Thí sinh diện F0 được miễn thi tốt nghiệp THPT, F1 bố trí điểm thi riêng
Theo thống kê từ các Sở GD&ĐT, tính đến hết ngày 26/5, cả nước có 412 thí sinh là các F0, F1. Trong đó có 18 thí sinh diện F0, 394 thí sinh là F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam và Điện Biên.
Ngày 27/5, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT chủ trương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giữ ổn định về phương thức như năm 2020. Theo kế hoạch, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức vào các ngày 7-8/7/2021.
Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT cho biết: Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021; ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT, Kế hoạch tổ chức Kỳ thi.
Mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi được triển khai tích cực thời gian qua. Đề thi tham khảo của 15 môn thi đã được Bộ GD&ĐT công bố vào ngày 31/3, giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh có định hướng phù hợp trong dạy, học, ôn tập để chuẩn bị tham gia kỳ thi.
Ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn bị bảo đảm yêu cầu, quy trình và số lượng phục vụ công tác thi và tổ chức kỳ thi. Phần mềm quản lý thi (phục vụ đăng ký, tổ chức thi, hỗ trợ tuyển sinh) và phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được đánh giá để trước khi tập huấn, sử dụng theo kế hoạch. Thí sinh đã hoàn thành đăng ký dự thi (từ ngày 27/4 đến hết ngày 11/5). Công tác đăng ký dự thi được triển khai thuận lợi, bảo đảm tiến độ.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục phối hợp với các địa phương để kịp thời hỗ trợ các vấn đề phát sinh (nếu có) nhằm bảo đảm quyền lợi cho thí sinh.
Bộ GD&ĐT khẳng định, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 trong năm học 2019-2020 và 2020-2021 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay.
Tại hội nghị, ý kiến các địa phương đều cho thấy, các địa phương đã chủ động xây dựng phương án tổ chức kỳ thi nếu tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn. Lực lượng làm nhiệm vụ và học sinh dự thi tại các điểm thi phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của ngành y tế. Tất cả điểm thi, cán bộ tham gia công tác thi và thí sinh phải thực hiện các giải pháp phòng dịch như: Phun khử khuẩn phòng thi; áp dụng 5K, trong đó chú trọng việc không tụ tập đông người, giãn cách trong phòng thi, đo thân nhiệt, trang bị cồn rửa tay tới từng phòng thi, có bộ phận y tế và đầy đủ vật tư y tế cần thiết.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, đến hết ngày 26/5, cả nước có 18 học sinh lớp 12 mắc COVID-19 (F0), 394 F1, chủ yếu ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam và Điện Biên. Con số này có thể thay đổi trong thời gian tới. Bộ GD-ĐT đã xây dựng kịch bản để ứng phó với các tình huống, đồng thời yêu cầu các tỉnh thành có kịch bản cụ thể dựa trên thực tế địa phương, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Video đang HOT
Ngành giáo dục địa phương sẽ phối hợp với ngành y tế, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 để rà soát F0, F1, F2 nhằm có giải pháp xử lý, đảm bảo tối đa quyền lợi cho các em. Những thí sinh diện F0, không thể dự kỳ thi này sẽ được xét tốt nghiệp tương tự trường hợp bị ốm đau, tai nạn đột xuất. Thí sinh F1 sẽ được bố trí thi ở điểm riêng. Nếu xa địa điểm cách ly, địa phương tính toán đưa đón thí sinh bằng ô tô riêng và chống lây nhiễm chéo. Thầy cô và học sinh có thể phải mặc bảo hộ, tương tự ở Đà Nẵng năm ngoái. Với F2, các điểm thi sẽ bố trí phòng thi riêng. Đặc biệt, mỗi điểm thi đều có các phòng thi dự phòng. “Bộ GD&ĐT khuyến khích địa phương có nguồn lực và kinh phí có thể xét nghiệm cho thí sinh dự thi”, ông Mai Văn Trinh nói.
