Thực hư chùa Bồ Đề thành “kênh trung gian” mua bán trẻ mồ côi
Chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội)- nơi từng được mệnh danh là “thiên đường” của những “mầm sống bị bỏ rơi” đang chao đảo trước nghi vấn của dư luận:kênh trung gian mua bán trẻ mồ côi.
Có nguồn tin cho biết, mỗi đứa trẻ được đưa vào chùa Bồ Đề, người môi giới sẽ nhận được 5-7 triệu đồng tiền “lại quả” (?) Cũng có thông tin rỉ tai, nếu đứa trẻ này được nhận làm con nuôi, nhà chùa sẽ được “cung tiến” vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ cha mẹ nuôi chúng (?!). Vậy đâu là sự thật của nghi vấn này? Và trên thực tế, còn bao nhiêu cơ sở hoạt động núp dưới dạng trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi… kiếm tiền phi pháp?
Nhà chùa khẳng định không có chuyện mua bán trẻ em như tin đồn
Chỉ cách trung tâm Thủ đô một con sông, cũng chẳng khác là bao so với vô vàn ngôi chùa trên địa bàn Hà Nội, thế nhưng Bồ Đề lại vô cùng đặc biệt và nổi tiếng. Bởi nơi đó không chỉ văng vẳng tiếng chuông chùa, tụng kinh gõ mõ, mà còn có tiếng khóc, tiếng nói bi bô của hàng trăm trẻ thơ – những sinh linh bị bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn… trôi dạt tứ xứ được đưa về chùa chăm sóc, nuôi dưỡng. Thú thực, khi nghe những thông tin nghi vấn chùa Bồ Đề quanh chuyện nuôi trẻ mồ côi có vấn đề, tôi đã không thể kìm nén được cảm xúc và cố gắng tìm hiểu thực hư vấn đề này.
Có nguồn tin cho biết, mỗi đứa trẻ được đưa vào chùa Bồ Đề, người môi giới sẽ nhận được 5-7 triệu đồng tiền “lại quả”. Cũng có thông tin nói rằng, nếu đứa trẻ này được nhận làm con nuôi, nhà chùa sẽ được “cung tiến” vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ cha mẹ nuôi chúng(?!). Để làm rõ những nghi vấn trên, PV đã trao đổi với sư thầy Thích Đàm Lan – sư trụ trì ngôi chùa nổi tiếng này.
Sư thầy chia sẻ, thời gian vừa rồi nhà chùa quá bận rộn với những khóa tu tập và cuộc sống của các cháu nên không để ý tới những thông tin trên báo. “Khi các phật tử khắp nơi lo lắng gọi về chùa, nhà chùa mới nắm được thông tin. Dù rất buồn lòng, nhưng nhà chùa xuất gia nên rất tin vào luật nhân quả, nhà chùa không làm gì sai trái nên hoàn toàn thanh thản và coi như cái nghiệp nên nhà chùa không muốn đôi co ồn ào”, sư thầy Đàm Lan cho biết.
Trước thông tin nghi ngờ khi đứa trẻ được nhận làm con nuôi, nhà chùa sẽ được “cung tiến” vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ cha mẹ nuôi chúng, sư thầy Đàm Lan khẳng định: “Từ trước tới nay, nhà chùa chưa từng cho người ngoài nhận xin con nuôi. Dù có đưa bao nhiều tiền thì chúng tôi cũng sẽ không đồng ý”. Sư thầy cũng chia sẻ: “Cha mẹ đã bỏ các con một lần nên tôi không nỡ bỏ các cháu thêm lần nữa. Rồi khi cha mẹ chúng tới đón thì biết nói ra sao?”.
Theo thông tin sư thầy Đàm Lan cung cấp, từ khi nuôi các bé đến nay (từ năm 1989), chỉ có một lần duy nhất nhà chùa đồng ý cho một gia đình ra phường làm thủ tục pháp lý nhận con nuôi theo đúng quy định của pháp luật. “Tuy nói là trẻ bị bỏ rơi nhưng nhà chùa đều biết nguồn gốc của các bé. Có nhiều người mẹ từng lầm lỡ sau này đã đến xin lại con mình”, sư thầy cho hay.
Các cháu bị bỏ rơi, có hoàn cảnh khó khăn… đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề.
