Thủ khoa xinh đẹp với điểm 10 đồ án của Đại học Xây dựng
Nguyễn Thị Nhài (sinh năm 1998, cựu học sinh THPT Ân Thi, Hưng Yên) là nữ sinh duy nhất tốt nghiệp xuất sắc với số điểm tích lũy 3.6/4.0 chương trình đào tạo kỹ sư hệ 4,5 năm của Trường Đại học Xây dựng năm 2021.
Thủ khoa từng trượt môn
“Đến giờ em vẫn cảm thấy rất vui, có chút bất ngờ khi nhận được tấm bằng kỹ sư xuất sắc. Em cũng không nổi trội, xuất phát điểm bình thường từ trường THPT huyện với điểm đầu vào không cao. Vì thế, trong suốt hơn 4 năm qua em vẫn không ngừng cố gắng để mong có được kết quả tốt nhất và điều đó đã thành hiện thực”, Nhài chia sẻ.
Ngành học Nhài đăng ký ban đầu là công nghệ vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, sau đó em đã quyết định học ngành cấp thoát nước của khoa Kỹ thuật môi trường. Lựa chọn khối ngành kỹ thuật, bản thân Nhài xác định chương trình học nặng với lượng kiến thức đồ sộ hơn các trường khác. Vì thế, năm thứ nhất đại học cũng đánh dấu một sự thay đổi hoàn của cô gái.
“Học kỳ đầu tiên, em khá bỡ ngỡ, chưa quen với cách tiếp thu kiến thức trên giảng đường. Có nhiều môn học đại cương khó nên em không nắm được vấn đề thầy cô truyền tải. Kết quả học tập của em bị kéo xuống, thậm chí còn bị trượt một môn”, Nhài nhớ lại.
Dù có lúc thấy chán nản, nhưng sau đó Nhài lại tiếp tục cố gắng, “bơi” dần bằng cách thay đổi phương pháp học tập. Nhài dành thời gian đọc trước bài ở nhà, lên lớp tập trung nghe thầy cô giảng.
Có gì chưa hiểu, em thường hỏi luôn để được thầy cô giải đáp. Nhờ vậy, sang học kỳ tiếp theo, thành tích học tập của cô gái này đã trong top dẫn đầu lớp.
Nữ sinh tiếp tục đặt ra từng mục tiêu cụ thể để từng bước cải thiện điểm tích lũy từ 3.0 lên 3.2 và cao hơn nữa. Chính thay đổi đó giúp Nhài có thêm động lực học tập, nhận được học bổng giỏi và xuất sắc trong 7 kỳ liên tiếp.
Ngoài ra, Nhài còn nhận học bổng ngành nước và học bổng Đỗ Quốc Sam của Trường Đại học Xây dựng, tham gia nghiên cứu khoa học cấp trường với đề tài “Nguyên liệu vi sinh”.
Điểm 10 đồ án sau những ngày xuyên đêm
Nhìn lại quãng thời gian học đại học, Nhài cho hay đáng nhớ nhất là những ngày tháng chạy nước rút để “tăng tốc” bước qua “mùa đồ án”.
“Trên lớp em sẽ hoàn thành hết bài vở, trao đổi và giải đáp thắc mắc để nắm rõ kiến thức môn chuyên ngành. Thời gian còn lại em dành hết cho nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu để làm đồ án. Những ngày xuyên đêm đã quá quen thuộc với em”.
Nhờ sự sắp xếp hợp lý cùng những ‘đêm trắng’ miệt mài, Nhài đã hoàn thành đồ án tốt nghiệp xuất sắc. Với đề tài “Thiết kế hệ thống thoát nước khu vực phía nam Thái Nguyên giai đoạn đến 2025″, nữ sinh nhận được “điểm 10″ tròn trĩnh từ hội đồng.
Nguyễn Thị Nhài bảo vệ đồ án tháng 1/2021
Nhiều người vẫn ví con con gái học Xây dựng như “hoa của đá” bởi phải quen thuộc với bê tông, cốt thép, gạch đá. Còn Nhài cho rằng, môi trường kỹ thuật đã giúp em có sự mạnh mẽ, vững vàng, dám đối đầu với thử thách.
Theo Nhài, để có kết quả tốt trong học tập thì cần biết cách sử dụng thời gian hợp lý. Để không bị dồn nén việc ôn tập trước các kỳ thi, cần tập trung cao độ để nắm vững kiến thức ngay trên lớp. Thời gian còn lại nên dành cho việc học ngoại ngữ, làm đồ án, nghiên cứu khoa học,…
Mặc dù vậy, điều khiến Nhài nuối tiếc nhất chính là bỏ lỡ nhiều hoạt động đoàn thể, các cuộc thi trong trường để có thêm trải nghiệm và học hỏi nhiều kỹ năng hơn.
Thủ khoa trường Xây dựng từng là thành viên trong đội bóng của khoa
Nhài dự định sẽ đi làm trong 1 -2 năm để có kinh nghiệm thực tế. Đồng thời, tìm học bổng du học để phát triển theo hướng chuyên sâu về mảng nghiên cứu.
