Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6: Bảo đảm chất lượng dạy và học
Sau gần 1 tháng thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa đối với lớp 2, lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường học thuộc thành phố Hà Nội đã cơ bản ổn định nền nếp dạy và học.
Dù phải dạy học trực tuyến, các đơn vị, trường học của thành phố đã và đang có nhiều giải pháp giúp học sinh thích ứng tốt với chương trình, sách giáo khoa mới, không để khó khăn làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Giáo viên và học sinh lớp 2, lớp 6 ở Thủ đô đã thích ứng tốt với việc dạy, học theo chương trình, sách giáo khoa mới sau gần 1 tháng thực hiện. Trong ảnh: Một tiết học trực tuyến của học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Hà Đông) . Ảnh: Nguyễn Hạnh
Thích ứng với chương trình, sách giáo khoa mới
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên học sinh lớp 2, lớp 6 trên cả nước thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Tại Hà Nội, tổng số học sinh lớp 2 và lớp 6 là gần 290.000 em. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường của thành phố đã tổ chức dạy học trực tuyến theo chương trình năm học ngay sau ngày khai giảng. Tỷ lệ học sinh tham gia học đạt 100%, trong đó tỷ lệ chuyên cần đạt từ 99,5% đến 99,9%. Bên cạnh khó khăn của phương thức học trực tuyến, việc tổ chức dạy học đối với lớp 2, lớp 6 còn một số thách thức.
Video đang HOT
Một trong những điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6 là có một số môn học tích hợp, như: Khoa học tự nhiên (gồm các phân môn vật lý, hóa học, sinh học), nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc)… Trong khi đó, phần lớn giáo viên hiện nay đều được đào tạo đơn môn.
“Để khắc phục, nhà trường đã chủ động xây dựng thời khóa biểu linh hoạt, điều chỉnh theo từng giai đoạn, có sự cân đối giữa các phân môn, bảo đảm giáo viên được đào tạo môn nào vẫn dạy nội dung đó, không dạy chéo môn. Với các chủ đề giao thoa, các giáo viên cùng thảo luận, xây dựng nội dung bài giảng bảo đảm đáp ứng yêu cầu môn học. Đồng thời, nhà trường khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên đi học bồi dưỡng kỹ năng để sớm có thể dạy được môn tích hợp”, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) Đào Thị Hồng Hạnh cho biết.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, Phòng đã thành lập tổ tư vấn chuyên môn để tháo gỡ vướng mắc trên và hướng dẫn trực tiếp cho các giáo viên dạy những môn tích hợp ở lớp 6; tăng cường dự giờ các tiết học trực tuyến của lớp 2, không để giáo viên “tự bơi”. Sau gần 1 tháng thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, học sinh lớp 2 và lớp 6 đã ổn định nền nếp, bước đầu có những tín hiệu tốt về ý thức, sự tự tin trong học tập.
Trực tiếp dự giờ, trò chuyện với học sinh, giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 trong buổi kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 tại một số trường học thuộc thành phố Hà Nội vào ngày 24-9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá, các nhà trường đều nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn, linh hoạt trong cách thức tổ chức dạy học; giáo viên và học sinh thích ứng tốt với việc dạy, học theo chương trình, sách giáo khoa mới.
Không gây quá tải cho học sinh
Tập huấn giảng dạy chương trình sách giáo khoa lớp 6 tại Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình), tháng 7-2021. Ảnh: Hồng Hạnh
Năm đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, lại trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, việc tổ chức dạy học theo phương thức trực tuyến có thể còn kéo dài…, các nhà trường đã, đang tiếp tục có nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho học sinh lớp 2, lớp 6 tiếp thu đủ khối lượng kiến thức mà không gây quá tải.
Cô giáo Lê Thị Hồng Vân, khối trưởng khối lớp 2, giáo viên chủ nhiệm lớp 2E, Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) chia sẻ: “Do học sinh còn nhỏ, khó tập trung, nên chúng tôi xây dựng bài giảng với các câu hỏi lôi cuốn, giúp các em thường xuyên tương tác. So với học trực tiếp, giờ học trực tuyến ngắn hơn, thời gian nghỉ giữa giờ dài hơn. Trong thời gian học trực tuyến, chúng tôi chỉ kiểm tra, đánh giá trên tinh thần động viên, khích lệ, không tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ”.
