Thứ chẳng ai nghĩ ăn được nhưng lại rất nhiều đạm, kiếm về bán đút túi tiền triệu
Dù giá cao “ngất”, trứng kiến vẫn hút khách sành ăn. Có người bỏ ra tiền triệu để mua mặt hàng này về ăn dần.
Vừa thu mua về được 5kg trứng kiến vàng, chị Mai Quyên ( Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đã gọi điện ngay cho những khách hàng đã đặt trước đến lấy. Chị cho hay: “Vì nguồn hàng không có nhiều, mỗi ngày tôi chỉ thu mua được khoảng 5-10kg trứng kiến vàng. Trong khi đó, nhu cầu khách hàng lại lớn nên “cháy” hàng thường xuyên. Những đơn đặt muộn, tôi sẽ hẹn ngày hôm sau tới lấy”.
Theo chị, trứng kiến vàng đều được chị thu mua của những người dân lên rừng lấy về. Vì thế, số lượng không thể ổn định được. Nhiều hôm trời mưa, dân không lên rừng lấy trứng kiến được, chị cũng không có hàng để bán.
Trứng kiến vàng đang vào mùa, nhiều chị em tìm mua về ăn.
“Để lấy được trứng kiến, người dân khá vất vả và gặp nhiều khó khăn. Họ phải leo lên đồi, núi cao không quản nắng gió. Hơn nữa, họ còn bị kiến cắn, gai cào quanh người, khi lấy xong người nào người nấy đầy những những vết cắn mẩn đỏ của loài kiến độc”, chị cho hay. Cũng vì lẽ đó, giá trứng kiến luôn ở mức cao.
Chị chia sẻ thêm mùa trứng kiến vàng sẽ có từ tháng 2 đến khoảng tháng 4 Âm lịch. Vì thế, khách hàng tranh thủ đúng mùa mới có để mua về ăn, còn những tháng khác muốn mua cũng không được.
Hiện tại, chị bán trứng kiến vàng giá buôn khoảng 220.000 đồng/kg. Còn bán lẻ, giá cả tùy thuộc vào thời điểm và người bán, giá dao động từ 300.000 – 350.000 đồng/kg.
Cũng bán trứng kiến được 3 năm, chị Thu Thủy (Thanh Hóa) cho biết trứng kiến vàng đang được nhiều người tìm mua. Nguồn hàng hạn chế, không có nhiều nên chị từ chối đơn đặt hàng trước. “Vì nguồn hàng phụ thuộc nhiều yếu tố nên nhập về tôi mới bán chứ không nhận đơn trước”, chị nói.
Video đang HOT
Mỗi kg được bán với giá khoảng 300 – 350 nghìn đồng.
Chị cho hay trứng kiến vàng có thể bảo quản tủ lạnh ngăn mát để dùng dần. Chị có đến đâu bán hết đến đó nên chị cũng không rõ để được bao lâu sẽ hỏng. Vì thế, chị khuyên người tiêu dùng mua về ăn ngay hoặc sử dụng trong thời gian nhanh nhất có thể.
“Trứng kiến này ăn ngon và chế biến thành nhiều món lạ để cải thiện bữa ăn hàng ngày của gia đình. Không chỉ thế, nhiều nhà hàng cũng thu mua trứng kiến về để làm các món ăn độc, lạ cho khách”, chị cho hay.
Một số món ăn được chế biến từ trứng kiến được nhiều người ưa chuộng như: Nộm trứng kiến, bánh nếp nhân trứng kiến, xôi trứng kiến, trứng kiến cuộn lá lốt, trứng kiến viên chiên giòn hay sử dụng trứng kiến để nấu canh với cá…
Trên thị trường, người tiêu dùng sẽ thấy có 2 loại trứng kiến, đó là trứng kiến vàng và trứng kiến gai đen. Theo đó, trứng kiến vàng sẽ có giá thấp hơn rất nhiều so với trứng kiến gai đen. Loại trứng kiến gai đen có thời điểm lên đến 600.000 đồng/kg.
Theo người bán, trứng kiến gai đen ăn ngon hơn nên giá cũng cao hơn nhiều. Nhưng thời điểm này chưa tới mùa nên người mua khó tìm mua được.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên người dùng nên thận trọng khi sử dụng loại trứng này. Theo đó, trứng kiến cũng như trứng của nhiều loài động vật khác, chứa nhiều đạm và tốt cho sức khỏe. Nhưng không phải ai cũng phù hợp để ăn, có người chỉ cần ăn một ít trứng kiến cũng gây dị ứng, ngộ độc. Đó là chưa nói đến việc người săn kiến dùng thuốc xịt kiến để lấy trứng thì trứng kiến cũng ảnh hưởng trực tiếp, khi ăn vào sẽ có hại.
Theo Dân Việt
Theo chân người Jrai lên rừng xanh, núi đỏ "săn" đặc sản kiến vàng
Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai được biết đến với rất nhiều món ẩm thực đặc trưng, mang đậm dấu ấn của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Trong đó, đặc sản muối kiến vàng Krông Pa có lẽ là món ăn được khá nhiều người biết đến, nó có mặt trong mâm cơm của đồng bào từ bao đời nay. Để khám phá nét ẩm thực này, chúng tôi đã theo chân người dân địa phương bám rừng "săn kiến vàng".
