Thị trưởng London cảnh báo nguy cơ khủng bố
Thị trưởng London Boris Johnson hôm 11/10 cảnh báo về nguy cơ khủng bố đang gia tăng tại London.
Các phần tử Hồi giáo cực đoan IS. (Ảnh: EPA)
Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên tờ Daily Telegraph của Anh hôm 11/10, ông Johnson cho biết lực lượng an ninh của thành phố đang theo dõi ráo riết hàng nghìn đối tượng tình nghi là khủng bố. Những thông tin này cho thấy số lượng phần tử cực đoan ở Anh nói chung và ở thủ đô London nói riêng có thể cao hơn ước tính trước đó.
Hồi đầu tuần, cảnh sát London cũng đã bắt giữ 5 đối tượng tình nghi là khủng bố. Quan chức chính phủ dấu tên cho biết các đối tượng này là nam giới tuổi khoảng 20 và 21, trong đó có một người vừa trở về từ Syria. Quan chức Anh đang điều tra khả năng nhóm thanh niên này có liên quan đến tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS). Thị trưởng Johnson từng cho biết, có khoảng 500 tay súng từ Anh đã sang Syria để chiến đấu cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo./.
Theo_VOV
Video đang HOT
Thổ Nhĩ Kỳ trước áp lực phải tham gia cuộc chiến chống IS
Đến thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra một động thái cụ thể nào trong cuộc chiến chống nhóm Hồi giáo cực đoan IS.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (8/10) tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số khu vực đông nam của nước này, sau khi đụng độ xảy ra giữa lực lượng ủng hộ người Kurd và quân đội chính phủ làm 21 người thiệt mạng. Bất chấp những tác động của cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria cũng như sức ép của các nước, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra quyết định gia tăng vai trò của mình trong liên minh quốc tế chống IS.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: asbarez)
Đây được coi là cuộc biểu tình bạo lực nhất của lực lượng ủng hộ người Kurd trong nhiều năm qua và đang có nguy cơ làm chệch tiến trình hòa bình tại Thổ Nhĩ Kỳ. Làn sóng biểu tình của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra nhằm phản đối sự "thờ ơ" của chính phủ trong việc cứu thành phố Kobani ở miền Bắc Syria- nơi có nhiều người Kurd sinh sống.
Bạo lực chủ yếu tập trung tại khu vực đông nam có nhiều người Kurd sinh sống, nhưng bắt đầu lan rộng sang Istanbul, Ankara và các thành phố khác. Tại thủ đô Ankara, lực lượng an ninh đã phải sử dụng khí gas để giải tán đám đông biểu tình.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm qua (8/10) kêu gọi người dân nước này kiềm chế: "Tôi kêu gọi người dân cần bình tĩnh, tuân theo những hướng dẫn của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Đừng kéo mình vào những bất ổn để thực hiện mong muốn của một nhóm người nào đó. Lực lượng an ninh sẽ đảm bảo trật tự. Chúng tôi đang đưa ra mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo trật tự an ninh".
Quân đội cũng được triển khai để đảm bảo lệnh giới nghiêm không bị phá vỡ. Chính quyền đề nghị các trường học tại thành phố người Kurd lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ Diyarbakir đóng cửa cho đến đầu tuần tới và tất cả các chuyến bay đến thành phố đều bị hủy bỏ.
Những diễn biến hiện nay có thể là áp lực khiến chính phủ của Thủ tướng Davutoglu đưa ra quyết định gia tăng vai trò trong cuộc chiến chống IS ở Syria.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ luôn cảnh báo về khả năng mất thị trấn chiến lược Kobani trước Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, tạo đà cho tổ chức này mở rộng khu vực kiểm soát tại Iraq và Syria. Đầu tuần này, Thủ tướng Davutoglu cũng kêu gọi triển khai bộ binh để đối phó với IS tại Syria. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra một động thái cụ thể nào, mặc dù được quốc hội nước này "bật đèn xanh" cho chiến dịch quân sự ở Iraq và Syria.
"Ra điều kiện"
Giới quan sát nhận định, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng thành phố Kobani làm "con tin" để buộc phương Tây nhượng bộ những yêu cầu của mình. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra những điều kiện để Ankara có thể can thiệp bằng bộ binh, bao gồm lập vùng cấm bay ở Syria, lập vùng đệm an toàn cho người tị nạn Syria- điều mà Mỹ vẫn chưa ủng hộ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn chiến dịch không kích nhằm vào IS phải được mở rộng, bao gồm cả việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Không thể phủ nhận những vai trò tất yếu của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS tại Syria, khi Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua thừa nhận, các đợt không kích của Mỹ "sẽ không cứu được" thị trấn chiến lược Kobani và thị trấn này sẽ sớm rơi vào tay nhóm khủng bố.
Binh lính của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là hỗ trợ đắc lực cho các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu, trong khi các căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra lợi thế đáng kể về thời gian chiến đấu chống IS. Chính vì vậy, Mỹ và các nước cũng đang xem xét những điều kiện "trao đổi" để có được sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua (8/10) cho biết, đề xuất thiết lập vùng đệm của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một trong những giải pháp quân sự mà liên minh quốc tế chống IS xem xét, nhưng vấn đề này vẫn đang được thảo luận.
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua (8/10) cũng tuyên bố ủng hộ ý tưởng lập vùng đệm cho người tị nạn Syria.
Hiện chưa rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có quyết định gia tăng vai trò của mình trong cuộc chiến chống IS tại Syria hay không, nhưng kể cả khi những điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ được đáp ứng, quyết định tham gia quân sự tại Syria của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ đối với chính phủ nước này, khi nó có thể tạo cơ hội gia tăng sức mạnh cho Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - chỉ vừa mới đồng ý tham gia các cuộc đàm phán hòa bình khó khăn sau gần 30 năm đối đầu với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ./.
Theo VOV
Úc gửi 600 quân tham gia chiến dịch chống IS Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm nay 14/9 cho biết, Úc sẽ triển kkhai 600 binh sỹ tới Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất để gia nhập liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu nhằm chống lại phiến quân "Nhà nước Hồi giáo" (IS). Thủ tướng Úc Tony Abbott (trái). Tuyên bố của ông Abbott được đưa ra 2 ngày...