Thơm ngon chén đậu hũ xứ Huế
Với người Huế, chén đậu hũ không chỉ là món ăn, mà còn là ký ức của bao thế hệ. Đơn giản như vậy, món ăn này chứa đựng một hương vị khó quên, nóng hổi, thơm nồng…
Người dân xứ Huế may mắn khi được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất của thiên đường ẩm thực với nhiều món ăn bình dân cho đến cung đình cao sang.
Thưởng thức chén đậu hũ thơm ngon. Ảnh: Dương Phương Thảo.
Giữa thiên đường ẩm thực ấy, người dân Huế làm sao quên được một món ăn gắn liền với tuổi thơ, ngay từ những ngày còn bé bỏng. Đó là chén đậu hũ. Tiếng “đậu hũ” nghe thật thân thương, ở địa phương khác gọi là tàu hủ, tào phớ.
Đậu hũ từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc và giản dị nhưng hết sức được ưa chuộng của người dân Thừa Thiên Huế từ người lớn cho đến trẻ nhỏ.
Không chỉ là món ăn cho thỏa cơn thèm, đây còn là món ăn tốt cho sức khỏe, lành tính, có hương vị thơm ngon và hấp dẫn dạ dày của biết bao thực khách, kể cả du khách phương xa ghé thăm Huế.
Lâu nay, đậu hũ ở Cố đô Huế thường được các mệ, các o gánh trên vai di chuyển dọc các con đường để bán cho người dân có nhu cầu thưởng thức món ngon này.
Gánh đậu hũ cạnh chùa Thiên Mụ. Ảnh: Lê Quang Thắng (BINA).
Gánh đậu hũ ở địa phương này thường được chia làm hai đầu. Một đầu có thùng gỗ được ngăn làm 3 tầng nhỏ, tầng trên bỏ các chiếc chén ngay ngắn, tầng hai bỏ đường và muỗng, tầng cuối là thau nước rửa có lá dứa và chanh. Còn gánh đầu kia là chum đậu hũ.
Khác với đậu hũ của các địa phương khác, đậu hũ ở Huế lúc nào cũng nóng hổi, vì chiếc chum bằng sành được bọc lớp xốp và ni lông bên ngoài để giữ đậu luôn được nóng.
Video đang HOT
Một chén đậu hũ gồm có những lát đậu non, muỗng đường cát, ít chanh và gừng giã nhuyễn. Người ăn chỉ cần trộn tan xong đường, chén đậu hũ vẫn chưa nguội. Khi cho đậu hũ vào miệng thưởng thức, lát đậu hủ tan trong miệng, vị ngọt của đường, vị thơm của chanh gừng kết hợp ngon đến khó tả.
Những năm trở lại đây, đông đảo du khách khi ghé thăm Huế đều không quên dừng chân bên chùa Thiên Mụ viếng cảnh ngôi chùa nổi tiếng xứ Huế, rồi ghé cạnh đó thưởng thức chén đậu hũ, ngắm vẻ đẹp sông Hương, núi Ngự.
Các du khách thưởng thức món đậu hũ. Ảnh: Hà Anh Quân.
Du khách Hà Anh Quân (26 tuổi, đến từ Hà Nội) cho hay: “Địa điểm đầu tiên chúng mình đến tham quan ở Huế là chùa Thiên Mụ. Tại đây, khung cảnh siêu đẹp, đối diện chùa còn có hàng tào phớ (đậu hũ) nổi tiếng. Tào phớ nóng hổi, thơm mùi gừng và nước đường…”.
Mỗi chén đậu hũ thơm ngon, ngọt lịm được bán với giá không thể rẻ hơn, làm hài lòng du khách gần xa.
Thưởng thức món ngon và ngắm cảnh đẹp xứ Huế. Ảnh: Lê Quang Thắng (BINA).
Không chỉ được thưởng thức chén đậu hũ thơm ngon, du khách còn được trò chuyện cùng những dì bánh đậu hũ. Họ nhiệt tình, thân thiện giải đáp những thắc mắc của du khách về các điểm du lịch ở Huế…
Chén đậu hũ gắn liền với đời sống người dân xứ Huế. Để rồi, khi xa quê, rời xa mảnh đất Cố đô thân yêu, người Huế nhớ da diết gánh đậu hũ, nhất là trong tiết trời se lạnh lại thèm chén đậu hũ nóng hổi của quê nhà.
