Thi trực tuyến trong điều kiện dịch COVID-19: Bắt buộc phải thích ứng
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại đúng thời gian các trường đang rục rịch tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ II cho học sinh.
Nỗi lo nhất hiện nay là thực hiện kiểm tra như thế nào để đảm bảo chất lượng, phản ánh đúng năng lực học sinh, trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp? Các địa phương, trường học đã có những cách làm để thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Giáo viên Trường THPT chuyên Ngoại ngữ giám sát học sinh làm bài kiểm tra cuối học kỳ bằng hình thức trực tuyến vào chiều 10.5. Ảnh: Bích Hà
Lần đầu kiểm tra trực tuyến: Cô – trò đều bỡ ngỡ
“Huệ vào MS. Teams chưa?”, “Hà sẽ thanh tra phòng thi của khối lớp 10 nhé”; “Thầy cô nhớ phải phổ biến quy chế và hỏi lại học sinh xem các em đã nắm chắc và có thắc mắc gì không”… – giọng TS Lại Thị Phương Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) – liên tục vang lên trong phòng họp hội đồng, trong khi mắt chăm chú nhìn màn hình máy tính.
Đáp lại, dù tương tác với nhau trên không gian mạng, nhưng giọng các thầy cô giáo khác cũng hối hả, tất bật không kém. Suốt buổi sáng và trưa 10.5, sự gấp rút và khẩn trương đó được toàn bộ lãnh đạo, giáo viên của trường duy trì, nhằm chuẩn bị những khâu cuối cùng cho buổi tập dượt tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ II cho học sinh bằng hình thức trực tuyến diễn ra vào chiều cùng ngày.
“Có một sự thay đổi rất lớn trong tư duy cả thầy và trò”; “dù đã quen với việc tổ chức kiểm tra thường xuyên bằng hình thức trực tuyến, nhưng bắt tay vào tổ chức một đợt kiểm tra quy mô hơn, lấy điểm cuối học kỳ cho học sinh, đúng là vẫn còn rất nhiều bỡ ngỡ” – cô Thảo thừa nhận và không quên khẳng định: “Khó khăn còn nhiều, nhưng buộc phải đổi mới để thích ứng, không thể bị động, chịu thua dịch bệnh được”.
Khác với việc tổ chức kiểm tra trên lớp như trước đây, thay vì dành thời gian để tổ chức in sao đề, thì nay thầy cô dành thời gian để kiểm tra hệ thống máy chủ, test lại hệ thống giám sát, các phần mềm truy vết, kiểm tra trong quá trình học sinh làm bài thi trên máy tính.
Từ tuần trước, khi học sinh bắt đầu dừng đến trường, cô Thảo và giáo viên trong trường đã chủ động chuẩn bị, xây dựng kịch bản hoàn thiện việc kiểm tra, đánh giá học sinh, trong đó tính đến giải pháp sử dụng công nghệ thông tin, cho học sinh thi trên máy thay vì làm bài kiểm tra trên giấy như trước.
“Bây giờ có rất nhiều phần mềm, công nghệ hiện đại, có thể hỗ trợ cho nhà trường trong quá trình điều hành, quản lý và tổ chức kiểm tra, đánh giá. Chẳng hạn như trên nền tảng MS Teams mà chúng tôi sử dụng để dạy học online cũng có sẵn công cụ hỗ trợ kiểm tra trực tuyến.
Chúng tôi phân công cán bộ coi thi, đưa cán bộ coi thi vào các lớp học ảo trên nền tảng MS Teams; rồi hoàn thiện lịch trình coi thi của các môn thi, trong đó ghi rõ các mốc thời gian cán bộ coi thi 1 cần làm gì, cán bộ coi thi 2 cần làm gì. Một tuần qua, chúng tôi đã chủ động, chuẩn bị chi tiết và cũng làm công tác tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh để có sự đồng thuận trong lần đổi mới này”- cô Thảo cho biết.
Để đảm bảo quá trình kiểm tra diễn ra khách quan, công bằng, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ đã ban hành quy chế tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến. Quy chế này được phổ biến đến toàn thể học sinh, giáo viên, phụ huynh trong trường. Trong quá trình làm bài, học sinh được yêu cầu mặc đồng phục, bật camera để giám thị giám sát. Nhà trường đã chuẩn bị được ngân hàng đề thi đủ để mỗi học sinh có một mã đề thi khác nhau, đảm bảo thí sinh không thể trao đổi bài, đáp án.
