Thịt nấu đông
Khi ấy thèm lắm, tôi chỉ mong đến Tết để được ăn thịt nấu đông. Nhà quê làm gì có điều kiện mà thích ăn là nấu. Trong tôi vẫn nhớ như in những nồi thịt nấu đông ngày Tết. Thương nhớ một thời thiếu thốn.
Tầm 28 – 29 Tết là hợp tác xã mổ lợn chia cho các hộ xã viên. Năm nào sộp thì mỗi khẩu được cân rưởi hai cân, có năm khó khăn chỉ bảy tám lạng. Miếng thịt ngày đó quý hóa lắm, từ miếng bì trở đi cũng phải chia thật đều, từng li từng lai. Nhà tôi đông khẩu, năm nào cũng được chia trên dưới một yến thịt. Bữa trưa hôm đó là xỉ xảo lòng lịu tiết canh và nước xuýt. Cả năm mới được miếng lòng lợn. Ngon không tả được. Bọn tôi chén no mòng, xong lại trốn đi đánh khăng đánh đáo.
Phần thịt được chia ra nhiều phần, xương thì đem ninh kỹ để nấu măng miến dần. Những phần ngon, đẹp nhất được cắt sửa vuông vắn để đem đi gửi giỗ các cụ. Còn lại để làm chả Sài Gòn và để nấu đông. Nồi thịt đông khi ấy là linh hồn của ngày tết bởi thức này để được lâu. Thời tiết giá rét thì cứ đông xắn lại. Sợ nhất là gió đông, thịt nhanh bị ôi thiu. Thịt nấu đông ngon nhất là ba chỉ hoặc thịt chân giò. Tôi nhớ miếng thịt phải thái vuông vắn hoặc con chì hơi to một chút mới ngon. Đặc biệt mỗi nồi thịt nấu đông phải có một ít bì hoặc thịt tai thì nồi thịt sẽ đông hơn và ngon hơn. Gia vị cũng chả cần gì nhiều, chỉ cần hạt tiêu mộc nhĩ nấm hương, mì chính và muối trắng. Nếu cho hành củ thì thơm hơn nhưng thịt không để được lâu. Ăn vài hai bữa thì được.
Tôi thích thịt nấu đông kho lẫn thịt lợn với thịt gà thiến hoặc thịt ngan. Nhìn lớp mỡ vàng óng hấp dẫn vô cùng. Đông ăn sẽ bùi và béo hơn nhiều. Chuẩn bị xong các thức, bắc nồi thịt lên bếp. Khi sôi để lửa liu riu là đủ. Những váng thịt nên vớt sạch thì nồi thịt sẽ thơm ngon hơn nhiều. Sôi cỡ vài ba tiếng nhỏ lửa là được, đừng đun kĩ quá, thịt sẽ ra nước hết và nát, mất ngon. Nếu muốn thịt đông nhanh, khi bắc ra khỏi bếp thì sẽ ngâm nồi thịt vào thau nước lạnh. Chừng qua đêm, nồi thịt sẽ đông xắn lại, nhìn lớp mỡ đông trên nồi thịt mà chảy nước miếng.
Còn muốn gọn gàng hơn thì đong thịt ra bát tô hoặc ra khay. Khi ăn lật ngược trở lại, nom đĩa thịt đông trong suốt, xen lẫn mộc nhĩ hạt tiêu, ngon vô cùng. Khi ăn, xắt miếng thịt vuông vắn như miếng giò. Nên ăn kèm với hành củ muối, dưa chua và rau diếp rau mùi sẽ bớt ngấy hơn. Tôi chén tì tì mà chẳng biết no. Chỉ ước nồi thịt đông thật lâu hết mà thôi. Còn tí cấn nồi cũng nấu một bữa ăn với rau sống cho mát ruột.
Hết ba ngày tết, nhà nông lại hối hả ra đồng cấy hái, tát nước làm cỏ bón phân cho lúa. Câu nói cửa miệng mà mọi người chào hỏi nhau “Đã hết thịt đông chưa!”. Ôi thương nhớ vô cùng!
Thịt đông nấu theo cách này vừa ngon thơm, nhừ, trong veo, ăn ngày gió về thì cả nồi cơm bay biến
Miếng thịt đông hầm chín nhừ mềm thơm, béo ngậy được nấu cùng nấm hương, mộc nhĩ giòn giòn, thêm chút tiêu cay làm cho mùa đông miền Bắc như ấm áp hơn.
Trong mâm cỗ tết của người miền Bắc, thịt đông là món không thể thiếu. Bát thịt được xào săn cùng mộc nhĩ, nấm hương rồi ninh nhừ.
Thịt khi nhừ được đong ra bát, để thật nguội và úp ngược lại được đĩa thịt đông trong veo, điểm hoa cà rốt trên mâm cỗ Tết.
Video đang HOT
Món thịt đông khi gặp cơm nóng, thứ nước trong veo như sương tan đẫm vào cơm, đưa vào miệng đến đâu, tan biến đến đấy đã gây nghiện cho không ít người.
