Thiên đường cho đại gia bị truy nã
Tẩu thoát ra nước ngoài, với hy vọng được sống an nhàn, trở thành chọn lựa của không ít tội phạm giàu có.
Ngôi nhà trong ảnh được cho là cơ ngơi của ông Trương Thự Quang tại Mỹ – Ảnh: The Los Angeles Times
Đối với những nhân vật giàu có và từng mang nhiều đặc quyền thì việc phải chịu án tù là điều không thể chấp nhận được. Vì thế, khi đối mặt với nguy cơ bị pháp luật sờ gáy, họ nhanh chóng tìm đường đào thoát đến nước khác. Hầu hết, những đối tượng này thường tìm cách chạy đến những quốc gia có ít quan hệ hợp tác dẫn độ tội phạm với nước đang truy tố họ.
Video đang HOT
Bảng phong thần của Forbes
Là một ấn phẩm nổi tiếng về giới doanh nhân, tạp chí Forbes cũng từng điểm mặt những nhân vật giàu có, đình đám phạm tội đang lẩn trốn tại nước ngoài. Theo đó, những nước được các đại gia này chọn làm “bãi đáp” cũng khá đa dạng, trải rộng trên khắp thế giới. Trong số này, Thụy Sĩ vẫn được đánh giá như một “điểm đến truyền thống” cho giới tội phạm đại gia, đây từng là chọn lựa của doanh nhân Marc Rich. Vào năm 1983, ông Rich, lúc bấy giờ đang ở Thụy Sĩ, đã bị công tố viên liên bang Mỹ kêu án nhiều năm tù vì tội trốn thuế và kinh doanh bất hợp pháp với Iran. Khi đó, doanh nhân này ở lại Thụy Sĩ vì những hạn chế trong các hiệp ước dẫn độ giữa nước này với Mỹ có thể giúp ông không phải chịu án. Cứ như thế, ông Rich ung dung sinh sống tại Thụy Sĩ đến năm 2001, sau khi được Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton ra lệnh ân xá.
Chẳng lý tưởng như châu Âu nhưng nhiều quốc gia Mỹ La Tinh, Nam Mỹ hay châu Phi vẫn có thể là địa điểm trú ngụ cho giới tội phạm giàu có. Trong số các đại gia tìm đến Mỹ La Tinh để nương náu, doanh nhân Robert Vesco (Mỹ) là nhân vật gây nhiều ấn tượng khi tìm cách mua một hòn đảo riêng để thiết lập quốc gia tự trị, theo tờ The New York Times. Năm 1973, ông này đào thoát sang Costa Rica để tránh bị Mỹ tuyên án vì tội biển thủ 200 triệu USD trong một số quỹ đầu tư.
Đến Costa Rica, “đại gia” Vesco không ngại chi hàng triệu USD để chính quyền nước này ban hành một đạo luật riêng không cho phép dẫn độ ông về Mỹ. Năm 1978, sau khi tổng thống mới lên nắm quyền tại Costa Rica, đạo luật trên bị bãi bỏ nên ông Vesco liền chuyển đến Bahamas rồi quốc đảo Antigua và Barbuda ở vùng Caribe. Tại Antigua và Barbuda, “đại gia” Vesco nỗ lực mua một đảo riêng nhằm thiết lập quốc gia tự trị để đảm bảo không bao giờ bị dẫn độ về Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực trên của ông Vesco đã thất bại. Có nhận xét vui cho rằng nếu ông Vesco thành công thì thế giới đã có thêm một quốc gia dành riêng cho tội phạm bị truy nã. Đến nay, một số đảo quốc tại Caribe vẫn được xem là thiên đường cho các “đại gia” trốn lệnh truy nã.
Lo đường dài
Những năm qua, không ít quan chức, doanh nhân Trung Quốc đào thoát đến phương Tây để trốn án ở nước nhà với sự chuẩn bị khá bài bản. Gần đây, cựu Cục trưởng Cục Vận tải Trung Quốc Trương Thự Quang bị phát hiện sở hữu một căn hộ trị giá 840.000 USD (17 tỉ đồng) tại Los Angeles (Mỹ), theo tờ The Detroit Free Press. Mọi việc chỉ vỡ lở sau nhiều tháng chính quyền Trung Quốc điều tra về tham nhũng trong ngành đường sắt nước này dẫn đến thất thoát gây nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng hồi năm ngoái. Cách đây vài tháng, khi cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cách chức, nhiều thông tin cho rằng vợ của ông đã sớm chuyển hơn 1 tỉ USD tài sản sang Singapore và Anh để làm “đường hậu”.
Việc mua nhà, chuyển tài sản sang nước ngoài để lo sẵn đường thoát thân là cách thức mà nhiều quan chức Trung Quốc chọn lựa. Tờ The Wall Street Journal từng dẫn báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hồi năm ngoái cho biết các quan chức nước này đã chuyển hơn 123 tỉ USD tiền tham nhũng ra nước ngoài trong nhiều năm. Trong đó, Mỹ, Canada, Úc và Hà Lan là những nước được quan chức tham nhũng Trung Quốc “chọn mặt gửi vàng”.
Hoạt động của Interpol
Interpol hay còn gọi là Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (International Criminal Police Organization) được thành lập vào ngày 7.9.1923 tại Áo và trụ sở đang đóng ở Pháp. Tổ chức này hiện có 189 thành viên và Việt Nam là một trong số đó. Hoạt động chính của Interpol là liên kết lực lượng cảnh sát của các quốc gia thành viên, tập trung việc phòng chống tội phạm quốc tế gồm buôn người, rửa tiền, buôn bán ma túy, khủng bố…
Tính từ khi tham gia vào năm 1991, Interpol VN (VPI) tiếp nhận và xử lý 30.863 vụ vi phạm về kinh tế với 33.834 đối tượng; 12.714 lượt thông tin liên quan tội phạm hình sự xuyên quốc gia; 2.990 lượt thông tin về tội phạm ma túy; phối hợp bắt giữ, trao trả 200 đối tượng truy nã cho cảnh sát các nước và phối hợp cảnh sát các nước dẫn độ về VN gần 50 đối tượng truy nã toàn cầu. Hiện VN ký 17 hiệp định về dẫn độ và tương trợ tư pháp về hình sự đối với các nước.
Theo các nguyên tắc hoạt động của Interpol, đối với những nước đã ký kết hiệp định về dẫn độ và tương trợ tư pháp, việc dẫn độ được thực hiện theo quy định pháp luật của hai nước; đối với VN, thực hiện theo tinh thần của luật Tương trợ tư pháp. Đối với những nước chưa ký hiệp định về dẫn độ và tương trợ tư pháp, thì việc truy bắt tội phạm giữa các nước có thể dựa trên thỏa thuận “có đi có lại”.
Thái Sơn
Theo Thanh Niên