Thị trường ngày 30/8: Giá thịt tăng cao kỷ lục, ngô, đậu tương cao nhất 1 tuần
Phiên giao dịch vừa qua, giá dầu, ngô và đậu tương tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, vàng bạc, sắt thép và cà phê giảm.
Dầu tăng do tồn trữ giảm và lo sợ bão
Giá dầu thô Mỹ tăng 1,7% trong phiên vừa qua do lượng tồn trữ giảm sâu và lo ngại cơn bão Dorian đang tiến đến Florida có thể gây ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất dầu thô ngoài khơi của Mỹ (nếu bão đi qua Vịnh Mexico vào cuối tuần này), giữa bối cảnh nhu cầu dầu tăng lên khi hai đường ống mới ở Tây Texas bắt đầu đi vào hoạt động. Trong khi đó, dầu Brent – tham chiếu trên toàn cầu – vượt ngưỡng 61 USD/thùng bởi nỗi lo về tăng trưởng kinh tế đang dịu lại.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, dầu Tây Texas – Mỹ (WTI) tăng 93 US cent, tương đương 1,7%, lên 56,71 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 59 US cent tương đương 0,98% lên 61,08 USD/thùng.
Tháng trước, cơn bão Barry đã khiến cho các công ty dầu khí ngoài khơi nước Mỹ phải đóng cửa 74% công suất sản xuất.
Số liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần qua đã giảm 10 triệu thùng, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, do nhập khẩu chậm lại; tồn trữ xăng và các sản phẩm chưng cất cũng giảm hơn 2 triệu thùng. Tồn trữ riêng tại trung tâm giao nhận dầu của Mỹ – Cushing, Oklahoma, nơi định giá dầu WTI kỳ hạn – tuần qua giảm gần 2 triệu thùng, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018. Xu hướng giảm này xảy ra sau khi hai đường ống dẫn dẫn dầu mới được mở ở Vịnh Permian trong tháng này, dẫn dầu thô tới vùng Duyên hải Vịnh Mexicoco của Mỹ và làm thắt chặt nguồn cung ở Cushing.
Trong khi đó, những lo ngại về việc kinh tế thế giới sẽ chậm lại đang mờ dần, nhất là sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 29/8/2019 cho biết Trung Quốc và Mỹ đang thảo luận về vòng đàm phán thương mại trực tiếp, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9/2019, và hy vọng sẽ có nhiều tiến bộ. Truyền thông đang đưa tin Trung Quốc sẽ không sớm có bất cứ động thái trả đũa nào đối với thuế quan mới của Mỹ, và điều này đem lại hy vọng cuộc thương chiến giữa 2 bên sẽ không xấu đi.
Vàng, bạc giảm trong khi bạch kim và palađi tăng do bớt lo ngại về cuộc chiến thương mại
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua giữa bối cảnh USD và chứng khoán tăng điểm sau một số thông tin cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang có thiện chí giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, hiện vàng vẫn đang ở quanh mức cao gần nhất trong vòng nhiều năm, bởi lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới. Bạc cũng giảm theo xu hướng giá vàng, sau khi đạt mức cao nhất hơn 2 năm.
Cuối phiên vừa qua, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.526,62 USD/ounce, gần sát mức cao nhất kể từ tháng 4/2013 (1.554,9 USD/ounce) của ngày 26/8/2019. Vàng kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 0,8% xuống 1.536,9 USD/ounce. Kỳ hạn tháng 9 và 10/2019 cũng giảm lần lượt từ 1.538,8 USD/ounce và 1.542,8 USD/ounce xuống 1.526,5 USD và 1.530,5 USD/ounce.
Bạc giao ngay giảm 0,8% xuống 18,19 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2017 (18,65 USD/ounce).
Bạch kim có thời điểm lập đỉnh mới của nhiều tháng trong phiên vừa qua, sau khi tăng 3,9% lên 935,12 USD/ounce (cao nhất kể từ tháng 4/2018), và kết thúc phiên ở mức tăng 1,4% so với đóng cửa phiên trước, đạt 912,62 USD/ounce. Palađi cũng tăng 0,3% lên 1.472,71 USD/ounce. Hai kim loại này được sử dụng nhiều trong lĩnh vực công nghiệp nên thường tăng giá khi kinh tế khả quan.
Video đang HOT
Thép cây giảm, thép tấm tăng
Giá thép cây trên thị trường Trung Quốc tăng vào đầu phiên giao dịch vừa qua nhưng đến lúc đóng cửa đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng, nối tiếp chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp, do triển vọng nhu cầu thiếu chắc chắn. Thép cây kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàng Thượng Hải giảm 0,6% xuống 3.266 CNY (460,47 USD)/tấn, thấp nhất kể từ 2/4/2019. Trái lại, thép cuộn cán nóng hồi phục và tăng 0,2% vào cuối phiên, đạt 3.563 CNY/tấn.
