Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: 3 yếu tố không thể thiếu khi dạy học online
Để dạy học online, qua truyền hình đạt hiệu quả, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng là biết làm, có điều kiện để làm và có động lực để làm.
Tại khoá tập huấn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho hơn 400 cán bộ, giáo viên cấp tiểu học của 22 Sở GD&ĐT các tỉnh phía Bắc ngày 23/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, dạy học trực tuyến và qua truyền hình trong điều kiện dịch bệnh hiện nay là bất khả kháng.
Trong số các địa phương tham gia khoá tập huấn hôm nay, phần đông đã cho học sinh đến trường học trực tiếp. Đây là niềm vui lớn. Tuy nhiên, quá trình dạy học trực tiếp, một số tỉnh phát sinh ca nhiễm mới nên lại chuyển từ “vùng xanh” thành “vùng đỏ”. Tình trạng này có thể còn xuất hiện trong thời gian tới.
Do đó, Bộ GD&ĐT xác định phải chuyển trạng thái dạy học trực tuyến/dạy học qua truyền hình từ giải pháp tình thế sang chủ động, có kế hoạch dạy học theo hình thức này. Đây cũng là cách để ngành giáo dục có thể đạt được 3 mục tiêu: an toàn vì dịch, hoàn thành chương trình năm học và kiên trì mục tiêu chất lượng.
Học sinh học online. (Ảnh minh hoạ)
Theo Thứ trưởng Độ: “Hiệu quả và chất lượng của việc dạy học trực tuyến được tính bằng tích của 3 chữ: “Biết làm” – tức có năng lực sư phạm để dạy học trực tuyến; “Có điều kiện để làm” – tức có đủ trang thiết bị, đường truyền cần thiết để giáo viên, học sinh học tập và “Có động lực để làm”. Quan trọng là nếu một trong 3 thừa số trên bằng 0 thì tích cũng bằng 0. Chúng ta cần đồng thời đảm bảo 3 yếu tố, để đạt được chất lượng dạy học trực tuyến tốt nhất”.
Thứ trưởng nhấn mạnh, thời điểm khó khăn này là lúc mỗi nhà giáo cần thể hiện cao nhất tinh thần, trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, với học sinh. Nếu lực lượng y tế đang “căng mình” ở tuyến đầu chống dịch thì ngành giáo dục cũng nỗ lực hết sức tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp học trò không bị ngừng việc học và được học tử tế, chất lượng.
Để chuẩn bị dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, trước đó Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 09 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, trong đó nêu rõ các yêu cầu, điều kiện để dạy học theo hình thức này; hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021 – 2022 ứng phó với dịch COVID-19 với các nội dung được tinh gọn.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng phát động chương trình quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” giúp học sinh khó khăn có đủ phương tiện học trực tuyến.
Video đang HOT
Cùng với đó, Bộ phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng, phát sóng video bài giảng điện tử, bài giảng trên truyền hình theo môn học/cấp học tạo nên nguồn học liệu phong phú, chất lượng, để nhà trường tham khảo, sử dụng.
Thứ trưởng mong muốn các cán bộ, giáo viên khi tham gia tập huấn sẽ phát huy năng lực, trách nhiệm, cố gắng học tập tốt nhất để đạt mục tiêu cuối cùng là biết cách dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình hiệu quả, chất lượng.
Khoá tập huấn dạy học trực tuyến, dạy qua truyền hình cho các giáo viên ngày 23/9.
Trong 2 ngày tập huấn, Bộ GD&ĐT cung cấp tổng quan kiến thức về dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình, giúp giáo viên nắm được điểm giống và khác, ưu điểm, hạn chế của các hình thức dạy học. Từ đó, rút ra các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.
Các chuyên gia hướng dẫn giáo viên là những người am hiểu và có kinh nghiệm về dạy học trực tuyến, qua truyền hình đến từ Vụ Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Thái Nguyên…
Giáo viên tham gia tập huấn sẽ được trang bị các phương pháp, kỹ thuật để tổ chức dạy học trực tuyến/qua truyền hình với từng môn học, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hình thức này và tư vấn “gỡ khó” cách xử lý tình huống phát sinh khi dạy học trực tuyến/qua truyền hình.
