Thị trường lao động còn “khát” nhân lực, vì sao cử nhân vẫn thất nghiệp?
Thạc sĩ Dương Văn Bá: “Nếu trường đại học không thay đổi tư duy, cách thức tổ chức đào tạo thì câu chuyện cử nhân thất nghiệp sẽ còn tiếp diễn”.
Bước ra từ cổng trường đại học, số lượng cử nhân thất nghiệp được thống kê hằng năm vẫn là con số đáng báo động, trở thành vấn đề “nhức nhối” của ngành giáo dục nói riêng và đất nước nói chung.
Sinh viên ra trường thất nghiệp, làm trái ngành, hoặc phải đào tạo lại ở các doanh nghiệp, vấn đề này có phần trách nhiệm của các trường đại học trong công tác đào tạo của mình.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Dương Văn Bá – Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo – Trường Đại học Hòa Bình cho rằng, nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp rất lớn nhưng cử nhân vẫn thất nghiệp, lý do hàng đầu là bởi sinh viên ra trường nhưng không làm được việc, không đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề.
Loại bỏ tư duy “đến trường chỉ để học kiến thức”
Theo Thạc sĩ Dương Văn Bá, câu chuyện đào tạo của giáo dục đại học đang tồn tại nhiều bất cập. Trong khi người học vẫn quan niệm đến trường chỉ để học kiến thức, học tập vì bằng cấp thì chương trình đào tạo trong nhà trường vẫn nặng về lý thuyết, hoạt động thực hành chưa đi vào thực chất.
Hệ quả là khi sinh viên ra trường, dù kiến thức nền tốt nhưng lại thiếu kỹ năng nghề nghiệp và các kỹ năng mềm.
Theo Thạc sĩ Dương Văn Bá, đào tạo giáo dục đại học cần tăng cường thực hành và hoạt động thực hành cần đi vào thực chất. (Ảnh: NVCC)
Dẫu trong chương trình đào tạo của trường đại học đã bao gồm phần lý thuyết và thực hành nhưng thực hành còn ít, chưa phát huy hiệu quả, chưa giúp người học hình thành kỹ năng làm việc, vì vậy mà năng lực chuyên ngành còn yếu.
“Chưa kể thời gian thực tập của sinh viên tại các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn quá ít ỏi. Mỗi sinh viên chỉ có 2-3 tháng thực tập, khoảng thời gian này không đủ để hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho các em. Một số em còn tham gia thực tập một cách gượng ép, làm hình thức, hoàn thành báo cáo để nộp cho nhà trường, chưa biết tận dụng thời gian quý giá này để học hỏi, rèn luyện.
Ngược lại, có một số sinh viên ra trường làm được việc bởi ngay khi còn đi học, các em đã tự tìm kiếm cơ hội cho mình để thực hành và thực tập nhiều hơn”, thầy Bá nhận định.
Vấn đề thứ hai là nhiều trường đại học chưa tư vấn sâu cho sinh viên về nghề nghiệp. Khi nhập học là sinh viên đã có sự lựa chọn về ngành học. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều sinh viên vào trường đại học rồi vẫn không biết sau này ra trường mình sẽ làm gì, và có thể làm ở đâu. Nguyên nhân là do hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên của các nhà trường còn hạn chế và chưa được quan tâm.
Các trường cần đẩy mạnh công tác định hướng công việc, nghề nghiệp cho sinh viên, giúp các em có định hướng rõ về công việc tương lai của mình, từ đó chủ động học hỏi, tìm hiểu và biết cách thâm nhập sớm vào thị trường lao động theo nghề nghiệp mình yêu thích.
Đào tạo gắn liền với doanh nghiệp
Thạc sĩ Dương Văn Bá cho rằng, để giải quyết bài toán cử nhân thất nghiệp, các trường đại học cần thay đổi về tư duy đào tạo cũng như cách thức triển khai, công tác tổ chức đào tạo. Điều quan trọng là phải tăng cường thực hành, thực tế cho sinh viên tại các cơ sở, doanh nghiệp, để sinh viên được học việc một cách đúng nghĩa, được cọ xát, rèn luyện trong chính môi trường lao động của ngành nghề mình đang học.