Theo chân thợ săn kiến
Biết ý định của chúng tôi, ông Nay Mơ, dân tộc Jrai ở buôn Ngôm, xã Chư Drăng thợ săn kiến chuyên nghiệp cho hay: "Kiến vàng được mệnh danh là đặc sản của vùng này đấy. Các cô, cậu có muốn đi xem bắt kiến thì theo tôi". Nhận được lời mời, chúng tôi nhanh chóng nổ máy xe, bám theo xe ông Nay Mơ lên đường vào rừng.
Lớn lên ở vùng đất này, cùng với kinh nghiệm nhiều năm đi rừng nên ông Nay Mơ am hiểu tường tận các ngõ ngách đường rừng và các loại đặc sản của vùng đất. Ông cho biết: Kiến ngon nhất là vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 vì lúc này kiến có trứng nên ăn rất béo. Đồng bào thường vào rừng bắt kiến chứ không bắt kiến ở vườn nhà. Vì ở rừng đảm bảo "vệ sinh", không sợ bị dính tạp chất.
Ông Nay Mơ cho chúng tôi chiêm ngưỡng một tổ kiến vàng mới được lấy từ trên cây xuống.
Đặc biệt, người đi săn kiến cũng có những nguyên tắc như, tránh làm ảnh hưởng đến cây cối trong rừng để kiến không bị động bỏ đi, hay không xây tổ. "Mình cũng không biết dân làng biết ăn kiến từ lúc nào. Chắc là từ thời xưa, người ta cơ cực quá, rồi sáng chế ra món này. Người ta thích ăn vì nó có vị chua chua, ngậy ngậy. Thường người dân bắt kiến ở rừng vì chúng sạch sẽ và không dính bụi bẩn".
Chạy xe khoảng 5km, đến gần khu vực suối Uar ông Mơ dừng lại quan sát và thông tin sẽ bắt kiến ở đây, khu vực này còn nhiều kiến vì chưa ai bắt. Dứt lời, ông nhanh chóng rảo bước luồn qua các bụi cây rậm rạp để tìm tổ kiến.
Đôi chân ông bước nhanh thoăn thoắt, dẫn đường phát mấy cành bụi rậm để chúng tôi theo. Dừng lại ở gốc cây to, ông ngoảnh lại ra hiệu cho chúng tôi dừng lại, chờ ông leo lên cây bắt kiến. Với cách thể hiện của một thợ săn mồi, thao tác nhanh, chỉ với một con dao rựa và kỹ năng đu mình trên cây, ông đã nhanh chóng tóm gọn tổ kiến bỏ chúng vào bao rồi cột chặt.
Lấy xong tổ kiến, ông nhảy xuống rồi hé miệng bao cho chúng tôi xem. Ông Mơ cho biết: "Còn vài tổ trên cao, nhưng nếu muốn bắt phải chặt cành cây, nên thôi, mình đi bắt ở cây khác". Cứ như thế, cho đến khi chiếc bao đầy ắp tổ kiến vàng, thợ săn mới chịu nghỉ. Ra khỏi rừng thì cũng vừa lúc ông mặt trời đứng bóng.
Đặc sản Tây Nguyên
"Để làm được món ăn từ kiến vàng qua nhiều công đoạn lắm, không đơn giản bắt về là có ăn đâu nhé. Loài kiến nay đốt rất đau và ngứa lâu, không cẩn thận kiến đốt khắp người ngứa ngáy cả tuần chứ chẳng chơi", ông Mơ nói.
Mở nắp bao kiến ra, ông Mơ lấy một tổ kiến còn nguyên vẹn diễn tả cho chúng tôi thấy cách tách kiến ra khỏi tổ. Tùy vào mục đích, có người dùng kiến để nấu canh chua, làm gia vị chế biến món ăn. Còn với kiến vàng phơi khô thì có người giã chung với ớt làm muối.
Muối kiến được người dân nơi đây giã chung với ớt và thêm gia vị tạo thành một món đặc sản nổi tiếng của vùng chảo lửa Krông Pa.
Anh Rơ Căm Sáu, 23 tuổi, dân tộc Jrai ở buôn Chai, xã Chư Drăng chia sẻ: "Mình chỉ đi bắt kiến về cho gia đình ăn thôi, về nấu canh chua hoặc làm muối để lên rẫy ăn cơm. Đối với người Jrai ở đây, bữa cơm nào cũng có món muối kiến. Muối kiến cũng là đặc sản vùng này đấy, nhiều người trong làng đi bắt bán cho người ta để chế biến thành muối ăn bò một nắng nổi tiếng Krông Pa.
Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa cho biết: kiến vàng không có độc nên đồng bào nơi đây thường lên rừng bắt kiến về ăn. Có người còn đi bắt kiến mang bán cho các cơ sở chế biến đặc sản bò một nắng.
Tại vùng đất Krông Pa, muối kiến không chỉ là thứ gia vị dân dã có mặt trên gác bếp, trong mâm cơm của mỗi gia đình của đồng bào DTTS. Từ một thức chấm dân dã được đồng bào sáng chế ra trong những ngày đói khổ, giờ đã trở thành món quà địa phương, mang đậm nét vùng miền trong lòng mỗi vị khách ghé thăm Tây Nguyên.
Theo Thùy Dung (Báo Dân tộc)
Hướng dẫn bảo quản đồng hồ đeo tay đúng cách Sử dụng đồng hồ thường xuyên, vậy bạn đã biết cách bảo quản đồng hồ đúng cách? Người ta thường có câu "Của bền tại người", chính vì vậy để đồng hồ luôn được như mới, bền bỉ thì bạn cần phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Trong bài viết này, sẽ hướng dẫn cách bảo quản đồng hồ đúng...