Trong tháng 9/2021, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức 2 khoá tập huấn về dạy học trực tuyến/qua truyền hình cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cấp Tiểu học của các tỉnh còn lại. Đan xen với đó là các khoá tập huấn cho đội ngũ nhà giáo cấp THCS, THPT của 63 tỉnh, thành phố.
Giáo viên lớn tuổi nỗ lực dạy online
Đối với những giáo viên ở độ tuổi sắp nghỉ hưu, việc dạy học online thực sự là một thách thức lớn. Tuy nhiên, với tấm lòng yêu nghề, sự tận tâm với học trò, họ đã vượt qua khó khăn riêng để thích ứng với hình thức dạy học online.
Cô Trương Thị Tú, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Huệ (TT.Tân Phú, H.Tân Phú) trong giờ dạy học online. Ảnh: NVCC
* Nỗ lực gấp nhiều lần giáo viên trẻ
Còn đúng 1 năm nữa cô Trương Thị Tú, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Huệ (TT.Tân Phú, H.Tân Phú) sẽ nghỉ hưu. Năm học cuối cùng trong cuộc đời dạy học của cô Tú đã bắt đầu một cách vô cùng đặc biệt mà cô sẽ không thể nào quên. Phải dạy học online trong khi bản thân chưa biết đến các ứng dụng dạy học trực tuyến, cô Tú đã phải dành rất nhiều thời gian làm quen, luyện tập trước khi chính thức "lên lớp" dạy học.
Cô Tú thú thật, khi xác định phải dạy học online, cô mày mò tải ứng dụng Zoom về máy tính nhưng không biết tải thế nào. Đến khi tải được thì không biết cách cài đặt, phải nhờ con trai làm giúp. Sau đó, cô dành thời gian để thực hành các thao tác trên Zoom cho thành thục trước khi chính thức dạy học.
Đầu tư nhiều cho học sinh yếu kém
Tuy việc dạy học online bước đầu cho thấy hiệu quả nhưng các giáo viên đều xác định sẽ phải dành nhiều thời gian để dạy bù, ôn lại kiến thức cho những học sinh "chậm tiếp thu" khi học trực tiếp tại trường.
"Tôi lớn tuổi rồi, nhìn lâu trên máy tính cũng bị chói mắt. Dạy học online vất vả hơn nhiều so với dạy trên trường. Sau khi lên lớp, tôi dành thời gian để nghiên cứu bài mới xem những nội dung nào cần thiết và phù hợp để trình chiếu. Buổi trưa, tôi không nghỉ ngơi mà soạn bài PowerPoint. Đa số học sinh học bằng điện thoại nên tôi phải chắt lọc nội dung để trình chiếu thật cô đọng, font chữ to giúp các em tiện theo dõi" - cô Tú tâm sự.
Một ngày làm việc của cô Tú chỉ kết thúc sau khi đã chấm xong bài tập của học sinh trên ứng dụng Azota vào buổi tối. Đối với học sinh tiểu học, việc chấm bài hằng ngày là rất quan trọng, không chỉ giúp giáo viên nắm được tình hình học tập chung của lớp mà còn nhằm động viên học sinh thông qua việc ghi lời phê trong mỗi bài tập.
Cô Chu Thị Thuyên là một trong 2 giáo viên lớn tuổi nhất của Trường THCS Ngô Quyền (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ). Trong điều kiện bình thường, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chủ yếu là soạn giảng trên PowerPoint, tích hợp thêm nhiều hình ảnh minh họa cho sinh động, thu hút học sinh. Nhưng dạy học online đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Điều này đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều thời gian, tâm sức đầu tư cho bài giảng hơn.
Cô Thuyên chia sẻ: "Khi dạy online, giáo viên phải chuẩn bị bài giảng thật trọng tâm, cô đọng. Ở độ tuổi của tôi, việc tiếp thu CNTT có hơi chậm so với giáo viên trẻ nhưng lại nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Ban giám hiệu và đồng nghiệp. Chúng tôi được tập huấn rồi tự thực hành. Phải tập luyện nhiều, nói chung là phải chịu khó, phải vất vả gấp 2-3 lần giáo viên trẻ".