Trường Đại học Hòa Bình xây dựng chiến lược, tư duy đào tạo theo định hướng ứng dụng, thực hiện mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp để sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. (Ảnh: NVCC)
Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào trong hoạt động đào tạo của nhà trường. Muốn vậy, nhà trường phải có kế hoạch, chương trình đào tạo gắn với doanh nghiệp, hợp tác trong đào tạo để tạo nên một nguồn nhân lực lao động làm được việc, làm tốt việc và làm giỏi việc.
Đây là yêu cầu cấp thiết, quan trọng của giáo dục đại học. Những đổi mới trong đào tạo, đặc biệt là tăng cường thực hành, thực tế cho sinh viên là “chìa khóa” giải quyết bài toán nhân lực lao động cho xã hội.
Video đang HOT
“Hiện nay, một số trường đại học đã thực hiện ký kết hợp tác với doanh nghiệp nhưng vẫn còn nửa vời, thiếu hiệu quả.
Sau khi giới thiệu sinh viên đến các doanh nghiệp thực hành, thực tập, chỉ có một số lượng nhỏ sinh viên chịu khó học tập và học làm việc, điều đó chứng tỏ cả phía doanh nghiệp và nhà trường đều chưa vào cuộc một cách sâu sát trong hoạt động đào tạo, trong quản lý sinh viên thực tập và chưa đi đến cuối cùng mục tiêu của việc hợp tác”, thầy Bá nêu quan điểm.
Cũng theo Thạc sĩ Dương Văn Bá, Trường Đại học Hòa Bình đã xây dựng chiến lược, tư duy đào tạo theo định hướng ứng dụng, thực hiện mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp, với mục tiêu sinh viên ra trường làm được việc, làm tốt việc và làm giỏi việc.
Là trường thuộc tập đoàn kinh tế, nhà trường có lợi thế khi có sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn trong tập đoàn, sinh viên có cơ hội được tiếp xúc sớm với thị trường lao động, được bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, rèn luyện và thực hành kỹ năng ngành nghề từ rất sớm.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng hợp tác với nhiều doanh nghiệp ngoài tập đoàn để triển khai, tổ chức mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Yêu cầu đặt ra là làm sao để sinh viên vừa học lý thuyết ở trường vừa có cơ hội thực hành với doanh nghiệp, tiếp cận với thị trường lao động.
“Nếu 4 năm học, sinh viên không được tiếp cận với thị trường lao động, không được đào tạo trong các doanh nghiệp, các em sẽ thiếu hụt trầm trọng kỹ năng lao động, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng nghề nghiệp. Sau khi ra trường, các em bỡ ngỡ, không thể hòa nhập và không được thị trường lao động chấp nhận.
Đó chính là lý do để Trường Đại học Hòa Bình đẩy mạnh mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp, các đơn vị phòng, khoa trong trường cũng tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu đào tạo của mình.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã ký kết hợp tác với hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tập đoàn, mở ra cơ hội cho sinh viên được đào tạo trong chính môi trường doanh nghiệp. Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho sinh viên thực hành tại doanh nghiệp theo từng năm”, Thầy Bá cho biết.
Thạc sĩ Dương Văn Bá cũng khuyến khích tinh thần chủ động của sinh viên trong hoạt động học tập, rèn luyện kỹ năng và tìm kiếm cơ hội việc làm. (Ảnh: NVCC)
Cụ thể, sinh viên theo học các ngành của nhà trường đều được tiếp cận với thị trường lao động từ năm nhất. Trong hai năm học đầu tiên, các em được tham gia ở những thị trường lao động giản đơn để làm quen, học hỏi cách giao tiếp, kỹ năng xử lý vấn đề trong công việc, tìm hiểu quá trình vận hành của hệ thống dịch vụ, sản xuất, đồng thời rèn luyện tinh thần, kỷ luật lao động.
