
- Vấn đề đặt ra là cần phải tăng cường giáo dục văn hóa ứng xử để các em nhận thức được mình là con người có văn hóa, văn minh, trong sáng đang ngồi dưới mái trường.
Cần phải giáo dục các em để các em nhận thức được hậu quả của hành vi mà nếu mình gây ra cho người bạn của mình thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến gia đình mình, gia đình bạn, đến nhà trường và xã hội.
Không những thế, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường cho các em cũng cần được đẩy mạnh, đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa để giúp cho các em nhận thức được rằng, nếu mình có hành vi bạo lực đối với các bạn thì mình sẽ phải chịu trừng phạt của pháp luật như thế nào.
Có những luật sư đã có ý tưởng là làm những cuốn sách, cuốn truyện có các mẩu truyện nói về các tình huống học sinh vi phạm pháp luật, mỗi tình huống sẽ có mức độ xử lý pháp luật phù hợp.
Video đang HOT
Làm tốt những điều đó sẽ giúp các em có những hành động chuẩn mực hơn và sẽ hạn chế những hành vi gây ra bạo lực ở trong trường học, làm giảm đi những vụ việc vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên.
- Mấy ngày vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự, trong đó nhiều đại biểu có nhắc đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Vừa là ĐBQH vừa luật sư ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
- Nói đến bạo lực học đường, chúng ta nghĩ ngay đến hành động của các bạn đang ở lứa tuổi học trò mà xâm phạm đến thân thể, danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhau, tạo ra những hình ảnh rất phản cảm.
Gia đình, các bậc phụ huynh, nhà trường cũng như toàn xã hội đang rất quan tâm, lo ngại về tình trạng này. Hiến pháp quy định là mọi công dân phải được pháp luật bảo vệ tính mạng, thân thể cũng như danh dự, nhân phẩm. Như vậy, các em ở lứa tuổi học trò cũng cần phải được pháp luật bảo vệ, tránh khỏi bạo lực học đường.
Qua những vụ việc vừa qua ta thấy, tuy còn nhỏ tuổi nhưng khi gây ra các hành vi bạo lực, các em đã biết chọn những địa điểm có thể hạn chế việc kiểm soát của người lớn, khi thấy công an hoặc người lớn thì các em tỏ ra sợ.
Điều đó cho thấy cho dù hiểu biết pháp luật còn hạn chế nhưng các em cũng đã nhận thức được phần nào hành vi sai trái của mình. Do vậy, pháp luật điều chỉnh phối hợp với trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục cũng như phòng ngừa các hành động bạo lực học đường.
Thứ nhất, ở góc độ gia đình, cha mẹ nào cũng quan tâm đến con cái nhưng tùy từng điều kiện và hoàn cảnh cụ thể sẽ có cách quan tâm khác nhau, phương pháp sư phạm để giáo dục khác nhau, nên có sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình.
Có ý kiến cho rằng nên quay lại phương pháp quản lý ở nhà trường đối với các em như trước đây. Tức là giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm, tăng trách nhiệm của chủ nhiệm lớp, của cán bộ lớp lên để có trách nhiệm hơn, sâu sát hơn và cũng để các em có trách nhiệm đối với nhau, không thể để hiện tượng đứng xem, cổ súy, kích động các bạn cùng lớp đánh nhau mà lại không chịu trách nhiệm gì.
Thứ hai, nhà trường cũng phải thiết lập lại hội đồng nhà trường kết hợp với các cô giáo, thầy giáo chủ nhiệm, với cả lớp trưởng, lớp phó. Qua đó, nó thể hiện sự gắn kết trách nhiệm lẫn nhau trong nhà trường.
Ngoài ra, chúng ta cần có sự liên lạc chặt chẽ với gia đình để phối kết hợp trong việc quản lý, giáo dục, nắm bắt tâm lý của các em. Từ đó sẽ hiểu các em hơn, dễ dàng ngăn chặn xảy ra bạo lực hơn.
Thứ ba, nói đến góc độ xã hội, pháp luật phải được đề cao. Khi bàn đến hành vi vi phạm pháp luật của các em, ta đã có nghiên cứu để bảo đảm chính sách khoan hồng của nhà nước, của pháp luật đối với vị thành niên phạm tội, đối với cả người chưa đến tuổi vị thành niên.