Thủ khoa đại học: "Bằng cấp chỉ là nền tảng ban đầu"
Hành trang của Thủ khoa đầu ra Hàn Duy Khang, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM là câu nói của Bác Hồ: "Học tập là chiếc thang không có nấc cuối cùng".
Tân cử nhân Hàn Duy Khang, quê Bạc Liêu, sinh viên khóa 8 chuyên ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm vừa tốt nghiệp Thủ khoa đầu ra Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM năm 2021 với tổng điểm 3.40/4.0.
Thủ khoa Hàn Duy Khang trong lễ nhận bằng tốt nghiệp
Chia sẻ về việc học ở trường đại học, Duy Khang kể, khi tiếp xúc những môn học mới, lượng kiến thức mới cậu luôn đặt ra rất nhiều câu hỏi, dành thời gian để nghiền ngẫm, tìm hiểu cho đến việc... "níu" thầy cô để hỏi tìm bằng ra câu trả lời.
Lên lớp, Duy Khang rất chú ý nghe giảng, ghi chép đầy đủ, cẩn thận.
Sau mỗi chuyên đề, Duy Khang có thể ngồi hàng giờ đồng hồ, tập trung nhất là từ 4 - 5 giờ chiều, có khi kéo đến 1 giờ sáng ngày hôm sau để tổng hợp lại kiến thức.
Khang tự ghi chép, tóm tắt kiến thức theo cách hiểu của mình, biến bài học trên lớp thành của riêng mình.
Và thêm một cách học mà Khang thấy rất hiệu quả là trao đổi, chia sẻ với bạn bè về bài vở. Qua đó, bản thân Khang nhận ra được rất nhiều vấn đề.
Khang cũng tiết lộ, thời gian ngồi trên giảng đường, Khang không đi làm thêm để tập trung vào việc học. Khang xác định, bản thân rất khó để làm tốt nhất cùng lúc nhiều việc vào thời điểm đi học.
Được biết, ngoài giờ học, Khang hay chơi thể thao, tham gia một số hoạt động xã hội.
Hàn Duy Khang, Thủ khoa đầu ra Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM phát biểu trong lễ tốt nghiệp
Khang thừa nhận, không đi làm thêm sẽ thiếu trải nghiệm về môi trường làm việc. Nhưng bên cạnh kết quả học tập, Khang cũng chuẩn bị những hành trang cơ bản cho mình để tự tin bước vào thị trường lao động.
Ngay khi hoàn thành chương trình học, trong thời gian chờ nhận bằng tốt nghiệp, Khang đã bắt tay ngay vào công việc. Mặc dù nhận bằng vào ngày 24/4 vừa qua nhưng trước đó, Khang đã chính thức làm việc tại một công ty, đúng với chuyên ngành mình theo học.
Khang chia sẻ, việc tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi giúp Khang có những lợi thế khi đi tìm việc đúng chuyên ngành. Có sự chuẩn bị chắc về kiến thức giúp Khang tiếp cận nhanh với công việc.
Nhưng theo Khang, học ở trên lớp mới là lý thuyết. Khi ra ngoài, nhất là khi khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi cả chuyên môn lẫn tay nghề thì kể cả học giỏi vẫn có thể không "khớp", không theo kịp. Bằng cấp chỉ là nền tảng ban đầu, đòi hỏi mình phải không ngừng rèn luyện để đáp ứng được thực tế.
Với Khang, 4 năm đại học chỉ là bước khởi đầu cho quãng đường dài phía trước. Môi trường làm việc sẽ gập ghềnh hơn, phức tạp hơn, nhiều khó khăn, thử thách hơn.
Nói về dự định của mình, chàng thủ khoa bộc bạch: "Những năm đầu của quãng đường thanh xuân, ngay từ lúc này em sẽ nỗ lực làm việc và học hỏi từ chính vị trí hiện tại. Em chỉ biết điểm bắt đầu, chưa hình dung điểm đến nhưng sẽ không bao giờ ngừng cố gắng".
Hành trang của cậu thủ khoa này là câu nói của Bác Hồ: "Học tập là chiếc thang không có nấc cuối cùng". Khang yêu việc học và luôn tự nhắc mình, sự học là cả đời của con người và không khi nào ngừng nghỉ.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM trích 200 triệu đồng thưởng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và giỏi
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM trao bằng tốt nghiệp năm 2021 cho 25 thạc sỹ và 2.870 sinh viên. Trong số này có hơn 120 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi, trong đó có 20 sinh viên là thủ khoa đầu ra của ngành.
Năm nay, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM trích hơn 200 triệu đồng thưởng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và giỏi.
Giảng viên 9X chỉ ra 5 lỗi khiến 'nghe mãi không giỏi' Thay vì luyện nhiều giờ liên tục trong ngày hay nghe những bài khó, cô giáo Diễm Hằng khuyên bạn nên cải thiện phát âm đúng và bắt đầu với bài đơn giản. Nguyễn Thị Diễm Hằng, giảng viên tiếng Anh của Đại học Xây dựng, đạt 8.0 trong lần thi IELTS hồi đầu năm, trong đó Listening được 8.5. Hai năm một...