Còn cô giáo Đỗ Tú Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 6C, Trường Trung học cơ sở Mê Linh (huyện Mê Linh) cho hay: “Chúng tôi cố gắng xây dựng bài dạy theo hướng giảm tối đa lý thuyết, tăng yêu cầu vận dụng kiến thức thông qua việc gửi các video hướng dẫn học sinh thực hành, làm sản phẩm tại nhà. Cách thức này vừa giúp học sinh tiếp thu hiệu quả, vừa giảm thời gian các em phải ngồi trước màn hình máy tính hoặc điện thoại”.
Bà Trần Thị Mai, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Bát Tràng (huyện Gia Lâm) bày tỏ: “Mối lo con sẽ gặp áp lực như thời gian đầu học lớp 1 của năm học trước đã được giải tỏa. Năm nay, tôi thấy con háo hức mỗi khi vào tiết học và tự tin hơn trong tương tác với bạn bè, cô giáo”. Trong khi đó, em Lại Phú Quang Huy, học sinh lớp 6A8, Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) hào hứng nói: “Em thích các môn học tích hợp, vì có nhiều bài tập vận dụng, liên hệ với thực tế”.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, đối với lớp 2, lớp 6, Sở yêu cầu giáo viên tổ chức giờ học linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh; nghiên cứu mạch nội dung, kiến thức trong sách giáo khoa để xây dựng các chủ đề học tập trên cơ sở tích hợp, vừa bảo đảm các yêu cầu cốt lõi về kiến thức, kỹ năng, vừa bám sát hướng dẫn tinh giản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuyệt đối không gây áp lực với học sinh. Riêng với học sinh lớp 2, trong thời gian dạy học trực tuyến, các trường không tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ sẽ được thực hiện trực tiếp tại trường, khi học sinh đi học trở lại.
Phát hành 110 triệu bản sách giáo khoa
Là số lượng sách giáo khoa (SGK) được Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam triển khai phát hành trong thời gian qua nhằm bảo đảm đủ sách cho học sinh trước khi bước vào năm học 2021-2022.
Phụ huynh lựa chọn sách giáo khoa tại hệ thống nhà sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Thành Tùng)
Theo Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động cung ứng SGK. Nhất là SGK lớp 1, 2 và 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Lường trước tình thế này, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã chủ động triển khai in sớm SGK các lớp 3 đến lớp 12 (chương trình hiện hành) từ tháng 11/2020 và bắt đầu phát hành từ 15/3/2021.
Đối với SGK các lớp theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã chủ động triển khai in theo kế hoạch dự kiến và phát hành từ tháng 6/2021. Tính đến ngày 8/8, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã phát hành được gần 110 triệu bản SGK về các địa phương. Riêng SGK lớp 2 và 6 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng lần đầu từ năm học 2021-2022 đã được cung ứng tới các địa phương hơn 22,7 triệu bản.
Đối với các tỉnh khu vực phía nam, đến ngày 8/8 đã phát hành trên 32 triệu bản SGK về các địa phương, trong đó SGK lớp 2-6 đã phát hành hơn 6 triệu bản. Tuy nhiên, do nhiều tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nên việc vận chuyển sách tới tận tay học sinh tại các địa phương này đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đang nỗ lực phối hợp các ban, ngành chức năng để sớm khắc phục tình huống này.
Để tránh mua phải sách giả, sách in lậu, giáo viên, phụ huynh và học sinh nên tìm mua SGK tại hệ thống cửa hàng bán lẻ của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, các công ty sách - thiết bị trường học địa phương hoặc đặt mua trực tuyến tại trang bán hàng trực tuyến của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
Gặp khó khi phát hành SGK lớp 2, 6 Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc in ấn và phát hành sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 của chương trình mới phải được hoàn thành trước ngày 31-7 Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ...