Thịt lợn hơi giá cao, tiểu thương rủ nhau bỏ chợ
Giá lợn hơi đã chững lại, song vẫn ở mức cao 100 nghìn đồng/kg. Sức mua giảm rõ rệt khiến buôn lái liên tiếp lỗ và rủ nhau bỏ chợ.
Thịt lợn hơi giá cao, tiểu thương rủ nhau tạm nghỉ hoặc chuyển sang bán rau, khi nào giá thịt ổn định sẽ quay lại bán
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, giá thịt lợn ngày 26/12 vẫn duy trì mức cao, ít biến động. Tuy nhiên, sức mua đã giảm rõ rệt khiến nhiều buôn lái lâu năm phải chịu lỗ liên tiếp và quyết định nghỉ chợ, chờ giá thịt bình ổn.
Chị Đỗ Thị Lan, một tiểu thương ở chợ Mỹ Đình 2 (Từ Liêm) chia sẻ, do giá tăng cao, lượng mua giảm mạnh, mặt khác, thời điểm này trong dân không có lợn để bán nên lúc nào mua được lợn ngon thì đi, không thì cũng nghỉ chợ vì không có lãi.
“Mấy ngày hôm nay giá thịt ổn định nhưng ở mức cao, không hề giảm, heo hơi vẫn ở mức 98.000-100.000 đồng/kg, thịt móc hàm 130.000 đồng/kg, sườn thăn 200.000 đồng/kg… Lượng thịt tôi bán ra giảm hẳn 50-70% so với trước, thường ngày tôi bán 150kg/ngày, nay chỉ bán 70kg/ngày vẫn bị ế “, chị Lan cho biết.
Tương tự, tại chợ Nghĩa Tân, chủ hàng thịt tên Toản cho biết anh cũng đang tính nghỉ bán vì không mua được lợn.
“Thương lái nói giá bao nhiêu thì phải lấy bấy nhiêu. Hiện, giá móc hàm nguyên con 130.000 đồng/kg… Giờ họ cũng kêu không có lợn, cũng không biết Tết có lợn để bán không. Tôi chỉ mong nhà nước có cách nào bình ổn giá chứ như thế này chúng tôi chết đói”, anh Toản nói.
Chị Hằng, một tiểu thương khác tại chợ Cổ Nhuế cũng phàn nàn cảnh đìu hiu người mua khiến chị liên tiếp lỗ trong những ngày gần đây….
Video đang HOT
“Hôm qua (25/12), tôi chỉ bán có 80 cân thịt, giảm hơn nửa, nhưng vẫn ế hơn 20kg. Hôm nay từ sáng sớm được vài khách hỏi mua, tình hình này đến trưa chắc vẫn còn cả bàn thịt. Mấy chị em đã rủ nhau nghỉ chợ vì ai cũng bán ế. Tôi còn phải vay mượn thêm 15 triệu đồng để mua gom 10 con lợn mổ thịt dần, nhưng ngày nào cũng ế, cả tuần lỗ mất 6 triệu đồng. Từ ngày mai tôi không bán thịt nữa mà bán rau, đợi tình hình xem thịt có xuống không mới dám đi bán tiếp” chị Hằng phân trần.
Giá ở siêu thị Vinmart cũng ổn định ở mốc cao, không có biến động từ đầu tuần, sườn non CP có giá cao nhất là 208.000 đồng/kg.
Tại các siêu thị, giá thịt cũng đang ổn định ở mốc cao, không có biến động từ đầu tuần. Cụ thể, tại Vinmart, thịt vai CP có giá 130.800 đồng/kg, ba chỉ CP 185.000 đồng/kg, sườn non CP 208.000 đồng/kg, nạc vai CP 192.000 đồng/kg.
Theo khảo sát, giá lợn hơi tại miền Bắc hôm nay dao động trong khoảng từ 91.000-100.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 88.000- 95.000 đồng/kg, riêng Trà Vinh đạt mức 97.000 đồng/kg.
Theo Báo Giao Thông
Thịt lợn tăng giá kỷ lục, nhiều mặt hàng cũng bắt đầu "leo" giá
Giá thịt lợn thành phẩm hiện tại là 160.000 - 180.000 đồng/kg. Mức tăng giá kỷ lục này không chỉ kéo theo giá của một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, mà người dân cũng phải "bấm bụng" chi thêm cho những bữa ăn nhanh ở các quán ăn bình dân.
Giá nhiều mặt hàng có nguyên liệu từ lợn cũng bị ảnh hưởng bởi giá thịt lợn.
Giá của nhiều mặt hàng "leo thang"
Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, khi mặt hàng thịt lợn tăng giá kỷ lục thì không chỉ riêng tiểu thương "than trời" vì khó tiêu thụ, mà giá các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn cũng tăng buộc người tiêu dùng phải "căn cơ" hơn trong chi tiêu gia đình.
Chị Lê Thị Tám (45 tuổi, quê ở Yên Lạc, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), tiểu thương ở chợ Nam Trung Yên (Cầu Giấy) cho biết, trong hơn 5 năm làm nghề bán hàng tươi sống, chưa bao giờ chị thấy giá thịt lợn tăng vọt như thời điểm nay. Chị Tám cho biết: "3h sáng, chúng tôi bắt đầu đi lấy lợn móc hàm và đưa về đến Hà Nội lúc 5h sáng để bày bán. Giá thịt móc hàm cũng bấp bênh từng ngày, có hôm tôi lấy thì giá lên 97.000 đồng/kg, có hôm thì giá 95.000 - 96.000 đồng/kg. Còn giá thịt lợn hơi ở khu vực Vĩnh Phúc thì hiện nay là 120.000 đồng/kg. Chưa bao giờ chúng tôi thấy giá cả thịt lợn tăng cao như thời điểm bây giờ. Chắc chắn, từ giờ đến thời điểm Tết Nguyên đán, giá thịt lợn không dừng lại ở mức như hiện nay mà sẽ tăng hơn nữa".