Ngô, đậu tương cao nhất 1 tuần
Giá ngô và đậu tương đều tăng và chạm mức cao nhất 1 tuần trong phiên vừa qua bởi lo ngại sương giá có thể gây ảnh hưởng tới những diện tích ngô trồng muộn ở Mỹ. Bên cạnh đó, các thương gia cũng đang tích cực mua vào sau khi giá giảm gần đây và trước kỳ nghỉ 3 ngày sắp tới (cuối tuần Lễ Lao động).
Trên sàn Chicago, giá ngô tăng khá mạnh vào đầu phiên, và kết thúc ở mức 3,71-1/4 USD/bushel, trong khi đậu tương tăng 0,3% lên 8,68-1/2 USD/bushel.
Ủy ban Ngũ cốc Quốc tế (IGC) ngày 29/8/2019 đã nâng dự báo về sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2019/20 thêm 8 triệu tấn lên 1,1 tỷ tấn, chủ yếu bởi lạc quan hơn về triển vọng sản lượng của Mỹ. Theo IGC, Mỹ sẽ thu hoạch 341,5 triệu tấn ngô, cao hơn mức 333,5 triệu tấn dự báo trước đây, nhưng vẫn thấp hơn mức 366,3 triệu tấn sản lượng của vụ trước, và cũng thấp hơn con số 353,1 triệu tấn do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo.
Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu thịt lợn kết hợp xuất kho dự trữ
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 29/8 cho biết sẽ nỗ lực xúc tiến nhập khẩu thịt lợn, đồng thời xuất kho thịt lợn, thịt bò và thịt cừu đông lạnh (từ kho dự trữ quốc gia) để làm tăng nguồn cung cho thị trường. Giá thịt lợn tại Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục sau khi dịch tả lợn Châu Phi hoành hành khiến hàng triệu con lợn ở nước này bị tiêu hủy.
Giá bán lẻ thịt lợn tại Trung Quốc trong tuần tới 14/8/2019 đã tăng 7,8% lên 32,7 CNY/kg, cao hơn gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc đã tăng 36% trong 7 tháng đầu năm nay, và các nhà phân tích dự báo sẽ tăng gấp đôi trong năm 2020 so với năm 2018. Năm nay, Bắc Kinh đã đồng ý bắt đầu nhập khẩu thịt lợn Argentina, đồng thời dự kiến sẽ phê duyệt cho nhập thịt lợn từ một số nhà máy ở Brazil và Anh.
Tuần qua, Trung Quốc cũng đã mua khối lượng nhỏ thịt lợn Mỹ, trước khi thuế bổ sung 10% đối với nông sản nhập khẩu có hiệu lực từ 1/9/2019. Theo USDA, Trung Quốc đã mua 1.861 tấn thịt lợn của Mỹ trong khoảng thời gian 16-22/8/2019, tăng so với 220 tấn của tuần trước đó. Tuần 2-8/8/2019, Trung Quốc mua tới 10.211 tấn thịt lợn Mỹ.
Bên cạnh đó, như thường lệ, nước này sẽ sử dụng thịt lợn từ các kho dự trữ để ổn định nguồn cung. Trung Quốc thường sử dụng thịt lợn dự trữ khi giá cao, hoặc trong những dịp nhu cầu cao như vài tuần trước Tết cổ truyền. Tháng 1/2019, Trung Quốc đã sử dụng 9.600 tấn thịt lợn dự trữ. Tuy nhiên, không rõ nước này dự trữ bao nhiêu thịt lợn.
Gạo tăng ở Ấn Độ, vững ở Thái Lan và Việt Nam
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tuần này tăng do nhu cầu mạnh từ khách hàng nước ngoài và lo ngại sản lượng vụ Hè sẽ giảm do thiếu nước. Loại đồ 5% tấm hiện ở mức 374 – 378 USD/tấn, so với 372 – 375 USD/tấn tuần trước. Tại Thái Lan, đồng baht mạnh và nguồn cung thấp do hạn hán giữ cho giá gạo xuất khẩu duy trì cao, với loại 5% tấm giá hiện 410 – 430 USD/tấn, so với 415 – 430 USD/tấn tuần trước. Gạo Việt Nam cũng vững ở mức 335-340 USD/tấn (5% tấm), trong bối cảnh giao dịch trầm lắng.
Reuters đưa tin, thống kê sơ bộ cho thấy sẽ có khoảng 29.600 tấn gạo được bốc xếp ở cảng TP HCM trong 10 ngày đầu tháng 9/2019, trong đó 23.000 tấn sẽ tới Tây Phi, phần còn lại tới Philippines.
Cà phê thấp nhất 1 tuần
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 2,3 US cent tương đương 2,4% xuống 95,25 US cent/lb, nguyên nhân do đồng real Brazil yếu đi; trong khi robusta giao tháng 11/2019 giảm 26 USD tương đương 1,9% xuống 1.325 USD/tấn. Nguồn cung cao cũng đang gây áp lực lên thị trường cà phê. Tuy nhiên, Commerzbank dự báo triển vọng nguồn cung sẽ thắt chặt hơn.
