Thí sinh không nên mất nhiều thời gian vào việc đăng ký nguyện vọng lần đầu?
Hôm nay (27.4) là ngày đầu tiên thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển ĐH, nhưng nhiều học sinh băn khoăn có ý kiến cho rằng ‘đăng ký nguyện vọng lần đầu chỉ là bản nháp, đừng mất quá nhiều thời gian với nó’.
Học sinh đặt câu hỏi trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức – ĐÀO NGỌC THẠCH
“Suy nghĩ rất nguy hiểm”
Nguyễn Thanh Hương, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú (TP.HCM), cho biết mình vừa đọc được một lời khuyên về đăng ký nguyện vọng từ Facebook của một giáo viên khá nổi tiếng và có sức ảnh hưởng đến nhiều phụ huynh và học sinh trên mạng xã hội.
Cụ thể, người giáo viên này cho rằng: “Đăng ký nguyện vọng lần đầu không quá quan trọng. Thầy thấy mấy hôm nay các bạn vật vã, trăn trở với vấn đề đăng ký nguyện vọng quá. Trời ơi, không quan trọng lắm đâu. Đăng ký lần đầu chỉ là bản nháp thôi. Đằng nào sau khi thi xong thì cũng hơn 90% các bạn lại thay đổi hết tất cả nguyện vọng cho mà coi. Cho nên đừng có mất quá nhiều thời gian với nó. Cứ tập trung hết cỡ cho việc học và ôn thi đi. Không tin thì cứ hỏi các anh chị sinh năm 2000, 2001, 2002 mà xem”.
“Em không biết là thầy khuyên như vậy là chính xác hay chưa, em có nên đăng ký ‘đại’ hay không vì sau này còn được chỉnh sửa”, Hương cũng như nhiều học sinh khác băn khoăn.
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, lưu ý: “Đó là một quan điểm rất dễ khiến thí sinh nhầm lẫn, dẫn đến việc đăng ký lần đầu cho xong chuyện”.
Theo thạc sĩ Trần Vũ, trong những năm qua có rất nhiều thí sinh mang tâm lý đăng ký nguyện vọng lần đầu cho xong, vì đằng nào cũng sẽ có cơ hội điều chỉnh để tập trung ôn luyện thi cử, nhưng suy nghĩ này sẽ rất nguy hiểm.
“Thứ nhất, việc xác định các nguyện vọng là dựa trên quá trình tìm hiểu, đánh giá năng lực bản thân và định hướng việc làm tương lai. Tức là nếu một bạn thí sinh chưa biết mình thích gì, chưa biết mình phù hợp điều gì thì đăng ký một nguyện vọng cũng sẽ như cả trăm nguyện vọng. Vấn đề không phải là chọn ngành nào để có cơ hội được xét tuyển, mà vấn để là bạn có thực sự đầu tư nghiêm túc với nó để phát triển bản thân mình hay không”, thạc sĩ Trần Vũ nói.
Thạc sĩ Vũ cảnh báo việc đặt thứ tự ưu tiên các nguyện vọng tuy nói là có thể điều chỉnh trong tương lai, nhưng nếu thí sinh không có sẵn các phương án dự phòng thì cũng không chắc là đã sẵn sàng cho việc điều chỉnh này thì điều này sẽ dẫn đến tình huống thay đổi kiểu cuống cuồng, đối phó với tình thế.
“Hơn nữa, việc điều chỉnh nguyện vọng không phải lúc nào cũng có lợi vì đó là một chiến thuật trong một cuộc “đánh cược” với tương lai bản thân, chứ không phải hoàn toàn “hên xui”. Trên thực tế, tuy có rất nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, nhưng phương thức trúng tuyển nhiều nhất vẫn là theo kết quả thi THPT, và đó là cơ hội cuối cùng khi bạn đã “rớt” các phương thức còn lại. Một lưu ý cuối là năm nay khác với các năm trước, nếu thí sinh đăng ký nguyện vọng theo phương thức phiếu trực tiếp thì “bút sa gà chết”, không có sự tính toán kỹ và điền thông tin không chuẩn xác có thể gây ra hệ quả sau này. Chính vì thế, hãy cân nhắc kỹ lưỡng khi đăng ký nguyện vọng ngay trong lần đầu tiên này”, thạc sĩ Vũ chia sẻ.
Chính xác ngay từ đầu để tránh bối rối về sau
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng quan điểm mà giáo viên đăng lên mạng xã hội chỉ đúng một phần, ở chỗ là nếu sai thì thí sinh sau này còn cơ cơ hội điều chỉnh nguyện vọng.
