Thủ tướng Thái Lan bỏ nhầm hòm phiếu trong ngày bầu cử
Cùng với hàng triệu cử tri Thái Lan, ngày 2/2, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đi bầu cử và nhấn mạnh đây là sự kiện quyết định tương lai của đất nước. Tuy nhiên, bà đã bỏ phiếu nhầm thùng.
Theo tờ Bưu điện Bangkok, bà Yingluck có mặt tại điểm bầu cử số 32, ở trường Khlong Lamchiak, quận Bung Kum vào khoảng 8 giờ 10 phút sáng, trong vòng vây của cảnh sát, binh sỹ quân đội, các quan chức địa phương và báo giới.
Bà Yingluck bỏ phiếu nhầm thùng
Trong đợt tổng tuyển cử này, các cử tri sẽ bỏ 2 lá phiếu: bầu hạ nghị sĩ theo danh sách đảng và theo đơn vị bầu cử, lần lượt sử dụng các phiếu bầu màu cam và màu tím.
Tuy nhiên, vị nữ thủ tướng đã làm ngược lại trong quá trình bỏ phiếu, khi bỏ lá phiếu màu cam vào thùng phiếu có ghi bằng cả tiếng Thái và tiếng Anh “hệ thống đơn vị bầu cử”, và bỏ lá phiếu màu tím vào thùng dành cho bầu cử theo danh sách đảng.
Theo những người có mặt tại đây, các phóng viên lúc đó chỉ tập trung để chụp cho được một bức ảnh đẹp của bà Yingluck, trong khi các quan chức bầu cử dường như bị phân tâm bởi sự có mặt của bà nên không để ý đến phiếu bầu.
Chỉ đến khi bà đã rời điểm bầu cử, báo giới mới bắt đầu nhận ra sự bất thường trong những bức ảnh họ vừa chụp.
Những bức ảnh vị nữ thủ tướng bỏ phiếu nhầm thùng sau đó nhanh chóng lan truyền trên các mạng xã hội, báo giới và đã có những ý kiến chỉ trích bà Yingluck.
Nhiều cư dân mạng cho rằng có lẽ bà đã quá bận rộn chuẩn bị cho một bức ảnh đẹp và cười trước ống kích đến mức bỏ nhầm phiếu. Một số khác thì cho rằng đây là một lỗi mà lẽ ra một chính trị gia cao cấp như thủ tướng không thể mắc phải.
Video đang HOT
Lãnh đạo phe biểu tình Suthep Thaugsuban cũng nhanh chóng tranh thủ cơ hội để tấn công bà Yingluck.
Dù vậy các quan chức Ủy ban bầu cử khẳng định các lá phiếu của vị nữ thủ tướng hoàn toàn hợp lệ.
Bầu cử tại Thái Lan đã kết thúc một cách khá yên bình
Bầu cử kết thúc, bế tắc chính trị vẫn…tắc
Bất chấp những lo ngại về bạo lực trước đó, ngày tổng tuyển cử tại Thái Lan đã kết thúc mà hầu như không có vụ việc đổ máu nào xảy ra.
Đúng 15 giờ theo giờ địa phương (8 giờ GMT), dù hàng trăm điểm bỏ phiếu không thể mở cửa trong suốt cả ngày, hoặc buộc phải đóng cửa sớm, việc bỏ phiếu đã kết thúc đúng kế hoạch, các quan chức Ủy ban bầu cử cho biết
Tổng cộng 127 trong tổng số 375 điểm bầu cử đã bị người biểu tình gây gián đoạn.
Dù vậy, ít ai kỳ vọng cuộc bầu cử gây tranh cãi này có thể chấm dứt được vòng luẩn quẩn của bạo lực chính trị, vốn đã liên tục gây khó khăn cho Thái Lan từ khi anh trai của bà Yingluck, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra bị các tướng lĩnh quân đội lật đổ năm 2006.
Việc nhiều điểm bầu cử không thể mở cửa sẽ khiến nhiều ghế nghị sỹ quốc hội bị bỏ trống. Hậu quả là đảng nào chiến thắng cũng không thể thành lập chính phủ mới, và Thái Lan tiếp tục rơi vào bế tắc chính trị trong nhiều tháng tới.
Thay vì là “một cuộc cạnh tranh giữa các ứng viên, cuộc bầu cử chỉ là nhằm xác định liệu nó có thể diễn ra hay không”, Sunai Phasuk, một quan chức của tổ chức nhân quyền HRW nói. “Bản thân việc này đã nói lên rất nhiều điều về số phận nền dân chủ tại Thái Lan – nó đang như chỉ mảnh treo chuông”.