Những năm học cuối, sau khi đã có kiến thức chuyên ngành và được nhà trường định hướng rõ nét về công việc, các em sẽ được thực hành kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện và phát triển trong môi trường lao động đúng ngành nghề.
Ngoài ra, theo Thạc sĩ Dương Văn Bá, để không rơi vào cảnh ra trường thất nghiệp, bản thân sinh viên cũng phải tự mình chủ động tìm hiểu, học tập các kiến thức cần thiết, tìm kiếm cơ hội thực hành để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Theo đó, sinh viên bước vào môi trường giáo dục đại học cần phải xác định rõ 3 nhóm nhiệm vụ chính và cần phải bố trí thời gian để thực hiện song hành.
Đầu tiên là việc học, sinh viên cần có tinh thần tự học, học tại trường, học ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào để có kiến thức chuyên ngành, kiến thức xã hội thật vững.
Thứ hai là tham gia rèn luyện, sinh viên chủ động tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động cộng đồng trong và ngoài trường để rèn luyện kỹ năng mềm trong cuộc sống.
Thứ ba là làm việc, bên cạnh sự hỗ trợ, kết nối của nhà trường, sinh viên đại học cần tích cực tìm kiếm và tham gia vào thị trường lao động để học việc và sớm hình thành kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của những vị trí việc làm trong xã hội. Đi làm không phải vì mục đích kinh tế mà là tìm môi trường để học hỏi, rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và tìm cơ hội công việc cho chính mình sau khi tốt nghiệp.
Để chấm dứt nỗi ám ảnh "cử nhân thất nghiệp"
PGS Trần Ngọc Giao: "Để giảm số lượng cử nhân thất nghiệp, để sinh viên có thể tự tìm việc làm cho mình, yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo là khâu then chốt".
Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của một trường đại học chính là "sản phẩm đào tạo" của chính cơ sở giáo dục đó. Thế nhưng, câu chuyện hàng ngàn cử nhân tốt nghiệp rồi thất nghiệp vẫn tiếp diễn qua từng năm đã phần nào cho thấy chất lượng đào tạo ở nhiều trường đại học đang có vấn đề.
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Giao - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Giao - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục
PV: Thưa Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm, cả nước vẫn có hàng ngàn cử nhân thất nghiệp. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao: Câu chuyện sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp đã được dư luận nói đến nhiều nhưng theo tôi, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề rộng hơn một chút.
Thứ nhất, trong buổi đầu đổi mới đất nước (1987), tại Hội nghị Nha Trang, bàn về giáo dục đại học có nêu 4 nguyên tắc cơ bản, trong đó có nguyên tắc: Sinh viên tốt nghiệp không nhất thiết chờ phân phối công tác mà cần phải biết tự tìm việc làm, tạo việc làm cho mình và cho người khác. Trong cơ chế thị trường rất khó khớp đúng giữa số sinh viên được đào tạo và số sinh viên có ngay việc làm sau tốt nghiệp như trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung.
Thứ hai, để giảm bớt số lượng cử nhân thất nghiệp, để sinh viên có thể tìm, tự tạo việc làm cho chính mình và cho người khác thì yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo là khâu then chốt.
Chất lượng phải phù hợp với mục tiêu, mục tiêu cụ thể nhất ở đây là sinh viên tốt nghiệp có thể được tuyển dụng làm đúng ngành nghề đào tạo. Để thực hiện mục tiêu này, các cơ sở đào tạo phải thực tế và quyết liệt hơn trong việc gắn kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, từ khâu xác định chuẩn đầu ra, thiết kế nội dung, quy trình, phương pháp và huy động sự liên kết tham gia các công đoạn đào tạo của bên sử dụng lao động.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay thì việc hợp tác liên kết thực hiện các công đoạn đào tạo giữa nhà trường với các doanh nghiệp nước ngoài (có ngành nghề tương ứng phù hợp) là phương án khả thi đã được một số trường đại học và cao đẳng thực hiện.
