Thí sinh bỏ bê nhiều môn học, ‘đổ’ đi luyện IELTS
Với xu hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, ở một số nơi đã có hiện tượng thí sinh ‘ngó lơ’ nhiều môn học khác để tập trung luyện chứng chỉ này.
Thay vào đó, tỉ lệ chỉ tiêu bằng phương án xét tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp đang có xu hướng được các trường đại học tăng lên.
Một vài năm qua, chỉ có một vài trường “tiên phong”, song đến năm 2021, qua thống kê, cả nước đã có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT,… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng.
Thậm chí, mùa tuyển sinh 2021 vừa qua, những trường đại học nổi tiếng có điểm chuẩn cao ‘chót vót’ như Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện An ninh Nhân dân,… cũng lần đầu tiên “săn lùng” thí sinh giỏi ngoại ngữ.
Không ít học sinh bày tỏ băn khoăn khi các trường đại học đang có xu hướng cắt giảm các chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó là các chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp.
Chia sẻ với VietNamnet, Hiệu trưởng một trường THPT ở Hải Phòng cho hay, ngay tại trường mình, giáo viên nhiều môn cũng kêu vì học sinh “bỏ lơ” nhiều môn vì tập trung vào thi IELTS.
Tuy nhiên, theo vị này, cũng khó trách học sinh bởi tâm lý thi gì, tuyển sinh bằng gì thì học nấy là tâm lý chung của xã hội và là thực tế diễn ra ở nhiều nơi.
“Các trường đại học tốp đầu đương nhiên muốn tuyển những thí sinh đáp ứng năng lực công dân toàn cầu, theo xu hướng chung quốc tế. Mà trên thực tế, không phải cứ đổ tiền vào học là sẽ có kết quả IELTS cao và các em đó cũng phải có năng lực tốt.
Tôi cũng không đồng tình với cách nghĩ học sinh có chứng chỉ IELTS chỉ có giỏi ngoại ngữ. Chưa kể, các trường đại học cũng sử dụng phương thức kết hợp giữa IELTS và điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT chứ không phải chỉ kết quả IELTS”, vị này nói.
Vị này cho rằng, việc thay đổi tính chất kỳ thi tốt nghiệp THPT dẫn đến đề ra dễ đi nhiều, nên số thí sinh có điểm 27,28 cũng nhiều lên.
“Như vậy, với các trường đại học không đủ điều kiện và không nhất thiết tổ chức kỳ thi riêng thì việc họ tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng xét tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp cũng là điều tất yếu”.
Cũng theo vị Hiệu trưởng này, không phải đâu xa, hiện tượng có những học sinh ngậm ngùi vì việc các trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển thẳng và kết hợp như IELTS,… cũng diễn ra ở trường mình.
“Có nhiều em giỏi Toán, Vật lý, Hóa học,… nhưng không thể học ngoại ngữ.
Video đang HOT
Tuy nhiên chả bao giờ có phương thức hài lòng tất cả. Các trường đại học có quyền tự chủ và nếu mình là họ có lẽ cũng sẽ… làm giống họ thôi”.
Vì thế, Hiệu trưởng này kiến nghị để giải quyết chỉ còn cách Bộ GD-ĐT ra đề thi tốt nghiệp THPT phân hóa hơn để nhiều trường đại học tiếp tục lấy đó làm căn cứ tuyển sinh.
“Nếu xây dựng đề dễ cho việc học sinh kiếm điểm 1-7 và từ 8 trở lên khó thì lúc đó may chăng các trường đại học sẽ có những điều chỉnh lại”.
Tuy nhiên, đại diện nhiều trường đại học cho rằng các ngành đào tạo hiện vẫn được chia chỉ tiêu đối với từng phương thức xét tuyển nên thí sinh giỏi thực sự vẫn hoàn toàn có cơ hội.
Xét tuyển kết hợp IELTS là hợp lý
Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng cách nhìn nhận của các thí sinh như vậy là chưa đầy đủ, bởi với mỗi phương thức tuyển sinh, các trường đều chia một số chỉ tiêu nhất định.