"Mình sinh ra và lớn lên ở một làng quê thuộc tỉnh miền Bắc. Món thịt kho đi vào kí ức và nỗi nhớ của mình là: "Thịt kho đông". Cứ đến khi thời tiết chuyển mùa, se lạnh thì mẹ lại nấu 1 nồi thịt đông kho nhừ thật to để ăn trong vài ngày.", chị Thúy Hằng đã kể về kí ức món thịt đông trên diễn đàn ẩm thực.
Thịt đông có thể nấu từ thịt lợn hoặc thịt gà, thịt ngan. Nhưng phổ biến nhất là nấu từ thịt ba chỉ lợn (thịt ba rọi), chân giò lợn.
Miếng thịt hầm chín nhừ mềm thơm, béo ngậy được nấu cùng nấm hương, mộc nhĩ giòn giòn, thêm chút tiêu cay làm cho mùa đông miền Bắc như ấm áp hơn.
Mời mọi người cùng thưởng thức món: "Thịt kho đông" của chị Vũ Thúy Hằng
Nguyên liệu:
Chân giò lợn: 1kg; Nấm hương: 50g; Mộc nhĩ: 50g; Hành tây: 1 củ; Gừng: 1 củ; Rượu trắng: 50ml; Hành tím: 2 củ; Tỏi: nửa củ; Gia vị: dầu ăn, nước mắm, bột nêm, mì chính và đường; Cà rốt để trang trí
Cách làm:
Thịt chân giò đã lọc bỏ xương, cho vào nồi nước đun sôi có cho rượu, hành tây và gừng để luộc chần cho hết hôi.
Sau khi luộc chần thì rửa sạch và cắt miếng vừa ăn (thông thường thì thịt kho đông sẽ thái miếng hơi vuông và dầy chứ không thái mỏng dẹt như thịt xào).
Ướp thịt với nước mắm, hạt nêm (trong hình là mình dùng viên súp nêm, nó cũng giống như hạt nêm của Việt Nam). Các bạn cho theo khẩu vị gia đình. Có thể thêm mì chính và đường nếu muốn. Ướp thịt khoảng 20 phút là được.
Thái 1 củ hành tím và 2 tép tỏi (thái lát to). Sau đó cho ít dầu ăn vào chảo đun nóng, cho hành tỏi vào phi thơm (chỉ cần thơm chứ không để vàng). Gắp hành tỏi ra để khi ninh thịt nước không bị vàng đục.
Cho thịt đã ướp vào dầu vừa phi hành tỏi xào cho săn, thịt ngấm đều gia vị.
Cho nước vào nồi thịt, mực nước ngập kín thịt. Mở vung đun lửa vừa cho sôi, hớt sạch bọt. Đậy kín vung và cho hầm ở lửa nhỏ khoảng 1 tiếng. Nếu nấu nhiều thì hầm lâu hơn chút.
Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, thái sợi vừa không cần nhỏ quá. Phi thơm hành, tỏi. Gắp bỏ phần hành tỏi vừa phi; cho nấm hương, mộc nhĩ thái sợi vào xào cùng. Nêm thêm chút mắm và hạt nêm. Xào lửa to, đảo đều trong khoảng 2 đến 3 phút là được.
Khi thịt chín mềm thì cho nấm hương, mộc nhĩ đã xào vào nồi. Nêm thêm gia vị cho phù hợp với khẩu vị gia đình. Cho thêm tiêu xay. Đun sôi khoảng 5 phút nữa là tắt bếp.
Thịt kho đông khi nấu xong. Thịt chín nhừ (lưu ý là thịt phải chín mềm thì khi để nguội, thịt đông lại sẽ không bị cứng). Thịt có nước xâm xấp mặt thịt, thịt kho đông sẽ có vị hơi nhạt hơn so với thịt kho thông thường.
Thịt hơi nguội thì múc thịt ra từng bát nhỏ (múc cả thịt lẫn nước). Có thể tỉa hoa cà rốt để trang trí cho bát thịt hấp dẫn hơn.
Thịt múc ra bát để thật nguội, bọc màng bọc thực phẩm kín miệng bát. Nếu nhiệt độ lạnh thì để ngoài, còn không thì có thể để tủ lạnh qua đêm để bát thịt đông chắc lại.
Thịt kho đông vị đậm vừa phải (hơi nhạt hơn so với thịt kho thường). Miếng thịt mềm béo, nhai miếng nấm hương, mộc nhĩ giòn sần sật. Nước thịt kho trong, vị tiêu xay thơm nồng.
Lấy thìa xắn 1 miếng thịt kho đông cả thịt và nước cho vào bát cơm nóng, phần nước thịt chảy tan ra hòa quyện cùng cơm nóng dẻo thơm làm bữa cơm ngày se lạnh thêm thú vị hơn, ấm áp hơn.
Món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết Món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết là gì bạn đã biết chưa? Tết sắp đến và bạn chưa biết mình sẽ phải chuẩn bị những gì để mâm cỗ Tết được đầy đủ và trọn vẹn. Hôm nay Thế Giới Ẩm Thực xin gợi ý cho các bạn có được một mâm cỗ hoàn hảo trong ngày Tết cổ truyền...