“Tuy nhiên, nếu cho rằng đăng ký lần đầu không quan trọng là sai. Các em cần đăng ký chính xác từ những thông liên quan đến quyến lợi của mình như ưu tiên theo khu vực, ưu tiên theo đối tượng, cho đến đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Nếu thí sính có sự tham khảo và nắm bắt các thông tin về ngành nghề, điểm chuẩn những năm gần đây, môi trường học tập… để cân nhắc lựa chọn đúng ngày từ đầu, thì sau này sẽ không mất thời gian điều chỉnh với những thủ tục phức tạp, chưa kể phải mất thêm lệ phí”, tiến sĩ Nhân nêu quan điểm.
Tiến sĩ Nhân còn lưu ý chỉ khi nào mức điểm của thí sinh quá chênh lệch so với dự kiến ban đầu, thì lúc đó thí sinh mới cân nhắc để thay đổi lại nguyện vọng. “Nhưng sự thay đổi nếu có thì chỉ là xem tổ hợp môn nào có mức điểm cao nhất, và với mức điểm đó thì phù hợp với trường nào hơn, còn ngành học thì các em nên giữ nguyên, không nên vì muốn đậu ĐH mà thêm “đại” một ngành học mình không yêu thích. Rất nhiều em rơi vào tình huống này và thêm “đại” như thế, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của các em”, tiến sĩ Nhân nhìn nhận.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng khuyên thí sinh ngay từ bây giờ phải xác định rõ ngành học mình đăng ký.
“Việc không suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng ngay từ đầu sẽ khiến các em lựa chọn sai lầm và với tâm thế đó thì chưa chắc đến khi điều chỉnh nguyện vọng các em đã có đủ thời gian và sự thận trọng để lựa chọn đúng. Hãy xác định chắc chắn ngành mình yêu thích và phù hợp với sở trưởng, năng lực trước, để sau này hạn chế phải chỉnh sửa. Nếu sau này điểm không như mong muốn thì các em chỉ cần thay đổi trường ĐH còn ngành vẫn giữ nguyên”, thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho hay.
Nên học ngành nào giai đoạn này?
Nhiều băn khoăn về lựa chọn ngành nghề của học sinh các trường THPT trên địa bàn Gò Công (Tiền Giang) đã được giải đáp cặn kẽ trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức sáng qua (10.4).
Học sinh đặt nhiều câu hỏi về ngành nghề, cơ hội việc làm tương lai - NGỌC DƯƠNG
Chọn ngành có học phí thấp, ra trường có việc làm không ?
Ngay đầu chương trình, một học sinh (HS) Trường THPT Trương Định (Tiền Giang) đặt câu hỏi khá thú vị: "Chọn ngành có học phí thấp ra trường có việc làm không?". Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết tùy vào lựa chọn và điều kiện tài chính gia đình mà HS có thể chọn chương trình học với mức học phí khác nhau. "Dù khác nhau về điều kiện học tập nhưng yếu tố quyết định việc làm lại phụ thuộc vào chính sự nỗ lực của người học, không hoàn toàn do học phí.
Thông tin thêm về học phí, tiến sĩ Nguyễn Đăng Thuấn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết hiện sinh viên các ngành đào tạo giáo viên không phải đóng học phí, các ngành còn lại học phí trên 10 triệu đồng/năm. "Trường hiện đang thu mức học phí thấp, theo quy định dành cho trường chưa tự chủ tài chính. Dù vậy, theo một thống kê của trường, trong 2 năm gần nhất tỷ lệ sinh viên có việc làm tại trường đạt tới 94%", ông Thuấn thông tin.
Học sinh Trường THPT Trương Định tham gia đặt nhiều câu hỏi trong buổi tư vấn - NGỌC DƯƠNG
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thông tin thêm sinh viên theo học ngành sư phạm theo quy định mới ngoài việc không phải đóng học phí còn được hỗ trợ sinh hoạt phí nếu cam kết ra trường phục vụ ngành giáo dục. Các ngành còn lại học phí khoảng 10 - 12 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, ngoài học phí còn nhiều chi phí khác trong quá trình học tập và học phí cao sẽ được thụ hưởng các điều kiện dịch vụ tốt hơn.
Trong khi đó, HS Nguyễn Phạm Quốc Bảo, Trường THPT Trương Định, Tiền Giang, băn khoăn có thể đăng ký cùng 1 ngành của 1 trường bằng nhiều phương thức không? Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ khẳng định hoàn toàn có thể được. Hiện nay đa số các trường ĐH đều sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển. Thí sinh có thể đăng ký và trúng tuyển đồng thời nhiều phương thức khác nhau vào cùng 1 ngành của 1 trường. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được chọn 1 phương thức để xác nhận nhập học bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc và duy nhất để nộp.