Các đài truyền hình, vốn thường phát sóng kết quả bầu cử, trong ngày Chủ nhật chỉ dừng lại ở dự báo những điểm bầu cử nào không thể mở cửa.
Kết quả chính thức sẽ không được công bố cho đến khi một loạt các cuộc bầu cử phụ được tổ chức tại toàn bộ cá địa phương chưa thể tổ chức bầu cử. Đợt bầu cử phụ đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 23/2 tới.
Ủy ban bầu cử Thái Lan cho biết việc các điểm bỏ phiếu bị đóng cửa ảnh hưởng tới khoảng 18% trong tổng số 48 triệu cử tri đã đăng ký đi bầu.
Trong đó 9/14 tỉnh ở miền Nam Thái Lan hoàn toàn bị hủy bầu cử. 9 tỉnh khác, trong đó có Bangkok chỉ có thể tổ chức bầu cử ở một số khu vực.
Phát biểu sau khi ngày bầu cử kết thúc, bà Yingluck cho biết cảm thấy hài lòng, và kêu gọi người dân, các quan chức tích cực tham gia bầu cử. Chính phủ của bà cũng cam kết tiếp tục ủng hộ các cuộc bầu cử phụ.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Chính phủ Thái Lan vẫn nhất quyết tiếp tục bầu cử
Chính phủ Thái Lan ngày 28/1 tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành cuộc bầu cử gây tranh cãi vào ngày 2/2 tới, bất chấp việc bị phe đối lập tẩy chay và người biểu tình liên tục vây hãm các điểm bỏ phiếu.
Bà Yingluck Shinawatra gặp gỡ báo giới bên ngoài một căn cứ quân sự hôm 28/1
Quyết định trên được đưa ra sau khi chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra bàn thảo với Ủy ban bầu cử Thái Lan. Trước đó Ủy ban này đã đề xuất hoãn bầu cử 120 ngày, nhưng sau buổi đàm phán cơ quan này đã đồng ý với chính phủ về việc tiếp tục tiến hành bầu cử như lịch trình, phó phát ngôn chính phủ Chalitrat Chantarubeksa khẳng định với bao giới.
Những ngày qua các vụ bạo lực trên đường phố Thái Lan đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ nổ lựu đạn, tấn công bằng súng và xô xát.
Trong vụ việc mới nhất diễn ra ngày hôm nay, súng đã nổ gần căn cứ quân sự tại Bangkok, nơi bà Yingluck đang tham dự các cuộc họp, giữa lúc hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài. Các cơ quan cấp cứu cho biết ít nhất 2 người đã bị thương mặc dù tình hình của họ vẫn chưa rõ ràng.
3 tháng gần đây, thủ đô của Thái Lan đã liên tục bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình lớn, yêu cầu chính phủ dân cử của bà Yingluck từ chức, để dọn đường cho một "hội đồng nhân dân" không qua bầu cử giám sát những cải cách cần thiết để giám sát việc giảm bớt sự ảnh hưởng của gia đình bà.
Đảng dân chủ đối lập chính tại Thái Lan hiện vẫn cương quyết tẩy chay cuộc bầu cử diễn ra vào Chủ nhật tới, và tuyên bố cần thực hiện các cải cách để đảm bảo việc bỏ phiếu là thực sự dân chủ, ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực của chính phủ mới.
Cuộc gặp của bà Yingluck diễn ra sau khi tòa án Hiến pháp hồi thứ Sáu tuần trước ra phán quyết khẳng định việc hoãn bầu cử là hợp pháp do các cuộc xung đột dân sự.
Chính phủ Thái Lan thì khẳng định rằng theo quy định của hiến pháp, bầu cử phải được tiến hành trong vòng 60 ngày sau khi quốc hội bị giải tán, vốn diễn ra hồi đầu tháng 12 vừa qua.
Vương quốc này đã bị chia rẽ sâu sắc từ thời anh trai của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, bị lật đổ bởi các tướng lĩnh trung thành với hoàng gia cách đây hơn 7 năm.
Các nhà phê bình cáo buộc vị chính trị gia xuất thân tỷ phú đã thao túng chính phủ của em gái từ Dubai, nơi ông Thaksin đang sống lưu vong để tránh bị điều tra tham nhũng.
Theo Dantri
Thái Lan: Một lãnh đạo biểu tình chống chính phủ bị bắn chết Một lãnh đạo các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Thái Lan đã bị bắn chết vào ngày hôm nay 26/1 và nhiều người khác bị thương khi những người biểu tình ngăn chặn hoạt động bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử vào đầu tháng 2 tới. Người biểu tình phong tỏa các địa điểm bầu cử, nhằm thực hiện kế...