Chị Nguyễn Thị Oanh (32 tuổi, quê ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc), tiểu thương chợ Nam Trung Yên cho biết: "Thịt lợn tăng, chúng tôi bán ra cũng chậm hơn rất nhiều. Cách đây hơn tháng thì dễ bán dễ mua nhưng bây giờ thì ít người mua hơn, như thời gian trước khách hàng sẵn sàng mua cả cân ăn thì bây giờ, số mua giảm còn một nửa. Tôi nhập hàng mua cũng khó hơn. Ở quê tôi, đi đâu họ cũng nói về giá thịt lợn. Mặc dù giá bán ra cũng tương đương ở quê nhưng vào cuối buổi thì chúng tôi phải bán lỗ, bán thanh lý cho chủ các hàng cơm bình dân đến lấy. Giá đắt thì đắt từ gốc, có thể do khách hàng chưa thích nghi nên lượng mua chưa nhiều".
Cũng theo ghi nhận của PV, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng tăng giá theo thịt lợn như thịt bò tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, thịt gà tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, cá nước ngọt đều tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Việc nhiều mặt hàng tăng giá cũng khiến các sản phẩm có nguyên liệu từ thịt lợn cũng đều tăng giá.
Gian hàng bánh cuốn của bà Tâm (65 tuổi, ở chợ Nam Trung Yên, Cầu Giấy) luôn đông khách bởi mức giá mà bà Tâm bán ra chỉ khoảng 20.000 đồng/suất. Tuy nhiên, từ khi giá thịt lợn tăng, giá mua nguyên liệu để làm nhân bánh cuốn cũng không thể như trước. Bà Tâm cho biết: "Lượng thịt mua làm nhân bánh không quá nhiều nhưng giá cả tăng, trừ các chi phí cần thiết thì tôi chỉ tăng 3.000 đồng/suất bánh cuốn".
Khác với bà Tâm, chị Hằng (35 tuổi, quê ở Cao Bằng), chủ cửa hàng bánh cuốn tại phố Mạc Thái Tông (Cầu Giấy) cho biết: "Nước chấm của bánh cuốn vùng cao là phải có nước cốt xương hầm nên việc mua nguyên liệu không chỉ dừng lại ở thịt xay làm nhân bánh, mà chúng tôi phải mua cả xương ống để hầm làm nước chấm". Theo chị Hằng, vì giá cả mặt hàng thịt lợn tăng cao nên cửa hàng bánh cuốn đặc sản vùng cao của chị Hằng tăng giá 5.000 đồng/suất.
Người tiêu dùng "bấm bụng", căn cơ chi tiêu
Giá thịt lợn tăng khiến thịt lợn bán chậm hơn.
Giá thịt lợn tăng kỷ lục, kéo theo giá của các mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc, nguyên liệu từ thịt lợn cũng leo thang. Việc giá cả đua nhau tăng khiến người nội trợ buộc phải căn cơ chi tiêu cho các bữa ăn gia đình.
Bà Tấm (54 tuổi, ở Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết, gia đình bà có 5 thành viên, do con dâu vừa ở cữ nên bữa ăn của gia đình không thể thiếu các món ăn chứa nhiều đạm như: Thịt lợn, thịt gà, thịt bò... Bà Tấm cho biết: "Con dâu ở cữ không phải ăn gì cũng được, bữa ăn cũng phải có món thịt nào đó. Dù giá thịt tăng, gia đình tôi vẫn phải căn cơ chi tiêu gia đình để con dâu đảm bảo nguồn sữa cho cháu bé".
Theo Bộ Công thương, nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng giá là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019 và lan rộng đến cuối tháng 6, sau đó bùng phát trên phạm vi toàn quốc. Số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vaccine chống dịch nên đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay).
Việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn.
Ngoài ra, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng thì một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn.
Theo Bộ Công thương, trong thời gian tới, do dịch tả lợn châu Phi đã qua giai đoạn đỉnh, tình hình dịch bệnh và số lượng lợn bị bệnh, tiêu hủy đã giảm dần nên đã có một số nơi được phép tái đàn trở lại. Đồng thời, với giá thịt lợn cao cũng khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, do vậy cũng sẽ giúp bù đắp một phần thiếu hụt trong thời gian tới. Ngoài ra, do giá thịt lợn trong nước đang ở mức cao nên các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẽ nhập khẩu thịt lợn an toàn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ giảm áp lực cho nguồn cung trong nước. Bộ Công thương dự báo nhu cầu thiếu thịt lợn cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 vào khoảng 600.000 tấn.
Theo Gia đình & Xã hội
Giá thịt lợn tăng mạnh, tim lên đến 305.000VND/kg và đây là "báo giá" thịt để chị em tham khảo trước khi đi chợ Giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng điên cuồng và theo nhiều người dự đoán tình hình vẫn tiếp diễn khi nhu cầu tiêu dùng cao điểm cuối năm đang đến. Gần 50 ngày kể từ khi giá thịt lợn bắt đầu tăng và tới hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Người tiêu dùng đang đứng trước cơn "bão" giá...