Thủ lĩnh đặc nhiệm đập tan tham vọng nguyên tử của Hitler
Joachim Ronneberg được ví như người hùng vì hơn 70 năm trước dẫn dắt và tạo nên thành công của một chiến dịch đã góp phần làm sụp đổ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của phát xít Đức.
Ông Joachim Ronneberg. Ảnh: New York Times
Với một anh hùng đã cứu cả thế giới hay ít nhất là khiến trùm phát xít Adolf Hitler không bao giờ có thể chạm tay vào những quả bom nguyên tử chết người thì phong thái của ông Joachim Ronneberg, 96 tuổi, quá đỗi bình dị và gần gũi, theo New York Times.
“Rất nhiều sự việc đã diễn ra là nhờ may mắn và thời cơ”, ông khiêm tốn kể về nhiệm vụ phá hủy một nhà máy ở Na Uy do ông và các đồng đội thực hiện vào năm 1943. Cơ sở này có ý nghĩa sống còn đối với chương trình hạt nhân của phát xít Đức. “Không có bất kỳ kế hoạch nào cả. Chúng tôi chỉ hy vọng mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ”, Ronneberg nói.
Đảm đương trọng trách của một chỉ huy thuộc đội đặc nhiệm năm xưa phá hủy thành công nguồn nước nặng duy nhất của quân phát xít trong Thế chiến II, cuộc đời ông Ronneberg đã được đưa vào một bộ phim bom tấn khởi chiếu năm 1965. Ông cũng được trao tặng nhiều huân huy chương cao quý cho những cống hiến của mình. Người ta còn cho xây dựng một viên bảo tàng và tượng đài tại quê nhà ông ở vùng bờ biển phía tây Na Uy để tưởng nhớ công lao của Ronneberg.
M.R.D. Foot, nhà sử học thuộc Ban Điều hành Hoạt động Đặc biệt, cơ quan tình báo thời chiến của Anh, đơn vị tổ chức nhiệm vụ của Ronneberg, miêu tả chiến dịch tấn công nhà máy Norsk Hydro, nơi sản xuất nước nặng mà quân phát xít chiếm đóng ở Na Uy, là một “cuộc đảo chính” góp phần “thay đổi cục diện cuộc chiến”, xứng đáng được “cả nhân loại nhớ tới”. Nước nặng là một chất lỏng hiếm cần thiết cho quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân.
Bằng một gióng nói nhẹ nhưng rõ ràng, bên ly cà phê cùng vài miếng bánh quy, Ronneberg từ tốn kể lại toàn bộ nhiệm vụ của mình. Theo ông, kết cục của toàn bộ cuộc chiến có lẽ sẽ rất khác nếu ông không đi xem phim và ghé qua một chuỗi các quán rượu ở Anh trước khi nhảy dù xuống Na Uy vào tháng một năm 1943.
Vào một ngày đầu năm 1943 tại Cambridge, Anh, vì không phải tham gia các bài huấn luyện trong doanh trại nên Ronneberg quyết định đi xem phim. Ông “hoàn toàn tình cờ” đi qua một tiệm bán dụng cụ cắt kim loại. Ông bước vào, mua một chiếc kìm cộng lực chỉ để phòng khi cần dùng đến. Chính dụng cụ có được một cách tình cờ này đã theo ông đi làm nhiệm vụ và trở thành điểm mấu chốt làm nên thành công của cả chiến dịch. Ronneberg chia sẻ, nếu không có nó, ông và đồng đội không bao giờ có thể xông vào để phá hủy nhà máy sản xuất nước nặng được canh phòng cẩn mật của phát xít ở Vemork, Na Uy.
Những người lên kế hoạch ở Anh dự định dùng một chiếc cưa tay để cắt ổ khóa trên cổng vào nhà máy. Song, dùng dụng cụ này để phá khóa mất rất nhiều thời gian, đồng thời nó cũng phát ra âm thanh quá lớn, dễ đánh động lính gác. Chính lúc này, “bảo bối” mà Ronneberg mang theo đã phát huy tác dụng.
Nhờ đó, Ronneberg nhanh chóng xâm nhập vào bên trong. Tại đây, ông cài đặt hai khối thuốc nổ và quyết định cắt cầu chì để rút ngắn thời gian phát nổ từ hai phút xuống 30 giây. Quãng thời gian này vừa kịp để đồng đội ông thoát ra ngoài an toàn nhưng vẫn đủ gần để nghe thấy tiếng nổ và biết rằng nhiệm vụ đã hoàn thành.
