Thông tin mới về kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014: Sửa đổi chính sách ưu tiên
Ngày 28.12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học và bàn kế hoạch tuyển sinh năm 2014. Bộ đã công bố những chủ trương đổi mới tuyển sinh và sẽ triển khai ngay sau hội nghị.
Thi riêng, chỉ xét tuyển riêng
Loạt bài Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? đăng trên Báo Thanh Niên từ ngày 15.7 đã nêu nhiều góp ý về chế độ ưu tiên trong tuyển sinh
Bộ đã công bố dự thảo Quy định về tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, Bộ đưa ra nguyên tắc: Các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kỳ thi chung do Bộ tổ chức; chỉ tổ chức tuyển sinh tối đa 2 lần trong năm vào thời gian do Bộ quy định. Kết quả thi của thí sinh vào trường tổ chức thi tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành. Những khoa, ngành tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả kỳ thi chung. Như vậy, Bộ vẫn không thay đổi quan điểm cho phép các trường thi riêng được lấy kết quả thi chung của Bộ để xét tuyển mặc dù dư luận có nhiều ý kiến không đồng thuận với quy định này.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga một lần nữa lý giải rằng do mục đích thi riêng là để các trường lấy được thí sinh phù hợp với nhà trường mà kỳ thi 3 chung không làm được. Vì thế không thể lấy kết quả kỳ thi 3 chung để xét cùng với thí sinh thi riêng.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên bên lề hội nghị, lãnh đạo nhiều trường ĐH cũng tỏ ra băn khoăn với quy định này. Việc không cho phép thí sinh thi chung được xét tuyển vào những trường thi riêng và thí sinh thi riêng không được xét tuyển vào trường khác sẽ dẫn đến khó có thí sinh nào dám thi vào những trường tổ chức thi riêng. Điều này không phù hợp với luật Giáo dục ĐH vì luật cho phép các trường được vừa thi tuyển vừa xét tuyển. Nếu thí sinh đủ điều kiện theo yêu cầu của trường thì các trường được quyền xét tuyển.
Video đang HOT
PGS-TS Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Trong giai đoạn các trường còn thí điểm việc thi riêng thì có thể gặp khó khăn về nguồn tuyển nên cần sự hỗ trợ của Bộ”. Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên về những góp ý này, Thứ trưởng Ga vẫn khẳng định không thể cho các trường thi riêng dùng kết quả thi chung vì không đúng mục đích của thi riêng và Bộ cũng không làm sai luật vì luật quy định các trường phải theo quy chế tuyển sinh của Bộ. Sau hội nghị này, Bộ sẽ chính thức ban hành quyết định để các trường triển khai, thực hiện.
Chỉ ưu tiên những vùng khó khăn
Một điểm mới được công bố tại hội nghị là việc sửa đổi quy định ưu tiên trong tuyển sinh. Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 thì chính sách ưu tiên theo khu vực được sửa đổi theo hướng chỉ ưu tiên cho những vùng khó khăn. Cụ thể: khu vực 1, trước đây được quy định là những địa phương thuộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, trong đó có các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Hiện nay khu vực 1 được quy định là các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực 3 (xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định hiện hành.
Về đối tượng ưu tiên cũng có nhiều sửa đổi. Trước đây, công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số thì thuộc đối tượng 01 và trong nhóm ưu tiên 1. Quy định mới yêu cầu đối tượng này phải ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì mới thuộc đối tượng ưu tiên. Đặc biệt, dự thảo quy chế mới cũng bổ sung những đối tượng ưu tiên thuộc diện chính sách như: người khuyết tật, con của người bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; con của người có công giúp đỡ cách mạng…
Đối tượng được tuyển thẳng vào ĐH cũng được mở rộng theo hướng những thí sinh đoạt giải nhất – nhì – ba trong hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ tổ chức cũng được tuyển thẳng vào ĐH. Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong hội thi này thì được tuyển thẳng vào CĐ.
Không để thí sinh bị thiệt thòi
Đến dự và phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo là phải thay đổi căn bản, quyết liệt nhưng giáo dục liên quan đến tương lai của nhiều người và tương lai của dân tộc nên phải bình tĩnh và hết sức khoa học. Việc đổi mới thi tuyển vào ĐH phải xem xét thận trọng. Trước mắt tuyển sinh liên quan đến mọi gia đình nên Bộ GD-ĐT phải sẵn sàng lắng nghe. Đổi mới nhưng không để thí sinh bị thiệt thòi. Những người xứng đáng phải được lựa chọn”. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Thi cử là khâu đột phá nhưng phải làm đồng bộ. Làm sao sản phẩm của giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng phải là đội ngũ lao động có đủ kiến thức chuyên môn và kỹ năng sống để trở thành một công dân tốt của Việt Nam và toàn cầu. Tất cả việc đổi mới phải hướng tới hội nhập quốc tế”.
Theo TNO
Thi riêng không cần theo khối
Tại buổi đối thoại trực tuyến về tuyển sinh năm 2014 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 26.12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định sẽ thực hiện một số quy định về tuyển sinh riêng trong năm 2014.