Bộ GD&ĐT cho rằng, chúng ta đã có kinh nghiệm của kỳ thi năm 2020, khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và phải chia làm hai đợt. Chủ trương hiện nay của Chính phủ là chủ động khống chế dịch nhưng không ngừng các hoạt động kinh tế, xã hội, do đó Bộ GD&ĐT cũng quyết tâm tổ chức kỳ thi theo hướng an toàn, nghiêm túc. Chỉ trường hợp bất khả kháng với số lượng F1 và phạm vi bùng dịch lớn hơn, chúng ta mới tổ chức thêm đợt thi.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường nhấn mạnh Bộ sẽ phối hợp chặt vẽ với Thanh tra Chính phủ triển khai công tác thanh tra, kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT. Thanh tra Chính phủ cử lãnh đạo tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và có văn bản hướng dẫn Thanh tra các tỉnh. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thanh tra đột xuất đến tất cả những địa phương, những vùng, những khâu có vấn đề.
Năm 2021, Bộ sẽ huy động tối đa lực lượng đã tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra. Bộ sẽ tiến hành tập huấn cho cốt cán là thanh tra nội bộ và lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học (dự kiến 200 cơ sở) về nội dung kiểm tra công tác coi thi, trên cơ sở đó các cơ sở giáo dục đại học tổ chức tập huấn đến tất cả cán bộ giảng viên được cử tham gia kiểm tra công tác coi thi; tập huấn cho cán bộ, công chức của Bộ và giảng viên cơ sở giáo dục đại học được điều động tham gia các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi, chấm thi và phúc khảo của Bộ GD&ĐT (khoảng 250 người).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân. Căn cứ mục đích tham dự Kỳ thi và Quy chế thi, thí sinh thuộc các đối tượng khác nhau sẽ đăng ký bài thi phù hợp quy định.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút 2 đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (các bài thi tổ hợp thi cùng một buổi).
Bắc Giang: Xem xét cả phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho học sinh cách ly
Sở GD&ĐT lên phương án chi tiết cho HS đủ điều kiện tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt 1 theo lịch của Bộ GD&ĐT, số HS còn lại sẽ thi đợt 2 và xem xét cả phương án tổ chức thi cho HS đang phải cách ly...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn phát biểu.
Ngày 24/5 Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Bắc Giang đã họp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thành viên BCĐ về kế hoạch tổ chức kỳ thi.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Bắc Giang Mai Sơn chủ trì.
Năm 2021, toàn tỉnh Bắc Giang tổ chức 1 Hội đồng thi cho các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh Bắc Giang do Sở GD&ĐT chủ trì.
Hội đồng thi dự kiến tổ chức coi thi tại 37 điểm thi ở tất cả các huyện, thành phố (tăng 2 điểm thi so với năm 2020) với 908 phòng thi. Số cán bộ, giáo viên coi thi dự kiến khoảng 3.700. Trong đó, số cán bộ giáo viên THCS khoảng 1.000.
Theo số liệu thống kê, năm 2021 tỉnh Bắc Giang có khoảng trên 21 nghìn thí sinh dự thi. Cụ thể, toàn tỉnh có 21.012 thí sinh đăng ký dự thi, gồm 17.821 thí sinh giáo dục THPT, 3.191 thí sinh GDTX, 628 thí sinh tự do.
Phân loại theo nguyện vọng đăng ký dự thi, có 6.261 (29,80%) thí sinh chỉ có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. Có 14.168 (67,43%) thí sinh tham gia dự thi có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non. Có 583 (2,77%) thí sinh tham gia dự thi chỉ để lấy kết quả xét tuyển trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có GV, nhân viên và HS thuộc diện F0, F1, F2 và diện thuộc vùng phải cách ly, giãn cách xã hội. Do vậy, việc tổ chức coi thi gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu tại buổi họp.
Theo thống kê đến hết ngày 22/5, có 1 giáo viên cấp THPT mắc Covid; số cán bộ, GV thuộc diện phải cách ly y tế là 1.516 (F1 là 111; F2 là 542; diện trong vùng cách ly, giãn cách là 863).
