Thi tốt nghiệp THPT 2022: Không thi chung đề, chung đợt nữa?
Sau khi Bộ GD-ĐT thông báo về phương án thi tốt nghiệp THPT, một số cơ sở giáo dục đặt ra những câu hỏi đề nghị Bộ GD-ĐT làm rõ.
Khung thời gian tổ chức thi thay vì ấn định ngày thi?
Thông báo của Bộ GD-ĐT khẳng định: kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Tuy nhiên, một số câu chữ chưa rõ ràng trong thông báo này đang khiến các cơ sở giáo dục băn khoăn, đặt câu hỏi.
Nếu như kỳ thi từ năm 2021 trở về trước, phương án thi THPT luôn ấn định ngày thi sẽ diễn ra trong 2 hoặc 3 ngày kèm theo mốc thời gian cụ thể để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trong thông báo phát đi tối qua về kỳ thi năm 2022, Bộ GD-ĐT nêu: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian tổ chức thi do Bộ GD-ĐT quy định. Thời gian tổ chức kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương”.
Một số lãnh đạo Sở GD-ĐT phía bắc đặt câu hỏi: “khung thời gian tổ chức thi” và việc các tỉnh có thể điều chỉnh thời gian thi ở đây nên được hiểu như thế nào? Phải chăng kỳ thi sẽ giao về cho địa phương hoàn toàn, địa phương được chọn thời gian thi phù hợp sau khi kết thúc năm học?
Nếu như vậy thì kỳ thi năm nay sẽ thay đổi cơ bản chứ không phải “cơ bản giữ ổn định như năm 2021″ theo thông báo mà Bộ GD-ĐT mới phát đi.
Những băn khoăn về thời gian và cách thức ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cần Bộ GD-ĐT giải đáp – NGỌC THẮNG
Video đang HOT
Bộ GD-ĐT có ra đề thi nữa không?
Thông báo của Bộ GD-ĐT nêu: “Bộ GD-ĐT xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi, công bố đề thi tham khảo; hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để tổ hợp thành các đề thi bằng phần mềm chuyên dụng, cung cấp cho các địa phương tổ chức thi, bảo đảm cân bằng giữa các vùng miền, các tỉnh và giữa các đợt thi (nếu tổ chức nhiều đợt thi)”.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên , bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hoà ( Hà Nội), chia sẻ: “Tôi đọc thì hiểu rằng có thể năm 2022 Bộ GD-ĐT sẽ không ra đề thi để áp dụng chung cho toàn quốc nữa mà Bộ chỉ xây dựng ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi minh hoạ và các địa phương căn cứ vào đề để ra đề cho địa phương mình”.
Theo bà Nhiếp, nếu đúng như vậy thì đây cũng là một thay đổi rất lớn và sẽ có nhiều vấn đề đặt ra cần làm rõ hơn để đảm bảo đề thi “cân bằng giữa các vùng miền, các tỉnh và giữa các đợt thi…” như thông báo của Bộ GD-ĐT.
Câu hỏi của bà Nhiếp cũng là băn khoăn của không ít các cơ sở giáo dục sau khi đọc thông báo của Bộ GD-ĐT về phương án thi tốt nghiệp THPT. Nhiều ý kiến góp ý: việc công bố phương án thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều thời gian chuẩn bị trước đó, năm học đã bắt đầu hơn 1 tháng và dư luận đang rất trông chờ. Lẽ ra, Bộ GD-ĐT nên công bố rõ ràng, cụ thể những thay đổi ấy để tránh những thắc mắc, phỏng đoán; các cơ sở giáo dục cũng rõ phương án để chuẩn bị tốt hơn.
Phóng viên Báo Thanh Niên cũng đã chuyển những băn khoăn này tới Bộ GD-ĐT và sẽ sớm cập nhật thông tin tới bạn đọc khi có trả lời chính thức từ phía Bộ.
Phương án nào cho kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm tới?
Bộ GD-ĐT tuyên bố từ năm 2022 sẽ thi tốt nghiệp THPT theo phương án của giai đoạn mới, nhưng phương án này như thế nào vẫn chưa có khiến các trường THPT rất sốt ruột.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại TP.HCM - ĐỘC LẬP
Thầy, trò cần biết càng sớm càng tốt
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ mới ký ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021 - 2022.
Thông tin đáng chú ý nhất trong văn bản này liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đó là: "Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022 - 2025, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh (HS), có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông".
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định năm 2022 sẽ là bước đi đầu, khả năng sẽ là năm có bước giao thời, chuẩn bị cho đổi mới toàn diện hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH vào năm sau. Kịch bản đổi mới sẽ được lấy ý kiến và hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải nội dung trên, câu hỏi nhiều nhất của bạn đọc là "phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022 - 2025" có nội dung ra sao, đổi mới như thế nào so với trước? Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết phương án đang xây dựng nên chưa thể thông tin, sớm nhất trong tháng 10 mới công bố.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), dùng từ "mong lắm lắm" khi nói về việc Bộ cần sớm công bố phương án đổi mới thi cử cho năm tới. Theo bà Nhiếp, việc đổi mới thi tốt nghiệp rất có thể sẽ kéo theo thay đổi lớn trong tuyển sinh ĐH và thực tế phần lớn HS, đặc biệt là HS ở thành thị chỉ quan tâm chủ yếu vào phương án tuyển sinh của các trường ĐH ra sao. Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT thay đổi lớn khiến các trường ĐH tốp trên không dùng kết quả kỳ thi để tuyển sinh nữa thì các trường sẽ có phương án riêng.
