Thịt lợn tiếp tục tăng giá, cao nhất trong lịch sử
Ngày 19/5, giá lợn hơi bán ra đã tăng kỷ lục trong vòng 10 năm gần đây, người dân giảm mua vì thịt lợn quá đắt.
Giá thịt lợn hơi tiếp tục tăng phi mã trong vài ngày gần đây, lên mức 98.000 – 99.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử, vượt xa mức giá đỉnh điểm trước Tết năm ngoái.
Theo đó, giá lợn hơi tại miền Nam bán ra phổ biến ở mức từ 88.000 – 95.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn ở tại TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà mau, Trà Vinh, Đồng Nai ở mức 90.000 – 95.000 đồng/kg.
Các tỉnh đồng bằng sông Hồng có giá lợn hơi cao nhất nước, từ hôm qua đến hôm nay giá lợn dao động ở mức 91.000-99.000 đồng/kg; cá biệt, lợn ngon được bán ra với giá 100.000 đồng/kg tại Hà Nam.
Tại miền Trung và Tây Nguyên, lợn hơi có giá rẻ nhất nước, ngày 18/5 giá lợn hơi ở đà đi ngang, dao động trong khoảng từ 87.000 – 92.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn đang tăng phi mã.
Video đang HOT
Chia sẻ trên Vietnamnet, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, giá lợn hơi xuất chuồng tại Đồng Nai tăng lên mức 95.000 – 97.000 đồng/kg, ngang ngửa giá lợn hơi tại miền Bắc – khu vực luôn có giá lợn hơi cao nhất cả nước. Theo ông Đoán, đây là mức giá kỷ lục, chưa bao giờ giá lợn hơi lại cao như vậy.
Năm 2011, ngành chăn nuôi lợn bị khủng hoảng vì dịch lở mồm long móng và dịch lợn tai xanh. Trung tuần tháng 8 năm đó, giá lợn hơi cán mốc 60.000 đồng/kg, nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 1 tuần rồi hạ nhiệt.
Đến cuối năm 2019, dịch tả lợn châu Phi xảy ra dẫn đến thiếu nguồn cung, đẩy giá lợn hơi tăng dựng đứng, đạt mức 92.000 đồng/kg vào trước Tết. Còn bây giờ giá lợn hơi đã đạt mức cao nhất trong lịch sử.
“Như ngày hôm qua, tại Đồng Nai, một số trang trại thương lái sẵn sàng trả giá 100.000 đồng/kg lợn hơi nhưng vẫn khó mua”, ông nói.
Giá thịt lợn biến động ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng phải chấp nhận giảm chất lượng sản phẩm hoặc nhu cầu tiêu dùng, lựa chọn sản phẩm kém chất lượng hơn với giá rẻ, cũng như không được đảm bảo minh bạch thông tin khi không thể biết được có bao nhiêu khâu trung gian.
Trong khi đó, theo ghi nhận, giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ dân sinh dường như “không còn cửa” để tăng cao hơn, do giá thịt lợn quá cao người dân chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác, chợ bán khá chậm, giá thịt lợn dao động 140.000 – 250.000 đồng/kg.
Lý giải thực trạng này, Cao Xuân Quảng – Trưởng phòng bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) – chia sẻ trên VnExpress, khâu sản xuất kinh doanh thịt heo hiện có nhiều doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân tham gia. Ở mỗi khâu trong quy trình mổ, phân phối, lưu trữ và bảo quản thịt đều có nhóm doanh nghiệp hoặc nhóm kinh doanh sở hữu lợi thế riêng hoặc nắm giữ thị phần lớn. 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện nắm khoảng 30% thị phần trên thị trường.
“Thị trường thịt heo không biến động nhỏ lẻ mà theo dạng sóng, đồng loạt. Chúng tôi đang thu thập thông tin về việc có hay không hành vi lạm dụng, làm giá”, ông Quảng chia sẻ.
Thịt lợn giá trên trời, sao dân không dám nuôi?
Giá thịt lợn hơi và thương phẩm đang cao "ngất ngưởng" và liên tục tăng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên thời điểm này, những hộ nuôi lợn nhỏ lẻ tỏ ra rất e ngại chuyện tái đàn bởi lo ngại những rủi ro trong chăn nuôi.
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, giá lợn hơi liên tục duy trì ở mức cao, có những thời điểm lên tới 96.000đ/kg bất chấp chỉ đạo phải giảm giá của Chính phủ và các Bộ ngành trong thời gian qua. Một số chủ trại tại Hà Nội và Vĩnh Phúc cho biết trong ngày 13/5, thương lái đang thu mua ở mức 92.000 đồng/kg, thậm chí 93.000 đồng/kg đối với đàn heo đẹp.