Chúng tôi cho rằng về chính sách pháp luật đã rất cụ thể trong Bộ luật hình sự năm 1999 và được cụ thể hóa hơn ở Bộ luật hình sự năm 2015 nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình chung của hiện tượng vi phạm pháp luật xã hội đối với cả lứa tuổi này.
Khi xem xét đến trách nhiệm của các em học sinh từ lứa tuổi 14 đến dưới 16 tuổi thì cũng đã có nghiên cứu trên cơ sở công ước quốc tế về quyền trẻ em mà ta đã tham gia kí kết.
Theo đó, Bộ luật hình sự năm 2015 tôi thấy là phù hợp. Bộ luật hình sự của chúng ta đã thiết chế có những loại tội như: tội cố ý gây thương tích, tội làm nhục người khác,… thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả, nó sẽ ở khung hình phạt là: trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
Từ đó, đối chiếu với hành vi, hậu quả mà các em gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật cho phù hợp.
Có nhiều quan điểm cho rằng nên hạn chế xử lý trách nhiệm hình sự với lứa tuổi vị thành niên, chúng tôi cũng nhất trí về chủ trương chung là như vậy nhưng không có nghĩa là khi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng mà các em lại không bị xử lý.
Không thể để hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, được công khai và cả xã hội đều bức xúc mà chúng ta lại không có một biện pháp, động thái xử lý bằng pháp luật nào cả.
Cần phải để cho các em thấy sự nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi bạo lực nghiêm trọng như thế. Quan điểm chúng tôi là để xây dựng nhà nước công bằng, văn minh thì phải điều chỉnh bằng pháp luật rất cụ thể, rõ ràng.
Chính sách về pháp luật, về nhân đạo của nhà nước đã được hiện thực hóa phù hợp đối với mỗi loại tội phạm và với mỗi chủ thể thực hiện hành vi tội phạm. Nếu không xử lý hình sự, lại không có sự phối hợp biện pháp giáo dục thì tình trạng bạo lực học đường sẽ càng gia tăng.
Do đó, quan điểm của chúng tôi là, trước tình trạng bạo lực trong học đường như hiện nay thì phải phối kết hợp giữa gia đình, của nhà trường và toàn xã hội. Bên cạnh đó, pháp luật phải được thực thi một cách nghiêm túc.
Theo Thu Thủy / VOV
Chỉ có yêu thương mới đẩy lùi bạo lực học đường
Sau hàng loạt vụ bạo hành trẻ xảy ra trong và ngoài trường học, các bậc phụ huynh, chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục đã lên tiếng đề xuất nhiều cách thức ngăn chặn.
Một trong những biện pháp quan trọng được nhiều người đưa ra đó là tăng cường tư vấn tâm lý, trang bị kỹ năng cần thiết cho cả thầy và trò.
Cần cộng đồng chung tay với nhà trường
"Một ngày, tôi xem bao nhiêu clip của các anh chị em quan tâm đến vấn đề giáo dục con trẻ gửi về mà đau lòng! Bao nhiêu cảnh tượng tung lên clip thật dã man. Từ chuyện mẹ lột quần con cho đến rất nhiều cảnh toàn học sinh cấp 2 đánh bạn, đạp vào bộ phận sinh dục của bạn, tè lên người bạn, bắt bạn quỳ... Cả đám cùng nhau đánh, lại còn quay clip, nhân cách chẳng thấy đâu chứ nói chi đến lòng trắc ẩn".
Đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy kêu gọi không nên đợi đến Tuần lễ Phòng chống bạo hành trẻ em vào đầu tháng 11 tới, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, cộng đồng cần chung tay, nhìn thẳng sự thật để cùng nhau bồi đắp nhân cách cho trẻ, cho con sức mạnh nội tâm và những kỹ năng cần thiết.
Nhà trường cần tăng cường tư vấn tâm lý để phát hiện, ngăn chặn những hành vi thiếu chuẩn mực của học sinh. Ảnh: Cắt từ clip.
Theo tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương - Chủ tịch Hội liên hiệp Phát triển Tâm lý học đường thế giới, chỉ có yêu thương mới đẩy lùi được bạo lực. Mỗi người cần bắt đầu bằng những hành động cụ thể, kể cả những ai không làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tâm lý.
