Thủ phủ hoa lớn nhất miền Bắc và cảnh tượng ảm đạm chưa từng có vì Covid-19
Trên cánh đồng hoa của người dân Tây Tựu, hàng chục hecta hoa cúc, hoa loa kèn, hoa ly, hoa hồng đang nở rộ nhưng không có người thu mua đang dần bị khô héo do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hoa ly là loại hoa trồng mất nhiều tiền nhất nhưng giá hiện tại chỉ 5.000 đồng/cành, hàng mẫu hoa ly đến kỳ thu hoạch nhưng không có ai mua.
“Em ơi, giá như hoa có thể tích trữ hoặc muối dưa ăn dần thì tốt em nhỉ, hàng trăm triệu đổ vào hoa giờ không có ai mua, tiếc của cắt đem về nhà, may thì có người mua, không thì lại vứt đi. Khổ lắm em ạ”, chị Ninh (trú tại xóm 3 Tây Tựu) vừa nói vừa mếu máo.
Để vớt vát chút tiền giống, một số người đội mưa cắt hoa ra chợ bán với giá 6.000 đồng/ cành, mỗi cành ly phải chịu lỗ quá nửa.
Ông Bùi Trung Thúc (trú tại xóm 1 Tây Tựu) đứng giữa ruộng hoa cúc nở rực rỡ mà khuôn mặt như “héo”: “Mỗi mẫu hoa cúc này nhà tôi mất 120 triệu tiền giống, 20 triệu tiền thuê đất, thuê người làm cỏ, bỏ phân, tỉa nhánh mỗi tháng hết 7,5 triệu suốt 4 tháng, giờ đến dịp thu hoạch thì không bán được”.
Hai vợ chồng chị Hà Thị Xuân (ở xóm 3, Tây Tựu) thuê hơn mẫu đất, nhưng giờ bán 20.000 đồng/50 bông cũng không có người mua.
Video đang HOT
“Hoa nở quá vụ phải phá bỏ nên vợ chồng tôi lại ra cắt mang về. Đầu tư cả trăm triệu đồng để trồng hoa, thời tiết thuận lợi, cây nở đẹp thì sau 4 tháng “bán lưng cho đất bán mặt cho trời” tôi thu về được 10 triệu đồng/sào. Nếu thời tiết không thuận lợi thì sẽ chết cây, sương muối hay mưa ủ 2-3 ngày lá sẽ bị sần, thối, vẹo ngọn rồi chết như vườn này.
Chồng chị Xuân vừa xếp từng bó cúc lên xe vừa chia sẻ: “Trước khi trồng phải mất công làm đất, mới trồng phải làm vòm che nilon để cây bén chân, nắng lên lại che lưới đen để cây mát… vất vả mấy tháng trời giờ nhìn hoa nở mà đau thắt ruột”.
Tiếc của nên vợ chồng chị Xuân đèo nhau xuống ruộng cắt hoa mang về nhà, may mắn thì bán được, không may mắn thì phải vứt đi.
Giá hoa hồng chỉ còn 200 đồng/bông nên nhiều nhà bỏ cho nở bung không thu hoạch.
Từ hồng đỏ đến hồng vàng đều nở bung rực rỡ vì bán cũng không có ai mua.
Thậm chí nhiều nhà phải nhổ gốc hoa bỏ đi, nghỉ ngơi chờ hết dịch rồi làm tiếp.
Hoa loa kèn nở trắng đồng vì chợ hoa đóng cửa, cắt rồi cũng không biết bán ở đâu.
Tốn bao nhiêu công sức, tiền của để trồng hoa, đến ngày thu hoạch thì “hoa cười, người khóc”.
Theo những người dân tại đây, kể từ sau dịp Tết Nguyên đán 2020, tất cả các loài hoa được trồng tại đây như hoa cúc, hoa hồng, hoa ly đều giảm giá mạnh. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các loại hoa đều chung cảnh ế ẩm, khó bán.
Thậm chí có những ruộng hoa chết hàng loạt cũng chưa được trồng lại, người dân đứng trước một vụ mùa mất trắng.
Dọc những bờ ruộng, hàng loạt hoa bị cắt bỏ đổ thành đống nhìn không khỏi xót xa.