Bánh ép - món ăn vặt siêu hấp dẫn ở cố đô, đi Huế mà không thử là tiếc hùi hụi
Bánh ép là món ăn vặt hấp dẫn ở cố đô. Nếu như Đà Lạt được biết đến với món ăn đường phố nổi tiếng là bánh tráng nướng, thì ở Huế cũng có một đặc sản tương tự có tên bánh ép. Tuy có vẻ ngoài khá tương đồng nhưng thực chất cả mùi vị lẫn cách chế biến của hai món ăn này hoàn toàn khác biệt.
Dẫu vậy, sự thơm ngon và gây "nghiện" ở cả hai món ăn chơi này chính là điểm chung thu hút bao du khách tìm kiếm và ăn thử cho bằng được.
Bánh ép là món ăn vặt không thể bỏ qua khi đến Huế. (Ảnh: nhinhioi_)
Chiếc bánh dẹp và nhỏ nhưng chứa đầy những trải nghiệm ẩm thực đặc biệt, từ độ dai dai của bánh, mùi thơm của hành lá, thịt, trứng hòa cùng cái giòn giòn, thanh thanh của rau sống ăn kèm.
Những chiếc bánh nhỏ nhắn nhưng đầy thơm ngon và cực gây "nghiện". (Ảnh: bachuaviahe)
Ngay từ cái tên, người ta cũng đã phần nào hình dung được về cách thức làm ra món bánh ép. Những chiếc bánh đều được làm thủ công trên những chiếc khuôn gang phả hơi nóng từ bếp than đỏ rực ở dưới.
Sở dĩ gọi là bánh ép vì bánh được chế biến bằng cách ép trên chiếc khuôn gang. (Ảnh: quangvinh_nv)
Nguyên liệu làm bánh khá đơn giản, bao gồm bột lọc, thịt heo, trứng, hành lá... Những viên bột nhỏ được vo sẵn điểm thêm ít thịt heo rim đặt vào giữa hai tấm gang nóng rực, đóng lại ép trong khoảng 5 - 6 giây. Sau đó, người bán sẽ mở khuôn, đập thêm vào quả trứng rồi tiếp tục ép thêm vài giây nữa. Trong quá trình ép bánh, khuôn sẽ được lật trở khoảng vài lần để bánh được chín đều.
Những chiếc bánh được ép dẹp với phần nhân là bột lọc, trứng, thịt. (Ảnh: thuong_1096)
Nguyên liệu đơn giản nhưng quá trình ép bánh cũng khá mất thời gian, mà nếu làm sẵn thì sẽ mất đi độ nóng giòn, giảm vị ngon của bánh, vì vậy để thưởng thức được một chiếc bánh ép chất lượng, thực khách phải kiên nhẫn chờ đợi.
Bánh ép ngon nhất khi vừa ra lò. (Ảnh: homecookingdaily)
Nhưng chỉ với một chiếc bánh ép vừa ra lò, nóng hổi thôi chưa đủ, cần phải có một chén nước chấm chuẩn vị nữa thì bữa ăn mới trọn vẹn. Quá trình thưởng thức bánh ép có ngon không còn phụ thuộc không ít vào những chén nước chấm.
Nước chấm ngon cũng là một thành phần không thể thiếu. (Ảnh: thuong_1096)
Tùy vào mỗi hàng quán mà lại có những cách thức pha nước chấm khác nhau, có nơi dùng nước mắm chua ngọt kèm tỏi ớt, chỗ khác lại sử dụng mắm trộn tương ớt hoặc ớt chưng. Nhưng điểm chung chính là không thể thiếu cái vị cay nồng của ớt để tăng thêm phần kích thích vị giác.
Miếng bánh ép với vỏ ngoài giòn dai và phần nhân béo thơm vị trứng, thịt. (Ảnh: tyboohuechi)
Bánh ép truyền thống chỉ có bột lọc, trứng ăn kèm rau sống, nhưng ngày nay để phục vụ thị hiếu của thực khách, nhiều phiên bản biến tấu khác như thêm tôm, pate, xúc xích... được ra đời, tăng thêm phần hấp dẫn cho những chiếc bánh.
Bánh khoái cá kình ngon lạ ở Huế: Khách tự mua nguyên liệu, giá chỉ vài ngàn đồng Món ăn này được kết hợp từ một thứ bánh dân dã với loài cá đặc trưng, bổ dưỡng của vùng đầm Chuồn nơi cố đô, mang đến hương vị vừa lạ vừa quen, hấp dẫn du khách ngay lần đầu thưởng thức. Đầm Chuồn (hay còn gọi đầm Cầu Hai, thuộc hệ thống phá Tam Giang) nằm ở làng An Truyền, xã...