Thực nghiệm sách giáo khoa: Không nên vội vàng
Sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đang trong quá trình thẩm định để chuẩn bị đưa vào giảng dạy trong năm học 2021-2022. Riêng sách giáo khoa lớp 2 đã bước vào vòng thẩm định lần 2
Dù có nhiều thay đổi trong quá trình thẩm định sách giáo khoa (SGK) nhưng theo nhiều giáo viên (GV) và các chuyên gia giáo dục, rút kinh nghiệm từ những sai sót trong bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 vừa qua, quá trình thực hiện sách mới phải được tiến hành nghiêm túc và công khai, càng không thể vội vàng.
Chưa rõ thời gian dạy thực nghiệm
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đối với SGK lớp 2 và lớp 6 đang trong quá trình thẩm định lần này sẽ tăng cường khâu thẩm định trong hội đồng, tăng cường các kênh lấy ý kiến đóng góp. Cũng theo Bộ GD-ĐT, công tác thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 đã thực hiện xong vòng 1. Các tác giả đã chỉnh sửa và bộ bắt đầu thu sách để chuẩn bị thẩm định vòng 2. Trước đây, quá trình thực nghiệm SGK do các nhà xuất bản và tác giả chủ động phối hợp nhưng lần này sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ GD-ĐT để đạt hiệu quả.
Nhiều chuyên gia cho rằng sách giáo khoa lớp 1 mới có nhiều “sạn” một phần do thực nghiệm lơ là. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc thực nghiệm SGK mới đáng lẽ phải làm ngay từ khi chuẩn bị áp dụng SGK lớp 1. Nếu có một quá trình thực nghiệm cẩn trọng, nghiêm túc thì sẽ không mắc phải những sai sót như trong SGK Tiếng Việt lớp 1 thời gian vừa qua.
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết ở chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, quá trình thực nghiệm SGK được tổ chức rất cẩn trọng, là một quy trình khoa học, chứ không thể làm vội vàng, chắp vá. Theo ông Điệp, sau khi dạy thử nghiệm là quá trình tổng kết, những ưu khuyết điểm thế nào để chỉnh sửa. “Ở chương trình giáo dục năm 2000, ban đầu nhóm tác giả SGK chọn thử nghiệm ở tất cả các tỉnh – thành, mỗi tỉnh – thành chọn một số trường để dạy thử nghiệm, riêng TP HCM dạy thử nghiệm luôn ở 24 quận, huyện. Việc thử nghiệm rộng rãi trong thời gian dài để khi áp dụng chính thức sẽ không còn bối rối” – ông Điệp nói.
Trong khi đó, theo một phó phòng GD-ĐT phụ trách tiểu học, trong 2 bộ SGK lớp 2 và lớp 6 lần này, Bộ GD-ĐT nói nhiều đến quá trình dạy thực nghiệm. Nhưng thật sự không rõ quy trình của bộ thế nào, vì hiện đã là tháng 11. “Việc dạy thực nghiệm là một quá trình đòi hỏi sự nghiêm túc, khoa học. Nếu vội vàng, gấp gáp, rất có thể lại phản tác dụng và gây ra những sai sót” – vị này cho biết.
Video đang HOT
Không sửa sách kiểu “đẽo cày giữa đường”
Việc mở rộng lấy ý kiến đóng góp về SGK lần này của Bộ GD-ĐT dù được cho là cởi mở để nhiều đối tượng cùng tham gia góp ý nhưng cũng còn không ít băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng nhóm tác giả biên soạn sách phải là người chịu trách nhiệm chính, kể cả nếu xảy ra tình huống sai sót.
