Thủ tướng Nhật ‘vượt qua thử thách’
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan hôm nay vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của các đảng đối lập, để tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo chính phủ nước này đương đầu với hậu quả của thảm hoạ lịch sử hồi tháng 3.
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan. Ảnh: BBC
Trước đó trong buổi họp quốc hội Nhật Bản, lãnh đạo đảng Dân chủ tự do, đảng đối lập lớn nhất ở nước này, đã thẳng thắn kêu gọi Thủ tướng Naoto Kan từ chức. Phe đối lập phê phán ông Kan đối phó chậm trễ với thảm họa sóng thần hồi tháng 3 và sự cố rò rỉ hạt nhân ở nhà máy Fukushima 1.
Trong khi đó, các thành viên của đảng Dân chủ do ông cầm quyền cũng cho biết sẽ bỏ phiếu chống lại thủ tướng đương nhiệm. Trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội hôm nay, nếu không vượt qua Thủ tướng Kan sẽ buộc phải từ chức. Sau khi “vượt qua thử thách”, ông cho biết sẽ chỉ ra đi sau khi cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima 1 đã được kiểm soát.
“Mong muốn lớn nhất của người dân là chúng ta cùng chung tay tái thiết đất nước và giải quyết khủng hoảng hạt nhân. Tôi phải đáp lại mong muốn của họ và đó là trách nhiệm của tôi”, BBC dẫn lời ông Naoto Kan.
Naoto Kan là thủ tướng thứ 5 của Nhật Bản trong vòng 5 năm qua sau khi lên nhậm chức hồi tháng 6 năm ngoái.
Theo VNExpress
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan chịu sức ép lớn
Tổng Thư ký JCP Tadayoshi Ichida cho biết đảng này sẽ ủng hộ bản kiến nghị bất tín nhiệm nhưng sẽ không cùng với LDP và Đảng Công minh đệ trình bản kiến nghị này lên Quốc hội.
Những nỗ lực của phe đối lập nhằm phế truất Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan có vẻ như đã có bước tiến lớn, khi có thông tin một số thành viên chủ chốt trong nội bộ Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền sẽ ủng hộ kế hoạch đệ trình lên Quốc hội bản kiến nghị bất tín nhiệm của phe đối lập đối với chính quyền Kan.
Ngày 30-5, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nobuteru Ishihara và người đồng cấp Yoshihisa Inoue của Đảng Công minh đã nhất trí về việc kêu gọi các đảng đối lập khác tham gia vào việc đệ trình bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với nội các của Thủ tướng Kan lên Quốc hội. Hai đảng đối lập này dự định sẽ đệ trình bản kiến nghị này "càng sớm, càng tốt". Dự kiến, bản kiến nghị này có thể sẽ được đệ trình lên Thượng viện vào ngày 2-6, một ngày sau cuộc tranh luận tại Quốc hội giữa Thủ tướng Kan, người đang giữ chức Chủ tịch DPJ, và ông Sadakazu Tanigaki, Chủ tịch LDP.
Thủ tướng Naoto Kan
Quan điểm này được các đảng đối lập khác như Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP), Đảng của bạn (YP) và Đảng Bình minh Nhật Bản (SPJ) ủng hộ. Tổng Thư ký JCP Tadayoshi Ichida cho biết đảng này sẽ ủng hộ bản kiến nghị bất tín nhiệm nhưng sẽ không cùng với LDP và Đảng Công minh đệ trình bản kiến nghị này lên Quốc hội. Theo ông Ichida, LDP cũng phải nhận trách nhiệm về việc theo đuổi năng lượng hạt nhân.
Với việc đệ trình bản kiến nghị bất tín nhiệm, hai đảng đối lập này có ý định bày tỏ sự bất mãn với cách xử lý các hậu quả của thảm họa động đất và sóng thần ngày 11-3 cũng như cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima hiện nay và gây áp lực buộc Thủ tướng Kan phải từ chức.
Để bản kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua, cần phải có hơn 80 nghị sỹ thuộc DPJ ủng hộ. Có khả năng cựu Chủ tịch DPJ Ichiro Ozawa, đối thủ của Thủ tướng Kan trong cuộc bầu cử Chủ tịch DPJ gần đây, sẽ hợp tác với các đảng đối lập để phế truất Thủ tướng Kan. Hôm 30-5, ông Ozawa đã nói bóng gió rằng ông có thể sẽ ủng hộ bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với nội các của Thủ tướng Kan mà LDP và Đảng Công minh dự định đệ trình lên Quốc hội.
Phát biểu trong cuộc gặp với các nghị sỹ thân cận, ông Ozawa nói rằng ông sẽ tiếp tục thúc đẩy để Thủ tướng Kan phải tự nguyện từ chức. Ông nói: "Nếu các nỗ lực như vậy không thành công, tôi sẽ ra quyết định khi tôi cảm thấy cần phải làm". Ông Ozawa cũng nhắc lại những lời chỉ trích Thủ tướng Kan khi nói rằng ông Kan "đã thất bại trong việc mang lại niềm tin cho dân chúng". Các nguồn tin giấu tên cho biết trước cuộc gặp này, ông Ozawa đã có cuộc hội đàm với cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama và hai bên đã nhất trí rằng họ sẽ đánh giá hành động của các nghị sỹ DPJ liên quan tới bản kiến nghị này. Bên cạnh đó, ông Ozawa cũng gặp các nghị sỹ cao cấp khác của DPJ, trong đó có cựu Bộ trưởng Ngoại giao Makiko Tanaka và cựu Thủ tướng Tsutomu Hata để thảo luận nên làm gì với bản kiến nghị bất tín nhiệm này.
Sáng 30-5, Phó Chánh Văn phòng Nội các Yoshito Sengoku, cánh tay phải đắc lực của Thủ tướng Kan, đang giữ chức quyền Chủ tịch DPJ, đã cố gắng ngăn chặn các nỗ lực này của phe đối lập khi khẳng định rằng việc thay đổi lãnh đạo sẽ không giúp Nhật Bản phục hồi từ cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay. Ông Sengoku nói: "Tai nạn hạt nhân không đơn giản đến mức một sự thay đổi trong chính phủ sẽ giúp cải thiện tình hình ở một mức độ nào đó.
Tôi cho rằng đó là một sự thay đổi đột ngột phi lôgic". Ông Sengoku cũng cho rằng cần phải thành lập "đại liên minh" cầm quyền, trong đó có LDP, để đảm bảo rằng các dự luật sẽ được thông qua ở Quốc hội đang bị chia rẽ của Nhật Bản.
Theo PLXH
Nhật, Trung, Hàn bàn về khủng hoảng hạt nhân Hôm nay, lãnh đạo ba nước Đông Bắc Á họp tại Nhật nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân đang diễn ra do sự cố của một nhà máy điện sau sóng thần. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Tổng thống Hàn quốc Lee Myung-Bak sẽ họp hai ngày để cùng bàn thảo vấn...