“Ví dụ 100 chỉ tiêu, thì chia ra xét kết quả thi THPT, xét học bạ, xét IELTS. Nên trong 1 ngành, các thí sinh có thể trúng tuyển bằng các hình thức khác nhau. Do đó, dù tuyển sinh theo cách nào thì các thí sinh cũng đều có cơ hội cạnh tranh. Tuy nhiên, một lẽ đương nhiên rằng các trường như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân… thì nhiều học sinh có nguyện vọng nên việc điểm chuẩn cao là chắc chắn”.
Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội cũng nhận định trong bối cảnh hội nhập, việc các trường đại học đề cao ngoại ngữ trong tuyển sinh cũng là điều dễ hiểu, hợp lý.
“Thực tế những học sinh đạt chứng chỉ IELTS với điểm số cao không phải là chỉ biết đến Tiếng Anh. Bởi để đạt điểm số cao các em cũng phải có hiểu biết nhất định và tôi thấy nhiều em thi tốt nghiệp THPT cũng 26, 27 điểm chứ không phải là kém cỏi. Vậy khi đặt lên bàn cân so sánh, một học sinh có điểm thi cao với một học sinh điểm thi các môn tốt nghiệp thấp hơn một chút nhưng có ngoại ngữ thì khó nói bên nào hơn”, vị này nói.
“Ngoài ra, nhóm những trường như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Học viện Ngoại giao,… thì sau này khi vào trường, học sinh cần nhiều đến ngoại ngữ và Toán, chứ có cần gì nhiều đến kiến thức Vật lý, Hóa học đâu, do đó điểm xét tuyển tổ hợp Toán – Vật lý – Hóa học có cao cũng chẳng giải quyết được gì, chưa kể, giờ đây việc đạt điểm cao từ thi tốt nghiệp THPT không quá khó”.
Theo vị này, các học sinh cũng nên bỏ tư duy chạy theo thương hiệu top đầu của các trường đại học, mà quan trọng là chọn trường phù hợp với bản thân.
“Các em vẫn đang chạy theo xu hướng các trường điểm cao top đầu là Bách khoa, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, nhưng vào rồi, thực chất chưa chắc đã phù hợp với các em. Ví dụ không có ngoại ngữ thì các em vào các trường khác không đòi hỏi cao cái này, nhưng đâu có nghĩa là mất cơ hội vào đại học. Chưa kể học sinh vùng nông thôn cũng đã được cộng điểm ưu tiên khu vực”, vị này nói.
Với tính chất sống còn của các trường đại học trong bối cảnh tự chủ, vị này cho rằng, nếu phải mình, cũng sẽ lựa chọn hướng đi như vậy để trường đại học lấy được thí sinh phù hợp lĩnh vực đào tạo, tăng chất lượng đầu ra.
TS Đàm Quang Minh: Đa dạng phương thức tuyển sinh đại học 2022
TS Đàm Quang Minh cho rằng các trường đại học ngày càng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, giảm bớt chỉ tiêu cho việc xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
ĐH Kinh tế Quốc dân vừa dự kiến phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022. Điều đáng chú ý, chỉ tiêu dành cho việc xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 10-15%, giảm mạnh so với 50% năm 2021 và thấp nhất từ trước đến nay.
ĐH Kinh tế Quốc dân không phải trường duy nhất làm như vậy. Giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh bằng các phương thức được áp dụng tại nhiều trường, đặc biệt trường tốp đầu.
Thí sinh có thể vào đại học thông qua khoảng 15 phương thức xét tuyển. Tất nhiên, các em chỉ trúng tuyển một nguyện vọng. Ảnh minh họa: Việt Linh.
Trường tốp trên giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Năm 2022, ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển 6.100 chỉ tiêu, theo 3 phương thức gồm xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Trong đó, xét tuyển kết hợp gồm các nhóm đối tượng, cụ thể, thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, ACT; điểm thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP.HCM; điểm thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi Đánh giá năng lực; chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT; học sinh hệ chuyên trường THPT chuyên/THPT trọng điểm quốc gia kết hợp điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT; tham gia vòng thi tuần cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia hoặc đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh hay giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT.
ĐH Bách khoa Hà Nội cũng giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 50-60% năm 2021 xuống còn 10-20% năm 2022.
Trường sẽ tổ chức kỳ thi Đánh giá tư duy và dành 60-70% tổng chỉ tiêu cho phương thức này. Ngoài ra, thí sinh có thể xét tuyển tài năng, gồm xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT; chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level; kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.