Thứ ba, vấn đề xác định nguyện vọng và đăng ký lựa chọn nghề nghiệp vừa phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực xã hội, vừa phù hợp với sở trường năng lực cá nhân cũng là việc hết sức quan trọng. Vấn đề này có hai khía cạnh:
Ở giai đoạn cuối bậc phổ thông, cần thực hiện giáo dục định hướng nghề nghiệp một cách cẩn thận, chi ly để học sinh hiểu hơn sở trường, tiềm năng của mình và hiểu hơn về nhu cầu xã hội.
Về quản lý nhà nước cần thực hiện chặt chẽ công việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cần cho sự phát triển kinh tế xã hội trong thời hạn 5-10 năm. Để có cơ sở dự báo tương đối chính xác cần bảo đảm thực thi kỷ luật thống kê đúng pháp luật, xử lý nghiêm minh việc báo cáo số liệu một cách tùy tiện khi bị chi phối bởi mục đích, lợi ích riêng.
Việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực phải được công khai và nếu cần thì kịp thời điều chỉnh theo ngành nghề, nhóm ngành nghề, các khu vực và các địa phương để học sinh có cơ sở lựa chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội.
Thứ tư, cần có bộ tiêu chí, đánh giá phân hạng (độc lập) và công bố phân hạng, đối sánh chất lượng của các trường đại học, cao đẳng, theo ngành và nhóm ngành, vừa để tạo ra sự cạnh tranh vì chất lượng, vừa có thông tin cho người học lựa chọn, và làm căn cứ cho chính sách ưu tiên đầu tư cho chất lượng và cho mũi nhọn phát triển kinh tế xã hội.
PV: Như ông đã khẳng định, "yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo là khâu then chốt", vậy vấn đề nằm ở chương trình đào tạo hay trình độ giảng viên, thưa ông?
Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao: Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng là câu chuyện muôn thuở đã được bàn đến rất nhiều, ngành giáo dục và đào tạo cũng đã nhận thức rõ và ban hành các giải pháp chỉ đạo quản lý đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn của xã hội, của bên sử dụng lao động và sự trăn trở day dứt của khá đông những người trực tiếp làm công tác đào tạo. Vẫn biết đây là vấn đề khó nhưng là trọng yếu, không thể né tránh và không thể chỉ thực hiện đối phó hình thức.
Khi đối diện với vấn đề nâng cao chất lượng thì có một số người thường nghĩ đến điều kiện, đầu tư,... kiểu "tiền nào của nấy", nhưng dù hoàn cảnh thế nào, điều kiện được đầu tư gần như nhau thì vẫn có một số (dù còn ít) ngành, cơ sở đào tạo vẫn kiên trì tạo dựng môi trường học thuật, khuyến khích phát triển năng lực giảng viên, kiên trì nhen nhóm ý thức cầu thị và hiểu biết của sinh viên để có được chất lượng cho hôm nay và ngày mai.
Làm sao để có nguồn nhân lực chất lượng cao, theo tôi, trong số những vấn đề cơ bản của giáo dục đại học, cần quan tâm ngay đến hai vấn đề sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh đổi mới quản trị đại học theo hướng tự chủ và trách nhiệm giải trình một cách thực chất. Yêu cầu thực chất ở đây là định chế quản trị đó có tạo được chất lượng đào tạo cao hơn, có tạo được những nhân cách tốt đẹp hơn hay không. Đổi mới cơ chế là vấn đề quan trọng nhưng yêu cầu chất lượng đào tạo mới là thứ quan trọng nhất.
Thứ hai, mỗi ngành, mỗi cơ sở đào tạo, tùy theo vị trí và điều kiện, cần biết rõ những điều cơ bản mà sinh viên của mình đang cần để xác định sát mục tiêu và lựa chọn nội dung, phương thức, phương pháp đào tạo phù hợp. Sinh viên hiện nay họ cần gì, hay cụ thể hơn: Đâu là những phẩm chất cần phát triển? Loại tri thức nào là quan trọng nhất? Những kỹ năng nào là cơ bản nhất?.
