Thị trường thịt tết: Tăng gia cầm bù heo dịch
Lượng heo giảm do dịch thời gian qua làm mất cân đối cung cầu, nên đẩy mạnh lượng gia cầm là giải pháp tốt hiện nay, khi tết đã khá gần.
Cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác vừa đến thăm và làm việc tại một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm kiểm tra đánh giá thực trạng về dịch tả heo Châu Phi, đồng thời rà soát các nguồn cung thực phẩm cho các tháng cuối năm và dịp tết Nguyên Đán…
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đến khảo sát thực tế trại gà Tân Hiệp Phát, Khu Quảng Ngãi, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành (Đồng Nai).
Theo Cục chăn nuôi, thịt heo hiện diện khoảng 80% trong bữa cơm hàng ngày, nhưng trong bối cảnh dịch tả heo Châu Phi lan rộng vừa qua, số lượng đàn heo trong nước sụt giảm, nên giá thịt heo tăng cao. Trước thực tế này, ngành chăn nuôi đang hướng tới tăng đàn gia cầm, gia súc khác để bù phần nào cho đàn heo, trong lúc dịch chưa có vacxin điều trị.
Năm 2018, tổng đàn heo cả nước có trên 28 triệu con, riêng đàn heo nái gần 4 triệu con, sản lượng 3,82 triệu tấn thịt. Do tình hình dịch tả heo Châu Phi diễn biến rất phức tạp thời gian qua, đàn heo đã giảm 5,5 triệu con, gây mất cân đối cung cầu. Hiện ngành chăn nuôi đang tái cơ cấu, theo hướng chuyển dịch phát triển đàn gia cầm để tăng nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Từ đầu năm 2019 đến nay, chăn nuôi gia cầm tăng trưởng 10%, dự kiến những tháng cuối năm tăng trưởng được 13%. Tổng sản lượng thịt gia cầm chiếm 17 – 19% so với tổng sản lượng thịt các loại, tăng trưởng bình quân qua 3 năm đạt 6,83%.
Để ổn định nguồn cung thịt lợn trong dịp tết, ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: “Kế hoạch sản xuất thịt heo của năm 2019 khoảng 6 triệu con (chiếm 9 – 10% thị phần trong nước), mỗi ngày xuất ra khoảng 16 – 17 ngàn con heo, nhằm ổn định giá thị trường trong cả nước. Đồng thời, từ nay đến Tết Nguyên đán, C.P muốn giữ ổn định thị trường thịt heo với giá 69,5 nghìn đồng/kg; đồng thời triển khai 1.700 điểm bán thực phẩm bình ổn giá trên toàn quốc, đảm bảo nguồn thịt heo chất lượng đến tận tay người tiêu dùng”.
Theo ông Huy, năm 2020, kế hoạch của C.P sẽ tăng lượng gia cầm lên khoảng 10% và thực hiện các biện pháp kỹ thuật nuôi an toàn sinh học. Tuy nhiên, các bộ, ngành cũng cần kiểm soát lợn xuất khẩu sang Trung Quốc; đồng thời nên khuyến cáo người chăn nuôi kéo dài thời gian nuôi, đây là giải pháp tăng sản lượng thịt nhanh nhất.
Video đang HOT
Đàn gà của Công ty C.P Việt Nam chuẩn bị xuất chuồng.
Ông Trần Văn Quang, Chi Cục trưởng Chi cục chăn nuôi Thú y tỉnh Đồng Nai cho rằng, “Đồng Nai cung cấp trên 50% sản phẩm chăn nuôi để phục vụ cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận, cho nên việc tái đàn nhằm cung cấp nguồn thực phẩm cho nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh thành lân cận , đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán là nhu cầu cấp bách”.
Theo ông Quang, UBND tỉnh Đồng Nai có chủ trương bên cạnh việc tổ chức chống dịch nhanh chóng kịp thời thì phải bàn các giải pháp tái đàn để kịp phục vụ cho thị trường tiêu dùng. Quan điểm của tỉnh là tái đàn của các doanh nghiệp vì doanh nghiệp có điều kiện về giống, kỹ thuật và cơ sở vật chất có thể thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.
Hiện nay, tổng đàn nái sau dịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn khoảng 200 ngàn con, đây là cơ sở để phục vụ cho tái đàn, các doanh nghiệp chính là chủ lực tái đàn phục vụ cho thị trường tiêu dùng trong thời gian sắp tới. Còn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nếu có đủ các điều kiện thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và được sự đồng ý của chính quyền địa phương thì cho phép tái đàn heo.