Và chiều 10.5, từ 15h đến 16h, nhà trường tổ chức tập dượt việc kiểm tra cuối học kỳ trực tuyến với môn Giáo dục công dân. Dĩ nhiên, các phòng thi online đã được chuẩn bị sẵn, phân chia theo từng lớp, từng môn học. Mỗi phòng cũng có 2 giám thị trông coi, cộng thêm đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra thi, được cấp quyền để truy cập vào bất cứ phòng thi nào, thực hiện giám sát cả giám thị và học sinh trong thời gian làm bài.
Nhưng tất cả điều đó đều là lý thuyết, khi bước vào thực hiện, các vấn đề bắt đầu phát sinh, cả cô và trò vẫn còn bỡ ngỡ. Giáo viên mất 10 phút điểm danh học sinh, nhắc từng em ngôi ngay ngắn, chỉnh lại camera để giáo viên có thể quan sát. Có giáo viên vào nhầm phòng thi. Giám thị 1 và giám thị 2 cần phối hợp với nhau nhịp nhàng hơn để thông qua màn hình máy tính có thể bao quát được toàn bộ học sinh, kịp thời nhắc nhở những em có biểu hiện không nghiêm túc trong quá trình làm bài.
“Qua lần tập dượt này, chúng tôi đã vỡ ra rất nhiều điều, để cùng rút kinh nghiệm trước khi tiến hành kiểm tra chính thức với các môn quan trọng như Văn, Toán, Ngoại ngữ. Cứ làm rồi sẽ quen, lần sau sẽ tốt hơn lần trước, tôi tin là như vậy”- lãnh đạo Trường Trường THPT chuyên Ngoại ngữ khẳng định.
Còn với học sinh, kết thúc 40 phút làm bài, các em cho biết thích việc làm bài kiểm tra theo hình thức trực tuyến hơn. Việc ngồi tại nhà giúp các em thấy thoải mái, có tâm lý tự tin. Ngoài ra, theo học sinh, thi theo hình thức trực tuyến sẽ bị áp lực về mặt thời gian làm bài, mỗi câu hỏi trắc nghiệm chỉ có thời gian ngắn để trả lời, nên học sinh có muốn “tìm sự trợ giúp” cũng rất khó.
Cần sự chủ động, không ngại đổi mới
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, đây là lần thứ 3 nhiều địa phương phải cho học sinh nghỉ học để phòng dịch và lần thứ 3 thầy và trò cùng nhau chuyển sang tương tác trên không gian mạng, qua các lớp học ảo. Sau những lần trải nghiệm với phương thức dạy học mới, hiện cả thầy và trò không còn xa lạ với những công cụ như Zoom, Microsoft Teams qua các lớp học trực tuyến.
Dù quen với dạy học trực tuyến, nhưng nỗi lo nhất hiện nay là nên tổ chức hình thức kiểm tra, đánh giá thế nào để đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn cho học sinh. Hiện có khoảng hơn 20 địa phương đã tranh thủ dịch COVID-19 còn kiểm soát được, cấp tập cho học sinh kiểm tra học kỳ “chạy dịch”, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhưng với Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Gia Lai, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác, các nhà trường vẫn đang hy vọng về việc sớm mở lại cổng trường để hoàn thành nốt khâu đánh giá học sinh. Có điều, diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp, trái với mong đợi của các trường.
Hiện vẫn còn lo lắng, băn khoăn của giáo viên và phụ huynh về chất lượng khi kiểm tra, thi theo hình thức trực tuyến, nhất là các trường vẫn chưa chuẩn bị kịp “kịch bản” để thực hiện, chưa tính được phương án đảm bảo việc kiểm tra trực tuyến khách quan, công bằng, thay vì chỉ trông chờ vào ý thức của học sinh trong quá trình làm bài. Dù rất muốn triển khai, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục vẫn chưa dám hoặc “chờ hướng dẫn của cấp trên”.