Lãnh đạo Bộ kỳ vọng thi riêng theo kiểu mới sẽ tránh được những tiêu cực như luyện thi tràn lan - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Không ra đề theo kiểu cũ
Trước những lo lắng của xã hội về việc nếu để các trường thi riêng thì sẽ lặp lại các tiêu cực về luyện thi, ôn thi như trước đây, Thứ trưởng Ga cho biết: "Nếu các trường tổ chức thi riêng thì phải có cách tuyển sinh khác với việc thi riêng như trước đây và phải khác với kỳ thi 3 chung hiện nay". Theo ông Ga, thi 3 chung (chung đợt, chung đề, sử dụng chung kết quả) cũng chỉ là kiểm tra kiến thức chứ không đánh giá được năng lực của người học. Vì thế khi thi riêng, các trường phải hướng đến việc kiểm tra năng lực, không lặp lại cách thi trước đây nên xã hội không phải lo lắng sẽ xảy ra những tiêu cực như quá khứ.
Thứ trưởng Ga nói: "Chúng ta đi một con đường khác không giống trước đây. Các trường phải nghĩ ra cách thi, đề thi để việc ôn thi không còn ý nghĩa nữa. Ví dụ thi kiến thức tổng hợp thì thí sinh không thể ôn thi một vài môn và không nhất thiết phải học thuộc lòng". Ông Ga nhấn mạnh: "Nếu các trường thi theo kiểu cũ thì không nên thi riêng. Chúng ta phải thay đổi căn cơ. Trong tương lai, Bộ chỉ lo quản lý nhà nước, không dính dáng đến chuyên môn nên không làm đề thi nữa. Các trường có thể đề nghị tổ chức nào đó ra đề và các trường có thể sử dụng chung. Hiện cả nước đã có 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Các trung tâm này có thể sẽ cung cấp đề thi tổng quát để các trường dùng. Việc ra đề sẽ giao cho các tổ chức độc lập làm. Bộ chỉ là cơ quan kiểm tra giám sát".
Tự chọn môn thi
Thứ trưởng Ga cũng cho biết các trường tuyển sinh riêng được tự chọn môn thi và cách đánh giá thí sinh, Bộ không quy định khối thi và môn thi. Các trường có thể ra đề thi theo hướng chọn được những thí sinh có sở trường về một lĩnh vực nào đó. Đây là việc mà đề thi 3 chung không làm được. Vì vậy sẽ là cơ hội cho những thí sinh có năng lực phù hợp. Ví dụ thí sinh chỉ giỏi mỗi môn toán, có thể chọn trường chú trọng môn này mà không phải dự thi cả môn lý và hóa như thi 3 chung. Cách thi mới sẽ đảm bảo không bỏ sót những thí sinh có năng lực phù hợp. Đây cũng là ưu điểm của việc tổ chức thi riêng khác với cách thi trong quá khứ.
Không xét tuyển chung
Tại buổi đối thoại, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) một lần nữa khẳng định những trường tổ chức tuyển sinh riêng sẽ không được dùng kết quả của kỳ thi 3 chung để xét tuyển. Ông Nghĩa giải thích: "Bộ không đồng ý với việc thi riêng nhưng vẫn lấy kết quả thi 3 chung để xét tuyển vì 2 chuẩn đánh giá khác nhau. Nếu cho sử dụng đồng thời thì sẽ không đảm bảo công bằng cho thí sinh. Việc Bộ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường không phải để các trường tuyển đủ chỉ tiêu mà mục đích là để các trường tìm ra cách tuyển sinh tốt hơn hiện nay".
Có nhiều ý kiến cho rằng nếu Bộ không cho các trường thi riêng xét tuyển chung thì thí sinh sẽ mất cơ hội xét tuyển. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho hay: "Thí sinh thi riêng sẽ không được xét tuyển vào trường khác nhưng cơ hội vào đại học sẽ nhiều hơn. Năm 2014, Bộ vẫn tổ chức thi chung bên cạnh trường thi riêng nên thí sinh có cơ hội thi nhiều lần và xác suất đậu sẽ cao hơn". Ông Trần Văn Nghĩa giải thích rằng điểm yếu của thi riêng là không dùng chung kết quả được nhưng Bộ cho phép các trường được thi 2 lần trong năm, vì vậy thí sinh có 2 cơ hội đăng ký tuyển sinh. Bộ cũng cho phép các trường thi theo nhóm và dùng chung kết quả nên thí sinh vẫn có cơ hội xét tuyển vào trường thi theo nhóm.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định như vậy mâu thuẫn với luật Giáo dục đại học. Thứ trưởng Ga lý giải: "Mục đích của việc thi riêng là để tìm thí sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu đào tạo của nhà trường mà khi thi theo 3 chung trường không làm được. Vì vậy, các trường thi riêng không thể lấy nguồn tuyển của 3 chung để lắp một phần vào tuyển với những thí sinh thi riêng. Như vậy sẽ không đúng ý nghĩa tuyển sinh riêng. Các trường cần hiểu rõ bản chất của thi riêng chứ Bộ không gây khó khăn cho các trường".
Theo TNO
Từ chối tuyển sinh riêng Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo quy định về tự chủ trong tuyển sinh ĐH và CĐ, đại diện một số trường ĐH cho biết đã từ bỏ ý định sẽ tổ chức kỳ tuyển sinh riêng vào năm 2014. Nhiều trường ngoài công lập ban đầu có ý định tuyển sinh riêng, giờ để an toàn, tránh tình trạng không...