Phần lớn học sinh các địa phương trong cả nước bước vào năm học mới bằng cách học trực tuyến - ĐÀO NGỌC THẠCH
Dạy học trong dịch bệnh, đổi mới lớn thi cử có nên không \?
Bà Nguyễn Thị Nhiếp cũng cho rằng mấy năm gần đây nhiều trường ĐH đã có những phương thức riêng để tuyển sinh và việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong những phương án đó. Do vậy, HS của Trường THPT Yên Hòa phần lớn đã chuẩn bị trước các điều kiện theo quy định trong từng phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH thay vì chỉ "trông chờ" vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cũng cho rằng năm 2020 từ kỳ thi "THPT quốc gia" với 2 mục đích công nhận tốt nghiệp cho HS và tuyển sinh ĐH, CĐ chuyển sang kỳ thi "Tốt nghiệp THPT" với mục đích chính là công nhận tốt nghiệp cho HS, nhưng vẫn tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ lấy đó làm căn cứ tuyển sinh. Vì vẫn còn mục tiêu thứ hai nên đề thi đòi hỏi có tính phân hóa theo 4 mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao).
Do dịch Covid-19, Bộ đã 2 lần tinh giản chương trình và giảm độ khó của đề thi. Mục tiêu thứ nhất đạt được, nhưng mục tiêu thứ hai thì bị ảnh hưởng khiến tổ hợp điểm xét tuyển ĐH, CĐ cao vọt lên, bình quân 9 điểm/môn mà vẫn trượt ĐH. "Dẫu sao, những giải pháp của Bộ trong 2 năm 2020 và 2021 để ứng phó với việc chống dịch là cần thiết", ông Khang nói và cho rằng chưa nên có sự đổi mới căn bản, lâu dài kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm 2022.
"Trước mắt, Bộ cần rút kinh nghiệm 2 kỳ thi tốt nghiệp trong dịch bệnh vừa qua, để xây dựng các phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho phù hợp. Dịch Covid-19 chưa bị đẩy lùi, nó có thể phá vỡ mọi phương án tốt đẹp dự kiến cho lâu dài", ông Khang nói.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học bằng phương thức học bạ - ĐÀO NGỌC THẠCH
Nên tách bạch thi tốt nghiệp và tuyển sinh
GS-TS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, tiếp tục nhắc lại quan điểm về việc thi tuyển sinh ĐH và thi tốt nghiệp là 2 kỳ thi khác nhau với mục đích khác nhau, nên không thể tổ chức một kỳ thi để sử dụng cho 2 mục đích như hiện nay. Bộ cũng đã nhận thức ra điều này nên 2 năm nay đã quy định kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích chính là xét tốt nghiệp, giao quyền chủ động cho các địa phương nhiều hơn, việc sử dụng kết quả này để tuyển sinh ĐH là quyền tự chủ của các trường ĐH.
Dù đã nói rằng không còn kỳ thi "2 trong 1", nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn mang tính "bình mới rượu cũ". Lỗi do cả Bộ và các trường ĐH. Bộ ra đề thi, tổ chức thi vẫn là tính chất của kỳ thi tốt nghiệp, nhưng các trường ĐH sử dụng kết quả này để xét tuyển thì đã dùng sai mục đích. Do vậy, GS Đào Trọng Thi cho rằng Bộ giao quyền nhiều hơn cho các địa phương trong kỳ thi này vì quan niệm đây là kỳ thi tốt nghiệp, phục vụ mục đích xét tốt nghiệp. Như hiện nay mục đích của kỳ thi đang không được xác định rõ ràng.
"Theo quan điểm của tôi, để xét tuyển ĐH, tương lai cần xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập, đánh giá khách quan, Bộ chịu trách nhiệm xây dựng các bộ đề thi chuẩn hóa, giao cho các trung tâm sử dụng trong kỳ thi. Các trường ĐH sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực này để tuyển sinh. Các trung tâm khảo thí có thể do các trường ĐH hoặc chính hiệp hội các trường ĐH thành lập, hoạt động độc lập. Về kỳ thi tốt nghiệp, nên giao cho các địa phương tổ chức", GS Đào Trọng Thi đề xuất. .
Sốt ruột chờ phương án thi tốt nghiệp Đó là tâm trạng của học sinh, phụ huynh và cả giáo viên đang giảng dạy lớp 12 tại các trường THPT trong cả nước. Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - Ảnh: QUANG ĐỊNH "Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 không hiểu Bộ GD-ĐT sẽ chốt thế nào, có sử dụng điểm thi để xét tuyển đại học...