Giao dịch cà phê ở Việt Nam tuần này chậm và giá không thay đổi so với tuần trước, trong khi nguồn cung ở Indonesia vẫn vững mặc dù đã vào cuối vụ thu hoạch.
Cà phê robusta Việt Nam loại 2 (5% đen, vỡ) có giá cộng 250 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn London, so với mức cộng 220 – 250 USD/tấn của tuần trước. Xuất khẩu cà phê Việt Nam dự báo sẽ giảm 10,3% trong 8 tháng đầu 2019 so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1,19 triệu tấn, tương đương 19,8 triệu bao loại 60 kg. Trong nước, cà phê nhân xô được bán ở Tây Nguyên với giá 35.000 đồng (1,51 USD)/kg, không thay đổi so với tuần trước. Những nông dân còn hàng có xu hướng giữ lại khi giá xuống thấp như hiện nay. Tuy nhiên, đa số họ đã bán gần hết sản lượng cà phê của mình.
Tại Indonesia, cà phê robusta ở Sumatra được chào giá cộng 150 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2019 của sàn London, cũng không thay đổi so với tuần trước. Sumatra thu hoạch cà phê từ giữa năm và sẽ kết thúc vào tháng 8 hoặc tháng 9.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 30/8
Theo cafef
Giá vàng lại biến động mạnh, giảm sâu dưới ngưỡng 42 triệu đồng/lượng
Giá vàng miếng SJC lao dốc mạnh theo đà giảm của giá vàng thế giới, bỏ xa vùng 42 triệu đồng/lượnng
Lúc 8 giờ 15, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 41,1 triệu đồng/lượng, bán ra 41,6 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 350.000 đồng/lượng so với hôm qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra vẫn được doanh nghiệp neo chặt tới nửa triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC được các doanh nghiệp giao dịch quanh mức 41,3 triệu đồng/lượng mua vào, 41,75 triệu đồng/lượng bán ra. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 450.000 đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tiếp tục lùi sâu. Ảnh: Linh Anh
Trong khi đó, giá các loại nhẫn trơn, vàng trang sức, nguyên liệu 24K lại có giá cao hơn vàng SJC. Chẳng hạn, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá bán ra vàng nhẫn trơn các loại 0,5 chỉ, 1-2 chỉ tới 41,8-41,9 triệu đồng/lượng.
Chính việc giá vàng thế giới đêm qua rớt khỏi ngưỡng 1.500 USD/ounce đã kéo vàng trong nước sáng nay đi xuống. Lúc 8 giờ 30, giá vàng giao dịch trên thị trường châu Á phổ biến ở mức 1.496 USD/ounce, giảm khoảng chục USD mỗi ounce so với sáng qua. Nếu tính "đỉnh" của giá vàng trong tuần trước, mỗi ounce vàng hiện rớt tới 40 USD, tương đương mức giảm 1,1 triệu đồng/lượng.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 41,9 triệu đồng/lượng, cao hơn giá trong nước 300.000 - 350.000 đồng/lượng.
Dù giá vàng điều chỉnh giảm trong ngắn hạn khi chỉ số đồng USD mạnh lên nhưng giới phân tích quốc tế vẫn tin giá vàng sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới. Một số chuyên gia phân tích cho rằng giá vàng chỉ hạ nhiệt trong ngắn hạn sau thời gian tăng sốc, trước khi chinh phục những mốc cao mới.
Cụ thể, vàng giảm mạnh do áp lực bán vàng chốt lời tăng mạnh và giới đầu tư bớt lo ngại về khả năng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau khi Mỹ và Trung Quốc phát đi những tín hiệu thương mại lạc quan hơn, cũng như việc ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đồng loạt cắt giảm lãi suất.
Ngoài ra, giá vàng thế giới giảm còn do đồng USD mạnh lên và thị trường chứng khoán toàn cầu hồi phục sau đợt bán tháo tuần trước. Một số chuyên gia dự báo vàng có thể giảm về mức 1.480 USD/ounce và tăng lại lên mức cao 1.575 USD/ounce.
Trên thị trường ngoại tệ, tỉ giá trung tâm hôm nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.120 đồng/USD, giảm 2 đồng mỗi USD so với phiên trước. Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng tiếp tục lùi sâu về quanh 23.145 đồng/USD mua vào, 23.265 đồng/USD bán ra, giảm 15 đồng mỗi USD so với sáng hôm qua.
Theo người lao động
Thị trường ngày 17/8: Dầu bật tăng, vàng quay đầu giảm Giá dầu bật tăng trở lại do kỳ vọng về chính sách kích thích kinh tế hơn nữa của các ngân hàng trung ương đã giúp giảm bớt lo ngại suy thoái. Chốt phiên giao dịch ngày 16/8, kỳ vọng về chính sách kích thích kinh tế hơn nữa của các ngân hàng trung ương đã giúp giảm bớt lo ngại suy thoái...