Theo Frank H. T. Rhodes, một phương án (chung) chỉ ra những điều sinh viên cần là: Cởi mở, lắng nghe, nói, viết và phân tích; Tự tin, ham hiểu biết và những kỹ năng cơ bản để đạt được hai điều này; Có hiểu biết và có ý thức hài hòa về tự nhiên và xã hội; Yêu thích để chấp nhận sự đa dạng, sự phong phú của những trải nghiệm và sự thể hiện của con người; Tinh thông và đam mê lĩnh vực chuyên môn đã lựa chọn, biết cam kết đối với trách nhiệm công dân và biết định hướng những giá trị cá nhân.
Từ những điều sinh viên cần thì mục tiêu là phát triển cả năng lực nhận thức; năng lực xã hội; năng lực nghề nghiệp, đại học là nơi tôi luyện đời sống tinh thần.
Chương trình đào tạo cần có 2 phần: Giáo dục để phát triển năng lực nhận thức, năng lực xã hội (những kĩ năng có thể chuyển đổi được) và đào tạo nghề nghiệp. Trong đào tạo nghề nghiệp chú ý tập trung vào: Nguyên lý chung; Kiến thức nền tảng, Tự đọc tự học, tự nghiên cứu, vận dụng-ứng dụng- cải tiến-phát triển.
Đặc biệt lưu ý rằng, ở bất kỳ ngành nghề nào thì đào tạo ở trường đại học chỉ có thể chuẩn bị và tạo cho sinh viên nền tảng nghề nghiệp, rèn luyện cho sinh viên biết cách tự đọc, tự học, tự nghiên cứu, tập dần cho sinh viên biết vận dụng- ứng dụng, cải tiến, phát triển để vượt qua đòi hỏi của thực tiễn đang thay đổi và sự phát triển của khoa học công nghệ.
Ở nhiều nước, sinh viên lên lớp nghe giảng có thể không nhiều, nhưng họ phải tự học tập, nghiên cứu rất nhiều để trả bài, để thực hiện yêu cầu xoay quanh một bài giảng, một chủ đề chuyên môn mà giảng viên đặt ra đối với họ.
Cập nhật là cần thiết nhưng không thể đủ sức chạy theo sự gia tăng chóng mặt của tri thức mà phải theo phương châm: Nền tảng hôm nay, trình độ năng lực ngày mai. Bởi thực tế cho thấy, một người nếu thiếu nền tảng chắc chắn thì dù có bằng cấp cao cũng không thể có được tính chuyên nghiệp trong nghề nghiệp và trong cuộc sống.
PV: Có ý kiến cho rằng, ở các trường đại học, cần có giải pháp để sinh viên chủ động, trung thực và phát huy tinh thần tự học. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao: Tính trung thực là xương sống của nhân cách, để học sinh, sinh viên hay nói chung thế hệ sau có được điều cốt lõi này, trong xã hội, ở cơ quan lãnh đạo, cán bộ, những người đang muốn có và có ảnh hưởng phải gương mẫu.
Các yêu cầu cốt lõi của đào tạo nguồn nhân lực là hiểu biết, kỹ năng, sự tự tin chủ động, đạo đức làm việc, và sự hợp tác. Những phẩm chất này bị ảnh hưởng từ ba môi trường chủ yếu là gia đình, nhà trường và xã hội.
Về phương diện của ngành giáo dục, ở bậc giáo dục phổ thông hiện nay đã đổi mới và bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo tiếp cận năng lực, có nghĩa mục tiêu hướng vào việc tạo cho học sinh những năng lực nền tảng cốt lõi, và để có những năng lực cốt lõi đó cần lựa chọn nội dung, phương pháp thích hợp. Theo chương trình giáo dục tổng thể giáo dục phổ thông, có năng lực cốt lõi sẽ là nền tảng đáng tin cậy cho sự tự tin và chủ động. Vấn đề hiện nay là nhà trường gia đình xã hội cần đồng thuận, kiên trì thực hiện quan điểm đổi mới đó.