Nằm trong chương trình Tuần lễ Phòng chống bạo hành trẻ em, hàng loạt các hoạt động sẽ diễn ra như nói chuyện của chuyên gia Catherine Yến Phạm tại 5 thành phố lớn (Hà Nội vào ngày 6/11, Huế 11/11, ngày 12/11 tại Đà Nẵng, TP.HCM vào ngày 20/11 và 27/11 tại Cần Thơ).
Chương trình sẽ tập trung những đề tài và những kỹ năng kiềm chế cơn giận khi đối diện với con; bảo vệ con trước bạo lực xã hội (lời nói, hành vi, suy nghĩ quan niệm xã hội); dạy con kỹ năng ứng phó trước bạo lực; phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em...
Tư vấn tâm lý để hạn chế hành vi tiêu cực
Theo TS Hoàng Gia Trang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, bạo lực học đường xảy ra giữa học sinh với học sinh; giữa giáo viên và học sinh. Những lệch lạc trong ứng xử diễn ra trong môi trường học đường bao gồm hành hung, đánh hội đồng, trốn học, bỏ học, quay bài, nói bậy, chửi thề, yêu sớm, lấy trộm đồ của bạn...
Để khắc phục những tồn tại đó, tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng, giúp các cá nhân giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và xây dựng các mối quan hệ tích cực - một yếu tố quan trọng của văn hóa học đường. Các cá nhân xây dựng được niềm tin, các giá trị, lòng tự trọng, tuân thủ các chuẩn mực... thì sẽ tạo ra môi trường lành mạnh.
Thực tế, theo TS Hoàng Gia Trang, hoạt động tư vấn tâm lý tại một số trường ở Hà Nội như THPT Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành đã cho kết quả bước đầu tích cực: 100% học sinh đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của các chuyên gia tư vấn tâm lý.
Trong đó, 36,78% học sinh cho rằng được giải tỏa về tinh thần và cảm thấy được chia sẻ; 29,31% học sinh thấy tự tin có thể giải quyết được vấn đề tương tự nếu có vướng mắc; hơn 60% học sinh cho biết đã giải quyết được vấn đề của mình nhờ có sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn tâm lý.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hoạt động tư vấn tâm lý hiện nay chưa có vị trí chính thức trong các trường học. Việc tuyển dụng và tổ chức các hoạt động do các trường học tự cân đối, quyết định.
"Đã đến lúc không thể chờ đầy đủ mọi điều kiện mới tổ chức hoạt động này. Tháng 11 tới, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội sẽ phối hợp ngành giáo dục bàn các biện pháp triển khai sớm như đưa chuyên gia vào nhà trường, tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán, đưa ra các mô hình tư vấn phù hợp với trường học...".
Cũng theo các chuyên gia, trong điều kiện các trường học chưa có chỉ tiêu biên chế cho nhân viên tư vấn học đường, việc phối hợp lực lượng xã hội cũng là một giải pháp có thể thực hiện được.
Các trường cần phối hợp các tổ chức ở địa phương để tiến hành công tác xã hội hóa hoạt động tư vấn học đường, huy động sự tham gia của cha mẹ học sinh, các đoàn thể xã hội để đảm bảo công tác này được thực hiện tốt nhất.
Kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT đối với một số trường THCS, THPT, ĐH ở Hà Nội và Hải Dương cho thấy, hầu hết học sinh, sinh viên được hỏi (93,57%) có mong muốn được chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong học tập và đời sống hàng ngày.
Trong đó, học sinh phổ thông có vướng mắc cần được chia sẻ thường xuyên chiếm tỉ lệ 80,17%. Hơn 80% học sinh được hỏi mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng để giúp các em giải quyết những khó khăn của mình.
Theo Zing
'Bạo lực: Tôi cảm thấy bất lực' Một giáo viên dạy môn Giáo dục công dân ở TP.HCM chia sẻ rằng thầy là người chứng kiến và trung gian hòa giải nhiều vụ học sinh đánh nhau. Năm ngoái, khi xem clip một học sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị những người bạn cùng lớp, tôi rất sốc. Tôi bị ám ảnh khi hình ảnh một học sinh nữ...