Thời tiết bất thường ảnh hưởng lớn đến năng suất nông sản
Biến động thời tiết ( nắng hạn, mưa trái mùa đan xen) từ trước Tết Nguyên đán 2022 đến nay đã tác động mạnh đến cây trồng và năng suất cây trồng ở khu vực Đông Nam bộ như làm giảm năng suất cây điều, xoài, hồ tiêu, cà phê… khiến nhiều nông dân lo lắng.
Người dân thu hái, bán điều tại huyện biên giới Bù Gia Mập. Ảnh tư liệu: K GỬIH /TTXVN
Tổn thất lớn
Thực tế diễn biến thời tiết cho thấy, năng nóng kéo dài, mưa trái mùa, mưa cường độ cao cục bộ ở một số nơi đã gây ảnh hưởng đến chu kì ra hoa, đậu trái của điều, tiêu. Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết, vài năm trở lại đây, cây xoài thường xuyên rơi vào cảnh mất mùa, nhất là canh tác xoài nghịch vụ. Trong vụ thu hoạch đầu năm 2022 này, năng suất xoài nghịch vụ và chính vụ đều giảm mạnh vì ảnh hưởng bởi thời tiết.
Không chỉ giảm năng suất, chất lượng trái cũng kém hơn, nhiều nhà vườn, chất lượng, mẫu mã trái không đạt chuẩn xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên liên tiếp vài vụ thu hoạch xoài trở lại đây, người trồng xoài đều vừa mất mùa, lại vừa khó tiêu thụ. Không riêng cây xoài, cây điều cũng chịu tác động lớn từ biến động thời tiết.
Vụ thu hoạch năm 2022, cây điều vào vụ trễ gần 2 tháng so với mọi năm. Nguyên nhân do mưa trái mùa xuất hiện nhiều, nhiều nơi mưa lớn ngay thời điểm điều ra hoa khiến đợt hoa đầu của các vườn điều không đậu trái hoặc không có năng suất.
Ông Nguyễn Văn Thu, nông dân trồng điều tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai chia sẻ, đợt ra hoa đầu gặp tình trạng mưa trái mùa nên hầu như cây điều không đậu trái. Người trồng điều chỉ còn kỳ vọng vào đợt hoa lần thứ 2 đạt năng suất tốt hơn. Tuy nhiên, diện tích trồng điều ở địa phương đang giảm mạnh vì lợi nhuận của cây trồng này ngày càng thấp; trong đó có nguyên nhân mất mùa do thời tiết.
Không riêng nông dân tỉnh Đồng Nai chịu cảnh mất mùa, nông dân trồng điều của tỉnh Bình Phước cũng đang gặp nhiều khó khăn vì cây điều giảm năng suất. Tại huyện biên giới Bù Gia Mập, địa bàn có diện tích điều lớn của tỉnh Bình Phước, nhiều hộ dân đang tất bật thu hoạch điều đầu vụ. Tuy nhiên, mưa liên tục, xuất hiện sương mù, sâu bệnh gây hại khiến người trồng điều thấp thỏm.
Anh Điểu Ken, ngụ tại xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chia sẻ, nhà anh sản xuất 4 ha điều. Khi vườn điều đang ra hoa đợt 2, lại gặp phải những cơn mưa trái mùa liên tục, bông điều khô, không đậu trái khiến anh Ken lo lắng. Vườn điều của anh Ken đã 20 năm tuổi, đối diện với thời tiết bất thường nên anh chủ động phun thuốc 2 lần để giúp cây điều khỏe mạnh, chống chịu được sâu bệnh, nhưng cây điều vẫn không đủ sức chống chịu với thời tiết này. Không những vậy, khi cây điều gặp mưa trái mùa, gặp sâu bệnh khiến cho chất lượng điều tươi giảm, giá thu mua cũng giảm, gây tổn thất lớn cho người sản xuất.
