Thủ tướng yêu cầu làm rõ dấu hiệu trục lợi từ giá thịt lợn
Trước tình trạng giá thịt lợn tăng cao thời gian qua, Thủ tướng đặt vấn đề, liệu có tình trạng trục lợi ở giá thịt lợn hay không? Lò mổ, chợ đầu mối hay thành phần nào hưởng lợi đã hưởng lợi rất lớn, trong khi một vài công ty lớn đã công bố số lãi rất “khủng”.
Sáng 21/4, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên tập trung phân tích những yếu tố thiết thực, nhất là nhu yếu phẩm, đặc biệt là vấn đề giá thịt lợn tăng cao thời gian qua. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương báo cáo kết quả thanh tra giá thịt lợn tại cuộc họp này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng nêu rõ, giá thành thịt lợn chỉ khoảng 45.000 đồng/kg nhưng giá bán có thể lên tới 180.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt lợn chiếm 4,2% trong tổng số hơn 700 mặt hàng tính toán tiêu dùng cuối cùng.
Video đang HOT
Trước thực tế đó, Thủ tướng đặt câu hỏi, liệu có tình trạng trục lợi ở giá thịt lợn hay không? Yêu cầu các bộ, ngành làm rõ vấn đề này và nêu ra biện pháp xử lý. “Lò mổ, chợ đầu mối hay thành phần nào hưởng lợi đã hưởng lợi rất lớn, trong khi một vài công ty lớn đã công bố số lãi rất khủng”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm này với các biện pháp cụ thể.
Về vấn đề gạo, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đưa ra chủ trương xuất khẩu gạo nhưng có kiểm soát, bởi năm nay nhiều nước xuất khẩu lương thực hạn chế xuất khẩu gạo. Ví dụ như Campuchia đóng cửa xuất khẩu gạo, Thái Lan bị hạn hán, dịch bệnh nghiêm trọng ở Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc nhập khẩu gạo lớn từ Việt Nam. Bài học vừa qua cho thấy, khi dịch bệnh diễn ra đã có sự lộn xộn về thị trường, một số người dân có tâm lý mua lương thực tích trữ. Nếu Nhà nước không đủ lương thực dữ trữ sẽ không kiểm soát được tình hình.
Nêu thực tế đó, Thủ tướng cho rằng, có biện pháp quản lý trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người nông dân trồng lúa là cần thiết, nhất là đối với nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, với những diễn biến phức tạp của thị trường giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước trong quý I và đầu quý II cho thấy, mặc dù có khó khăn nhưng việc kiểm soát lạm phát mục tiêu dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra có thể thực hiện được.
Tuy nhiên cần phải tiếp tục quyết liệt trong việc điều hành với các giải pháp mạnh để bảo đảm đủ nguồn cung, trên cơ sở đó điều hành giảm giá thịt lợn xuống mức 60.000 đồng/kg đồng thời có giải pháp quản lý phù hợp để giữ bình ổn giá gạo trong nước không để tăng đột biến.
Văn Kiên
Giá thịt lợn luôn cao ngất ngưởng: Ai chịu trách nhiệm?
Dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao bình ổn thị trường thịt lợn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên giá mặt hàng thiết yếu này vẫn luôn cao ngất ngưởng.
Ngay từ đầu tháng 3, Thủ tướng đã yêu cầu nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để xảy ra tình trạng giá thịt lợn tăng cao, song đến nay câu chuyện này dường như vẫn còn bỏ ngỏ.
Thịt lợn hiện phải qua 6 - 7 khâu trung gian; mỗi khâu làm tăng chi phí từ 8 - 10%.
Sau một vài phiên giảm nhẹ, ngày 9/4,giá lợn hơi trên cả nước lại có dấu hiệu tăng. Cụ thể tại miền Bắc, mức giá dao động từ 76.000 - 82.000 đồng/kg. Ở miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, giá lợn hơi có thấp hơn nhưng vẫn ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg. So với định hướng chỉ đạo của Chính phủ là 60.000 đồng/kg, giá lợn hơi hiện còn quá cao. Người nội trợ có lẽ đã nghe quen trên các kênh truyền thông về việc giá lợn hơi giảm nhưng khi ra chợ, vẫn phải móc hầu bao gấp 1,5 - 3 lần để mua thịt lợn.
Điều đáng nói, nếu như giai đoạn trước, Bộ NN&PTNT còn khăng khăng khẳng định nguồn cung thịt lợn không thiếu, bảo đảm nhu cầu thì những ngày qua, lãnh đạo Bộ này đã phải thừa nhận sản lượng trong nước hiện chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Để thiếu hụt nguồn cung, trách nhiệm đầu tiên hiển nhiên thuộc về Bộ NN&PTNT. Có thể khẳng định, hiệu quả tái đàn, tăng đàn qua gần nửa năm qua là chưa đạt kỳ vọng. Dù Bộ NN&PTNT nhiều lần lên tiếng rằng đã tổ chức nhiều hội nghị với các địa phương, làm việc với nhiều DN để thúc đẩy chăn nuôi. Tuy nhiên, mức tăng chỉ 6,3%/tháng như hiện nay chưa thể đáp ứng nguồn cung cần thiết.
Bên cạnh trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, không thể không nhắc tới Bộ Công Thương, cơ quan đầu mối trong việc nhập khẩu thịt lợn. Chính phủ định hướng nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn trong quý I/2020, tuy nhiên 3 tháng đầu năm, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan mới nhập được khoảng 39.000 tấn.
Thực tế cho thấy, việc giá lợn tăng cao cũng có nguyên nhân lớn từ lưu thông. Giám đốc Kinh doanh (Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam) Kiều Đình Thép mới đây cho rằng, thịt lợn hiện phải qua 6 - 7 khâu trung gian; mỗi khâu làm tăng chi phí từ 8 - 10%. Điều này cho thấy, việc kiểm soát các khâu trung gian trong bình ổn giá thịt lợn vẫn còn nhiều bất cập. Vấn đề đáng nói ở đây là, lỗ hổng này đã được nhìn ra từ rất lâu, song dường như chưa thấy sự sát sao vào cuộc tháo gỡ từ các bộ, ngành. Cùng với các bộ, ngành, có lẽ đã đến lúc các địa phương cũng cần xắn tay vào kiểm soát giá lưu thông.
Việc giảm giá thịt lợn về mức hợp lý là giải pháp hết sức quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trước diễn biến dịch Covid-19. Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo nhưng việc tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Điều này đòi hỏi cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa từ các đơn vị liên quan. Quy trách nhiệm cụ thể cho tập thể, cá nhân có lẽ là giải pháp cần được tính đến, nếu tình trạng giá lợn còn tiếp tục neo ở mức cao như hiện nay.
Trọng Tùng
Giá thịt lợn: Sắp hết cảnh "muốn rẻ lên ti vi mà mua!" Việc xây dựng chuỗi cung ứng thịt lợn sẽ kéo giảm giá, tiến tới mức giảm dưới 65.000 đồng/kg đến 60.000 đồng/kg lợn hơi và thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá thịt lợn. Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp với các doanh nghiệp...