Những “mái ấm”… lợi dụng các em để trục lợi cần bị lên án
Trở lại những nghi vấn xảy ra tại chùa Bồ Đề, để làm rõ thông tin liên quan, PV đã liên lạc với nhiều cơ quan chức năng để xác minh. Trao đổi với PV qua điện thoại, một vị thuộc Ban trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội cho biết, do đang đi công tác nên chưa nghe được thông tin nói trên.
Video đang HOT
Ở một diễn biến khác, cũng trao đổi với PV, một sư thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (đề nghị giấu tên) cho biết, ông và nhiều người trong Giáo hội Phật giáo đã nghe được thông tin về sự việc trên, tuy nhiên cũng chưa xác minh được thực hư. Theo lời vị này, việc nhà chùa cưu mang những trẻ em bất hạnh là đáng ghi nhận, tuy nhiên việc để lại những băn khoăn trong dư luận là điều không nên. Cơ quan chức năng cần sớm làm rõ những nghi vấn để đảm bảo linh thiêng chốn cửa Phật.
Nhân vấn đề này, chúng tôi muốn đề cập đến một hiện tượng đã từng xảy ra nếu không có sự giám sát chặt chẽ của các cấp chính quyền. Đấy là sự kiện tai tiếng xảy ra ở tỉnh Nam Định hồi cuối năm 2008. Hàng chục cán bộ lãnh đạo các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm y tế… đã lợi dụng nghề nghiệp của mình, thành lập đường dây đẻ thuê rồi bỏ rơi. Trong đó, trung tâm huyện ý Yên thu gom được 112 trẻ thì có tới 102 cháu được làm hồ sơ giả, 101 cháu được đưa đi nước ngoài trót lọt. Trung tâm huyện Trực Ninh thu gom 242 trẻ, làm giả hồ sơ 164 cháu và đã đưa 222 trẻ ra nước ngoài làm con nuôi. Các đối tượng trên đều thực hiện hành vi nhiều lần và chiếm hưởng từ 5 triệu đến vài chục triệu đồng một cháu.
Những câu chuyện nhãn tiền trên đã phản ánh ma lực của đồng tiền khiến con người ta quên đi những giá trị căn bản nhất của con người, đó là tình thương và đạo lý. Không ai phủ nhận hành vi nhận con nuôi là nghĩa cử cao đẹp, thế nhưng, việc lợi dụng các em để mưu lợi thì đáng bị lên án.
Chính quyền sở tại phủ nhận nghi vấn
Cũng đề cập đến thông tin chùa Bồ Đề “kinh doanh” con nuôi, trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) khẳng định, không có chuyện buôn bán trẻ em, hay kênh trung gian nào cả. Theo ông Quang, từ trước đến nay, chùa Bồ Đề chưa có sai phạm nào.
Ngoài làm việc thiện, sư thầy còn chăm lo cho các cháu. Khi tiếp nhận một bé bị bỏ rơi vào chùa, sư thầy phối hợp với địa phương làm hồ sơ khai sinh, bảo đảm các quyền cho trẻ em như chế độ bảo hiểm, làm thủ tục đăng ký để các bé được đi học… “Các cấp chính quyền đã liên tục tới thị sát và nắm tình hình, kiểm chứng thông tin. Cơ quan công an đã điều tra xác minh nhưng hoàn toàn không có chuyện chùa là “kênh trung gian” mua bán trẻ mồ côi như loạt bài báo mạng đã nêu…”, ông Quang nhấn mạnh.
Theo Đời sống & Pháp luật
Nhà chùa nhận trẻ bỏ rơi làm con nuôi là trái luật?
Trẻ em bị cha mẹ đẻ "để quên" tại chùa vốn dĩ rất đáng thương nên chuyện nhà chùa, sư trụ trì chùa chăm sóc, nuôi dưỡng các bé cũng là việc làm hết sức nhân đạo. Tuy nhiên, nhà chùa không phải là môi trường gia đình lý tưởng cho trẻ phát triển, các sư thì không thể là cha, là mẹ của chúng.
Vì vậy, đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc thực trạng con nuôi nhà chùa để bảo đảm quyền lợi tốt nhất của những đứa trẻ tội nghiệp.
Hơn 1.000 trẻ em đang sống trong các cơ sở tôn giáo
Mới đây báo chí đưa tin: các ni cô chùa Bửu Trì (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) phát hiện một bé trai bị bỏ rơi bên vệ đường trước cổng chùa. Bé nặng khoảng 7kg, được quấn trong chiếc khăn cũ, đang ngủ li bì. Ni cô Tâm Niệm - trụ trì chùa - cũng cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 5 em bé sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng chùa Bửu Trì và được các ni cô ở đây cưu mang, nuôi dưỡng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên phạm vi 32 tỉnh thành có tới 1.133 trẻ em hiện được nuôi dưỡng trong các nhà chùa và cơ sở tôn giáo. Phần lớn trẻ em thuộc diện bị bỏ rơi, cha mẹ không đủ điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng trẻ hoặc là con ngoài giá thú. Nhiều địa phương cho biết, việc nhà chùa tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ em đang có chiều hướng gia tăng.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Xét về phương diện chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các nhà chùa, sư trụ trì tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi, cơ nhỡ, không có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ đẻ không có khả năng nuôi dưỡng là nhằm mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng số trẻ em được nuôi dưỡng trong các chùa trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về vật chất và thiếu hẳn môi trường gia đình là điều mà xã hội và Nhà nước cần quan tâm thích đáng.
Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trong điều kiện như vậy không đáp ứng đặc điểm, nhu cầu và thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ em. Mặc dù nhà chùa hoặc các sư trụ trì không ép buộc trẻ em theo đạo giáo của mình nhưng việc sống tại chùa lâu dài ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em.
Nhà chùa hoặc sư trụ trì chỉ có thể tiếp nhận trẻ em vào chăm sóc nuôi dưỡng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập của một cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP và Nghị định số 81/2012/NĐ-CP (đã có những cơ sở tôn giáo được công nhận là cơ sở bảo trợ xã hội, đặc biệt có cơ sở tôn giáo được chỉ định giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài như Nhà Tình thương Tổ đoàn kết Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Như vậy, trong trường hợp nhà chùa không đáp ứng được điều kiện và thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội thì việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em lâu dài cũng sẽ có vấn đề về phương diện pháp lý. Ngoài ra, còn gây khó khăn cho việc tìm gia đình thay thế sau này khi trẻ em không có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ đẻ không còn khả năng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Bởi lẽ thủ tục đăng ký nuôi con nuôi sẽ gặp khó khăn trong trường hợp nhà chùa không có tư cách pháp nhân của một cơ sở bảo trợ xã hội để tiếp nhận trẻ em vào chăm sóc và nuôi dưỡng lâu dài.
Trong trường hợp này, hồ sơ trẻ em sẽ thiếu nhiều loại giấy tờ theo quy định của pháp luật như Quyết định tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng, ý kiến của những người liên quan (sư trụ trì, nhà chùa không phải là người giám hộ cho trẻ). Rất có thể khi trẻ em bị bỏ rơi tại đây, nhà chùa không tiến hành thủ tục thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của địa phương để tiến hành lập Biên bản trẻ em bị bỏ rơi, nhằm bảo đảm quyền tìm lại cha mẹ đẻ cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Đăng ký con nuôi là không có cơ sở pháp lý
Qua sơ kết 3 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi năm 2010, các địa phương đều nhận thức đúng đắn việc các sư trụ trì, nhà chùa nhận trẻ em sống trong chùa hoặc các cơ sở tôn giáo làm con nuôi là không phù hợp, không đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho trẻ em.
Việc nuôi con nuôi như vậy không bảo đảm mục đích nuôi con nuôi theo Điều 2 của Luật Nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, đảm bảo con nuôi được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường gia đình.
Bé trai bị bỏ rơi tại chùa Bửu Trì.
Mặc dù vậy, vẫn có địa phương còn lúng túng khi từ chối giải quyết đăng ký nuôi con nuôi cho các nhà chùa hoặc sư trụ trì; có địa phương nhận thức đúng về vấn đề này song vẫn tạo điều kiện cần thiết để cơ sở tôn giáo được đăng ký nuôi con nuôi với 151 trường hợp trẻ em được các sư trụ trì nhận làm con nuôi.
Không những thế, để vận động, thuyết phục nhà chùa và sư trụ trì, một số địa phương đã phát huy vai trò của công tác phối hợp liên ngành giữa UBND tỉnh thành, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục, Sở Y tế, Ban Tôn giáo tỉnh ủy hoặc Mặt trận Tổ quốc thực hiện các hoạt động về nuôi con nuôi và cùng giải quyết vấn đề nuôi con nuôi nhà chùa.
Nhiều địa phương tổ chức nói chuyện và giải thích để các sư trụ trì làm đúng theo quy định pháp luật khi có trẻ em bị bỏ rơi tại chùa cũng như vận động, thuyết phục nhà chùa và sư trụ trì chuyển trẻ em vào cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc và nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp này chưa được giải quyết dứt điểm. Không phải sư trụ trì nào cũng đồng tình với việc giao lại trẻ em vào cơ sở bảo trợ xã hội thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để các cháu được hưởng chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng của Nhà nước, được sống trong gia đình thay thế phù hợp.
Theo quan điểm của Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp), việc đăng ký nuôi con nuôi cho nhà chùa hay sư trụ trì chùa là không đúng quy định của pháp luật. Bởi "việc đăng ký nuôi con nuôi nhà chùa không đảm bảo đúng mục đích nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha mẹ con giữa người nhận con nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi. Hơn nữa, pháp luật chỉ cho phép đăng ký nuôi con nuôi giữa cá nhân với cá nhân.
Vì vậy, việc nhà chùa (dưới danh nghĩa tổ chức) đứng tên nhận trẻ em đang được nuôi dưỡng trong nhà chùa làm con nuôi là không phù hợp. Cá nhân các sư trụ trì chùa đã xuất gia nương nhờ cửa Phật để tu hành nên không hướng tới việc tạo lập mái ấm gia đình cho trẻ em. Nghĩa là, sư trụ trì không đủ điều kiện nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi. Nhà chùa và các sư trụ trì chỉ có thể chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em, chứ không thể trở thành cha, mẹ nuôi được", bà Đào Thị Hà (Phó trưởng Phòng Chính sách văn bản, Cục Con nuôi) giải thích.
Nghiên cứu mô hình nuôi dưỡng trẻ phù hợp hơn
Trong thời gian qua, bên cạnh công tác kiểm tra tình hình đăng ký nuôi con nuôi ở các địa phương, Cục Con nuôi đã hướng dẫn các địa phương về nghiệp vụ đăng ký nuôi con nuôi, thể hiện thái độ dứt khoát đối với việc không đăng ký nuôi con nuôi nhà chùa.
Sau khi có hướng dẫn của Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Phòng Tư pháp quận/huyện đề nghị dừng việc đăng ký nuôi con nuôi nhà chùa khi có yêu cầu, hoặc chỉ giải quyết thủ tục giám hộ cho nhà chùa hoặc sư trụ trì để trẻ em được nhập khẩu, đăng ký khai sinh và có đủ điều kiện sau này đi học.
Về giải pháp lâu dài, Cục Con nuôi cho rằng cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về nuôi con nuôi, nâng cao nhận thức của người dân và các sư trụ trì chùa trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giải thích cho sư trụ trì và nhà chùa chính sách pháp luật của Nhà nước về nuôi con nuôi để trẻ em có được gia đình thay thế phù hợp; đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương trong việc giải quyết quyền và lợi ích của trẻ em được nuôi dưỡng tại các nhà chùa hoặc chuyển trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng để đảm bảo cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và tìm gia đình thay thế cho trẻ.
Cục cũng đề nghị Sở Tư pháp hướng dẫn cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi trên địa bàn xã/phường.
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Nam Định nhấn mạnh rằng phải phân biệt việc nuôi con nuôi với việc nuôi dưỡng trẻ em, "xem xét việc nhận nuôi con nuôi trong chùa chỉ là quan hệ nuôi dưỡng, vừa phù hợp với Điều 2 của Luật Nuôi con nuôi vừa phù hợp với văn hóa người Việt và giáo lý của đạo Phật".
Vị đại diện này cũng phân tích, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị bỏ rơi và được nhà chùa nhận làm con nuôi có xu hướng gia tăng là do hoạt động của một số trung tâm trợ giúp nhân đạo, trung tâm bảo trợ xã hội còn có những hạn chế nên đã kiến nghị: "Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan như các tổ chức nhân đạo, tổ chức nuôi con nuôi quốc tế phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt phù hợp, hiệu quả".
Theo Pháp luật Việt Nam
Trai làng hỗn chiến kinh hoàng, một người tử vong Mâu thuẫn cá nhân dẫn đến xô xát, hỗn chiến kinh hoàng giữa hai nhóm trai làng khiến một người tử vong và hơn 10 người phải ngồi tù... Các bị cáo tại phiên xét xử Ngày17/2, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử 13 bị cáo về tội Giết người và Gây rối trật tự công cộng. Đây là vụ...