Về đào tạo ở trường đại học cũng cần chuyển từ tiếp cận kiến thức là chủ yếu sang tiếp cận phát triển năng lực. Mỗi ngành, mỗi nhà trường, từ yêu cầu cuộc sống, từ yêu cầu phát triển nghề nghiệp hiện nay, cần xác định những năng lực cốt lõi mà sinh viên của mình cần có. Những yêu cầu cốt lõi của việc đào tạo nguồn nhân lực, đó là: hiểu biết, kỹ năng, sự chủ động tự tin, đạo đức làm việc và sự hợp tác. Đó cũng là cơ sở để sinh viên chủ động tự tin để sống và hoạt động nghề nghiệp trong tương lai.
Cũng cần lưu ý thêm, các trường đại học dù đã được phân hạng hay chưa thì năng lực, điều kiện ở các mức độ thực tế khác nhau, bởi vậy cần thực tiễn hơn để đặt mục tiêu cụ thể cho phù hợp.
Ở khía cạnh xã hội, có lẽ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, chủ yếu chỉ đạo từ trên xuống, đã làm cho nhà trường, giảng viên sinh viên và lực lượng lao động nói chung còn có tâm lý quen với việc chờ đợi sự chỉ đạo. Hiện nay xã hội đang thay đổi cơ chế vận hành, nhà trường đã được giao cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình, cơ chế quản lý mới sẽ tạo sự chủ động cho cấp dưới cho mỗi nhà trường và mỗi cá nhân.
Trong bối cảnh hiện nay, sinh viên tiếp nhận và xử lý một khối lượng thông tin không nhỏ, đó là cơ hội và cũng là thách thức. Cũng cần nói thêm, một bộ phận không ít các sinh viên hiện nay đã tận dụng cơ hội, tự tin năng động để phát triển. Tuy nhiên cũng còn khá đông đảo sinh viên thiếu chủ động tự tin và nếu vậy, sẽ rất khó vượt qua thách thức.
PV: Từ thực tế hiện nay, theo ông, cần phải làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục đại học?
Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao: Cần phải sàng lọc kỹ trong quá trình đào tạo, siết chặt để đảm bảo chất lượng theo chuẩn đầu ra.
Quan điểm này rất dễ thống nhất vì thực tế đầu vào hiện nay đã được nới lỏng rất nhiều, nhưng làm điều này không dễ, cần ở các giảng viên và các nhà trường dũng cảm vượt qua các sức ép khác nhau và vượt qua chính mình, cùng với cơ chế và các quy trình kiểm soát, giám sát chất lượng từ các cơ quan quản lý và được cụ thể hóa ở các khoa, các ngành và các cơ sở đào tạo. Về lâu dài hơn đây chính là văn hóa.
Việc cập nhật chương trình đào tạo theo sự phát triển và sát với nhu cầu của xã hội, nhu cầu của thị trường và bên cạnh đó phải chủ động nâng cao năng lực của giảng viên là yêu cầu thường xuyên.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng việc cập nhật là rất cần thiết nhưng chương trình đào tạo nghề nghiệp phải chú trọng: các nguyên lý chung; kiến thức nền tảng; yêu cầu tự học, tự nghiên cứu, vận dụng-ứng dụng- cải tiến -phát triển. Nền tảng có chắc chắn mới có thể thích ứng và phát triển được.
Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao!
Nhiều sinh viên tiếc nuối vì không được tổ chức lễ tốt nghiệp Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, trường ĐH Sư phạm TP.HCM quyết định không tổ chức buổi lễ tốt nghiệp. Nhiều sinh viên tỏ ra tiếc nuối khi không được khoác áo cử nhân ngày ra trường. Vừa qua, trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tổ chức nhiều đợt phát bằng đại học (ĐH) cho sinh viên (SV). Mỗi đợt...