Là trường phổ thông đầu tiên của Hà Nội thử nghiệm việc kiểm tra cuối học kỳ theo hình thức trực tuyến, TS Lại Thị Phương Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ – cho rằng, các cơ sở giáo dục “cứ mạnh dạn đi, rồi sẽ thành đường. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta nên tích cực, chủ động và sáng tạo để duy trì việc dạy và học”. Việc thực hiện kiểm tra theo hình thức online là phương án cần được tính đến, để hoàn thành kế hoạch năm học và đảm bảo an toàn cho học sinh trước dịch bệnh.
Nhiều địa phương điều chỉnh kế hoạch dạy học, cho học sinh nghỉ hè sớm
Ghi nhận đến tối 10.5, trên cả nước đã có 31 địa phương cho học sinh tiếp tục tạm dừng đến trường cho đến khi có thông báo mới. Với những địa phương đã hoàn thành việc tổ chức kiểm tra, đánh giá cho học sinh, thì đều có chủ trương điều chỉnh kế hoạch năm học, phù hợp với tình hình thực tiễn. Thay vì đến ngày 31.5 mới được nghỉ hè theo kế hoạch trước đó, nhiều địa phương đã điều chỉnh để học sinh được nghỉ hè sớm hơn từ 1-2 tuần. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý với phương án của Sở GDĐT về việc điều chỉnh thời gian hoàn thành chương trình và tổng kết năm học sớm hơn 10 ngày do dịch COVID-19. Theo đó, ngày kết thúc học kỳ 2 (hoàn thành kế hoạch giảng dạy và học tập) đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên là 15.5.
Cần Thơ cũng điều chỉnh, ra thông báo yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiểm tra học kỳ II, hoàn thành trước ngày 15.5, sớm hơn 10 ngày so với kế hoạch ban đầu. Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai và nhiều địa phương khác cũng đẩy sớm kế hoạch kiểm tra học kỳ và tổng kết năm học, để học sinh được nghỉ hè sớm, phòng tránh việc dịch bệnh lây lan trong trường học. Bích Hà
Nhiều vấn đề khi học sinh ngừng đến trường vì dịch Covid-19
Hơn 20 địa phương phải cho học sinh dừng đến trường vì dịch Covid-19 trong tuần tới trong khi còn kiểm tra cuối kỳ, thi cuối cấp và kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh tại TP.HCM phải kết thúc thi học kỳ 2 trong tuần này - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Dang dở chương trình hoặc "cố" cho xong
Tuần đầu tiên phải cho học sinh (HS) nghỉ học vì dịch bệnh trong khi kỳ kiểm tra học kỳ 2 còn dang dở và chưa được tiến hành, nhiều cơ sở giáo dục và địa phương vẫn đầy hy vọng về việc sẽ sớm mở lại cổng trường để hoàn thành nốt khâu đánh giá đặc biệt quan trọng này. Tuy nhiên, trái với mong muốn đó, ngày cuối tuần trôi qua với diễn biến dịch Covid-19 căng thẳng ở nhiều nơi, số địa phương buộc phải cho HS dừng đến trường từ 8 tăng lên hơn 20.
Sáng 9.5: Hà Nội phát hiện 5 ca Covid-19 mới, có 4 học sinh liên quan ổ dịch Bắc Ninh
Nhiều phương án với kỳ thi tốt nghiệp THPT
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 9 - 11.7 tới. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết: "Tùy tình hình diễn biến của dịch Covid-19 để quyết định phương án tổ chức kỳ thi theo nguyên tắc sẽ tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội). Sẽ tiến hành các biện pháp khử khuẩn, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi. Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức thêm đợt thi".
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội, chia sẻ: Trước kỳ nghỉ lễ 30.4, khi có ca bệnh đầu tiên xuất hiện trong cộng đồng, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo đẩy lịch kiểm tra học kỳ sớm hơn dự kiến, theo đó muộn nhất ngày 10.5 sẽ hoàn thành để phòng bệnh. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của Covid-19 diễn ra nhanh quá nên HS Hà Nội mới trở lại trường được 1 ngày thì phải chuyển sang học trực tuyến. Hầu hết các trường đều đóng cổng trong tình trạng kỳ kiểm tra cuối năm học đang còn dang dở. Trong tuần tới, HS Hà Nội vẫn chưa thể đến trường cho đến khi có thông báo mới.
