Thơm ngọt hủ tíu Sa Đéc
Ngoài thương hiệu hủ tíu Mỹ Tho, vùng đất chín rồng cũng tồn tại một thương hiệu hủ tíu khác làm mê đắm lòng người – hủ tíu Sa Đéc.
Tọa lạc trên đường Lữ Gia, tấm bảng hiệu hủ tíu Sa Đéc to và trội hơn so với không gian quán khiến không ít người tò mò lẫn ngạc nhiên về thương hiệu hủ tíu Việt thứ hai của vựa lúa lớn nhất nước. Đó là lý do nhiều người sau khi đi ngang phải quay xe lại để thưởng thức cũng như nghe tiếng cười vui vẻ của các cô gái bàn đối diện khi người chủ quán hỏi: “Có đúng vị hủ tíu Sa Đéc không?”.
Về ngoại hình, tô hủ tíu Sa Đéc so với “người anh em” không quá khác biệt, như nước dùng trong vắt, phần thịt cũng không đáng kể, song khi đảo nhẹ đũa thì không khó để phát hiện sự khác biệt giữa hai loại hủ tíu này.
Đầu tiên là sợi hủ tíu. Nếu sợi hủ tíu Mỹ Tho nổi bật với cọng nhỏ, thanh mảnh, vị trắng thường thấy thì sợi bánh hủ tíu Sa Đéc lại “ghi điểm” với cọng to, có màu trắng sữa như những hạt gạo. Tạo hình đã lạ, khi thưởng thức còn lạ hơn với cảm giác dai mềm, hơi giòn cùng cái vị ngọt đọng lại khiến người ta không nghĩ đến việc dừng đũa. Đặc biệt là khi những cọng hủ tíu ấy được ướp hương bởi những miếng hành phi giòn tan, béo ngậy.
Nước dùng của loại hủ tíu này cũng cho cảm giác khác hẳn. Nó không có vị ngọt nhờ được tăng cường các nguyên phụ liệu đi kèm hay do mì chính mà là cái ngọt đậm của loại nước được hầm 100% từ xương heo. Như thế, chỉ riêng về nước dùng, món ăn này đã sở hữu một trong những loại nước dùng “vua”, lại kết hợp cùng những cọng bánh hủ tíu tươi ngon khiến không một người nào nỡ để sót dù là muỗng nước hay sợi cuối cùng. Song không chỉ đơn giản như thế, nước dùng của món ăn này còn ghi dấu ở độ trong vắt cùng kỹ thuật chế biến sao cho chất lượng, mùi vị từ tô mở hàng đến tô cuối cùng gần như đồng bộ.
Phần thịt đi kèm của loại hủ tíu không có thịt bằm béo mềm mà chỉ đơn giản là miếng phèo non cắt vừa, lát tim heo, lát thịt nạc không mỏng không dày. Tuy nhiên ấn tượng rõ nét nhất là các loại nguyên liệu này trong tô hủ tíu Sa Đéc đậm vị hơn và dễ cảm nhận hơn.
Video đang HOT
Hủ tíu Sa Đéc ghi dấu với nước dùng trong veo
Và những sợi hủ tíu màu trắng sữa có kích thước vượt trội các loại hủ tíu khác.
Rau ăn kèm khá đơn giản.
Một thành phần không thể thiếu của hủ tíu Sa Đéc khiến những người con xa quê luôn nhớ trong lòng là keo tỏi, ớt hiểm ngâm giấm. Vị chua, cái giòn, cái cay, độ nồng tỏi, ớt giúp món ăn thanh ngọt và tròn vị hơn hẳn.
Ngoài hủ tíu nước, quán cũng phục vụ hủ tíu khô, bánh canh Sa Đéc với các vị như tôm, thịt, lòng hay thập cẩm với giá từ 20.000 – 30.000 đồng/tô. Quán bán từ 7h – 21h các ngày trong tuần.
Địa chỉ: Hủ tíu Sa Đéc, số 4 lô 1 khu nhà ở Phú Thọ, đường Lữ Gia, P. 15, Q. 11, TP. HCM.