Đối với HS lớp 12, có 9.147 em thuộc diện phải cách ly y tế (F0 là 1 HS; F1 là 141 HS; F2 là 2.586; diện trong vùng các ly, giãn cách là 6.419).
Thực tế này tạo ra khó khăn rất lớn cho ngành trong việc tổ chức kỳ thi, một số lượng lớn cán bộ, GV trong các khâu của kỳ thi đang phải cách ly nên nhân sự chuẩn bị cho kỳ thi sẽ bị thiếu hụt; hàng ngàn HS là F0, F1, F2, F3 đang bị cách ly ảnh hưởng đến chất lượng ôn tập và đến thời điểm thi có thể HS vẫn còn trong khu cách ly, phong tỏa .
Sở GD&ĐT cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo các đợt khác nhau. Trong đó, ở các địa phương là điểm nóng, cần có đợt thi riêng cho những HS đang phải cách ly, hoặc ở trong khu vực phong tỏa.
Trên thực tế, năm 2020, kỳ thi cũng phải tổ chức đợt thi thứ hai. Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng nhiều phương án, trong đó có phương án tổ chức nhiều đợt thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 6/7 đến ngày 9/7. Thí sinh sẽ đến phòng thi làm các thủ tục dự thi vào chiều ngày 6/7; 2 ngày thi chính thức là ngày 7 và 8/7.
Ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, kỳ thi năm nay là một kỳ thi đặc biệt, diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt khó khăn khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Bắc Giang là điểm nóng dịch Covid-19 của cả nước.
"Sở đã lên phương án chi tiết cho việc tổ chức kỳ thi. Trước hết, là tổ chức cho HS đủ điều kiện tham gia thi đợt 1 theo lịch tổ chức của Bộ GD&ĐT. Số HS còn lại sẽ tổ chức thi đợt 2 và xem xét cả phương án tổ chức thi cho HS đang phải cách ly hoặc trong vùng bị cách ly.
Sở sẽ chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương tổ chức kỳ thi trên địa bàn tỉnh an toàn nhất...", ông Nam thông tin.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của Sở GD&ĐT.
Do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, việc cần thiết trong thời điểm này là xem xét các phương án tổ chức thi trong bối cảnh có dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục cũng như ngành Y tế cùng xây dựng phương án chi tiết, hướng dẫn cụ thể cho việc tổ chức thi trong điều kiện có dịch bệnh giống như việc chúng ta đã lên phương án cho tổ chức bầu cử và đã tổ chức thành công.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng cần quán triệt cán bộ, GV, HS thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, hạn chế tối đa việc tiếp xúc, tổ chức tốt việc dạy học trực tuyến để nâng cao chất lượng kỳ thi.
Đồng thời, thường xuyên rà soát đối tượng GV, HS để nắm bắt, kịp thời điều chỉnh phương án tổ chức kỳ thi. Các ngành cần phải phối hợp nhịp nhàng, chi tiết hơn, tăng cường trách nhiệm để tổ chức kỳ thi trên địa bàn tỉnh nghiêm túc, khách quan, tuyệt đối an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các thành viên BCĐ tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công; tích cực phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức tốt kỳ thi. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, tích quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thí sinh, GV tham gia kỳ thi tại địa phương.
Các ngành công an, quân sự, giao thông, điện lực, y tế... căn cứ chức năng, nhiệm vụ để xây dựng phương án đảm bảo ANTT, ATGT, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm thi. Qua đó, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho thí sinh, cán bộ coi thi và người nhà thí sinh.
Đặc biệt, ngành Y tế phải đặt nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 lên hàng đầu bằng các phương án phòng, chống dịch riêng cho kỳ thi diễn ra trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Thi tốt nghiệp THPT được giữ ổn định: Thầy trò yên tâm dạy - học Việc giữ ổn định phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 như năm 2020 nhận được các ý kiến đồng thuận từ địa phương cũng như thầy trò các trường phổ thông. Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thể hiện rõ mục tiêu đổi mới. Ảnh minh họa Phương án thi nhẹ nhàng...