Nhìn chung, giáo viên càng lớn tuổi, kỹ năng ứng dụng CNTT càng có phần hạn chế hơn so với giáo viên trẻ. Để đáp ứng yêu cầu dạy học online, họ đã rất nỗ lực để làm quen và thích ứng với hoàn cảnh. Sau hơn 1 tuần dạy học, các giáo viên đều đã sử dụng các ứng dụng dạy học online một cách thành thạo, đảm bảo yêu cầu dạy học.
Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của bản thân giáo viên còn phải kể đến sự hỗ trợ của ban giám hiệu, tổ CNTT các trường. Thầy Vũ Ngọc Cường, Phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) cho biết, trường có đến 15 giáo viên từ 50 tuổi trở lên. Đây cũng là đội ngũ được hỗ trợ nhiều nhất từ tổ CNTT của trường theo hình thức "cầm tay chỉ việc"
Thầy Cường kể: "Ngay từ đầu tháng 9, nhà trường đã khảo sát để nắm bắt mức độ đáp ứng yêu cầu dạy học trực tuyến của toàn bộ giáo viên trong trường. Kết quả, có 13 giáo viên còn lúng túng trong dạy học online. Ban giám hiệu và tổ CNTT đã trực tiếp hỗ trợ cho họ. Đến nay, giáo viên toàn trường đã dạy học trên nền tảng Microsoft Teams thành thạo. Tuy nhiên, để việc dạy học online ngày càng suôn sẻ, hiệu quả, tổ CNTT vẫn bám sát, hỗ trợ kịp thời hằng ngày cho giáo viên. Mỗi tuần, nhà trường lại tổ chức tập huấn thêm cho toàn bộ giáo viên".
* Chuyển động theo xu thế
Một trong những động lực giúp các giáo viên thêm tự tin để dạy học online là số lượng học sinh tham gia học online không ngừng tăng lên. Cô Tú cho biết, lớp 3/1 do cô chủ nhiệm hiện có 31/32 học sinh học online. Một trường hợp không tham gia học được là do hoàn cảnh quá khó khăn, không có thiết bị, không có tiền mua sách. Hằng ngày, cô vẫn gửi nội dung bài học cho em, đồng thời tìm hướng giúp em khắc phục khó khăn.
Tiếp tục tập huấn dạy học online
Mặc dù việc dạy học online đã đi vào nề nếp nhưng các trường học trên toàn tỉnh vẫn tiếp tục công tác tập huấn để đảm bảo giáo viên dạy học online ngày càng hiệu quả hơn.
Thầy Trần Quang Thạch, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền (H.Cẩm Mỹ) cho hay, năm học 2021-2022, nhà trường có 1.090 học sinh. Khi khảo sát đầu năm thì có 89 em không đủ điều kiện học online, sau 1 tuần triển khai dạy học thì số này giảm xuống còn 22. Bước sang tuần thứ 2, chỉ còn 8 em quá khó khăn, không thể tự trang bị thiết bị học online, nhà trường đã lập danh sách đề nghị ngành Giáo dục hỗ trợ.
Điều đáng mừng là khi triển khai dạy học online trong đầu năm học này, giáo viên đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức. Theo đó, việc dạy học online không chỉ là ứng phó tình huống mà còn là một xu thế chuyển đổi trong giáo dục hiện đại.
"Nhìn theo một hướng khác, việc triển khai dạy học online lần này chính là cơ hội cho các nhà trường, từ chỗ nhiều giáo viên còn e ngại thì tất cả đều trở thành những người chủ động trong ứng dụng CNTT. Có thể nói, năm nay chính là năm mà ngành Giáo dục thực hiện chuyển đổi số nhanh nhất, nhiều nhất" - thầy Vũ Ngọc Cường bộc bạch.
Nghệ An linh hoạt phương án dạy và học trong dịch COVID-19 Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dạy học online được xem là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh học sinh không thể đến trường. Gắn với đặc thù của địa phương, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã lên phương án dạy và học vừa đảm bảo chống dịch, vừa có thể thực hiện hiệu quả đối với...