Mặc dù giá bán một con lợn hơi có thể thu về cả chục triệu đồng, nhưng thời điểm này nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn không dám tái đàn trở lại. Chị Hồng, một hộ chăn nuôi tại Ý Yên - Nam Định cho biết năm 2019 gia đình bị thiệt hại lớn khi đầu tư chăn nuôi lợn. Theo đó, 2 đàn lợn mỗi đàn 10 con của gia đình cứ nuôi lớn đến tầm 20-25kg lại lăn ra chết không rõ nguyên nhân. Cùng với số lợn thịt, thì con lợn nái của gia đình nuôi cũng mắc bệnh và chết. Sau những thiệt hại đó, chị đã bỏ trống chuồng nuôi lợn kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Giá lợn giống ở mức cao là một trong những nguyên nhân khiến các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ e ngại trong việc tái đàn ở thời điểm này
Chị chia sẻ giá lợn hơi hiện tại giúp những người nuôi đang có lợn chuẩn bị suất bán sẽ lãi vài triệu đồng/con. Tuy nhiên việc tái đàn chăn nuôi lợn nhỏ lẻ thời gian này lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Một phần là giá lợn giống tại địa phương đang rất cao lên tới 2,5 đến 3 triệu đồng/con tầm 10 đến 12kg. Trong khi, để nuôi lợn đến xuất chuồng mất thời gian từ 4 đến 4,5 tháng nữa, chi phí thức ăn, công chăm sóc cũng là một khoản tiền lớn.
Chưa kể, suốt thời gian này người nuôi luôn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như dịch bệnh, giá lợn có thể giảm sau chuỗi ngày tăng giá liên tục. Chị cho biết, chẳng may giá lợn xuống thấp trong vài tháng tới thì người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do phải mua giống với giá cao ở thời điểm hiện tại.
Gia đình chị Êm ở gần nhà chị Hồng cũng đã bỏ trống chuồng nuôi lợn suốt vài tháng nay. Chị cho biết mỗi năm thường nuôi 2-3 lứa lợn, mỗi lứa 3-4 con để cải thiện kinh tế. Nhưng trong năm 2019, gia đình đã thua lỗ trong chăn nuôi do đàn lợn cứ tầm 30kg lại đổ bệnh và chết.
Dù khá tiếc nuối khi giá lợn hơi hiện tại đang đứng ở mức cao nhưng chị chia sẻ, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tiềm lực tài chính không nhiều, chỉ cần một lứa lợn thất thu là có thể khiến người nuôi rơi vào cảnh nợ nần. Thời điểm này, giá lợn giống đang rất cao khiến việc chăn nuôi lợn nhỏ lẻ càng chịu rủi ro lớn.
Kể từ khi dừng nuôi lợn, gia đình chị chuyển sang nuôi mấy chục con gà. Chị Êm cũng cho biết, trong thời gian tới khi giá lợn giống xuống thấp và giá lợn hơi ổn định sẽ nghĩ đến việc tiếp tục quay trở lại chăn nuôi lợn.
Gia đình chị Diệu ở cùng huyện có đàn lợn giống 11 con cũng cho biết đang tìm người bán đàn con chứ không dám để nuôi vì lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh và giá lợn hơi sau này xuống thấp. Chị thừa nhận, dù giá lợn hơi đang ở mức cao nhưng việc nuôi lợn thịt là rất vất vả. Bởi bên cạnh việc đầu tư vào chuồng trại, thì còn chi phí thức ăn, thuốc men, công chăm sóc. Trong khi bán lợn giống lúc này giá cũng khá cao nên đàn lợn 11 con của chị cũng có thể thu về số tiền khoảng 30 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn với những gia đình làm nông nghiệp và kinh tế trông cậy vào việc chăn nuôi. Chị cũng chia sẻ việc chăm sóc lợn nái mẹ nhàn hơn chăm lợn thịt rất nhiều.
Theo Báo cáo của Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào 31/12/2018). Sản lượng thịt lợn xuất chuồng quý I đạt hơn 811.000 tấn. Dự kiến quý II đạt hơn 900.000 tấn, quý III và quý IV đạt lần lượt hơn 1 triệu tấn và gần 1,1 triệu tấn và sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt lợn trong nước.
Nguồn hàng khan hiếm, giá lợn giống tăng kỷ lục Giá lợn hơi ngày đầu tuần xấp xỉ gần 100.000 đồng/kg. Lợn hơi liên tiếp tăng khiến giá lợn giống cũng theo đó tăng kỷ lục. Thị trường giá thịt lợn chứng kiến đà tăng nóng của miền Bắc ngay tại phiên đầu tuần, lên đỉnh mới 95.000 đồng/kg. Trong khi miền Trung, Tây Nguyên lại ngược chiều đi xuống. Đáng chú ý...