AN HUỲNH
Theo Infonet
Chả cua đồng Sa Đéc
Nhón một miếng bánh phồng tôm chiên, và dùng muỗng múc một ít chả cua đồng cặp vào bánh phồng đưa lên miệng nhai chậm rãi. Vị ngọt, mềm mại và thơm của rêu cua hòa lẫn với vị béo của bánh phồng chiên giòn tan trong miệng... thật khó quên.
Cua đồng vốn là món dân dã, nhưng ngày nay đã được các nghệ nhân ẩm thực nâng lên tầm cao mới, trở thành nhiều món đặc sản khó quên như: cua đồng rang muối, rang me, nấu canh bồ ngót, nấu canh chua bắp chuối, lẩu cua đồng..v.v..., nhưng đặc biệt gây ấn tượng với tôi trong dịp tham quan Sa Đéc (Đồng Tháp), đó là chả cua đồng.
Để làm món này, trước hết bạn phải làm sạch cua. Tách bỏ mai, yếm, chỉ giữ phần thân, ngoe, càng, rửa nước lạnh vài lần cho sạch, để ráo. Sau đó, cho cua vào máy quay sinh tố với nửa muỗng muối bọt cùng một ít nước xay nhuyễn. Đổ thịt cua đã xay nhuyễn vào thau khuấy đều cùng với nước, cho vào vợt lược bỏ xác (khoảng 3 lần nước) đến khi nước cua hơi trong thì thôi. Sau cùng, cho nước cua vào nồi, bắc lên bếp nấu sôi.
Chừng vài phút sau, dùng vá nhẹ tay sơ đều và hớt bọt để riêu không bị dính dưới đáy nồi. Điều chỉnh lửa liu riu (tránh bị trào), cho đến khi từng mảng riêu cua nổi lên, dùng vợt lược hớt riêu cua ra tô, để ráo. Đập 1 trứng vịt cho vào tô, dùng đũa đánh trứng hòa tan, để sẵn.
Bắc chảo lên bếp phi mỡ (dầu) tỏi, đầu hành lá xắt nhuyễn cho thơm, đổ riêu cua, trứng vịt cùng gia vị (bột nêm bột ngọt) cho vừa khẩu vị vào xào chín, nhắc xuống, múc ra dĩa, thế là xong!
Để cho món ăn phong phú, đậm đà hương vị, nhớ cho vào vài nhúm đậu phộng rang giã giập, cũng như rau sống (dưa leo, cà chua) xắt miếng. Món này phải ăn kèm với bánh phồng tôm chiên (hoặc bánh tráng mè nướng) mới "đúng bài"!....
Thịt, cá, tôm ăn hoài cũng ngán. Vậy, trong một ngày nghỉ cuối tuần rãnh rỗi, mời bạn xuống Sa Đéc - quê tôi - thưởng thức món chả cua đồng xúc bánh phồng tôm chiên thật lạ, và hấp dẫn.
Dùng tay "nhón" lấy miếng bánh phồng tôm chiên, và dùng muỗng múc một ít chả cua đồng cặp vào bánh phồng đưa lên miệng nhai chậm rãi. Vị ngọt, mềm mại và thơm của rêu cua hòa lẫn với vị béo của bánh phồng chiên giòn tan trong miệng, thêm một cốc bia lạnh vào nữa, tôi đoan chắc bạn sẽ không thể nào quên được món ăn dân dã của quê hương miền Tây yên ả, thanh bình và mến khách này!...
Theo VNE
8 món ăn vặt nổi danh Sài Gòn Những lúc đói lòng, không khó để ta tìm một quán ven đường, sà vào thưởng thức bột chiên, hoặc há cáo, hay súp cua... 1. Bột chiên Đĩa bột chiên có màu vàng của bột chiên, màu đỏ của lòng đỏ, màu trắng của lòng trắng trứng. Ngoài ra còn được trang trí màu đỏ của tương ớt, màu trắng hồng của...