Video đang HOT
Ảnh hưởng nguồn nguyên liệu
Phân loại hạt điều tại nhà máy của Xí nghiệp chế biến điều và nông sản thực phẩm Bình Phước (Tổng công ty Rau quả, Nông sản). Ảnh tư liệu: Đình Huệ/TTXVN
Biến động thời tiết làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, điều này cũng gây ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cung ứng cho chế biến và xuất khẩu. Nhất là đối với cây điều, diện tích sản xuất điều của cả nước vốn không đủ cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, khi sản lượng điều trong nước có nguy cơ giảm do ảnh hưởng thời tiết, thì người thiệt hại trước nhất là nông dân, sau đó là doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước cho biết, hiện doanh nghiệp đang liên kết thu mua hạt điều với một số hộ dân tại địa phương. Đây là nguồn nguyên liệu chủ yếu để chế biến ra thành sản phẩm cung cấp thị trường trong và ngoài nước. Thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng không nhỏ đến ra hoa, đậu trái. Sản lượng điều giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nguyên liệu đầu vào của công ty. Trong khi đó, công ty lại có đơn hàng nguyên liệu nhập khẩu ít, khó có thể hoàn thành các hợp đồng của nhà nhập khẩu đã kí kết trước đó, thiếu nguyên liệu sẽ khiến công ty có nguy cơ vi phạm hợp đồng với đối tác.
Còn bà Trần Thị Yên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết, với tình trạng điều mất mùa hiện nay, hợp tác xã cũng khó có thể xoay xở để hỗ trợ người trồng điều, bởi biến động thời tiết tác động đến toàn bộ các vườn điều. Trong trường hợp điều giảm năng suất, nhưng giá bán vẫn cao thì người trồng điều còn có thể gỡ hòa. Nhưng trong thời điểm này, cây điều giảm năng suất do ảnh hưởng thời tiết, giá điều tươi lại giảm 4.000 đồng/kg, nên cả hợp tác xã, các đơn vị liên kết với người trồng điều cũng khó hỗ trợ.
Hiện công suất chế biến hạt điều của cả nước đạt 1,6 triệu tấn, nhưng năng lực nguyên liệu điều cả nước đáp ứng cho xuất khẩu chỉ đạt hơn 300.000 tấn. Như vậy, số còn lại hoàn toàn nhập khẩu từ các quốc gia trồng điều khác.
Ông Tạ Quang Huyên, Phó chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam chia sẻ, hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều lớn đều phải tính toán nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp trước khi kí kết hợp đồng với nhà nhập khẩu. Với các doanh nghiệp nhiều đơn hàng xuất khẩu thì nhập khẩu nguyên liệu với số lượng lớn và trước đó thời gian dài là điều hiển nhiên, không phải chờ nguồn nguyên liệu của người trồng điều trong nước. Hiện nay, nguồn nguyên liệu điều phục vụ cho chế biến đang được dịch chuyển dần từ các nước châu Phi sang Campuchia, bởi thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng Việt Nam, dễ dàng cho hạt điều chất lượng tương đồng phục vụ cho xuất khẩu hơn.
Đối với các hộ nông dân, để thích nghi, ứng phó kịp thời, nông dân cần quan tâm chuyển đổi sang những mô hình sản xuất, ứng dụng giống mới ít bị tác động bởi thời tiết. Ngoài ra, nông dân phải trang bị kiến thức khoa học, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất để khắc phục, hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra.
Lô hàng 100 container điều xuất khẩu sang Ý có nguy cơ bị lừa, "vua tiêu" khuyến cáo làm ngay điều này
100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý trị giá hàng trăm triệu USD của các doanh nghiệp Việt Nam đang có nguy cơ bị lừa đảo.
Trong khi 5 ngân hàng thanh toán thì đang hối hả tìm hồ sơ gốc, bởi bất cứ ai có bộ hồ sơ gốc cũng có thể đến cảng "bốc" hết hàng đi.
Lô hàng 100 container điều xuất khẩu sang Ý có nguy cơ bị lừa
Tối 8/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã có văn bản hỏa tốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, Thương vụ Việt Nam tại Ý đề nghị hỗ trợ trong tình huống "khẩn cấp" khi 100 container điều xuất khẩu của các doanh nghiệp có nguy cơ bị lừa.