Tương tự, tại Hà Nam, địa phương đầu tiên phải cho HS nghỉ học vì dịch bệnh, cũng đã ra văn bản thông báo HS tiếp tục dừng đến trường đến hết ngày 16.5.
Các tỉnh như Ninh Ninh, Bình, Phú Thọ, Hải Dương... dù xuất hiện các ca bệnh nhưng vì đang kiểm tra học kỳ 2 nên chỉ thông báo cho trẻ mầm non nghỉ học từ ngày 10.5 để phòng, chống dịch. Các bậc học khác, nơi nào đã hoàn thành kiểm tra cuối học kỳ 2 thì cho HS tạm dừng đến trường. Đơn vị nào chưa hoàn thành thì nhà trường tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, sau đó cho HS tạm dừng đến trường và tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành năm học.
Kiểm tra trực tiếp hay trực tuyến?
Hà Nội có một số trường phổ thông đang vận hành theo cơ chế tự chủ hoặc trường chuyên trực thuộc các trường ĐH đã sớm quyết định cho HS kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tuyến.
Trường THPT chuyên ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã thông báo tới HS về việc chính thức chuyển hình thức kiểm tra cuối kỳ từ trực tiếp sang trực tuyến trên nền tảng MS.Teams với khối 11 (các môn giáo dục công dân, hóa, lý) và khối 10 (các môn giáo dục công dân, lịch sử, vật lý, địa lý, hóa học). Các môn toán, văn, ngoại ngữ, ban giám hiệu sẽ thông báo sau, tùy thuộc diễn biến dịch bệnh Covid-19 và chỉ đạo của các cấp liên quan.
Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10,TP.HCM) tập huấn giáo viên dạy trực tuyến trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 - ĐÀO NGỌC THẠCH
Để kiểm tra theo hình thức này, nhà trường yêu cầu HS chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị học tập phục vụ cho làm bài kiểm tra trực tuyến như thiết bị điện tử có kết nối mạng và sử dụng được tính năng video và audio, hệ thống đường truyền tốt, không gian học tập nghiêm túc và yên tĩnh, bút viết, giấy nháp...
Tuy nhiên, với các yêu cầu đặt ra như trên thì rõ ràng không thể áp dụng kiểm tra trực tuyến đồng loạt với tất cả các trường ở Hà Nội, lại càng không thể áp dụng trên cả nước. Còn nếu kiểm tra trực tuyến nhưng không giám sát quá trình làm bài của HS thì rõ ràng phải chấp nhận một kết quả kiểm tra phụ thuộc vào "ý thức tự giác của HS".
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết nếu được lựa chọn thì vẫn chọn giải pháp kiểm tra trực tiếp tại trường, chia nhỏ thành nhiều ca để đảm bảo giãn cách theo đúng quy định phòng dịch cho HS và giáo viên.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cũng cho rằng kiểm tra trực tiếp, đảm bảo giãn cách là giải pháp khả thi mà các trường sẵn sàng thực hiện để có kết quả đáng tin cậy. Tuy nhiên, trong bối cảnh đang thực hiện "lệnh" dừng đến trường thì các trường không thể tự ý thực hiện cách thức này được mà phải có sự cho phép, hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội.
Nhiều địa phương sẽ tiếp tục cho học sinh ngừng đến trường trong tuần sau - NGỌC DƯƠNG
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: Sở đang tính toán xây dựng các phương án khác nhau về kiểm tra học kỳ để đảm bảo kết thúc năm học theo khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD-ĐT. Dự kiến ngày 13.5, Sở sẽ họp trực tuyến với phòng GD-ĐT các quận huyện để bàn và đưa ra các hướng dẫn cụ thể. Từ nay đến thời điểm đó, các trường vẫn duy trì việc dạy học trực tuyến theo quy định và chưa tổ chức kiểm tra học kỳ với bất cứ hình thức nào khác. Nếu hết tuần sau, HS có thể trở lại trường thì hoàn toàn kịp thời gian để hoàn thành kỳ kiểm tra theo cách thức truyền thống, trực tiếp tại trường. Nếu không thì sẽ có phương án khác phù hợp nhất. Tuy nhiên phương án "phù hợp nhất" dự kiến là kiểm tra trực tuyến hay giãn cách HS thì ông Đại nói "chưa thể thông tin".