Đối với đàn gà của tỉnh Đồng Nai, trước dịch khoảng 21 triệu con, theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT phát triển chăn nuôi khác để bù đặp sự thiếu hụt heo bị dịch bệnh thì đàn gà của tỉnh hiện đã tăng lên tới 24 triệu con, so với trước dịch đã tăng 3 triệu con, tăng gần 18% so với tổng đàn. Đây chính là nguồn để đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong thời gian tới, đặc biệt là thị trường Tết Nguyên Đán sắp tới.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá: Qua khảo sát tại trại chăn nuôi của Công ty C.P cho thấy, nguồn cung về gia cầm rất phong phú, cả về trứng và thịt gia cầm, thủy cầm đều sẵn sàng phục vụ thị trường tết và sau tết. Nguồn thịt heo được dự báo có thể thiếu cục bộ trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, cho nên các địa phương đã đẩy mạnh sản xuất các loại vật nuôi, nhất là gia cầm, gia súc ăn cỏ và thủy sản… Chính vì thế đã tạo ra nguồn cung thực phẩm tương đối dồi dào bù lại cho nguồn thịt heo thiếu hụt.
Ngành chăn nuôi heo hiện chuyển sang mô hình nuôi trang trại, liên kết để tạo chuỗi khép kín là xu hướng tất yếu. Hiện nay, chăn nuôi heo an toàn sinh học được thực hiện theo chuỗi liên kết gồm doanh nghiệp – trại chăn nuôi gia công, hoặc doanh nghiệp – hợp tác xã – nông hộ.
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: “Vấn đề an toàn sinh học đã được Bộ NN-PTNT đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật từ năm 2015, khi còn chưa có dịch. Đến thời điểm này dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra thì việc áp dụng các giải pháp an toàn sinh học cũng như sử dụng các chế phẩm sinh học là ưu tiên hàng đầu”.
Theo bà Hạnh, hiện nay không chỉ trại chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn mà với chăn nuôi gia cầm thì các hộ chăn nuôi cũng làm tốt về an toàn sinh học, vì người dân đã nhận thức được an toàn sinh học là vấn đề quan trọng trong phòng chống dịch bệnh, mang lại hiệu quả chăn nuôi bền vững. Ngoài ra, với đàn heo cũng cần phải làm an toàn sinh học, không chỉ ở miền Nam mà phía Bắc, chương trình làm ATSH cũng đang được triển khai rộng rãi nhằm tăng sản lượng đàn gia cầm và giảm áp lực cho đàn heo. Các giống vật nuôi bản địa, gà bản địa được đưa vào các nông hộ rất nhiều để cung cấp cho thị trường tại chỗ các tỉnh trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Trao đổi với NNVN, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Cần tích cực đẩy mạnh cho tái cơ cấu chăn nuôi gia súc, phát triển chăn nuôi gia cầm, tăng cường nuôi trồng thủy sản, đồng thời làm tốt công tác an toàn sinh học, dùng chế phẩm nâng cao sức đề kháng để các trang trại, gia trại, đủ điều kiện nuôi an toàn sinh học tái đàn. Như vậy việc cung cấp thực phẩm cho những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán cũng như đầu năm 2020 sẽ không gặp nhiều khó khăn”
Theo Thứ trưởng Tiến, để cung cấp thịt heo cho dịp Tết Nguyên Đán, ngay từ khi có dịch tả heo Châu Phi xảy ra, Bộ NN-PTNT đã tổ chức và chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tặng thức ăn, con giống và đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản. Đến nay, sản lượng gia cầm đã vượt so với năm 2018 khoảng 150 ngàn tấn; đồng thời thịt bò, dê cừu tăng 11 ngàn tấn; thủy sản cũng tăng 130 ngàn tấn… giúp cho một phần tăng trưởng, một phần bù đắp cho thiếu hụt thịt heo.
“Việc tái đàn heo là có thể nếu các địa phương bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải giám sát rất chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình. Vấn đề dịch tả lợn châu Phi phải xác định lâu dài vì chưa có thuốc chữa nhưng nếu có lựa chọn đúng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tái cơ cấu ngành hợp lý thì hoàn toàn có thể khắc phục và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra”, Thứ trưởng Tiến khẳng định.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Ồ ạt tăng đàn, người nuôi gia cầm lỗ nặng
Khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, giá heo và sức mua mặt hàng này giảm sút, giới chăn nuôi lao vào tăng mạnh đàn gà, vịt dẫn đến cung vượt cầu
Lúc dịch tả heo châu Phi lan rộng, khi giới chăn nuôi quay lưng với con heo, các cơ quan quản lý cũng khuyên người tiêu dùng chọn loại thịt khác, như gà - vịt... để thay thế thịt heo.
Đua nhau chớp thời cơ
Không chỉ người chăn nuôi gà mạnh dạn tăng đàn, nhiều người ngoài ngành cũng lao vào nuôi gà để nắm bắt thời cơ. Ngay cả các doanh nghiệp chăn nuôi gà quy mô lớn cũng tự tin tăng đàn, mở rộng quy mô. Nhiều người nuôi heo cũng chuyển sang nuôi gà, từ đó dẫn đến cung vượt cầu.
Ông Đỗ Văn Thông, chủ trại nuôi gà công nghiệp ở Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), cho biết trước đây nuôi 40.000 con nhưng sau khi dịch tả heo châu Phi lan rộng, ông tăng đàn lên gần gấp đôi. Hậu quả, ông lỗ gần cả tỉ đồng do gà chỉ bán được 14.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lên đến 26.000 đồng/kg.