Video đang HOT
Dù vậy, phải nhiều năm sau Ronneberg mới hiểu mục đích chính xác và tầm quan trọng của những việc mình làm. Khi chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ, cấp trên chỉ thông báo rằng ông sẽ được thả xuống một vùng núi tuyết của Na Uy để phá hủy một chuỗi đường ống ở Vemork.
“Họ chỉ nói đó là một mục tiêu quan trọng và phải cho nổ tung”, ông kể. Ronneberg thêm rằng lúc đó ông không hề biết gì về vật lý hạt nhân, nước nặng hay cuộc chạy đua chế tạo bom nguyên tử. Ông biết quân đội Anh đã mất hơn 35 chiến sĩ trong một lần tấn công nhà máy Norsk Hydro vào năm 1942 nhưng không hiểu vì sao người ta lại coi trọng đến thế việc vô hiệu hóa một cơ sở mà như ông nghĩ là để sản xuất phân bón. Hơn nữa nó còn nằm ở một vùng núi hẻo lánh.
“Lần đầu tiên tôi biết đến bom nguyên tử hay nước nặng là sau khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki” vào năm 1945, Ronneberg nói. “Rồi chúng tôi bắt đầu hiểu ra nguyên nhân và mục đích” của nhiệm vụ khi đó. “Nếu thất bại, London sẽ có kết cục như Hiroshima”.
Các nhà sử học từ lâu luôn tranh luận về việc Hitler đã đạt đến đâu trong việc phát triển vũ khí hạt nhân. Một sử gia người Đức từng viết trong cuốn sách xuất bản năm 2005 rằng quân phát xít đã tiến hành một số vụ thử vũ khí hạt nhân từ năm 1944 – 1945. Nhưng một số người lại cho rằng chương trình nguyên tử của Hitler trước đây gặp không ít khó khăn bởi công nghệ khoa học thấp kém cũng như chịu nhiều lực cản từ các đối thủ.
Việc phát xít thẳng tay giết hại các nhà khoa học Do Thái cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới thất bại. Tuy nhiên, sai lầm nghiêm trọng nhất thuộc về quyết định của nhà vật lý Werner Heisenberg khi dùng nước nặng thay cho than chì để làm tác nhân điều tiết trong quá trình chế tạo bom uranium. Nước nặng không chỉ kém hiệu quả hơn than chì mà còn khó sản xuất với số lượng lớn. Điều này đồng nghĩa với việc phát xít phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung cấp từ nhà máy Norsk Hydro ở Na Uy.
Thực tế, cuộc tấn công mà đơn vị của Ronneberg thực hiện chỉ giúp làm chậm công cuộc theo đuổi bom hạt nhân của Hitler. Quân phát xít sau đó nhanh chóng xây dựng lại nhà máy tại Vemork nhưng tiếp tục hứng chịu hàng loạt cuộc không kích từ không quân Mỹ. Trước sức ép quá lớn, số nước nặng còn lại tại nhà máy ở Na Uy được chuyển về Đức. Nhưng nỗ lực này sụp đổ khi chiếc phà chở những kiện hàng trên bị quân Na Uy phát hiện và đánh chìm.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Ronneberg trở thành phóng viên và quản lý tại một kênh truyền hình quốc gia. Ông đã giữ kín về nhiệm vụ năm 1943 trong nhiều thập kỷ. Nhưng vì lo lắng giới trẻ Na Uy sau này sẽ không có kiến thức gì về cuộc chiến của cha ông nên Ronneberg bắt đầu kể câu chuyện của mình, đồng thời thường xuyên tới phát biểu tại các trường học từ những năm 1970.
Ronneberg cho biết ông rất lo lắng khi thấy căng thẳng giữa Nga và phương Tây chưa có chiều hướng hạ nhiệt. “Hòa bình và tự do là thứ mà chúng ta phải đấu tranh mới có được”, ông nói. “Ấy vậy mà các chính trị gia thời nay dường như đã quên đi điều đó”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Bi kịch của người Đức duy nhất không chào Hitler kiểu phát xít
August Landmesser là thành viên trung thành của Đức quốc xã nhưng lại đem lòng yêu và kết hôn với một phụ nữ Do Thái, một điều cấm kỵ vào thời điểm đó.
August Landmesser đứng khoanh tay và không giơ tay chào Hitler. Ảnh: Business Insider
Bức ảnh một người đàn ông đứng khoanh tay với vẻ mặt cương nghị, trong khi hàng trăm người xung quanh đồng loạt thực hiện động tác giơ tay chào đón Hitler đã nhận được rất nhiều sự chú ý.
Được Đức quốc xã đưa vào nghi thức trong những năm 1930, động tác chào "sieg heil" (có nghĩa "hoan nghênh chiến thắng") đã trở thành bắt buộc với mọi người Đức, như một cách thể hiện sự trung thành với Hilter, Đức quốc xã, và nước Đức thời bấy giờ.