Cụ thể, Vinacas cho biết, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều của Việt Nam đã ký hợp đồng với một số khách hàng nhập khẩu điều Italia thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt.
Toàn bộ lô hàng trên được đóng vào 100 container, điểm đến là Cảng Genoa, Cảng LA Spezia do các hãng tàu quốc tế là Cosco, YANGMING, HMM, ONE vận chuyển. Các lô hàng này đã và đang đến một số cảng của Ý. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ của bên mua theo hướng dẫn thì bị thay đổi số Swift (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch liên ngân hàng trên toàn cầu).
100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý trị giá hàng trăm USD của các doanh nghiệp Việt Nam đang có nguy cơ bị lừa đảo. Trong ảnh: Chế biến hạt điều tại Công ty CP Hoàng Sơn 1 (Bình Phước). Ảnh: Hoàng Sơn 1.
Sau khi ngân hàng bên mua nhận chứng từ thì họ thông báo bên mua không phải khách hàng của họ và trả lại bộ chứng từ. Nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào dù phía ngân hàng Việt Nam đã nhiều lần liên hệ.
Một số khách hàng gửi hồ sơ đến ngân hàng Ý thì ngân hàng Ý trả lời: Hồ sơ họ nhận là bản photo, không phải bản gốc. Các doanh nghiệp nhận định đây là vụ lừa đảo lớn, số lượng hàng trị giá lên tới hàng trăm triệu USD.
Hiện tại, các doanh nghiệp rất lo lắng vì không biết hồ sơ gốc các lô hàng ở đâu, trong khi bất kỳ ai có hồ sơ gốc cũng có thể đến hãng vận chuyển nhận hàng.
Công văn hoả tốc của Hiệp hội Điều Việt Nam. Nguồn: Vinacas
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cũng nhận định, đây có thể là một vụ lừa đảo, các doanh nghiệp có thể bị mất hàng.
"Vụ này có dấu hiệu giống y hệt vụ lừa đảo mà Phúc Sinh đã gặp vào năm 2015. Trong cuốn sách Vượt lên những con đường kinh doanh, tôi có kể lại chuyện Phúc Sinh suýt nữa thì bị lừa mất lô hàng hạt tiêu xuất khẩu trị giá hàng chục triệu USD. Lúc đó Phúc Sinh còn non trẻ, gặp khách muốn mua lô hàng giá trị lớn nên đã bị mất cảnh giác. Vị khách hàng ngoại quốc kia đã cố gắng tìm cách đoạt lấy bộ hồ sơ gốc của chúng tôi" - ông Thông - "vua tiêu" xuất khẩu cho biết.
Trước những tình huống cấp bách này, theo ông Thông, các doanh nghiệp cần báo ngay cho các hãng tàu đề nghị dừng vận chuyển hàng, không cho khách dỡ hàng. Làm việc ngay với Thương vụ Việt Nam tại Ý, thậm chí báo cảnh sát để vào cuộc tìm hiểu, điều tra vụ việc.
Phía Vinacas cho biết cũng đã đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, Thương vụ Việt Nam tại Ý làm việc với các cơ quan thẩm quyền và hãng tàu tại Ý đề nghị các hãng tàu áp dụng biện pháp "khẩn cấp" tạm thời, nhằm giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ tới cảng.
Các hãng tàu không giải phóng hàng cho người nhận dù họ trình hồ sơ gốc mà chỉ cho phép giải phóng hàng khi có xác nhận từ công ty chủ hàng (người bán, tức các công ty Việt Nam). Mọi thông tin hãng tàu nhận được từ phía người nhận hàng phải thông báo ngay cho công ty chủ hàng.
Vinacas cho biết đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp và hãng tàu để nắm rõ thêm tình hình và sẽ tiếp tục chuyển đến những thông tin để nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ.
Gắn kết sản xuất để thu hút đầu tư vào ngành muối Chiều 21/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo Xúc tiến đầu tư và liên kết sản xuất tiêu thụ muối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ muối. Diêm dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch muối. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn,...