Năm 2022, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục áp dụng hình thức xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT và A-Level cho tất cả chương trình đào tạo.
Ngoài việc không ít trường giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh năm 2022 còn thể hiện sự đa dạng trong phương thức. Thống kê sơ bộ từ những trường đã đưa ra dự kiến phương án tuyển sinh cho thấy thí sinh có gần 15 con đường để vào đại học, từ xét kết quả thi tốt nghiệp, xét học bạ đến xét chứng chỉ quốc tế, xét tuyển kết hợp...
Đặc biệt, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) còn kết hợp cả phỏng vấn ở phương thức tuyển sinh nhất định.
Cụ thể, trong xét tuyển tài năng, ĐH Bách khoa Hà Nội có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn. Thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và 12 đạt từ 8 trở lên.
Những thí sinh có thể đăng ký dự tuyển gồm được chọn thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Ngoại ngữ (lớp 10, 11, 12); được chọn tham dự cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức; học sinh hệ chuyên (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ) của các trường THPT và THPT chuyên trên toàn quốc hoặc thuộc các đại học.
Đối tượng dự tuyển cũng bao gồm thí sinh thi Đường lên đỉnh Olympia vòng thi tháng, quý, năm. Những em có chứng chỉ IELTS (academic) quốc tế 6.0 trở lên (hoặc tương đương) được đăng ký xét tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế - Quản lý.
Trong khi đó, ĐH Bách khoa TP.HCM dự kiến bổ sung phương thức xét kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn.
Với việc đa dạng hóa phương thức xét tuyển, thi tốt nghiệp THPT dần sẽ trở lại một kỳ thi bình thường. Ảnh: Việt Linh.
Tăng tuyển sinh theo hướng tiếp cận phương thức quốc tế
Đánh giá bức tranh tuyển sinh đại học năm 2022, TS Đàm Quang Minh, CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest, từng là Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Phú Xuân, cho rằng năm học này, các trường bắt đầu tách tốp rõ nét.
"Những trường thuộc tốp đầu đã tiếp cận phương thức tuyển sinh quốc tế và thấy rõ hiệu quả nên năm nay có xu hướng tăng cường theo hướng này. Khi xác lập theo phương thức đó, mức chuẩn cũng dần dần được đẩy cao hơn để có thể nhận những học sinh giỏi", ông nhận định.
Trong khi đó, TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục của Times School, cho rằng việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh là xu thế hiển nhiên khi các trường phải cạnh tranh nhau để tuyển sinh. Đây cũng là tín hiệu tốt, cần được khuyến khích.
TS Đàm Quang Minh nói thêm với việc đa dạng hóa phương thức xét tuyển, thi tốt nghiệp THPT dần sẽ trở lại một kỳ thi bình thường và ít áp lực, thực hiện đúng nhiệm vụ của việc xét tốt nghiệp cho học sinh THPT.
Tất nhiên, nhiều trường vẫn dựa vào đây để xét tuyển đại học và việc này cũng bình thường. TS Đàm Quang Minh cho rằng việc vào đại học ngày càng mở rộng là xu thế tất yếu của quá trình đại chúng hóa nhu cầu đại học của cả doanh nghiệp lẫn người học.
Ngoài ra, theo ông Minh, Bộ GD&ĐT cần xác định với các trường đại học, đặc biệt là trường cạnh tranh cao khối y dược, không nên sử dụng điểm thi THPT như là điều kiện duy nhất để tuyển sinh.
Thực tế, tháng 10 năm ngoái, Bộ GD&ĐT đã thông báo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022.
Trong đó, bộ khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển. Sau đó, trường cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.
Các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường/nhóm trường đại học đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ và chia sẻ, hỗ trợ trường khác có nhu cầu.
Tâm thư ngậm ngùi của thí sinh 2k4 khi tuyển sinh đại học 2022 dành 'vé ưu tiên' chứng chỉ ngoại ngữ Nhiều người cho rằng, các trường đại học ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS tạo ra sự bất bình đẳng đối với học sinh nông thôn. Từ 2017, các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL bắt đầu được sử dụng làm một trong những tiêu chí kết hợp để tuyển...