Động tác này được thực hiện bằng cách duỗi thẳng tay phải và giơ lên cao ít nhất ngang tầm mắt. Thông thường, người chào sẽ hô "hoan nghênh Hitler!", "hoan nghênh!" hoặc "hoan nghênh chiến thắng!".
Năm 1942, Hitler từng lí giải về nguồn gốc của động tác chào này với các quan chức thân cận, rằng y lần đầu nhìn thấy cử chỉ kiểu này vào khoảng năm 1921, tại thành phố Bremen.
"Đây là một dạng nghi thức cổ còn sót lại, để cho thấy "nhìn này, tôi không hề mang theo vũ khí trong tay!". Tôi đưa nó trở thành động tác chào của đảng trong cuộc họp đầu tiên tại Weimar", trùm phát xít nói.
Theo một chỉ thị được Bộ nội vụ Đức, ban bố ngày 13/7/1933 (một ngày sau khi mọi đảng không phải Đức quốc xã bị cấm hoạt động), toàn thể công chức phải thực hiện động tác chào "sieg heil". Chỉ thị cũng yêu cầu phải giơ tay chào khi hát quốc ca Đức. "Bất kỳ ai không muốn bị nghi là cư xử tiêu cực một cách có chủ ý phải thực hiện động tác chào", chỉ thị viết.
August Landmesser là người duy nhất đã từ chối giơ tay chào khi Hitler tới tham dự một cuộc tụ họp năm 1936, dù Landmesser đã là một thành viên trung thành của Đức quốc xã.
Theo Business Insider, Landmesser gia nhập Đức quốc xã năm 1931 và không ngừng thăng tiến trong tổ chức. Hai năm sau, ông yêu say đắm Irma Eckler, một phụ nữ Do thái và đã cầu hôn năm 1935. Sau khi việc ông đính hôn với một phụ nữ Do thái bị phát hiện, Landmesser bị khai trừ khỏi đảng.
August Landmesser năm 1935. Ảnh: Wiki
Landmesser và Eckler quyết định nộp đơn xin kết hôn tại thành phố Hamburg, nhưng bị từ chối theo quy định của đạo luật Nuremberg, luật chống lại người Do Thái, vừa có hiệu lực khi đó. Tháng 10/1935, hai người chào đón con gái đầu lòng có tên Ingrid.
Và rồi, ngày 13/6/1936, Landmesser đã đứng khoanh tay và không giơ tay chào cho dù Hitler tới làm lễ khánh thành một con tàu mới của hải quân Đức. Hành động thách thức này khiến Landmesser nổi bật trong đám đông.
Năm 1937, quá chán nản, Landmesser tìm cách cùng gia đình trốn khỏi Đức để sang Đan Mạch, nhưng bị bắt tại biên giới và kết tội "làm ô danh chủng tộc", theo luật Nuremberg.
Một năm sau, Landmesser được tuyên vô tội do thiếu bằng chứng và được yêu cầu không tiếp tục mối quan hệ với bà Eckler. Landmesser phớt lờ yêu cầu của Đức quốc xã và lại bị bắt năm 1938. Ông phải nhận bản án gần ba năm lao động trong trại tập trung và không bao giờ được gặp lại vợ con.
Cảnh sát mật cũng bắt Eckler, người lúc đó đang mang thai người con gái thứ hai của họ. Bà sinh con, tên là Irene, trong tù và bị đưa tới trại tập trung dành cho nữ không lâu sau khi sinh.
Eckler được tin là đã bị chuyển tới một nơi phát xít Đức gọi là "trung tâm chết êm ái" năm 1942, và bị sát hại cùng 14.000 người khác.
Sau khi hoàn tất thời gian thụ án, Landmesser làm nhiều công việc khác nhau trước khi bị cuốn vào chiến tranh năm 1944. Vài tháng sau, ông được xác định mất tích khi tham chiến tại Croatia.
Bức ảnh được cho là của Irma Eckler, vợ August Landmesser. Ảnh: liberalamerica.org
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Trùm phát xít Hitler nghiện ma túy đá Trùm phát xít Đức Adolf Hitler (1889-1945) được cho là nghiện ma túy đá và chích nhiều ma túy đến nỗi bị rụng răng. Trùm phát xít Đức Adolf Hitler (1889-1945) - Ảnh: AFP Trong một quyển sách mới xuất bản mang tựa đề Der totale Rausch: Drogen im Dritten Reich (tạm dịch Hoàn toàn phấn chấn. Ma túy thời phát xít Đức),...