Theo những người chăn nuôi ở Đồng Nai, do nhiều nơi kéo nhau tăng đàn gà nên giá con giống cũng tăng chóng mặt, từ 9.000-10.000 đồng/con lên 13.000-15.000 đồng/con. Nay giá gà thịt giảm mạnh, giá con giống giảm còn 7.000-9.000 đồng/con, thậm chí khu vực miền Trung còn 3.000-4.000 đồng/con cũng không có người mua.
Tỉnh Đồng Nai có rất nhiều hộ nuôi vịt nhốt. Thời gian qua, họ cũng tăng đàn với hy vọng lãi cao do người tiêu dùng quay sang chọn thịt gia cầm. Từ đó, vịt giống cũng không đủ cung cấp, giá lên đến 13.000 đồng/con, trong khi trước đó chỉ 9.000 - 10.000 đồng/con. Do nhu cầu tăng cao, việc kiểm soát không được quan tâm nên chất lượng vịt giống giảm sút, tỉ lệ hao hụt khi nuôi lên đến hơn 50%. Khi nguồn cung tăng, giá vịt xuất chuồng giảm theo, từ 60.000 đồng/kg xuống còn 31.000-32.000 đồng/kg, người nuôi lỗ nặng do giá thành chăn nuôi hơn 40.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, với 1.000 con gà công nghiệp, người nuôi lỗ từ 15-20 triệu đồng. Nguyên nhân lỗ là do cung vượt cầu bởi người nuôi nhận định xu hướng chuyển sang ăn thịt gia cầm sẽ mạnh mẽ. Tuy nhiên thực tế, người tiêu dùng chuyển sang ăn thịt gà, vịt thấp hơn tỉ lệ tăng đàn gia cầm.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm miền Đông, nhìn nhận ai cũng đua nhau nuôi gà, vịt. Nguồn cung thịt gà, vịt tăng lại rơi vào tháng 7 âm lịch, nhiều người ăn chay, dẫn đến việc tiêu thụ thịt thêm khó khăn.
Người nuôi gà lỗ nặng trong thời gian gần đây
Thống kê chưa sát thực tế
Theo Cục Chăn nuôi, 6 tháng đầu năm, tổng đàn gia cầm cả nước tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo Chi cục Chăn nuôi Đồng Nai, tổng đàn gà của địa phương đã tăng thêm hàng triệu con so với cuối năm ngoái. Hiệp hội Gia cầm Đồng Nai cho biết đầu năm có khoảng 22,5 triệu con gà vịt, đến giữa năm tăng lên 29 triệu con và hiện còn khoảng 26 triệu con.
Thêm nguyên nhân dẫn đến nguồn cung gà thừa còn do cơ quan chức năng thống kê đàn gia cầm chưa chính xác bởi cách tính không sát thực tế. Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng cách tính số vòng quay chăn nuôi của Tổng cục Thống kê không hợp lý so với thực tế. Theo đó, Tổng cục Thống kê tính số vòng quay chăn nuôi gà 1,5 lứa/năm. Trong khi đó, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam lại tính đến 3-6 lứa/năm. Thực tế, tại nhiều trang trại nuôi gà khu vực Đông Nam Bộ cũng cho thấy một lứa gà trắng công nghiệp nuôi từ 40-50 ngày, trung bình 45 ngày xuất chuồng; gà màu 50-60 ngày xuất chuồng và gà ta 65-75 ngày xuất chuồng. Sau một lứa gà, người bán mất khoảng 2 tuần để vệ sinh chuồng trại, thả lứa gà mới. Như vậy, trung bình gà trắng công nghiệp mỗi năm thả nuôi khoảng 5,5 lứa, gà màu 5 lứa.
Nếu tính số vòng quay chăn nuôi 1,5 lứa mỗi năm, Việt Nam có tổng đàn gà gần 317 triệu con thì tổng gà đã lấy thịt gần 478 triệu con. Tuy nhiên, cũng với tổng đàn gà gần 317 triệu con, vòng quay chăn nuôi thực tế từ 3-6 lứa/năm thì tổng đàn gà các loại được sản xuất hằng năm lên đến 1,2 tỉ con, sản lượng tương đương 2,4 triệu tấn thịt/năm.
Từ nhận định và cách tính không sát thực tế dẫn đến "khủng hoảng" thừa thịt gia cầm đã gây thiệt hại cho người chăn nuôi quá lớn.
Theo Người Lao Động
Sôi động thị trường xe máy phân khối nhỏ Nhiều phụ huynh mua xe máy phân khối nhỏ cho con chỉ chú trọng đến giá cả, sự tiện dụng mà bỏ qua thương hiệu và chất lượng Từ đầu tháng 6 đến nay, thị trường xe máy nói chung khá ảm đạm do sức mua thấp, một số đại lý phải giảm giá, khuyến mãi mới bán được hàng thì ở một...