Tiếp tục đặt câu hỏi sau giờ tư vấn - NGỌC DƯƠNG
"Có những thí sinh điểm cao vẫn rớt từ kết quả kỳ thi THPT do không lường được điểm chuẩn trúng tuyển phương thức này bị đẩy lên cao như vậy. Năm vừa qua là một minh chứng cụ thể nhất cho trường hợp này. Do vậy cần cân nhắc thật kỹ về việc lựa chọn để xác nhận nguyện vọng căn cứ vào ngành học mình yêu thích, cơ hội phát triển nghề nghiệp và thăng tiến trong tương lai. Có nhiều cơ hội lựa chọn nhưng lựa chọn thế nào cho tương lai là quyền của mình, đừng để bị tác động bởi bất kỳ ai", tiến sĩ Phạm Tấn Hạ khuyên.
Kinh doanh trực tuyến đang phát triển mạnh
HS Xuân Diệu, Trường THPT Trương Định, Tiền Giang hỏi: "Hiện dịch bệnh Covid-19 kéo dài, kinh doanh trực tuyến đang phát triển mạnh. Em muốn làm tốt công việc này thì học ngành và trường nào?". Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, khuyên để trở thành một cử nhân kinh doanh trực tuyến thì ngành học sát nhất là thương mại điện tử. Ở ngành này, sinh viên vừa học kinh doanh, vừa học kiến thức về kỹ thuật và đòi hỏi nhiều khả năng công nghệ. Ngoài ra, một số trường có mở ngành digital marketing cũng là ngành học HS có thể lựa chọn. "Để theo học ngành nghề này, HS cần có sự đam mê về công nghệ và thích kinh doanh, trong đó có thể không đòi hỏi cao về yếu tố giao tiếp", tiến sĩ Nhân lưu ý.
"Quản trị du lịch và khách sạn đang "nóng" nhưng độ tuổi làm việc ngắn. Vậy, sau đó muốn làm việc khác có liên quan với ngành nghề thì làm công việc gì?" là một băn khoăn HS đặt ra trong chương trình. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đánh giá đây là câu hỏi rất thực tế.
Theo ông Hạ: "Hiện do dịch Covid-19 nên ngành nghề này có những lúc gần như đứng yên. Ngành nào cũng có tuổi chứ không chỉ du lịch. Nhưng sau 5 - 10 năm đi làm có thể đặt khát vọng phát triển tới vị trí cao hơn chứ không chỉ là một nhân viên, một hướng dẫn viên bình thường. Muốn vậy cần có nỗ lực, có sự dấn thân thậm chí sự hy sinh trong nghề nghiệp".
Thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu phó Trường THPT Trương Định (Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang), đặt câu hỏi cho ban tư vấn - NGỌC DƯƠNG
"Có nên học ngành ngôn ngữ trong giai đoạn này hay không?" là một câu hỏi của HS Bảo Ngọc (Trường THPT Gò Công, Tiền Giang). Thạc sĩ Lê Phan Quốc khẳng định việc đầu tư ngôn ngữ là rất nên. Trong đó có 2 hướng hoặc đi sâu vào ngôn ngữ đó hoặc tiếp cận ngôn ngữ để làm nền trong khi chọn một lĩnh vực chuyên môn khác. Các trường hiện vẫn đang đào tạo song ngành, bên cạnh ngành thứ nhất, có thể học thêm ngành thứ hai sau để ra trường nhận 2 bằng ĐH.
Phân tích thêm, GS-TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng với sự phát triển mạnh của công nghệ hiện nay, việc dịch một văn bản tự động qua máy móc diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên ngành ngôn ngữ Anh nói riêng và nhiều ngành nghề khác không biến mất mà sẽ có sự thay đổi để đạt được hiệu năng cao hơn. Khi đó, các trường ĐH phải có sự thay đổi kịp thời chương trình đào tạo để sinh viên ra trường đáp ứng được sự thay đổi trên. Như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hiện ngoài ngành học robot và trí tuệ nhân tạo, trường đang "nhúng" môn học liên quan đến trí tuệ nhân tạo vào chương trình học của tất cả các ngành nghề khác.
Báo Thanh Niên xin cảm ơn các nhà tài trợ: Vingroup, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam, Công ty Vietravel đã đưa đón đoàn tư vấn. Xin cảm ơn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trao 5 suất học bổng Nguyễn Thái Bình cho HS học giỏi, vượt khó, mỗi suất 1 triệu đồng và cảm ơn Ban Giám hiệu Trường THPT Trương Định (Tiền Giang) đã hỗ trợ để tổ chức thành công chương trình.
Học ngành gì ứng dụng công nghệ vào cuộc sống ? Trong số gần 5.000 học sinh tham gia chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức, rất nhiều học sinh đã đặt những câu hỏi cụ thể, rõ ràng về những ngành học có thể ứng dụng vào cuộc sống. Học sinh Đà Lạt hào hứng tham gia chương trình Tư vấn mùa thi diễn...