Theo ông Trần Trọng Khiêm (Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, TP HCM; phụ trách giáo dục tiểu học), nhóm tác giả biên soạn phải là người chịu trách nhiệm chính trong quá trình sửa chữa, hoàn thiện sách theo yêu cầu. Nhóm biên soạn cần phải thẩm định lại từng ngữ liệu trong sách và điều chỉnh dựa trên thực tế khi triển khai. Đội ngũ thẩm định cũng nên sâu sát và kỹ càng hơn trong quá trình thẩm định lại bộ sách trước khi cho phép sử dụng. Cũng theo ông Khiêm, nếu xảy ra tình huống SGK tiếp tục có những “hạt sạn” thì việc thay đổi ngữ liệu gì, như thế nào, thay bao nhiêu thì chính nhóm tác giả sẽ là người quyết định. “Cuốn sách là sản phẩm của tác giả biên soạn, vì vậy chính tác giả sẽ là người chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Không thể dựa theo ý kiến của GV. Nếu theo GV, sẽ xảy ra tình huống nếu tiếp tục có những sai sót, không lẽ đổ lỗi cho GV” – ông Khiêm nói.
Thực tế tại quận Tân Phú, theo ông Khiêm, quận có 2 trường tiểu học sử dụng bộ sách Cánh Diều nhưng trong quá trình triển khai, GV được hướng dẫn được quyền chủ động với bài giảng của mình. Nghĩa là nếu thấy những ngữ liệu không hợp lý thì linh hoạt điều chỉnh, thay thế. SGK hiện nay không còn là pháp lệnh, mà như một tài liệu hỗ trợ giảng dạy, học tập. Việc GV chủ động bài giảng, dạy theo năng lực của học sinh… cũng đã được quy định rõ. Nếu GV không có năng lực điều chỉnh, phụ thuộc hoàn toàn vào các ngữ liệu trong sách theo cách “cầm tay chỉ việc”, máy móc áp dụng thì rõ ràng cũng không đạt chuẩn nghề nghiệp của mình.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng kể cả trong quá trình lấy ý kiến, nhóm biên soạn phải có chính kiến, quan điểm của mình. Cũng không thể khi dư luận phản ứng sai chỗ nào thì sửa chỗ ấy, như vậy là “đẽo cày giữa đường” để rồi cuối cùng tạo ra một sản phẩm thập cẩm, lộn xộn. Theo ông Trần Trọng Khiêm, sau quá trình điều chỉnh, việc thực nghiệm rộng rãi, lấy ý kiến là tốt nhưng tiên quyết vẫn là nhóm biên soạn và thẩm định phải kỹ càng, cẩn trọng.
Giáo viên được điều chỉnh ngữ liệu dạy học khi cần thiết
Sở GD-ĐT TP HCM vừa có hướng dẫn về việc sử dụng SGK Tiếng Việt lớp 1 đối với GV theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, GV ghi chép lại những nội dung cần điều chỉnh ở SGK Tiếng Việt lớp 1 và nghiên cứu các bộ sách để làm phong phú ngữ liệu dạy học. Đồng thời, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và học sinh. Sử dụng hiệu quả các tiết ôn tập, thực hành, ôn luyện tiếng Việt để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn, hỗ trợ dạy học phân hóa.
Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, nghiên cứu kỹ SGK với tư cách là ngữ liệu dạy học để sử dụng hiệu quả, điều chỉnh khi cần thiết.
Tránh sai sót, Bộ GD&ĐT điều chỉnh trong thẩm định SGK lớp 2, lớp 6
Theo Bộ GD&ĐT, thẩm định vòng 2 sách giáo khoa (SGK) lớp 2 bắt đầu từ 15-11. Bộ GD&ĐT cho biết, lần này sẽ tăng cường khâu thẩm định trong Hội đồng, tăng cường mức độ tương tác với các nhóm tác giả, đồng thời mở thêm các kênh lấy ý kiến góp ý rộng rãi hơn.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, công tác thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 đã được thực hiện xong vòng 1. Các tác giả cũng đã chỉnh sửa và Bộ bắt đầu thu sách để chuẩn bị thẩm định vòng 2.
Lần này, Bộ GD&ĐT yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa các tác giả với Hội đồng thẩm định.
Đồng thời, khâu thẩm định trong Hội đồng cũng như tương tác với các nhóm tác giả sẽ được tăng cường để đáp ứng các yêu cầu và mở thêm các kênh khác nhau để có thể lấy ý kiến rộng rãi hơn, trong đó có việc lấy ý kiến từ các thầy cô trực tiếp giảng dạy tại cơ sở.