Khánh An
Lợn hơi tăng 'phi mã', 200.000 đồng chưa mua được 1kg thịt lợn
Tiếp đà tăng phi mã, giá lợn hơi hôm nay (16/4) tại nhiều địa phương vượt mức 90.000 đồng/kg, kéo theo đó, giá thịt tới tay người tiêu dùng tiếp tục đắt đỏ.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, giá lợn hơi tăng từ 2.000 - 7.000 đồng/kg trong khi giá lợn tại một số tỉnh miền Bắc phá mức 90.000 đồng/ kg. Hà Nội và Thái Bình là hai địa phương có giá lợn lần lượt chạm ngưỡng 91.000 - 92.000 đồng.
Đến giữa tháng 4/2020, giá lợn hơi vẫn gấp 1.5 lần mức 60.000 đồng/kg mà Thủ tướng chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp thực hiện. Giá lợn hơi đã có những lần giảm nhẹ hồi đầu tháng, về quanh mức 70.000 đồng/kg, nhưng sau đó nhanh chóng tăng trở lại, hiện, tại các tỉnh miền Bắc lên ngưỡng 88.000 - 92.000 đồng/kg.
Thịt lợn tại các chợ truyền thống "trụ vững" với giá rất cao
Tại các chợ truyền thống khu vực Hà Nội, giá thịt lợn quanh mức 140.000 - 180.000 đồng/kg. Cụ thể, tại chợ Thành Công, Nam Trung Yên, Mễ Trì, Trung Văn, tiểu thương đồng loạt bán với giá 150.000 - 160.000 đồng/kg thịt ba chỉ, sườn thăn 150.000 đồng/kg, sườn non 180.000 đồng/kg. Tương tự, giá thịt lợn tại chợ Nguyễn Công Trứ cũng không dưới 150.000 đồng/kg.
Ghi nhận tại các chợ Nam Đồng, Khương Thương, Láng Hạ, lượng người tới mua thịt lợn trong buổi sáng 16/4 không nhiều. Không còn tâm lý tích trữ, người dân mua lượng đủ dùng, các bà nội trợ chủ yếu quan tâm đến các mặt hàng như rau xanh, đậu phụ, bún, phở.
Chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương chợ Nam Đồng cho biết, giá lợn móc hàm được các lò mổ giao chưa bao giờ dưới 100.000 đồng/kg. "Giá như thế thì bán vậy mới bán được, ba chỉ hay sườn đắt hơn các phần khác vì nhiều người thích, những phần đấy để bán được cũng phải lọc bớt mỡ nên bị hao", chị Thu cho hay.
Ngỡ ngàng thanh toán gần 200.000 đồng cho 0.2kg thịt má lợn và 0.5kg thịt ba chỉ, chị Quỳnh Trang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Từ lâu đã biết thịt lợn đắt nhưng không nghĩ đến mức 200.000 đồng chưa được 1kg thịt lợn. Bình thường mua nhiều món không để ý, hôm nay tôi chia ra thì mới thấy rõ".
Thịt ba chỉ gần 200.000 đồng/kg tại siêu thị Lotte (Hà Nội)
Ngoài ra, tại các siêu thị, giá thịt heo phổ biến ở mức 130.000 - 200.000 đồng/kg. Dù đã có điều chỉnh giảm từ cuối tuần trước cùng với nhiều chương trình khuyến mại nhưng giá vẫn chưa thực sự rẻ. Tại siêu thị Lotte, thịt ba chỉ gần 200.000 đồng kg, thịt đùi, cốt lết khoảng 130.000 đồng/kg. Siêu thị BigC khuyến mại thịt vai heo 125.000 đồng/kg.
Trước đó, đầu tháng 4, 15 doanh nghiệp chăn nuôi heo đã cam kết giảm giá chỉ chiếm không quá 35% thị phần chăn nuôi trong nước. Như vậy, khoảng trên 65% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp không cam kết giảm giá, trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác khắp cả nước.
Việt Linh - Ngọc Mai
Thịt lợn nhập bán online dân mua cả thùng Giá heo hơi hôm nay 11/4 thị trường đã bớt "nóng" so với 2 ngày qua, thậm chí một số nơi ở miền Bắc đang quay đầu giảm. Giữa tâm điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều siêu thị lớn đã quyết định giảm giá bán thịt lợn từ 10-25%, trong khi đó, nhiều đơn vị, cá nhân cũng rao bán...