Ông Nguyễn Quang Long, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam, thông tin: "Nếu HS chỉ nghỉ học hết tuần sau thì sẽ không phải kiểm tra học kỳ 2 bằng hình thức trực tuyến. Còn nếu tiếp tục nghỉ thì cũng phải dùng đến giải pháp này, dù đó chỉ là giải pháp bất khả kháng".
Có lùi thời gian năm học?
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua 8.5, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), khẳng định Bộ vẫn theo dõi sát diễn biến đi học hoặc nghỉ học ở các địa phương. Theo ông Thành, với tình hình như hiện nay thì khung kế hoạch thời gian năm học mà Bộ GD-ĐT ban hành năm nay vẫn chưa phải tính đến việc lùi lại. Theo đó, muộn nhất ngày 31.5, cả nước sẽ kết thúc năm học 2020 - 2021.
Với một số địa phương cho phép HS nghỉ hè sớm hơn tới cả chục ngày so mốc thời gian này, ông Thành cho biết đó là quyền chủ động của địa phương với điều kiện đã hoàn thành chương trình và đảm bảo đủ thời gian thực học tối thiểu mà Bộ quy định với mỗi cấp học. Mốc thời gian 31.5 là muộn nhất chứ không phải quy định cứng của Bộ.
Hơn 1.000 học sinh bị cách ly tại nhà sẽ ra sao?
Giáo viên, phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Pleiku (Gia Lai) lo lắng khi hơn 1.000 HS của trường bị cách ly tại nhà trong lúc kỳ thi cuối kỳ đang đến.
Theo Phòng GD-ĐT TP.Pleiku, nếu kết quả xét nghiệm 2 trường hợp F1 âm tính lần 2 thì dự kiến ngày 10.5 tới, các HS sẽ được đi học trở lại.
Bà Mai Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết nếu cách ly dài ngày thì trường sẽ tổ chức học trực tuyến. Do còn vài ngày nữa là đến kỳ thi nên thầy cô sẽ chỉ ôn lại bài cũ, chứ không dạy bài học mới qua mạng cho các em. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chỉ có hơn 50% HS có điện thoại thông minh, máy tính để học bài ở nhà, nếu học trực tuyến cũng sẽ gặp khó khăn trong quá trình tiếp thu bài vở.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 8.5, ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Pleiku, cho biết: "Nếu trường hợp nghỉ dịch dài ngày, chúng tôi sẽ cho học trực tuyến, triển khai ôn tập, học đến đâu thi đến đó".
Trần Hiếu
Với các địa phương, nhà trường chưa hoàn thành bài kiểm tra học kỳ, ông Thành cho biết việc lựa chọn hình thức kiểm tra nào hoàn toàn phụ thuộc vào quyền chủ động của các cơ sở giáo dục. Các địa phương hoàn toàn không phải báo cáo xin ý kiến của Bộ về việc này. "Bộ GD-ĐT chỉ quy định về mặt nguyên tắc là phải tổ chức kiểm tra định kỳ để đánh giá kết quả sau mỗi học kỳ của HS chứ không thể chọn hình thức xét", ông Thành nói.
Về việc tổ chức kiểm tra trực tuyến, ông Thành cho hay các trường được áp dụng hình thức này trong tình huống bất khả kháng, khi HS không thể đến trường để dự thi trực tiếp nhưng các trường, sở GD-ĐT trước đó đã phải xây dựng ngân hàng câu hỏi đạt chuẩn, đề thi phải thiết kế phù hợp để đánh giá đúng năng lực HS, có biện pháp theo dõi quá trình làm bài của các em.
Được biết từ ngày 16.5, Thông tư 09 của Bộ GD-ĐT quy định về kiểm tra trực tuyến mới có hiệu lực.
"Lấp ló" gian lận thi trực tuyến: Trả gia sư 300 - 500 nghìn đồng/môn thi Do dịch Covid-19 phức tạp, việc học và thi của học sinh ở một số địa phương chuyển sang trực tuyến. Tuy nhiên, thi trực tuyến đã nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó "lấp ló" sự gian lận. Từ ngày 16/5 này, thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học...