Đặc biệt, SGK lớp 2 và lớp 6 tới đây sẽ được ban hành sớm hơn so với năm trước, ông Thành cho biết. Như vậy, các NXB có thời gian 5 tháng để thực hiện các khâu in ấn, phát hành.
Trong khoảng thời gian này, các đơn vị sẽ tập trung bồi dưỡng giáo viên về việc sử dụng sách mới, song hành cùng bồi dưỡng mô-đun, phương pháp dạy học cũng như phương pháp kiểm tra, đánh giá để bảo đảm chuẩn bị sẵn sàng cho năng lực đội ngũ nhà giáo khi bắt đầu triển khai cho năm học mới vào tháng 9-2021.
Việc thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 sẽ tăng cường mức độ tương tác với các nhóm tác giả, đồng thời mở thêm các kênh lấy ý kiến góp ý rộng rãi hơn. (Ảnh: Moet.gov.vn)
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo biên soạn, tổ chức thẩm định SGK lớp 1 mới thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện 3 điều chỉnh quan trọng trong công tác thẩm định SGK.
Trước đây, các NXB, tác giả chủ động phối hợp tổ chức việc thực nghiệm, tới đây, sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ GD&ĐT để công tác này đạt hiệu quả hơn. Một điều chỉnh nữa là tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các NXB để nâng cao chất lượng bản mẫu SGK trước khi NXB gửi tới Bộ GD&ĐT để thẩm định.
Theo đó, các NXB phải tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng SGK. Qua vòng lọc đầu tiên này, NXB mới gửi bản mẫu SGK hoàn thiện lên Bộ GD&ĐT. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sau đó sẽ đánh giá, nhận xét, góp ý để tác giả tiếp tục hoàn thiện bản mẫu SGK tốt hơn.
Cuối cùng, sẽ mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu SGK. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Để thẩm định SGK lớp 1, năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định SGK các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong đó, Hội đồng thẩm định SGK môn Tiếng Việt gồm 15 thành viên. Tuy nhiên, trong 5 bộ SGK lớp 1 được Hội đồng thẩm định thông qua, bộ SGK Cánh Diều (của NXB Sư phạm Hà Nội và NXB ĐH Sư phạm TPHCM biên soạn, phát hành) có khá nhiều lỗi và bị dư luận phản ứng. Bộ GD&ĐT phải làm việc lại với Hội đồng thẩm định quốc gia và quyết định thay thế một số dữ liệu cho phù hợp.
Rút kinh nghiệm từ bộ SGK lớp 1, tại kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo khá cương quyết như thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định đối với môn Tiếng Việt.
Hiện nay, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải hết sức lưu ý bởi để tránh được những sai sót tương tự thì phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lỗi này cần phải tiếp thu một cách cầu thị. Có những việc liên quan đến chuyên môn dạy ngôn ngữ cho trẻ mới bắt đầu đi học, nhiều từ ngữ không hiểu thì phải trao đi đổi lại một cách rất cởi mở.
Bản thân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng.
Bộ trưởng đã có hướng chỉ đạo khá cương quyết. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ trưởng và Bộ GD&ĐT phải hết sức lưu ý, bởi nhưng sai sót ấy có thể chữa được, phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.
"Dù có một hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải bằng hoặc tốt hơn trước đây. Đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Tôi đã chỉ đạo Bộ tận dụng CNTT đưa bản thảo sách giáo khoa lên mạng sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định để nghe góp ý, qua đó chắt lọc ý kiến đúng để tiếp thu. Ý kiến chưa đúng thì phản hồi lại để toàn xã hội đồng thuận. Tất cả vì tương lai đất nước và con cháu chúng ta", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Nhiều điều chỉnh quan trọng trong thẩm định sách giáo khoa để tránh "sạn" Theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, sau sách giáo khoa lớp 1, trong 4 năm tới sẽ có 11/12 bộ sách giáo khoa nữa phải hoàn thành. Để tránh "sạn" như đã xảy ra với sách lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều điều chỉnh, đặc biệt trong khâu thẩm định sách giáo...